Hình như chúng ta đã quá nuông chiều đối tác và đã không ngờ chỉ trong vòng mươi năm mà đã có 7 triệu nông dân mất đất. Dự án được từng địa phương thi nhau khều về để treo – theo tư duy mỗi tỉnh một cảng biển, một nhà máy đường – đã gây ra cảnh ngược đời : nhiều nông dân sống bằng "nghề" đi kiện, trong khi muỗi mòng làm vương làm tướng ở những cánh đồng hoang vu trải dài vô tận…
Nhà văn Dạ Ngân
_________________
1.Chị Hai tôi có khu vườn 2 hec-ta ở cuối sông Hậu. Hai hec-ta là 2 mẫu, là 20 công, là 20.000m2. Nhấn mạnh vậy để thấy hai mươi ngàn mét vuông vườn thổ cư so với miền Bắc và miền Trung nó mênh mông như thế nào. Sau công cuộc tập đoàn hoá, hợp tác hoá phá sản, nhà chồng chị còn cắt phần đất ruộng cho chị 1 hec-ta phía sau hậu vườn nữa. Chưa hết, sau 1975, nhân dịp đất đai xốc xáo, chị còn sang tên được một mảnh đất doi 2 hec-ta cách nhà chừng mười lăm phút đi bộ. Tóm lại, một mình chị có 5 hec-ta vườn-ruộng-rẫy mà nếu có một cuộc cải cách ruộng đất lần nữa, chắc chắn chị sẽ bị qui là địa chủ và có thể bị "dựa cột". Chị là vợ liệt sĩ chiến tranh chống Mỹ, người goá nên đất cũng goá, nhưng đâu có một mình chị goá. Nhà nào cũng la liệt bàn thờ, xóm ấp giỗ chuyền và những người đàn bà tần mần đau khổ cùng nhau.
Hai chục năm trước, chị tôi cho người ta mượn đất rẫy khai thác để chúng đừng hoang vu, khi có đất ruộng của nhà chồng cắt cho thì chị gả con gái theo kiểu "bắt rể" để chúng làm ăn. Riêng mảnh vườn, chị và vợ chồng đứa con trai thay khoảng 5 lượt cây trồng. Dừa rớt giá, chị hạ dừa trồng mía. Mía hết thời, chị đốt mía trồng ổi. Ổi bọt bèo, chị phá ổi trồng quýt. Quýt thê thảm sâu bọ, chị thề rằng không làm cây hàng hoá nữa, mà chỉ trồng chuối được gì hay nấy. Quả nhiên, chuối có thể cho mấy loại sản phẩm, từ buồng đến bắp đến lá, nhưng ở xứ sông Hậu sông Tiền, chưa thấy ai sung túc bằng cây chuối bao giờ. Năm năm trở lại đây, con gái và con rể chị theo cơn lốc đô thị hoá bỏ ruộng ra thành, chị cũng theo ra để lo cho hai đứa cháu nội đang chịu cảnh trường lớp sập sùi ở vùng sâu. Rất nhiều người trong xã cũng nhấp nhổm ra chợ như chị, bỏ lại sau lưng nguồn sống, thói quen, nếp nhà và đất đai, những thứ từng làm nên cốt cách nhà nông.
Từ một người đàn bà hăm hở phong độ sau 1975, chị hoang mang chèo chống dư chấn hợp tác hoá và giờ thì đã hoàn toàn đầu hàng hoàn cảnh. Hai hec-ta rẫy bỏ hoang vì không có vốn để biến nó thành tràm hay bạch đàn, 1 hec-ta ruộng cho thuê chỉ đủ gạo ăn trọn năm cho chị và một đám con cháu, còn hai hec-ta vườn thì trở thành vương quốc của cỏ và chuối, chỉ đủ cho vợ chồng thằng con trai với cái nhà ở trong quê. Chị không hiểu sao ở lại với đất cũng lụn bại, mà ra thị trấn để buôn quơ bán quào vẫn không nuôi nổi mình và mấy đứa cháu nội. Con gái chị ra thành cũng không khá giả gì hơn, mỗi khi gia tộc động tới tình cảnh phập phù của nhà chị là hai mẹ con chị ào ạt nước mắt như đập vỡ. Oán hận thời cuộc, trách cứ bà con và rất hay tự nói mỉa nói mai mình để chống chế mặc cảm. Mỗi khi chị nhận tiền cứu trợ của đám em út trên thành phố, bao giờ chị cũng khóc, cảm động, hàm ơn và cả tủi cực, nhưng nếu ai không cho tiền thì chị có vẻ ít thắm thiết đi. Càng ngày chị càng lệ thuộc vào việc cứu trợ của đám em công chức, chị đã đánh mất cái uy của mình và càng ngày, sự nghèo túng đã làm chị mất nốt sự công tâm trong sáng của một người chị cả từng là điểm tựa để các em mong muốn đi về.
2.Hàng ngày, đi xe máy qua cổng Đại sứ quán Cộng hoà Séc (dân chúng vẫn quen gọi là Tiệp Khắc) trên đường Chu Văn An – Hà Nội, thấy nam nữ thanh niên lót giấy báo ngồi bẹp trên vỉa hè chờ xin visa đi xuất khẩu lao động. Nhiều năm trước, nông dân đổ ra làm thành chợ, đứng nhộn nhịp ở các cửa ô, mong có người đến nhặt đi làm công nhật. Mấy năm nay, chân trời như rộng hơn, người này rỉ tai người kia, địa giới quốc gia không còn là trở ngại trong khát vọng đổi đời của họ nữa. Quan sát đám đông trên vỉa hè trước cửa Đại sứ quán Tây không khỏi chạnh lòng. Người mình đông đúc quá, tình trạng nhân mãn ở đồng bằng Bắc bộ rõ rệt quá và mặt mũi của em cháu nông dân mình trông côi cút quá. Học vấn thấp, nỗi lo âu sinh kế thường trực, thể trạng trung bình, gì gì nữa, tóm lại, nếu đặt những cô cậu thanh niên ấy từng nhóm nhỏ thì khả dĩ hơn khi nén họ lại thành một biển người trên vỉa hè chật chội, nhếch nhác, tất cả chỉ có thể nói gọn là do côi cút mà ra. Họ đã được chúng ta chuẩn bị cho những gì trong quá trình công nghiệp hoá và hội nhập hôm nay?
Phóng xe xế lên công viên Lý Tự Trọng đầu Hồ Tây, lúc nào cũng nhìn thấy những nhóm dân treo người trên những chiếc võng chiến khu vạ vật, hoặc ngồi chom nhom trên những tấm cao su mang theo như một thứ hành trang đi khiếu nại đất. Họ từ khắp nơi, không ít người từ miền Đông, miền Tây Nam bộ, ngồi xe đò ra nộp đơn, rồi ăn chực nằm chờ dưới bóng cây như vậy. Những người này có thể là cha mẹ của những người đang xếp hàng để đi Tiệp ở đằng kia, hình ảnh mà hồi tham gia chiến tranh gi&agr
ave;nh độc lập tự do, những ông bố và bà mẹ thân phận con kiến củi khoai ấy không ngờ rằng, chính mình sẽ vẽ nên bức tranh này. Hàng trăm ý nghĩ trong đầu quanh số phận của người nông dân hôm nay. Dừng lại hỏi han ư, báo chí ngày nào chẳng nói tới, mình còn lạ gì. Đi sâu cặn kẽ từng vụ ư, không thể, vì mình sẽ sa đà vô mớ bòng bong chi tiết, mà cũng chẳng giúp được gì ngoài thực tế cho văn chương sau này. Giúp đỡ họ ư, bằng cách nào, vô phương, chỉ vì thịnh tình của mình thì nhỏ như hạt muối mà thôi. Một hạt muối không ngăn chận tình trạng ươn sình của một thảm cảnh có tên là nông dân mất đất.
Đi dọc các tuyến đường quốc lộ phía Bắc mới thấy bờ xôi ruộng mật trứ danh của đồng bằng sông Hồng đã biến thành dự án hết cả. Có thể nói vui, rằng nếu ngành lâm nghiệp đã "cơ bản phá xong rừng", thì cũng có thể nói tình trạng mua bán dự án đã "đập phá xong nồi cơm của nông dân vùng đất đẹp". Tại sao không đưa những dự án công nghiệp ấy lên đồi, hay đi sâu vào những vùng để có thể vực dậy kinh tế của vùng sâu vùng xa lên? Hình như chúng ta đã quá nuông chiều đối tác và đã không ngờ chỉ trong vòng mươi năm mà đã có 7 triệu nông dân mất đất. Dự án được từng địa phương thi nhau khều về để treo – theo tư duy mỗi tỉnh một cảng biển, một nhà máy đường – đã gây ra cảnh ngược đời : nhiều nông dân sống bằng "nghề" đi kiện trong khi muỗi mòng làm vương làm tướng ở những cánh đồng hoang vu trải dài vô tận. Bài toán vĩ mô hụt hơi vô tình đã làm thân phận người nông dân quay lại ở cột mốc mà từ đó chúng ta muốn gỡ họ ra. Dân trí thấp thỏi, lao động dư thừa, đồng vốn bằng không, đất đai manh mún (cả nước có 78 triệu mảnh ruộng, có những mảnh chỉ rộng cỡ 20m2), vì vậy mà nông thôn quạnh vắng, thành phố nghẹt thở, trong khi người mình mang tiếng là đã xuất khẩu ra nước ngoài đủ thói hư tật xấu của một dân tộc luộm thuộm một cách toàn diện nhất.
3.So với các nước lân bang trong nhóm Asean, số người lao động xuất khẩu của ta còn ít hơn Philipine. Cho thấy, bài toán tìm đường đưa nông dân ra thế giới là bài toán chung, trong xu thế tự nhiên của hội nhập. Đi làm thợ, không có gì phải tự ti, đi làm ôsin cũng không tồi, đi làm cave là giải pháp đau lòng nhưng không ngăn chận nổi. Nhưng cũng phải nhìn thẳng, do không được chuẩn bị từ trước nên số người đi vừa non kém tay nghề, vừa thường trực mặc cảm. Nhiều năm đã trôi qua, áp lực thất nghiệp ngày càng lớn, nhưng chưa thấy sự chuẩn bị cho một đội ngũ thanh niên có tay nghề để thi thố ở nước ngoài.
Không khỏi ngẫm nghĩ con số 78 triệu mảnh đất manh mún được công bố trong hội thảo "Nông dân trong quá trình hội nhập" diễn ra ở Hà Nội vào dịp cuối năm dương lịch. Ngày xưa, đất đai vào tay một số người, mâu thuẫn giữa giàu với nghèo nặng nề, khốc liệt. Nhưng ở miền Tây hồi đó, đồng lúa bạt ngàn, gạo xuất khẩu có tiếng và những tập đoàn mễ cốc của Việt Nam khiến Thái Lan còn phải nể mặt. Nửa thế kỷ sau chiến tranh, hộ nông dân nào cũng có đất, nhưng chính họ không nuôi nổi bản thân mình. Mô hình khác cho ra một kết quả khác. Hình như chúng ta vẫn còn ngại những từ như sản nghiệp, chủ điền, tư sản nông thôn? Thiết nghĩ, đã là kinh tế thị trường thì kinh tế tư nhân phải được phát triển và đảm bảo. Quá trình tê liệt ở thôn quê này nhất định sẽ không thể kéo dài, những người yêu đất sẽ phải xuất hiện với những núi tiền để phục hồi lại vị trí ông chủ cho nông thôn có những vùng chuyên canh ngoạn mục. Sẽ có những người từng là bạn của nhau trở thành chủ và tớ, sẽ có những đô thị nhỏ ở thôn quê để người nông dân được gắn bó trên chính nơi chôn nhau cắt rún của mình. Không có bước đi nào khác. Muốn làm được nghiệp chủ ở nông thôn không chỉ có tiền, mà còn phải có học, có tài, có tâm, và người làm công cũng phải có bằng cấp. Đã trở lại với bài toán mà đáng ra chúng ra đã đặt lên bàn từ sau khi kết thúc chiến tranh, rằng nhất thiết phải kinh tế thị trường, nhất thiết những người lính còn nguyên vẹn hồn cốt thôn quê phải được đào tạo hệ thống để làm thầy và làm thợ, nhất thiết con em họ phải có bằng cấp, dù là đi làm thuê cho thiên hạ. Nông thôn hiện bị rỗng đi, như một cơ thể bị rút ruột vậy.
Trong khi chúng ta còn loay hoay với những giải pháp mà các nước láng giềng đã giải trước ta mấy chục năm trước, thì thảm hoạ biến đổi khí hậu toàn cầu đã áp sát Việt Nam, một trong 3 nước sẽ chịu hệ luỵ của nó sâu sắc nhất (cùng với Ai Cập và quần đảo Bahamas). Trái đất đã nóng lên đột ngột chứ không phải "nóng dần" nữa, bằng chứng là Hà Nội không có mùa đông đúng nghĩa trong ngày Noel. Băng ở hai cực sẽ tan nhanh, mỗi năm tốc độ tan băng càng thúc bách hơn, th
ế giới bị sa mạc hoá vì nạn phá rừng, dân số thế giới không kềm hãm nổi và thói tiêu dùng của con người đã khiến cho khí thải làm thủng cả chín tầng trời. Sẽ có 23 triệu nông dân bị mất đất và phải sống chung với nước quanh năm. Đã có bài toán cho tình trạng này chưa, chúng ta sẽ có những làng nổi, những trường học nổi, những bệnh viện nổi hay sẽ như một bầy kiến tìm cách thoát đi, lũm chũm, nhếch nhác và tuyệt vọng?
Nhà văn Dạ Ngân – Theo VNQĐ