Trận Ấp Bắc đã có tiếng vang cả nước và trên thế giới. Theo dòng lịch sử, có người hỏi, người chỉ huy trận đánh nổi tiếng đó là ai, nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu tên, họ quê quán người anh hùng để tri ân người đã làm rạng danh truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Trong bài này chỉ đề cập một phần của một mũi chiến đấu của Đại đội 1, do Đặng Minh Nhuận chỉ huy, phản ánh từ hai phía để suy nghĩ và “quyển nhật ký” của người Đại đội trưởng để lại là một di sản quý, tuổi trẻ yêu nước với lý tưởng hoài bão lớn không thể không biết đến.
Trận Ấp Bắc
Với phương tiện tạo sức cơ động nhanh, sức tấn công ác liệt, hai năm 1961 – 1962, Mỹ – ngụy đã giành thế chủ động một số chiến trường. Mỹ đã huênh hoang với những chiến thuật tân kỳ “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “bủa lưới phóng lao”, “phượng hoàng vồ mồi”… Chúng sẽ làm chủ mặt đất, mặt nước và trên không. Từ “uy lực vô biên” này đã gây chiến tranh tâm lý. Không ít người quan tâm đến thời cuộc với tư tưởng “băn khoăn, lo lắng”. Câu hỏi đặt ra : “Làm sao đối đầu với Mỹ – ngụy và đánh thắng Mỹ – ngụy với thiết bị và vũ khí trang bị đến tận răng như thế?”.
Suốt năm 1962, Mỹ – ngụy gấp rút triển khai kế hoạch Staley – Taylor nhằm giành toàn thắng trong vòng 18 tháng với hai biện pháp chủ yếu : một là lập ấp chiến lược dồn dân, vừa thanh lọc tiêu diệt người yêu nước, hai là dùng vũ khí tối tân ra sức càn quét tiêu diệt lực lượng quân sự, đặc biệt là bóp chết du kích chiến, sẵn sàng lập nhà tù “thà tù đày lầm hơn thả lầm”. Ý đồ chúng giành toàn thắng vào năm 1963.
Từ âm mưu đó của địch, ta cũng kịp thời qua thực tế rút ra một số kinh nghiệm : muốn tiêu diệt địch thì phải giữ mình. Muốn tấn công thì phải biết cách phòng ngự. Ở bất cứ địa hình nào, để tồn tại trước hỏa lực địch phải có công sự chiến đấu : hố cá nhân và hào tập thể. Địa hình trống trải, chiến đấu không thoát ly công sự, không để lộ đội hình, dũng cảm đánh địch ban ngày và cơ động ban đêm, linh hoạt sáng tạo, bình tĩnh xử lý mọi tình huống. Kết luận : Lòng dũng cảm, mưu trí, thông minh, ý chí cách mạng của con người quyết định chứ không phải vũ khí, phương tiện quyết định (như đế quốc Mỹ lầm tưởng).
Trận Ấp Bắc là nơi đối đầu lịch sử. Cả hai bên gặp nhau tại điểm hẹn nhưng lực lượng không cân xứng.
Bên địch có 3 tiểu đoàn – Sư 7 bộ binh – Vùng 4 chiến thuật, do Tư lệnh Sư đoàn – Đại tá Bùi Đình Đạm – chỉ huy, Chiến đoàn Bảo an do Thiếu tá Tỉnh trưởng Định Tường Lâm Quang Thơ chỉ huy. Một tiểu đoàn dù thuộc Bộ Tổng Tham mưu ngụy, hai trung đội biệt kích, 3 tàu chiến, một chi đoàn xe thiết giáp M.113 chở quân đột phá, 15 máy bay trực thăng đổ quân, 7 máy bay vận tải quân dù (C.123), 5 trực thăng vũ trang, 8 máy bay ném bom, 4 trinh sát L.19, hàng chục pháo 105 ly yểm trợ hành quân.
Chỉ huy tổng hợp cấp Sư đoàn có Đại tá Bùi Đình Đạm, cố vấn cao cấp Sư đoàn – Trung tá John Paul Vann và nhiều cố vấn chuyên môn khác. Sau còn có thêm Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao – Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm – Tham mưu trưởng Liên quân ngụy đến tham chiến.
Bên ta, tương đương một tiểu đoàn ghép hoàn chỉnh, gồm một đại đội chủ lực Quân khu 8 do Đặng Minh Nhuận – Trung úy, Đại đội trưởng – chỉ huy, một đại đội địa phương quân Mỹ Tho, một trung đội địa phương quận Châu Thành, một trung đội công binh tỉnh và du kích 3 xã Tân Phú, Tân Hội, Điềm Hy.
Trong Ban chỉ huy, Chỉ huy trưởng là đồng chí Hai Hoàng – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261, Quân khu 8, Đặng Minh Nhuận – Đại đội trưởng Đại đội 1 (của D.261), Phạm Văn Thư – CTV Đại đội 1 và một số đồng chí khác.
Nhật ký của Đặng Minh Nhuận ghi lại : Sáng ngày 2/1/1963, mặt trận tại Ấp Bắc (xã Tân Phú – Mỹ Tho) diễn ra trận đánh suốt từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, chiến đấu suốt 14 tiếng đồng hồ, phải chủ động mở 5 đợt tiến công.
Ở mũi Đại đội 1, Đặng Minh Nhuận chỉ huy. Nhật ký ghi :
6 giờ sáng, địch đổ quân với 15 trực thăng ngay đội hình Trung đội 3. Trung đội 3 nổ súng. Địch ngoài đồng cố bám bờ ruộng kháng cự, địch nằm chết dí. Lại đổ quân cánh đồng phía sau lưng Trung đội 3. Pháo bắn bừa bãi vào chân vườn.
Tin tức động viên sẵn sàng tiếp tục chiến đấu.
9 giờ, địch củng cố đội ngũ, tấn công tập trung vào Trung đội 3. Tôi đến bên đồng chí bắn khẩu đại liên, lệnh truyền kiên quyết hạ trực thăng. Vì sương mù, trực thăng phải bay vòng rồi mới đáp.
– Bắn!
Tất cả các loại súng đều ngắm đoàn “Phụng Hoàng” (trực thăng) nhả đạn : một chiếc CH21 nhào liền tại chỗ. Cả đoàn trực thăng như ong vỡ tổ, 5 chiếc HU1A trúng đạn. Địch trút 2 trung đội xuống cánh đồng. Vừa lúc ấy, ở xóm Bàn Rô – đồng Cà Dăm, máy bay trực thăng bốc cháy, khói mù mịt. Súng cối ta bắn vào đội hình địch vừa đổ quân, lớp chết lớp bị thương. Chúng cố bám bờ ruộng. Chiếc L.19 quan sát chỉ điểm, 2 khu trục, 5 HU1A bay xối đạn đại liên hỏa tiễn vào trận địa. Có một tân binh súng bị kẹt đạn. Tôi lấy khẩu trường Mas chỉ cách bắn tỉa cho đồng chí ấy. Tôi nhả đạn. Một chiếc HU1A chúc đầu xuống. Nó xịt khói, bốc cháy. Đồng chí tân binh cười rất tươi.
Trên trời, 2 khu trục, một L.19 công kích hướng đại liên bắn cháy hai chiếc trực thăng. Pháo địch từ Long Định, Cai Lậy dội vào như mưa.
Khẩu cối hết đạn, rút về phía sau, súng trường ở lại. Điều Tiểu đội 1 lên xung phong bắn trực thăng. Địch rút lui ra giữa đồng.
10 giờ. Sau hồi bắn tỉa, ta tổ chức tập trung diệt hai ổ đại liên địch. Trung đội 2, 3 bị địch đánh bom ác liệt. Khẩu trung liên hết đạn. Tôi lệnh cho đạn tiếp tế. Đồng chí Hưởng – CTV Trung đội 3, Hải – Tiểu đội trưởng, Dũng – trinh sát bị thương.
– Động viên trạm cứu thương. Đưa số bị thương ra tuyến sau tránh phi pháo.
Mặt đất rung chuyển như thuyền trên sóng. Lửa napal cháy. Các dân công đến hỏi thăm, tiếp đạn.
– Chúng tôi kiên quyết chặn địch suốt ngày, không để chúng mở mũi vào – Các mẹ, các chị tiếp tế lương thực trong bom đạn.
Một L.19, hai khu trục, hai B26 cùng pháo liên tiếp trút bom đạn.
Địch củng cố một trung đội, thấy tôi, bắn tỉa, may kịp thời tránh khỏi. “Phải diệt chúng nó!”. Tôi lấy khẩu garant kê lên bệ tỳ. Súng bốc khói. Tên giặc đi đầu ngã lăn. Phát đạn có tác dụng “một viên đạn, một quân thù!”.
11 giờ 30, xe lội nước M113 lấp ló trong trận địa.
Trung đội 2, Trung đội 3 chưa về kịp. Ba lần phái trinh sát kêu, nhưng bị địch đánh bom chia cắt, chưa về được.
Tiểu đội 1 bám công sự, chuẩn bị trom long, thủ pháo đánh xe lội nước M113.
Khẩu lệnh : “Kiên quyết giữ vững trận địa! Chết nằm tại chỗ, không lùi bước! Có chết cũng phải ngoảnh mặt về phía quân thù!”.
Khẩu lệnh truyền động viên tinh thần quyết chiến quyết thắng.
Lúc mưa bom bão đạn, cứ qua mỗi đợt, các đồng chí hỏi anh Bảy đâu rồi, anh Bảy có sao không? Thực ra, tôi không có công sự, chạy tới chạy lui động viên anh em. Nếu đứng một chỗ chắc bị lìa đời.
12 giờ, Trung đội 2 về tới trận địa, tiếp tục chiến đấu. Trung đội địa phương quân, trước ác liệt, tên Đức hèn nhát bỏ đội hình chạy mất.
Lực lượng trong tay tôi chỉ còn một nửa. Củng cố đội ngũ. Cho trinh sát báo cáo với Tiểu đoàn trưởng quyết tâm Đại đội 1 : “Còn một người cũng giữ vững trận địa!”.
Với lực lượng còn lại, củng cố, nơi nào bị uy hiếp nặng, điều nơi khác đến bổ sung. Có khi một khẩu súng trường cũng tận dụng hết sức quý giá!
Nguyễn Long Hồ – Theo sách Những người con trung hiếu