Cù lao Mây nằm giữa hai nhánh sông Hậu Giang, đối diện phía Tây Nam chợ Trà Ôn, cách chợ Trà Ôn non một km, cách chợ Cần Thơ 16 km theo đường chim bay. Do cồn nổi, đất phù sa bồi đắp nên khá màu mỡ, dân tứ xứ lần lượt đến khai phá mảnh đất cù lao Mây này và sinh cơ lập nghiệp từ xưa.
Theo truyền thuyết, do nơi đây cù lao nổi lên bốn bề sông nước, trên mây phủ, nên dân đặt tên “cù lao Mây”. Đại Nam nhất thống chí gọi Vân Châu. Khi hình thành địa giới hành chính, đất cù lao Mây được mang tên xã Thạnh Mỹ Hưng. Xã có chiều dài 20 km, ngang từ 800 – 2.500 mét, có cồn nổi lên bao bọc chung quanh. Diện tích tự nhiên của xã là 2.236 ha, dân số toàn xã năm 1980 hơn 20.000 người. Do xã cù lao nên kênh rạch chằng chịt. Năm 1906 – 1908, thực dân Pháp đào con kênh nối sông Trà Ôn, tạo ra thủy lộ nối từ Cà Mau lên Sài Gòn. Cuối năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Vĩnh long, chúng đóng đồn cù lao Mây, do một trung đội địch đóng giữ đã gây nhiều tội ác với nhân dân.
Cái tên xã Lục Sĩ Thành có nguồn gốc xuất xứ riêng của một vùng đất rất đặc biệt. Thời Pháp xâm lược, bọn thực dân biến đất thuộc địa trọn quyền sử dụng. Ở Việt Nam, chúng bắt dân ta làm bia đỡ đạn cho chúng. Như ở Cái Khế – Cần Thơ có ông Lục Sĩ Minh bị bọn Pháp đưa đi lính tập, nhưng trong lòng ông đầy tâm huyết với quê cha đất tổ. Ông sớm giác ngộ cách mạng. Ông đã lấy “gậy Pháp đập lên lưng Tây”. Những hiểu biết về kiến thức quân sự ông học được ở Tây, ông đem ra huấn luyện lại cho đội Cộng hòa Vệ binh do ông lãnh đạo, chỉ huy. Ông lập gia đình cùng bà Đặng Thị Cựu, sinh 7 người con, 5 trai, 2 gái, trong đó có 4 con trai và một con gái tiếp nối truyền thống yêu nước của ông đã lần lượt tham gia kháng chiến, hết đánh Tây rồi lại đánh Mỹ. Trong cuộc kháng chiến đầy ác liệt và không cân sức ấy, 4 người con trai của ông Minh và bà Cựu đã hy sinh vì sự nghiệp cao cả của Tổ quốc. Gia đình chỉ còn một cô con gái út nay đã nghỉ hưu (72 tuổi) tại phường Thới Bình, thành phố Cần Thơ. Phía sau nhà bà Út có đài tưởng niệm các liệt sĩ – anh của bà. Đó là : Lục Sĩ Năm, Lục Sĩ Thành, Lục Sĩ Hổ, Lục Sĩ Tiết. Vì sự cống hiến to lớn ấy cho Tổ quốc, bà Đặng Thị Cựu được Nhà nước truy tặng “Bà mẹ VNAH”.
Lục Sĩ Thành sớm nối tiếp cha anh, đã giác ngộ đi làm cách mạng, tham gia Mặt trận Bình Thủy (Cần Thơ). Thấy anh có nhiều triển vọng nên cấp trên rút anh về bổ sung cho Phân đội 12 trực thuộc Quân khu 9. Tháng 8/1946, Phân đội được tăng cường về huyện Trà Ôn là nơi có vị trí đặc biệt về quân sự. Lực lượng tăng cường làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng nơi đây. Về thực tế, Phân đội 12 cùng một số phân đội khác cộng với lực lượng tại chỗ đánh địch đã lập nên nhiều thành tích đáng được trân trọng, đã tạo thế, tạo đà cho phong trào cách mạng ở Trà Ôn có một bước phát triển khá mạnh.
Vào ngày 12/10/1946, Phân đội đã điều nghiên nắm vững quy luật của đồn cù lao Mây, phối hợp du kích xã, dùng hóa trang kỳ tập đánh đồn này. Do địa hình cù lao Mây là địa hình chia cắt, đánh là phải diệt gọn, kéo dài có can viện là ta khó rút lui an toàn. Công tác điều nghiên chín muồi, Phân đội cùng Xã đội trưởng Võ Hoàng Tốt lên sa bàn quyết tâm đánh đồn cù lao Mây. Phân đội xác định, đánh trận này phải do Tiểu đội trưởng Lục Sĩ Thành chỉ huy, Phân đội mới yên tâm. Đội du kích, bằng thủ thuật của mình, bám sát đồn địch, còn tiểu đội của Lục Sĩ Thành cải trang như xuồng ghe chở hàng đi bán mà tiếp cận sát đồn địch, bất ngờ nổ súng. Địch lớp bị diệt, lớp bị thương, bọn còn lại hoảng loạn tháo chạy. Lục Sĩ Thành và Đội du kích Võ Hoàng Tốt xông lên diệt địch, chiếm đồn, truy kích số địch còn lại. Lục Sĩ Thành chẳng may bị chúng bắn trả gãy chân. Lúc anh bị thương, trời mưa quá lớn, điều kiện cứu thương của ta lúc này lại rất thiếu thốn. Máu ra quá nhiều, cho nên Tiểu đội trưởng Lục Sĩ Thành đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng bào đồng chí tại đất cù lao Mây kiên cường. Anh là chiến sĩ cách mạng đầu tiên anh dũng hy sinh trên vùng đất này trong những năm đánh Pháp.
Rất cay cú sau trận đánh xuất quỷ nhập thần của ta, bọn địch điên cuồng lùng sục, nhưng được đồng bào giúp đỡ, lực lượng ta rút lui an toàn. Tại ấp Long Hưng (Giồng Trôm), xã Thạnh Mỹ Hưng, Tiểu đội trưởng Lục Sĩ Thành được tổ chức truy điệu và để học tập gương người liệt sĩ, đơn vị và đồng bào đề nghị chọn tên Lục Sĩ Thành đặt tên cho xã Thạnh Mỹ Hưng từ đó. Mộ liệt sĩ Lục Sĩ Thành chôn tại đất ông Đặng Văn Thảnh, ấp Long Hưng. Với tấm lòng yêu quý người chiến sĩ anh dũng hy sinh, ông lợp cái chòi trên mộ đồng chí Lục Sĩ Thành, vừa ngụy trang tránh sự truy lùng của địch, vừa bảo vệ ngôi mộ lúc nắng mưa. Chính ông Đặng Văn Thảnh bí mật cùng đồng bào hàng năm tổ chức đám giỗ đồng chí Lục Sĩ Thành. Năm 1982, ông qua đời, con dâu ông là chị Đoàn Thị Hai tiếp tục công việc ý nghĩa này.
Tiểu đội trưởng Lục Sĩ Thành hy sinh lúc còn quá trẻ (22 tuổi). Lòng đất cù lao Mây nói riêng, lòng dân Trà Ôn nói chung thương tiếc anh vô hạn. Việc cúng cơm hàng năm của gia quyến ông Đặng Văn Thảnh là một nghĩa cử của sự yêu thương quý trọng người chiến sĩ không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng cho quê mình.
Năm 1988, Lục Sĩ Thành được công nhận liệt sĩ. Mộ anh sau này được chính quyền di dời hài cốt về nghĩa trang xã Lục Sĩ Thành – xã mang tên người chiến sĩ kiên cường.
Mảnh đất cù lao Mây mang tên liệt sĩ Lục Sĩ Thành đã anh dũng cùng cả nước đánh giặc Pháp và giặc Mỹ. Là xã cù lao bị chia cắt, nhưng Chi bộ Đảng anh dũng bám dân, bám đất, bám địch, lập hên biết bao kỳ tích, rất xứng đáng với tên gọi anh hùng, là xã được Nhà nước phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong kháng chiến chống Mỹ sớm nhất của huyện Trà Ôn (ngày 20/8/1978). Cái tên Lục Sĩ Thành trìu mến sống mãi với đất cù lao Mây, nơi anh đã anh dũng hy sinh (*).
Nguyễn Thanh Liêm – Theo sách Những người con trung hiếu
————————————–
(*) Do xã quá lớn, ngày 9/8/1988, Chính phủ quyết định tách xã Lục Sĩ Thành thành 2 xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành.