Niềm hạnh phúc của Giang khi bước lên bục vinh quang.
Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 14 tuổi, Giang vừa đi học vừa đi làm kiếm tiền phụ gia đình. Anh đã trải qua nhiều công việc như phát tờ quảng cáo, trông trẻ, phục vụ nhà hàng, bán quần áo thời trang và cả… phụ hồ. Giang bộc bạch: “Tôi làm tất cả để tích lũy kinh nghiệm và dành dụm tiền về Tổ quốc làm một cái gì đó”. Nhưng không phải chờ đến khi trở về, Giang đã tham gia Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp để cùng tìm kiếm tài trợ cho sinh viên nghèo ở quê nhà.

Giang nói: “Chính dòng máu, truyền thống Việt đã giúp tôi hun đúc tinh thần, vượt lên những mặc cảm, tự ti ở xứ người. Mẹ tôi thường dạy, trong mắt người Pháp, mình là người gốc Á. Muốn được như người thì mình phải làm gấp đôi, gấp ba người Pháp”. Năm 2005, ở tuổi 22, Giang là người Việt duy nhất dành giải nhất Vovinam toàn châu Âu. Năm 2006, một lần nữa vinh quang lại đến với Giang khi anh giành giải ba Vovinam toàn thế giới. Giang tâm sự: “Khi đứng trên bục nhận giải, một người thầy đến bắt tay tôi và đọc đúng tên Đoàn Thanh Giang. Đó là thời khắc mà tôi nhớ nhất vì nơi đất khách có người biết tôi là người Việt Nam. Nước mắt tôi rơi vì xúc động”.

Quê hương níu chân tôi

Trước mỗi chuyến trở về, Giang lại đi gom góp tất cả đồ chơi, vật dụng đã dùng nhưng còn tốt từ nhiều nguồn khác nhau để làm từ thiện. Tình cảm càng thêm sâu nặng sau mỗi chuyến đi thúc giục Giang sớm quyết định về quê lập nghiệp. Năm 2006, Giang tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế thương mại tại Pháp. Lúc đó, ý định về Việt Nam ấp ủ trong lòng nhưng vì chưa dành đủ tiền nên Giang xin vào một công ty bán máy in, rồi làm chương trình cho Đài truyền hình Pháp. Giang chia sẻ: “Mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng tôi có điều kiện đi nhiều nơi, gặp gỡ với nhiều người thuộc các nền văn hóa khác nhau. Những chuyến đi như thế, người ta trả công rất thấp, nhưng tôi không ngại vì đó là cơ hội để mình trưởng thành và trải nghiệm”.

Đầu năm 2009, Giang về nước. Anh kể: “Vào thời điểm đó, công việc của tôi ở Pháp đang rất thuận lợi, thu nhập cao nhưng quê hương đã níu chân tôi. Tôi luôn ý thức mình là người Việt Nam và tôi cần phải trở về”. Giang chọn dịch vụ cưới hỏi làm bước khởi nghiệp. Hiện anh đảm nhiệm vai trò giám đốc kỹ thuật cho công ty Áo cưới MiMi ở TP HCM.

Hỏi về ước mơ, Giang cười nói: “Tôi có nhiều ước mơ lắm, còn trẻ làm được càng nhiều việc càng tốt”. Nhưng anh tâm sự, tận sâu thẳm tấm lòng, Giang vẫn luôn mong muốn đưa mẹ về quê, vì “ở đây, mẹ sẽ được gặp bà con, họ hàng, vui hơn khi sống bên Pháp”. Giang cũng thích được đi nhiều nơi, hiểu hơn về văn hóa truyền thống. Anh muốn ghi lại những thước phim thật đẹp về Việt Nam như một sự tri ân với nguồn cội.

Theo Đất Việt Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *