2 giờ 30 phút, kèn địch từ bên ngoài thúc quân nổi lên. Đoán chúng bị bắn tỉa chết, bị thương nên lực yếu. Hô xung phong mà nằm chết dí một chỗ.

Khẩu trung liên của ta bị kẹt đạn, một khẩu khác bị trúng đạn nên không bắn được. “Ai bảo vệ trung liên?” – đồng chí Nguyễn Văn Đừng – Tiểu đội trưởng – hỏi.

– Có tôi! – Như một thiên thần, với khẩu garant trong tay, Hùng Cảo – Tiểu đội phó – bắn bạc cú vào đầu bọn xạ thủ đại liên ngồi trên xe lội nước.

Hết đạn, tiết kiệm từng viên một.

Đồng chí Đừng ném quả thủ pháo vào chiếc M.113 đi đầu, nổ tung dưới lườn xe. Các chiếc còn lại ào ạt tràn lên.

Đồng chí Chiến, tân binh, chĩa thẳng trom long vào xe. Đạn nổ bốc khói. Đừng lại nhô lên, còn trái thủ pháo cuối cùng ném thẳng vào chiếc M.113 nổ tung.

“Tiểu đội gang thép” tấn công đợt thứ tư, đánh tan xác 4 chiếc M.113. Đừng, Hùng, Công hy sinh. Minh, Thùy, Dương bị thương.

Trời sắp tối. Địch dạt ra đồng. Dự đoán địch củng cố lực lượng đánh vét cú chót. Lúc này, Trung đội 3 về tới, củng cố lực lượng. Trong tay chỉ còn một đại liên, 3 trung liên, 15 súng cá nhân.

Hình như còn bao nhiêu bom đạn, địch trút hết xuống Ấp Bắc.

7 chiếc C.47 bay vòng qua trận địa.

– Chuẩn bị đánh quân dù và bẻ đầu xe lội nước! Thời gian lúc này đã thuộc về chúng ta!

Các chiến sĩ chuyền nhau động viên phấn khởi với khẩu lệnh “Sẵn sàng!”.

4 giờ 30, Tiểu đoàn 8 – Lữ đoàn dù thuộc quân dự bị Bộ trưởng Tham mưu đổ quân trắng cả cánh đồng phía trước trận địa, phía bên phải.

Xe lội nước ùn ùn nhả đạn, vừa bắn hỗ trợ bọn dù xông vào.

Các tay súng của ta đợi chúng vô gần tới chân vườn tập trung nhả đạn. Cuộc giao tranh, địch chỉ cách 30 thước, 20 thước, ta mới nổ súng.

Đồng chí Sơn hạ một xe M.113. Tiểu đoàn dù, con cưng của địch, chủ quan bị đánh tơi tả khi vừa đổ quân lò dò sắp gần tới chân vườn.

6 giờ, địch gom thương binh dạt ra ngoài. Thiết xa vận quay đầu trở lại.

Mấy chiếc trực thăng bay tạch tạch định cứu mấy thằng Mỹ. Đại liên ta nổ giòn, bốc cháy, buộc phải hạ tại xóm Bàn Rô.

Trận tấn công thứ 5 kéo dài ngót một tiếng. 6 giờ 30, anh em chiến sĩ dự kiến tập kích vào ban đêm. Song cả ngày, anh em chiến sĩ mệt nên được lệnh rút quân”.

Đặng Minh Nhuận đêm hôm qua hành quân đến một giờ sáng. Phần mệt, khuya ăn cơm chưa được nửa chén thì trinh sát báo trực thăng đổ quân trước trận địa không đầy một cây số. Tinh thần chiến đấu sôi sục. Cả ngày đội bom đạn. Chiến công giục giã qua cơn mệt. Dù ăn không đầy chén cơm nhưng Đặng Minh Nhuận quần với địch suốt ngày vẫn thấy no lòng.

Đánh giá từ hai phía

Trận Ấp Bắc đã gây tiếng vang từ hai phía : bọn địch đánh giá ‘thắng trận” bằng nhiều kiểu cách khác nhau, thậm chí chửi bới lẫn nhau.

Phóng viên Mỹ Neil Sheehan viết ở mũi Đại đội 1 do Đặng Minh Nhuận chỉ huy : Đại đội trưởng ở Ấp Bắc (tức Đặng Minh Nhuận) chỉ huy Đại đội số 1 – đại đội cơ động mạnh của Tiểu đoàn 261, còn tăng cường thêm hai tiểu đội súng máy, một trung đội có đại liên và cối 60 ly. Tiểu đội trưởng đã kiểm soát chiến sĩ bằng cách sử dụng rạch nước sông vào khoảng hai thước, phía sau con đập là giao thông hào. Họ bám sát bờ nước sâu tới bụng để tránh tầm quan sát của máy bay.

Họ từ hố cá nhân này cho đến hố cá nhân khác nhắc nhở mỗi chiến sĩ về những yếu điểm của xe thiết giáp. Họ thuyết phục chiến sĩ rằng : Nếu biết sử dụng cái đầu cũnh như sử dụng vũ khí thì sẽ đánh thắng xe thiết giáp. Họ nói : Nếu phải chết thì chọn cái chết cho đàng hoàng, phải chiến đấu còn hơn là trốn chạy, bị đốn ngã như con trâu. “Họ kiểm tra vũ khí chiến sĩ để khỏi bị trở ngại lúc tác chiến”.

Máy bay trực thăng H.21

Khi đại đội Ấp Bắc bắn hạ được mấy chiếc trực thăng, tin “chiến thắng” loan đi khắp đại đội, nâng cao lòng tin của họ, sẵn sàng đối phó trên chiến trận đánh với thiết xa vận M.113.

“Bình thường, chỉ cần một đợt oanh tạc của Huey (trực thăng cá chép) cũng đủ đè bẹp hỏa lực ở mặt đất, nhưng lần này thì không. Việt cộng đã ăn miếng trả miếng. Đạn vạch sáng của đại liên và trung liên Bar bắn lên khi chiếc Huey chúi mũi xuống oanh tạc. Các phi công không thể nhắm mục tiêu chính xác được vì tất cả các hố cá nhân đều ẩn dưới tán lá cây. Họ (Mỹ) run lên vì gặp đối thủ quá bất ngờ. Họ dồn hỏa lực xuống phía hàng cây. Tất cả các chiếc H.21 đều bị ăn đạn. Chiếc sau ăn đạn nặng hơn chiếc trước”.

“Đang ngồi trên chiếc L.19, Vann tức giận về hành động chỉ huy (cố vấn) liều lĩnh thiếu cân nhắc này. Chiếc Huey của Phi đội trưởng quay trở lại, nghiêng mình để tìm chỗ đáp, được che chở sau hai chiếc H.21. Nhưng khi vừa đến nơi thì ăn đạn của du kích. Họ bắn liên hồi cho đến khi cánh quạt bị trúng đạn. Chiếc Huey bị lật sang bên phải và đâm sầm xuống ruộng lúa phía sau hai chiếc H.21 độ 50 thước. Việt cộng lập thành tích mới trong trận chiến. Chỉ trong 5 phút, họ bắn hạ 4 chiếc trực thăng. Việt cộng đã bắn trúng 15 trực thăng, duy nhất chỉ 2 chiếc Huey không bị thương.

Arould Bowers, 29 tuổi, từ công nhân viên bò sữa Minosota tình nguyện vào Sư đoàn 101 không quân Mỹ, thuộc loại hiệp sĩ, hiếu chiến, chưa từng ra trận, mới đến Việt Nam 8 tháng rưỡi, chẳng có kinh nghiệm gì ngoài sách vở thuộc lòng ở trường huấn luyện. Chiếc trực thăng thực hiện phi xuất thứ hai, đổ quân xuống ruộng lúa. Cánh đồng đất sình nước ngập mắt cá với một tiểu đội bộ binh, có viên Thiếu úy Việt Nam chỉ huy đại đội đó. Viên sĩ quan Việt Nam này hồi chưa lên máy bay nói tiếng Anh rất rành vì được đào tạo tại khóa sĩ quan bộ binh ở Jort Benning, nhưng giờ đây, cố vấn Bowers kêu y thúc quân đánh vào chân vườn thì y lắc đầu nói không hiểu tiếng Anh nhiều nên không chấp hành. “Bowes thúc giục viên Thiếu úy một lần nữa. Anh ta nhìn bằng đôi mắt sợ hãi và ép mình xuống nước!”.

“Sau khi bị Việt công bắn tỉa, cuộc thúc quân tiến vào không kết quả!”. Bowers chồm dậy, chạy về phía chiếc trực thăng Huey. Động cơ còn nổ, do không còn sức cánh quạt nên động cơ rú lên như điên. Bowers sợ hơi nóng chuyển sang bốc cháy bình xăng. Viên phi công bỏ chạy ra ngoài, trốn sau mô đất để tránh đạn, Bowers kêu không lên tiếng. Cạnh đó, chiếc máy bay khác bị lật nghiêng. Bowers đến mở cửa kéo viên phi công ra. Anh ta bị thương chân, tay choàng qua cổ Bowers khập khễng theo anh đến mô đất tránh đạn.

Bowers trở lại cứu viên Trưởng đoàn là William Deal (1), Trung sĩ, người cao lớn đang kẹt trong máy bay ở ghế sau. Đạn chĩa về phía chiếc máy bay. Bowers đạp cửa kính, mở sợi dây dưới cằm để lột nón phi công bằng nhựa. Đang lúc hì hục lôi Deal ra khỏi cửa máy bay thì Deal đã chết vì viên đạn xuyên qua đầu. Động cơ bị cháy. Bowers nghe tiếng nổ, hốt hoảng “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”.

Bài báo Niel Sheehan viết : “Đứa con trai 7 tuổi của Deal ở tại Marys Landing New Jersey, xem truyền hình về trận Ấp Bắc, thấy được cha nó trên chiến trường vào đúng cái ngày cha nó tử trận. Khi cả nhà xem bản tin, có đoạn phim ngắn chiếc trực thăng vừa mới rơi trong cuộc hành quân, em đã la toáng lên : “Mẹ ơi! Xem kìa, cha kìa!” thì 6 giờ sau, gia đình Deal nhận điện báo tang từ Lầu Năm góc”.

Bowers bò qua chiếc trực thăng khác, gặp một lính Nam Việt Nam (ngụy), binh nhất, ngồi nấp dưới cánh quạt trực thăng và Donald Braman. Braman là cố vấn Trưởng toán chuyên viên bậc 4, đang bị thương trong máy bay. Bowers cố kéo Braman ra, nhưng 10 lần chồm vô kéo đều bị du kích bắn tỉa. Sau một lúc, không còn tiếng súng.

Lấy nước bình-ton cho Braman uống, băng vết thương, Braman lấy tấm ảnh của vợ được bọc nhựa đặt trên ngực. Bowers động viên : “Đừng bận tâm, vết thương nhẹ, không sao!”

————————-

(1) 3 cố vấn Mỹ chết : Trung sĩ Dael – 36 tuổi, Braman – phi công, tử thương sau 3 giờ, không trực thăng đến cứu và Đại úy Kewneth Good – 32 tuổi

Nguyễn Long Hồ – Theo sách Những người con trung hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *