Tháng 5-1945, Rochus Misch đã được phép hoàn tất quá trình phục vụ của mình tại hầm ngầm của trùm phát xít Hitler chỉ vài ngày trước khi đế chế thứ ba chính thức sụp đổ hoàn toàn. Hiện giờ, nhân chứng sống cuối cùng trong số những người có dịp gần gũi tên trùm phát xít này đã 90 tuổi. Ông quyết định tiết lộ nhiều chi tiết còn giữ kín trong một cuốn sách sắp xuất bản tại Đức.
Nhân chứng sống cuối cùng
![]() |
Rochus Misch và tấm ảnh chụp năm 1940 của mình |
“Thật là điên khùng” – Misch vẫn nhớ như in cảm giác của mình về hai nghệ sĩ đang chơi guitar tại nhà ga Kaiserhof vào thời điểm đó. “Tôi vừa bước chân ra khỏi hầm ngầm của cái chết – một bi kịch thực sự như vậy mà lại nghe được những tiết tấu này. Bọn họ hình như đang chơi một giai điệu nào đó của xứ Hawaii”. Đó là lúc gần 6g sáng ngày 2-5-1945 tại Berlin. Cách không xa khu văn phòng của quốc trưởng, những tay súng của lực lượng SS vẫn ngoan cố nổ súng kháng cự và gục ngã. Chỉ có Rochus Misch đã may mắn thoát khỏi cái địa ngục này. Nhờ đó mà ông vẫn sống cho tới tận ngày nay.
Mới một giờ trước đó, chàng thanh niên 27 tuổi Misch vừa hoàn tất quá trình phục vụ “quốc trưởng, nhân dân và tổ quốc” – đúng theo những khẩu hiệu được nhắc tới trong văn phòng này. Ông đã hỏi Goebbels liệu có cần gì thêm nữa không, trước khi được phép rời bỏ khu hầm ngầm này. Khi đó, các tay súng Hồng quân có lẽ chỉ cách khoảng 200m so với nơi mà Misch đã phục vụ trong suốt 6 năm. Misch chính là một vệ sĩ, đồng thời là liên lạc viên điện thoại của Hitler. Ông cũng là một trong những người cuối cùng rời bỏ hầm ngầm này.
Rochus Misch đang sống trong một ngôi nhà nhỏ tại Berlin. Đó là một góc nhỏ thanh bình của thủ đô có phong cảnh tương tự như một làng quê của Đức. Nhưng điều này không đủ đem lại sự bình yên cho Misch. Đơn giản là điện thoại của ông thường xuyên réo chuông, trong khi trên bàn mỗi ngày có hàng đống thư được gửi tới. Những lá thư tới từ khắp nơi, kể cả Nhật, Tây Ban Nha và Mỹ. Nhiều khi trong đó còn kèm theo cả những chi phiếu và yêu cầu xin chữ ký. Mới đây, Misch còn đặt in cả một số lượng những tấm ảnh từ hơn nửa thế kỷ trước, trong đó Misch mặc quân phục đứng trước cửa hầm ngầm. Nhiệm vụ tiếp theo của ông là đích thân ký tên vào đó và gửi trả lại cho chủ nhân yêu cầu.
Rochus Misch sinh năm 1917 tại Oppeln (ngày nay là vùng Opole của Ba Lan). Ngay từ năm 2 tuổi, cậu bé bị mồ côi cả cha lẫn mẹ. Được ông bà nuôi nấng, Misch sau khi tốt nghiệp phổ thông trở thành tay thợ vẽ những tấm biển quảng cáo. Năm 1937, Misch nhập ngũ, tham gia chiến đấu và bị thương nặng tại Ba Lan.
Sau khi chữa lành vết thương, chỉ huy đại đội đã giới thiệu Misch vào đội bảo vệ quốc trưởng. Nguyên nhân dẫn tới quyết định này là theo quy định, thành viên duy nhất còn sống trong một gia đình Đức sẽ không phải ra mặt trận. Thế là Misch được đưa lên ô tô để đưa tới văn phòng quốc trưởng tại Berlin. “Tôi cảm thấy sợ hãi và không muốn gặp quốc trưởng. Đối với tôi cũng như tất cả những người Đức, từ quốc trưởng vẫn mang một ý nghĩa gì đó quá xa vời và đầy quyền lực”, Misch kể lại.
“Tôi đã từng là vệ sĩ của Hitler”
![]() |
Misch trước cửa hầm ngầm của Hitler vào năm 1944 |
Rochus Misch đã kể rất nhiều về những thời khắc bên cạnh Hitler – trước mặt những du khách Nhật, các phóng viên báo chí nước ngoài và địa phương. Khách của ông còn có Willy Brandt cũng như nhiều đạo diễn khác. Qua Misch, mọi người mới biết rõ ai đã bắn Hermann Fegelein – người đã lấy chị của Eva Braun và trên thực tế là anh em cột chèo với Hitler. Fegelein là sĩ quan liên lạc của Heinrich Himmlers. Ông ta không được phép đã trốn khỏi khu hầm ngầm vào ngày 27-4.
Viên tướng SS này sau đó đã bị lực lượng an ninh bắt được tại căn hộ của mình ở đường Bleibtreustraße và bị tử hình vào ngày 29-4. “Mệnh lệnh về việc xử bắn Fegelein là do cố vấn Hogl của cảnh sát hình sự Đức (đại diện chỉ huy lực lượng bảo vệ riêng cho Hitler) đưa ra. Tôi biết được điều này từ một nhân viên của cơ quan an ninh, đồng nghiệp người đó đã trực tiếp bắn Fegelein. Tôi còn biết cả tên ông ta nhưng sẽ không tiết lộ”, Misch kể lại.
Misch còn cho biết về viên phi công Hanna Reitsch, người đã không muốn đưa con cái của Goebbels ra khỏi khu vực chiến sự ở Berlin. Ngoài ra còn một số chi tiết được làm rõ khác về những giờ phút cuối cùng của Hitler. Tên trùm phát xít, theo như Misch, đã xin lỗi tất cả mọi người trước khi tự sát. Còn Eva Braun sau khi chết vẫn ngồi trong góc chiếc ghế đi văng, đầu hướng về phía Hitler. Trước khi đi, Misch còn chào từ biệt anh thợ kỹ thuật Johannes Hentschel, người vẫn phải ở lại hầm ngầm để đảm bảo việc cung cấp điện và nước.
Sau khi rời khỏi đây, Misch tới khu nhà ga Stettiner Bahnhof và bị bắt làm tù binh. Trong số những tù binh tại đây có cả viên phi công riêng Hans Baur của Hitler, người về sau đã thông báo cho phía Nga về công việc đặc biệt trước đây của Misch. Thế là Misch bị chuyển tới Moscow để thẩm vấn. Sau 8 năm tù tại Kazakhstan, Misch trở về Tây Berlin vào năm 1953, kiếm được việc làm tại một xưởng mỹ thuật của người bạn cho tới khi về hưu. Sau 60 năm, ông đã quyết định viết một cuốn sách về cuộc sống của mình tại nước Đức phát xít trước đây. Cuốn sách đã được xuất bản tại Nam Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ; trước khi sẽ chính thức ra mắt độc giả tại Đức vào mùa thu năm 2007 này. Misch không tiết lộ gì về nội dung cuốn sách này, chỉ cho biết chính mình đã nghĩ ra tên của cuốn sách: “Ich war Hitlers Leibwachter” (Tôi đã từng là vệ sĩ của Hitler).
Theo SGGP