Cù lao nằm hun hút ở phía bên kia rừng tràm. Phải mất hơn một giờ đồng hồ đi đò dọc, người phố mới thấy được doi đất hiện ra trong giăng giăng màu khói lam chiều. Chuyến đò chỉ có người phố và hai cư dân cù lao, một già một trẻ.

Già cù lao quấn khăn rằn, mặc chiếc áo bà ba đã bạc cùng đôi quang gánh đã trống rỗng xếp chồng lên nhau. Trẻ cù lao mặc chiếc áo thun xanh có in hình siêu nhân, tay chân đen thui ngồi tựa mạn đò ngóng trời ngóng nước.

Già cù lao có vẻ ngạc nhiên khi nghe người phố giới thiệu là người quen của chị bán quán ở bến đò phía cù lao. Già nói, con nhỏ đó ra cù lao sống sáu năm, có thấy bà con họ hàng gì ở trên thành phố về thăm đâu, chỉ luẩn quẩn mấy người quen ở cồn đất bên kia thi thoảng sang thăm. Sáu năm trước, chị cũng là công dân của cồn, cho đến ngày chị không còn được gia đình chồng thừa nhận. Một mình, chị ra đi giữa ngày mưa triền miên. Người bên cồn nói chị bỏ xứ đi, nhưng cù lao cách “xứ” của chị cũng chỉ hai lần đò dọc. Chị đâu còn nơi nào xa xôi hơn để đi…

Chuyện này thì người phố đã nghe chị kể trong dịp về cù lao – cách đây gần một năm trước. Lần ấy, trời không trong xanh và lặng gió bình yên như thế này. Con đò chạy trong mưa gió bão bùng, chuyến đò chỉ hai người khách. Lúc đó, người phố đi thực tế tìm tư liệu trên đất cù lao cho bài nghiên cứu của mình, đi cùng với người yêu. Lần đó, người phố không điệu đà váy hoa, chiếc quần jean xanh và áo thun trắng giản dị bị cơn mưa tầm tã nhuộm lên màu quê cỏ. Cù lao đón người phố bằng những tiếng sấm rền vang và cơn mưa chiều không dứt. Chị chủ quán ngay bến đò rộng lượng mở cửa đón hai người khách lạ trú mưa, pha cho ly trà nóng và trở thành người quen đầu tiên trên đất cù lao.

Cù lao nhỏ xíu, chỉ hai ngày lưu lại, người phố đã có dịp biết hết câu chuyện lập nghiệp của những già cù lao tứ xứ dạt về thuở khai hoang, gặp gỡ nhiều người nơi đây, ghi chép đầy đủ tư liệu cho cuộc khảo sát của mình. Người phố chợt thấy yêu mảnh đất cằn cỗi nhỏ bé nằm hun hút giữa biển trời, đất nghèo nhưng người bao dung. Người phố xa lạ được họ đón nhận như đứa con xa đi lâu lắm mới về.

Cuộc sống, có những nơi chốn người ta chỉ đi qua một lần, có những con người ta chỉ gặp một lần trong đời. Cù lao vẫn vậy, vẫn nằm khuất sau rừng tràm bạt ngàn. Người lái đò dọc mái tóc muối tiêu, chiếc áo bạc và nụ cười sương gió. Bến cù lao vẫn là góc quán lá, con đường đất uốn lượn quanh cù lao chưa được đổ xi măng. Chỉ khác là chuyến này, người phố về một mình. 

Chị chủ quán nhìn người phố thoáng chút ngỡ ngàng, đã một năm rồi. Người phố gầy hơn và tóc cũng ngắn đi. Chỉ có nụ cười rất sáng – theo lời chị – là không thay đổi. Nụ cười quen để chị nhận ra người phố. Thêm một chút ngỡ ngàng, chị nhìn ra phía sau lưng người phố như tìm ai.

– Lại có chuyến khảo sát cù lao hả em? – chị ân cần rót nước cho người phố.

– Dạ không, em về thăm chị. Chiều em sẽ trở ra ngoài xã, rồi mai trở lại thành phố. Em có mang sách về tặng chị.

Lần trước về, người phố thấy chị không có gì để giải trí ngoài chiếc tivi màu 14 inch lắm khi mất sóng. Chị nói thích đọc sách, nhưng ở cù lao không có sách. Chị ít khi vào huyện, mà cũng không có ý định dành riêng một phần tiền cho sách, tiền mưu sinh mỗi ngày còn thiếu trước hụt sau. Lần đó, người yêu của người phố có hứa nếu có dịp về lần sau, sẽ mang sách ra cù lao cho chị. Nhưng người ấy đi biền biệt, bỏ người phố còn được, huống gì là bỏ đất cù lao vốn lạ xa? Người phố thực hiện thay lời hứa năm nào – cũng có thể là sự hoàn thiện trong nỗi đau. Chính người phố cũng không hiểu vì sao mình lại chọn đất cù lao để về. Hình như nơi đó còn vương vấn những thân quen của ngày tháng cũ. Trên mảnh đất xa xôi này, người yêu đã nói rằng, cả cuộc đời này sẽ dành thời gian để đi với người phố đến cùng trời cuối đất. Hình như trong ánh trăng bàng bạc của đêm yên tĩnh, vẫn còn văng vẳng đâu đó trong gió những lời hẹn ước.

Người phố đi nhặt kỷ niệm, tìm lại những dư âm ngày cũ, như thể ngược dòng trở về ngày hôm qua, dẫu biết rằng thời gian đã cuốn tất cả những thương yêu lãng quên trả về cho quá vãng. Người phố không nói gì với chị chủ quán về hành trình của mình, chỉ muốn tiếp tục lắng nghe câu chuyện của chị.

Minh họa: Suối Hoa 

 

Ở nơi hun hút buồn tênh này, chị lấy gì làm điểm tựa để đi qua nỗi đau? Người ta cần thời gian bao nhiêu lâu để có thể chấp nhận được những vỡ tan, sóng gió, mất mát nào đó trong đời?

Hơn sáu năm rồi, chị vẫn cứ sống hiền lành, nương tựa trên đất cù lao, vẫn âm ỉ một hy vọng mong manh rằng ngày nào đó chồng chị sẽ dong xuồng từ cồn sang đón chị về. Mỗi mùa nước lớn, chị lại khắc lên thân cột một vết khắc, vậy mà thân cột đã chi chít những dấu dao rồi, bóng dáng người chị mong mỏi vẫn còn miên miết ở bên kia sông. Người ta nói, chồng chị đã lấy vợ khác, nhưng chị không tin. Chị không muốn tin. Chị vẫn cứ chờ. Chị nói, hai người khó khăn lắm mới đến với nhau, làm sao mà chồng chị có thể bỏ chị dễ dàng như vậy.

Làm sao có thể bỏ nhau dễ dàng đến vậy?

Chị đã giữ câu hỏi này qua cả thời xuân sắc, cũng không có ai đến trả lời cho chị được. Mẹ chồng chị nói đàn bà tướng như chị lẳng lơ, sớm muộn gì cũng làm khổ chồng. Chị đã từng khóc hết nước mắt vì những lời cay nghiệt. Trên xóm cồn nghèo khó, chị cũng tảo tần, hết lòng hết dạ phục vụ nhà chồng, lo lắng đủ chuyện. Nhưng chị lại cứ mỗi ngày một đẹp mặn mà, tóc dài môi đỏ, người mây mẩy thanh xuân, thanh niên trong xóm cứ chết mê chết mệt. Chị bán hàng ngoài chợ, không ít kẻ trêu hoa ghẹo nguyệt. Mấy bà bạn hàng ghen tỵ, đặt điều đến tai mẹ chồng. Rồi có lần một ông say rượu cứ nắm tay rồi bất ngờ ôm chặt lấy chị, nhất định không buông khi chị giặt quần áo ở bến sông, mẹ chồng chị tình cờ bắt gặp, không tiếc lời xỉa xói, mắng nhiếc con dâu làm xấu mặt gia đình. Mấy bà bán ở chợ được dịp ngồi lê đôi mách, phun những lời đàm tiếu, xem chị là một kẻ xấu xa, lẳng lơ của xóm cồn. Chuyện đến tai chồng, những lời nói cay nghiệt của mẹ chồng và dị nghị của hàng xóm láng giềng đã phủ bạt hết niềm tin trong anh, anh đuổi chị ra khỏi nhà như thể chị đã phạm phải tội tày trời, ngàn đời nhơ nhuốc.

“Thứ con nhà trôi sông dạt chợ, được làm dâu nhà này là phúc đức lắm rồi mà còn không biết thân biết phận. Nhà này không chứa cái thứ dơ dáy như cô”. Mẹ chồng, vốn dĩ từ đầu đã cự tuyệt chị vì không môn đăng hộ đối, không tiếc lời khinh rẻ chị. Người chồng ngày trước một mực bảo vệ, đòi cưới chị, cũng trở thành kẻ bạc nhược, chỉ biết trút lên đầu chị những cơn giận dữ.

Chị khóc hết nước mắt, kiệt cùng sức lực, quỵ lụy xin chồng hiểu cho chị, xin mẹ chồng rộng lòng suy xét, nhưng bát nước hạnh phúc đã bị đổ xuống dòng sông ngầu đỏ. Chị thất thểu ôm gói đi khỏi bể ô nhục. Chị đi đò dọc, theo người lái đò về đất cù lao. Chị muốn dùng cả cuộc đời mình để chứng minh cho chồng chị thấy rằng, tình yêu của chị dành cho anh là duy nhất. Chị mong mẹ chồng sẽ có lúc hiểu cho chị, rằng đứa con gái dù không cha không mẹ, lớn lên trong cảnh cơ hàn thì cũng không phải là thứ con gái bỏ đi, không biết gì câu tiết hạnh.

Chị chờ. Chờ suốt mấy ngàn ngày, mà vẫn chỉ có đất cù lao hiền lành cưu mang chị, chỉ có người cù lao hiểu cho chị và cũng chỉ có một mình chị từng đêm xót xa dỗ dành cho chính mình. 

Chị vừa mỉm cười vừa lau những hạt nước lăn qua môi khi kể về những ngày tháng cũ. Có lẽ cũng đã lâu lắm rồi, chị cứ giữ cho riêng mình những niềm riêng thăm thẳm.

Sẽ không ai biết nỗi đau nào là lớn nhất, cho đến khi gặp nỗi đau lớn hơn. Người phố tự hỏi, nỗi đau của mình là gì, nếu đặt trên cung đàn rạn vỡ của chị? Mất mát của người phố nằm ở đâu trên đỉnh cao của sự cô độc, chờ đợi đến bạc cả niềm tin mà chị đã mang theo ròng rã hơn sáu năm trời? Người phố còn có một hành trình thênh thang giữa cuộc đời để đi, để quên, để sống và để cười, để tìm cho mình một hạnh phúc khác. Còn chị, suốt cuộc đời dồn nén khổ đau để chứng minh cho giá trị, đức hạnh của chính mình. Mà có ai cần chị phải chứng minh đâu? Có ai còn cần đến chị nữa đâu? Cù lao cưu mang chị, nhưng sóng cù lao không đủ sức dỗ yên lòng chị.

Người phố rời đất cù lao khi mặt trời đã mất hút ở phía bên kia sông. Tạm biệt chị, tạm biệt mỏm đất xa hun hút nằm lẻ loi giữa biển trời, người phố ngược dòng về phía phố. Người phố đi tìm kỷ niệm, nhưng không nhặt lại gì, thả lại tất cả trên đất cù lao, cho mọi thứ ngủ yên cùng những con sóng.

Chiếc đò dọc lặng lẽ xuôi dòng. Quay nhìn lại cù lao, người phố thấy dáng chị mong manh trong chiều.

Chị cứ đứng lặng yên trên bến vắng, nhìn theo con đò đưa người phố đi. Người phố nhắm mắt, một hạt nước rơi xuống, lẫn vào những cánh sóng. Hình ảnh người yêu cũng nhạt nhòa tan trong con nước, chỉ còn bóng chị liêu xiêu với nắng chiều.

Đời còn bao nhiêu ngàn ngày đợi…

Theo Tiểu Quyên (Phunuonline)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *