Nguyễn Chí Trai, tên thường dùng là Út Trai, sinh ngày 10/1/1946 tại ấp Phú Ân (ấp 5), xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Cha là Nguyễn Văn Đê, đi kháng chiến chống Pháp, vào Tự vệ chiến đấu tỉnh Trà Vinh, bị Pháp bắt và mất tích năm 1953. Mẹ là Châu Thị Cúc, trong một gia đình nghèo ở nông thôn, không có ruộng. Mẹ và các chị lớn đi làm mướn và buôn gánh bán bưng để kiếm sống. Hàng năm đến mùa, bà Cúc phải đi gặt mướn ở tận Ba Xuyên, Cà Mau. Vì nhà rất nghèo nên Út Trai sống rất cực khổ trong những ngày thơ ấu. Năm lên 10 tuổi, Nguyễn Chí Trai phải đi coi trâu, giữ vịt để có tiền phụ giúp gia đình.

Quê hương Út Trai có truyền thống về phong trào chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản bắt đầu từ năm 1930 và Khởi nghĩa Nam kỳ 1940. Nhiều người bị bắt, tù đày, bị bắn chết trong các cuộc biểu tình và trong các cuộc ruồng bố của giặc.

Nguyễn Chí Trai là một cậu bé thông minh và ham học, nhưng vì nhà nghèo nên đến năm 15 tuổi mới học hết lớp 5 trường làng, rồi phải bỏ học vì chiến tranh diễn ra ngày càng quyết liệt. Càng lớn lên, Út Trai càng được ảnh hưởng của cha, anh và của quê hương cách mạng. Út Trai có lòng yêu quê hương xứ sở tha thiết, lòng căm thù sâu sắc bọn áp bức bóc lột, bọn bán nước và bọn cướp dã man. Trong chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ – Diệm, người anh con của cậu bị giặc bắt, đánh đập và bắn chết. Chúng đẩy quê hương mình chìm ngập trong máu lửa và u tối. Nguyễn Chí Trai ngậm ngùi, xúc động xin mẹ thoát ly cùng các chú, các anh cầm súng đánh giặc. Lúc bấy giờ, phong trào “Đồng khởi” ở quê hương thật là sôi sục. Ở trong xóm, một số bạn bè, người thì lên thị trấn, thị xã hoặc đi học để tiến thân, một số khác lại vào giao liên, vào du kích đánh giặc.

Tháng 1/1962, Nguyễn Chí Trai vừa tròn 17 tuổi. Ý chí căm thù giặc đã thúc đẩy Út Trai từ giã mẹ già vào du kích. Mặc dù có người bảo : “Trai còn nhỏ dại, đợi vài năm nữa khôn lớn rồi hãy ra đi cho khỏi thua anh kém chị”, nhưng Út Trai vẫn kiên quyết ra đi. Vào du kích xã, Nguyễn Chí Trai đã cố gắng, miệt mài học tập, chịu khó rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước nên đã mau chóng xây dựng được bản lĩnh chiến đấu tốt. Trong nửa năm 1962, Út Trai chống càn 4 lần, diệt 5 tên địch, thu 5 khẩu súng, 6 lần đột nhập vào ấp chiến lược, 5 lần bắn tỉa vào đồn diệt 4 tên địch… Tổng kết cuối năm, Út Trai cùng Tiểu đội du kích xã đã đánh 48 trận lớn nhỏ, diệt 57 tên, thu 25 khẩu súng (riêng Út Trai diệt 19 tên, thu 5 khẩu súng).

Qua một năm chiến đấu ác liệt, chống kế hoạch bình định tát gom dân vào ấp chiến lược của địch, Nguyễn Chí Trai tỏ ra gương mẫu về quan điểm, đạo đức tốt, sống đoàn kết chan hòa với đồng đội, dũng cảm, táo bạo trong chiến đấu, chấp hành tốt Chỉ thị, Nghị quyết của Chi bộ, được cấp trên đề bạt Tiểu đội phó rồi Tiểu đội trưởng. Mỗi khi Út Trai xây dựng phương án tác chiến, đánh là chắc thắng, nên được cấp trên tin tưởng, quần chúng yêu mến. Đầu tháng 8/1963, Nguyễn Chí Trai được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí phấn đấu phát huy mọi sáng kiến, mưu mẹo, dũng cảm và táo bạo trong đánh địch. Lúc này, Trai được bổ nhiệm kiêm Tổ trưởng công binh đặc công xã, vừa đánh địch bằng bộ binh, vừa đánh địch bằng chất nổ. Đường lộ chiến lược Liên tỉnh lộ 70 (nay là Quốc lộ 53), đoạn cắt ngang qua Trung Ngãi dài 5 km, địch đóng 5 đồn, canh tuần rất nghiêm ngặt. Đặc biệt, trong năm 1963, quân địc đã lấn chiếm đóng đồn hầu hết các vùng nông thôn sâu trong xã. Chúng gom dân lập ấp chiến lược 3/8 ấp, gây biết bao khó khăn cho cán bộ và nhân dân, nhưng Út Trai cũng tìm ra kẽ hở để thọc sâu vào ấp chiến lược, đồn bót, tiêu hao sinh lực địch… Với phương châm “Bám sát địch đánh địch, thu vũ khí trang bị cho ta để xây dựng lực lượng võ trang mạnh”.

Do đó, lực lượng du kích xã do Út Trai chỉ huy, vũ khí được trang bị ngày càng mạnh hơn. Trong vòng 14 tháng (từ tháng 3/1963 đến tháng 5/1964), Nguyễn Chí Trai trực tiếp chỉ huy Tổ công binh đặc công đánh 96 trận bằng chất nổ, làm chết và bị thương 153 tên (trong đó chết 1 Thiếu tá, 2 Đại úy và 9 Thiếu úy), diệt 12 xe quân sự, sập 5 lần cầu, phá đứt 200 mét lộ giao thông Liên tỉnh lộ 70 (1), góp phần cùng quân dân trong xã liên tiếp nổi dậy, tiêu diệt, bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bót ở nông thôn, phá hầu hết các ấp chiến lược trong xã.

Tháng 6/1964, nhận quyết định đi học lớp công binh đặc công tỉnh Trà Vinh, địa điểm tận vùng Cầu Ngang – Duyên Hải. Lần đầu tiên Út Trai xa mẹ, xa quê hương, lòng thương mẹ già phải chịu bao khó nhọc. Trai là đứa con trai độc nhất, nay phải đi xa, giờ đây không còn điều kiện để giúp đỡ mẹ. Vì trách nhiệm chung, gia đình tạm gác lại, khăn gói lên đường vượt bao hiểm nguy vì đồn bót địch giăng kín, biệt kích chặn đường, phải luồn lách vượt qua hàng tháng trời mới tới địa điểm học tập.

Sau 4 tháng học tập lý thuyết và thực hành, phải chịu bao khó khăn ác liệt, thiếu cơm, nước mặn, B.52, pháo bầy dội vào căn cứ, sống – chết tính từng giờ, nhưng Út Trai vẫn học tập tốt, khi kiểm tra đều đạt loại xuất sắc. Đặc biệt có hai lần thực tập đánh đồn Cái Giá (Ngũ Lạc) và Cây Da (Long Khánh), Út Trai ôm mìn tiếp cận mục tiêu đúng điểm và đúng thời gian quy định, san bằng đồn, giành thắng lợi trọn vẹn, được Tỉnh đội Trà Vinh khen thưởng. Sau đó, Út Trai được điều về D.513 của Tỉnh đội, được bổ nhiệm Trợ lý công binh đặc công. Đồng chí bắt tay ngay vào chiến đấu, góp phần cho đơn vị mũi nhọn tỉnh phục vụ bộ binh chiến đấu thắng lợi.

Tháng 11/1964, Tiểu đoàn 513 được lệnh chuyển địa bàn về hoạt động tuyến giáp Vĩnh Long – Trà Vinh, mở mũi cho bộ binh chuyển vùng mở rộng địa bàn. Trong khi chờ đợi xây dựng phương án tác chiến, Út Trai nghe tin mẹ đau nặng và người chị ruột ở chung với mẹ bị giặc càn bắn chết, để lại hai đứa con còn bú. Út Trai xin phép về thăm mẹ. Trước tình cảnh khó khăn của gia đình, Út Trai không còn cách nào khác là ở lại sắp xếp việc nhà và đã trễ phép, chấp nhận kỷ luật khai trừ khỏi Đảng. Nhưng sau đó, Út Trai xin vào đơn vị công binh đặc công huyện Vũng Liêm hoạt động để có điều kiện chăm sóc mẹ già.

Tháng 1/1965, Nguyễn Chí Trai phụ trách Trung đội công binh đặc công huyện. Huyện đội giao nhiệm vụ xây dựng phương án tác chiến cản – kềm địch trên tuyến Liên tỉnh lộ 70 nhằm tích cực đánh phá giao thông, ngăn chặn và kềm chân địch tại chỗ, chận đường vận chuyển lực lượng, hậu cần của địch, yểm trợ cho bộ binh đánh mạnh ở phía Tây sông Tiền và sông Hậu.

Tính từ tháng 9/1964 – 11/1965, Nguyễn Chí Trai trực tiếp chỉ huy đánh phối hợp và độc lập đánh bằng chất nổ với 416 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 237 tên (chết 193 tên, có 4 tên Mỹ) gồm 5 Thiếu tá, 15 Đại úy, 21 Trung úy, thu 36 súng, diệt 25 xe quân sự, đánh sập 6 lần cầu cống, phá hỏng 350 mét giao thông, góp phần ngăn chặn được nhiều cuộc hành quân càn quét lớn của địch ở khu vực Trà Vinh. Đoạn đường từ Cầu Mới đến cầu Mây Tức (23 km), chúng gọi tuyến đường này là “con đường tử địa”, không có tên lính ngụy nào dám thề là “mìn Út Trai ăn”. Kỹ thuật đánh mìn rất độc đáo của Út Trai đã được nhân dân ca ngợi : “Ra đi là chiến thắng, điểm hỏa là chính xác!”, bởi cách đánh luôn luôn gây cho địch bất ngờ, dù tình huống khó khăn nào cũng đánh được, hễ đánh là chắc thắng.

 Với những thành tích đó, cuối năm 1965, Nguyễn Chí Trai được bầu Chiến sĩ thi đua, đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua Khu Tây Nam bộ, trong Đại hội được Quân khu và Bộ Chỉ huy phong tặng “Kiện tướng đánh giặc” và tặng 4 danh hiệu dũng sĩ (Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt ngụy, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ đánh giao thông). Ngày 16/12/1965, Đảng bộ huyện Vũng Liêm phục hồi đảng viên cho Nguyễn Chí Trai.

TRẦN HỮU VỊ – Theo sách Những người con trung hiếu

————————————-

(1) Địch gọi đoạn đường từ cầu Giồng Ké đến cầu Mây Tức là con đường “máu và nước mắt”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *