Sau ngày Lễ Độc lập 2/9/1945, Hà Nội trở thành Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hệ thống chính quyền mới ở Thủ đô và ở khắp các tỉnh thành được thiết lập. Chính phủ rất quan tâm tới việc chọn người đứng đầu UBND TP Hà Nội mà trước đó thường gọi là thị trưởng. Vào một ngày trời rét buốt cuối năm 1945 đầu năm 1046, Hồ chủ tịch xuất hiện tại nhà riêng bác sĩ Trần Duy Hưng ngỏ ý mời ông tham ra làm Thị trưởng Hà Nội.
Ông rất khiêm tốn và thực thà trả lời:
– Thưa cụ, xin cụ chọn người khác, tôi không quen làm chức ấy.
Hồ chủ tịch cười nói:
– Thì tôi có quen làm Chủ tịch nước đâu. Ta cứ làm rồi sẽ quen.
Hẳn là bác sĩ Trần Duy Hưng được thuyết phục và vinh hạnh nhận lời.
Thực không phải ngẫu nhiên mà như vậy. Hồ Chủ tịch đã nhắm chọn rất đúng người, đúng việc. Bác sĩ Trần Duy Hưng không chỉ một mà hai lần đảm nhiệm trọng trách này. Đó là một đều xứng đáng.
Bác sĩ Trần Duy Hưng |
Người thầy thuốc lương tâm vì dân
Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16/2/1912 tại thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Thủa nhỏ đi học, rồi tốt nghiệp Đại học Y khoa trở thành bác sĩ, cùng với các đồng nghiệp Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ…
Thời sinh viên, ông hăng say hoạt động Hướng Đạo sinh dưới sự hướng dẫn của Huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy. Sau khi tốt nghiệp, ông cùng người em gái mở một bệnh viện tư ở phố Hàng Bông – Thợ Nhuộm để hành nghề. Là một bác sĩ trẻ tuổi lại có đạo đức nên ông làm việc thuận lợi.
Trong công việc trị bệnh cứu người, ông có ý thức trách nhiệm, nêu cao đạo đức lương y. Điều đặc biệt là ông có thái độ cứu giúp người nghèo và tầng lớp bình dân. Ông được nhân dân mọi tầng lớp ở Hà Nội yêu mến và kính trọng. Ông có một dáng vẻ thư sinh trí thức, với cặp kính trắng và nụ cười hiền hậu. Ông quen biết hầu khắp các tri thức Thủ đô, đặc biệt là nhóm các trí thức Tạp chí Thanh Nghị như Phan Anh, Khái Hưng, Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển…
Nhà trí thức yêu nước hết lòng phục vụ Tổ quốc
Thực ra trước khi làm Thị trưởng Hà Nội, Trần Duy Hưng bí mật tham gia Mặt trận Việt Minh. Nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng là người được ông chữa bệnh và đều là những cán bộ đi Việt Minh từ năm 1945.
Hẳn là ông đã đi theo cách mạng từ hồi đó, và thực sự tích cực hoạt động trong phong trào Việt Minh. Trước Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, nhóm tri thức Thanh Nghị thành lập Hội Tân Việt Nam để ủng hộ Nội các Trần Trọng Kim. Nhưng Hội này chỉ tồn tại mấy tháng (tháng 5 – 7/1945) cùng lúc với Nội các Trần Trọng Kim, Trần Duy Hưng cũng có tên trong Hội này và còn được vua Bảo Đại mời làm Bộ trưởng Thanh Niên nhưng ông từ chối; lúc đó ông đã là cán bộ Việt Minh cùng với nhiều người trong nhóm trí thức đó.
Sau khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng bắt tay vào làm rất nhiều việc cho Thủ đô: đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, chống nạn đói, chống giặc dốt, khôi phục kinh tế, Tuần lễ vàng…
Tết năm Bính Tuất (1946) giữa đêm giao thừa, vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tháp tùng Hồ Chủ tịch đi thăm hỏi chúc Tết nhân dân lao động xóm nghèo. Thấy Hồ Chủ tịch xuất hiện, bà chủ nhà ngỡ ngàng không tin vào mắt mình, luống cuống mời Bác và bác sĩ Trần Duy Hưng vào nhà rồi bật khóc nức nở lo Bác trời rét buốt còn đến tận đây.
Hồ Chỉ tịch ân cần nói: “Bác chẳng đến thăm cô chú còn đến thăm ai”. Bác sĩ Trần Duy Hưng lấy cuộc viếng thăm ấy của Hồ Chủ tịch làm bài học sâu sắc cho đạo đức tư cách người cán bộ cách mạng trong suốt cuộc đời hoạt động của mình.
Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các cơ quan chính quyền rút lên Việt Bắc, bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ suốt thời kì kháng chiến chống Pháp, rồi sang làm Thứ trưởng Bộ Y tế một thời gian ngắn đầu năm 1954. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Quân đội Nhân dân trở về tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP Hà Nội cùng Thiếu tướng Vương Thừa Vũ là Chủ tịch Ủy ban Quân quản.
Lần thứ hai làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Nhân dân Hà Nội nhớ rõ trong đoàn quân Cụ Hồ trùng điệp từ năm cửa ô tiến vào trung tâm Hà Nội có chiếc xe com măng ca mui trần chở 2 người đứng bên nhau là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng. Một người quân phục chỉnh tề, một người y phục dáng thư sinh, đầu trần đeo kính trắng, nụ cười trên môi vẫy chào dòng người dân Thủ đô hai bên hè phố dưới rừng cờ đỏ sao vàng rợp trời.
Bác sĩ Trần Duy Hưng đã trở về ngày ấy và sau đó lần thứ hai ông lại làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ông chọn một người làm Phó Chủ tịch cùng ông gánh vác công việc quản lý Hà Thành, đó là bác sĩ Trần Văn Lai ( 1894 – 1975), nguyên Thị trưởng Hà Nội hồi tháng 7/1945, thời Nội các Trần Trọng Kim. Bác sĩ Trần Văn Lai là một trí thức yêu nước có tinh thần dân tộc chống Pháp, có chân trong Hội đồng thành phố nhưng luôn chống đối thực dân, bênh vực thường dân nên từng bị Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La 2 năm ( 1943- 1945).
Sau khi Nhật đảo chính, ông thoát về Hà Nội và được mời làm Thị trưởng Hà Nội. Dưới quyền Khâm sai Phan Kế Toại, ông đã thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước. Ông muốn triệt phá nhiều dấu tích của thực dân trên địa bàn Hà Nội: đổi tên phố, tên trường học… bằng tên Việt, phá các tượng đài ghi công tích xâm lược Pháp…Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12/1946, bác sĩ Trần Văn Lai ở lại Hà Nội, nhưng con trai duy nhất của ông là Trần Mạnh Chu đi theo kháng chiến.
Thời Hà Nội tạm chiếm, Thành ủy Hà Nội luôn đánh giá bác sĩ Trần Văn Lai là một trong những trí thức yêu nước có tiếng tốt lại am hiểu nhiều về Hà Nội nên ông được bác sĩ Trần Duy Hưng chọn làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thời kì sau giải phóng. Nhiệm kì lần này của bác sĩ Trần Duy Hưng khá dài (1954-1977), có lẽ là dài nhất trong lịch sử Hà Nội.
Suốt 23 năm phụ trách chính quyền Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng nêu tấm gương sáng về tinh thần tận tụy với dân với nước, về đạo đức giản dị cần kiệm liêm chính, thái độ ân cần gần gũi, không quan liêu hách dịch, không xét nét cửa quyền. Ông tiếp dân ngay tại nhà mình, giải quyết nhiều công việc chóng vánh.
Thời kì chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Hà Nội là một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân địch. Trong lửa đạn, người ta trường thấy ông Chủ tịch thành phố đi nhiều địa điểm động viên quân dân chiến đấu và sản xuất, thậm chí cùng bộ đội dập lửa, cứu người, đồng cam cộng khổ cùng bộ đội. Ông chú ý tới lớp sinh viên, học sinh, thường đi các trường nói chuyện. Ông quan tâm tới các em học sinh miền Nam tập kết vừa thiếu thốn tình cảm vừa không quen khí hậu miền Bắc, ông thường lái xe đưa các em đi thăm danh lam thắng cảnh Hà Nội.
Trong thời kì hòa bình, ông chăm chút đến cuộc sống của nhân dân, của cán bộ công nhân viên. Chính quyền hà Nội đã có chủ tưởng sáng tạo thực hiện việc cung cấp và bán nhà phân phối cho cán bộ công nhân viên ổn định cuộc sống. Đó là một việc làm rất tốt đẹp. Ông là người có ý thức học tập, sống và làm việc theo Hồ Chủ tịch. Thực hiếm có một thị Thị trưởng đảm nhiệm chức vụ một cách suất sắc suốt hơn 20 năm như ông.
Ông còn được bầu làm đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Điều rất đáng khâm phục ở ông là tuy có quá nhiều công việc như vậy nhưng ông đều tự làm lấy cũng như tự lập thời gian biểu việc cần làm mà không cần thư kí riêng. Quả là cực kì hiếm thấy một vị thị trưởng không có thư kí riêng giúp việc. Điều đó cho thấy ông là một người cần cù, trách nhiệm, tự tin và quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói rằng: “Ông là một con người của nhân dân, vì nhân dân , một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập noi theo”.
Còn nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân nhận xét: “Ông là một vị Chủ tịch Thành phố lâu nhất, giỏi nhất, được nhân dân yêu mến nhất”. Đó là những lời đánh giá lịch sử đối với Thị trưởng Trần Duy Hưng. Sở dĩ ông có một sự nghiệp rạng ngời như vậy còn do ông có một người bạn đời đảm đang, một gia đình êm ấm.
Bà Nhữ Thị Tý đã giúp ông nhiều công việc hoạt động từ thời trước cách mạng, đón tiếp Hồ Chủ tịch và nhiều đồng bào, đồng chí thân quen, kể cả khách quốc tế. Bà sinh hạ 7 người con đều trưởng thành và thành đạt, còn nuôi hai người con nuôi là con người em trai liệt sĩ của ông.
Trải qua mấy chục năm cống hiến, bác sĩ Trần Duy Hưng qua đời ngày 2/10/1988 ở tuổi 76, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mọi người. Ngày 3/2/2005, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh. Tên ông đã được đặt cho một con đường rất to đẹp ở Thủ đô Hà Nội. Hình ảnh và sự nghiệp của bác sĩ Trần Duy Hưng sẽ sống mãi trong lòng nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Theo Tạp chí xưa và nay, bee