Theo thống kê của cơ quan chức năng thì có đến 90% số vụ tai nạn giao thông ở ta xuất phát từ lỗi của người tham gia giao thông. Đó cũng là căn cứ để Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động Tháng an toàn giao thông năm nay với chủ đề "Văn hóa giao thông".

Ảnh: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Trong sự bộn bề của một thủ đô vừa mở rộng với số dân tăng gần gấp đôi, văn hóa giao thông ở Hà Nội đang là một vấn đề rất “nóng”. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã chia sẻ với phóng viên Văn nghệ Quân đội những đánh giá, nhận định sâu sắc về chủ đề này.

PV : Thưa ông, nên hiểu như thế nào là văn hóa giao thông?

Ông Nguyễn Vinh Phúc : Văn hóa là sinh hoạt. Vì vậy, cái gì không phải tự nhiên là văn hóa. Chính vậy, văn hóa quán triệt tất cả đời sống sinh hoạt của mỗi con người chúng ta, đương nhiên trong đó có văn hóa giao thông. Tôi vẫn bám chắc cái định nghĩa : “Văn hóa là sinh hoạt”. Rõ ràng, con người ta khi tham gia giao thông rất cần có văn hóa. Văn hóa giao thông là tạo nên trật tự trong giao thông, có những hành vi, cử chỉ, đối xử đẹp, văn minh, lịch sự. Tóm lại là trong giao thông phải thể hiện yếu tố văn hóa, phải chứng tỏ mình là người có văn hóa trong giao thông. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất cả nước, đương nhiên phải là nơi tập trung đậm đặc nhất tinh hoa, tài hoa của đất nước. Chính vì vậy, mỗi người dân phải tự hoàn thiện mình về văn hóa để nhận trách nhiệm trước quốc gia, dân tộc mình là một trong những người đại diện cho những gì là tinh hoa, tài hoa của đất nước.

PV : Nếu như sự ra đi đột ngột do chấn thương quá nặng của Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, nhà cơ học hàng đầu của Việt Nam là sự tổn thất nặng nề cho chúng ta, thì sự việc Giáo sư Seymour Papert thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) cũng bị tai nạn khi đi bộ trên đường phố Hà Nội làm cho trong mỗi chúng ta vừa tiếc nuối vừa day dứt, hổ thẹn. Để nảy sinh ra sự hổ thẹn đó, có phải vì Hà Nội ngày nay đã đánh mất đi cơ bản vẻ thanh lịch, nhẹ nhàng đằm thắm của Hà Nội xưa?

Ông Nguyễn Vinh Phúc : Tai nạn của hai ông đúng là rất đáng tiếc và đáng hổ thẹn, lỗi rõ ràng là ở người điều khiển xe đã gây ra tai nạn đó, và điều rõ ràng hơn là người điều khiển phương tiện giao thông không thể là người thanh lịch nữa rồi, càng không phải là người văn minh. Anh ta phóng xe như một người loạn trí(!?) Nếu anh ta giữ đúng luật đi đường, anh ta biết tránh người đi bộ thì sẽ không để điều đáng tiếc đó xảy ra. Căn cứ vào các vụ việc tai nạn vừa qua trong thành phố của chúng ta, có thể thấy rằng, nhiều người tham gia giao thông thiếu hẳn sự văn minh, thanh lịch. Cái văn minh nó không phụ thuộc vào sự giàu sang, bằng cấp hay phương tiện giao thông đắt tiền. Người Pháp có một câu châm ngôn mà tôi rất phục : “Văn minh thể hiện trên đường phố”. Nghĩa là cứ nhìn vào những người tham gia giao thông trên đường phố thì biết được mức độ văn minh, văn hóa của thành phố đó. Còn ở Hà Nội, như ta đã thấy, xe chạy lên trên cả vỉa hè, chen lấn, xô đẩy, lạng lách, rồi va quệt, rồi chửi bới tục tĩu… nghe khiếp lắm. Đối chiếu với câu ngạn ngữ trên, chúng ta có thể kết luận, hiện nay có rất nhiều người tham gia giao thông ở ta không có một chút văn minh nào.

PV : Tổ chức giao thông và hạ tầng đô thị của Hà Nội không đáp ứng được tốc độ tăng dân số, phương tiện. Luật cư trú đi vào cuộc sống, tình trạng di dân cơ học gia tăng, nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông ngày nghiêm trọng. Người nhập cư mang theo cả thói quen, văn hóa vùng miền hòa vào văn hóa Hà Nội. Phải chăng, văn hóa Hà Nội đang bị nhạt dần, không còn nét đặc trưng. Điều đó được thể hiện qua những người đang tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội ngày nay. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Và thực chất, xuất phát điểm của cái gọi là thiếu văn hóa giao thông là ở đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Vinh Phúc : Thời gian qua, Hà Nội đã có một số thành công trong giao thông tĩnh, đã có nhiều chuyển biến tích cực như làm thêm đường, làm thêm các bãi đỗ xe, mở rộng bến xe… và giao thông động cũng phát triển không kém, đó là những mặt tốt, những mặt làm được, đáng hoan nghênh. Trước đây làm gì có được đường, có được phương tiện như bây giờ mà đi. Phương tiện giao thông phát triển nhiều về số lượng và chất lượng là quý, cần phát triển, nhưng phải tính toán làm sao để phương tiện giao thông phát triển tỉ lệ thuận với hạ tầng giao thông. Muốn đảm bảo được văn hóa giao thông cần bảo đảm được quy hoạch giao thông là cái chủ chốt, hạ tầng giao thông phải phát triển. Điều đó, chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn, đặc biệt công tác tuyên truyền của chúng ta còn yếu kém. Những người sử dụng phương tiện giao thông đều biết luật cả đấy chứ, họ có bằng lái cơ mà, nhưng họ vẫn vi phạm luật giao thông, họ vẫn làm ngơ qua đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường dành cho người đi bộ. Điều tối thiểu nhất là phải biết bên nào là bên phải, bên nào là bên trái, họ biết cả đấy, nhưng h
ọ vẫn vi phạm. Điều đó nói lên cái văn hóa giao thông của ta rất kém.

Tôi lại nhắc lại câu : “Văn minh thể hiện trên đường phố”. Tại sao trước đây lại không như thế? Trước đây, họ nhường nhịn nhau, họ chào hỏi nhau rất niềm nở và mến khách… trong đó có yếu tố là thành phố không đông như bây giờ. Thời Pháp thuộc, thành phố chỉ có ba mươi vạn dân, bây giờ thành phố (mở rộng) có đến hơn sáu triệu dân. Thời Pháp thuộc, thành phố chỉ có bốn quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa, còn bây giờ, thành phố rộng mênh mông bát ngát như thế, người tứ xứ đổ về thủ đô đúng là đông quá, những người nhập cư chưa chịu tự điều chỉnh mình để thành người thành phố. Người nông dân ở nông thôn thì họ cũng chả cần hiểu cặn kẽ gì đến luật giao thông, vì đường ruộng, đường làng, đánh trâu đánh bò đi lại vậy thôi, rồi quang gánh nghênh ngang vì nhiều khi chỉ một mình họ một đường. Cái luật đời, luật người nó thế này, anh đã về thủ đô, về kinh đô thì anh phải tự điều chỉnh mình, thanh lọc mình, phải rũ bỏ những cái thô tháp, cái tiểu nông, cái văn hóa làng xã để đem về thành phố những cái tinh túy thôi, phải chắt lọc những cái tinh hoa để hòa với văn minh của kinh đô. Xuất phát điểm là do học luật mà không hiểu luật, học chỉ để lấy bằng lái chứ chưa được học như thế nào là một người tham gia giao thông có văn hóa. Văn hóa giao thông, như đã nói, nó không thể hiện ở tấm bằng và độ đắt tiền của phương tiện giao thông. Hiện nay, người về đông quá, nhanh quá, gấp gáp và vội vã quá, vì vậy, họ chưa kịp điều chỉnh, điều chỉnh chưa tới và họ còn thấy trước mắt họ là những cái gương không thanh lịch nên họ thấy cũng chả cần phải điều chỉnh nữa. Ví dụ như mặc áo may-ô, cởi trần phóng xe máy vù vù trên đường chẳng hạn, hay biến tất cả các gốc cây thành nhà vệ sinh công cộng, cột điện thành khăn mùi xoa lau mũi, trụ điện thoại công cộng thành thùng rác… Đây là trách nhiệm của cả chính quyền và cả người tham gia giao thông. Chính quyền thì thiếu tầm nhìn xa trông rộng, không có các quyết sách mang tầm chiến lược. Đáng lẽ trước khi cho nhập ồ ạt xe máy vào thì phải cho mở đường đã chứ. Nếu chưa kịp mở đường thì phát triển tốt giao thông công cộng trước đã. Cứ cái kiểu vừa nghĩ vừa làm, vừa làm vừa nghĩ thì nguy lắm. Bây giờ, xe máy đua chen cùng xe buýt, trở thành vấn nạn của giao thông, mà vấn nạn này còn lâu mới tháo gỡ được. Còn về phía người tham gia giao thông thì như đã phân tích, chưa kịp điều chỉnh mình, chưa tôn trọng cộng đồng, họ quá đề cao cái bản ngã của mình, bao giờ cũng muốn hơn mọi người, trên mọi người, khác mọi người nên rõ ràng chưa có được cái văn hóa giao thông.

PV : Hà Nội xưa cũng trên bến dưới thuyền nhộn nhịp lắm, nhưng cái sự nhường nhịn, cái sự văn minh giao thông xưa so với nay nó thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Vinh Phúc : Tất nhiên bây giờ đã giảm thiểu chất văn minh đi rồi, cái chất văn hóa kém hơn trước. Để xảy ra tình trạng đó là do con người bây giờ nhờn với luật pháp, chưa đề cao pháp luật, luật pháp có nhưng sử dụng không nghiêm. Bây giờ, cứ thử anh nào vi phạm thì bị phạt thật nặng xem. Tôi có lần đọc báo thấy một số nước phạt lỗi đi ngược chiều là phải ngồi tù đấy. Lại có một câu cách ngôn Pháp nói thế này : “Cái sợ trước người cảnh sát là sự bắt đầu của sự văn minh”. Sợ đây không phải là hèn đâu, sợ cảnh sát không phải là sợ cá nhân người cảnh sát, mà cảnh sát chính là pháp luật, sợ người cảnh sát là sợ pháp luật, là tôn trọng pháp luật. Ngày xưa, chuẩn bị làm một điều gì đó phạm pháp là người ta nghĩ đến cảnh sát, ví như dùng gốc cây làm nhà vệ sinh chẳng hạn, cảnh sát mà bắt được thì phạt nặng lắm. Còn bây giờ, người ta nhờn với pháp luật rồi, mà để người dân nhờn với pháp luật là nguy lắm. Cũng giống như bị bệnh mà nhờn thuốc thì bệnh lại càng nặng hơn. Trước đây, ý thức pháp luật của người dân cao hơn, được gìn giữ hơn.

PV : Nhân nói đến chuyện phạt nặng, cứ theo như ông nói thì hễ vi phạm là phạt thật nặng, dân tình sẽ khắc biết khiếp hãi, khắc biết tuân thủ luật pháp. Nhưng lại có ý kiến phản bác, rằng để có thể phạt được tất cả những người vi phạm (chưa nói đến nặng hay nhẹ) thì trước hết số cảnh sát giao thông thường trực trên đường phải tăng lên gấp năm lần hiện tại may ra mới xuể, vì số người vi phạm quá nhiều, đặc biệt những lỗi phổ biến như đi sai làn đường quy định, lạng lách, chen lấn, không đội mũ bảo hiểm, chở người quá quy định (tức là sai theo kiểu, biết vi phạm vẫn cứ vi phạm) v.v… Ý kiến của ông thế nào?

Ông Nguyễn Vinh Phúc : Đây đúng là một vấn nạn của thời đại. Mà cũng không t
hể bố trí CSGT ở tất cả các ngã ba, ngã tư được. Mà nếu có làm như thế đi nữa thì khi qua ngã ba, ngã tư, người tham gia giao thông lại tiếp tục vi phạm. Tôi đã đi một số nước văn minh, tôi chẳng thấy bóng anh cảnh sát giao thông đâu cả, vậy mà giao thông của họ vẫn đảm bảo tốt. Trước đây ở ta, thời Pháp thuộc cũng thế, cảnh sát ít lắm. Trong sách Vũ Trọng Phụng viết đấy, chỉ có Min-đơ và Min-toa đi xe đạp ở quanh phố thôi, thế mà không anh nào dám xả rác, không dám cho chó ra đường, không dám cả cãi nhau. Ngày xưa, xe đạp phải có lập lắc, phải có đèn, ban đầu thì đeo đèn dầu, sau thì có đèn diamo phát điện đèn. Nếu không có đèn, có biển số… thì bị phạt nặng lắm. Còn bây giờ thì phương tiện giao thông thật là bát nháo. Xe quá khổ quá tải, xe không gương không kính, thậm chí không ống xả, rồi ba gác tự chế… tất cả cứ xuống đường thoải mái như thế thì nói gì đến thực hiện được văn hóa giao thông. Muốn thực hiện được văn hóa giao thông phải tiến hành nhịp nhàng, đồng bộ, phải là sự nỗ lực của toàn dân, của tất cả các cấp, các ngành.

PV : Để “đường thông hè thoáng”, Hà Nội đã cấm bán hàng rong – một trong những nét đặc trưng, lâu đời của Hà Nội – ở một số tuyến phố, nhưng lại cho kinh doanh quán nhậu và giữ xe trên vỉa hè. Dưới con mắt của một nhà Hà Nội học, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Vinh Phúc : Đó là điều bất cập của vấn đề quản lý đô thị, biểu hiện sự lúng túng của thành phố, bởi vì hàng rong có thể là một cái đặc trưng cổ điển của Hà Nội. Đành rằng trong tương lai không nên có hàng rong nữa, như các nước văn minh đã không có hàng rong rất lâu rồi. Nhưng không phải cấm hàng rong là hàng rong sẽ mất đi. Hàng rong sẽ tự nó mất đi khi người dân thủ đô không có nhu cầu về hàng rong nữa. Khi mọi thứ phát triển lên, việc ăn uống, tiêu dùng… cũng sẽ khác, khi chỉ cần điện thoại thì có hàng giao tận nhà hay hệ thống siêu thị, cửa hàng thuận tiện cho việc mua bán, rồi điều kiện đi lại dễ dàng v.v… nghĩa là khi hình thức cầu thay đổi thì hình thức cung cũng phải thay đổi để phù hợp. Còn bây giờ, nhu cầu vẫn đang còn nhiều thì ắt phải có người bán hàng rong thôi. Cấm thì họ phải nghe theo, nhưng sẽ biến tướng để đối phó với cái lệnh đó, đuổi đầu này thì họ phải chạy đầu kia vì họ chưa tìm được nghề gì thay thế cho gánh hàng rong cả. Mà gánh hàng rong trên đôi vai người phụ nữ có khi là cả gia đình họ, là tiền học của con cái, tiền viện của chồng, tiền ăn của cả nhà, tiền họ hàng cưới hỏi giỗ chạp… Để người dân không nhờn luật, để luật đi vào cuộc sống thì luật đó cũng phải mang tính khoa học, xét đến mọi khía cạnh và sự ảnh hưởng của nó.

PV : Theo ông, để khái quát một câu chính xác và ngắn gọn về bức tranh giao thông ở Hà Nội hiện nay thì ông sẽ nói gì?

Ông Nguyễn Vinh Phúc : Vẫn là trong giai đoạn quá độ, chưa tiến lên được đến độ văn minh, mà thời kỳ quá độ này còn dài.

PV : Đã có vị khách quốc tế nào phàn nàn với ông về việc họ phải quá vất vả để vượt qua một đoạn đường ở thủ đô của chúng ta chưa? Và trong số những nét văn hoá ứng xử đang ở mức độ báo động của người Hà Nội hiện nay, thì văn hoá ứng xử trong khi tham gia giao thông ở vào mức độ nghiêm trọng nào?

Ông Nguyễn Vinh Phúc : Đó có lẽ là điều họ phàn nàn nhiều nhất. Họ nói ra đường ở Việt Nam như đi ra trận. Giao thông ở ta đã phải nói là báo động đỏ, báo động mức cao nhất, là cực kỳ nghiêm trọng rồi.

PV : Theo ông, để có thể xây dựng một diện mạo mới cho đường phố thủ đô, đặc biệt là vào giờ cao điểm, thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu và nhấn mạnh vào điểm nào?

Ông Nguyễn Vinh Phúc : Phải dạy, phải học, dạy ở nhà trường, ở gia đình, dòng họ, cơ quan, cộng đồng. Dạy bằng cách người già, cán bộ làm gương, bên cạnh đó là nâng cao dân trí đi đôi với nâng cao đời sống kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cuối cùng là thực thi tốt pháp luật. Người dân biết sợ luật là người dân đã bắt đầu có văn minh. Có văn minh ắt sẽ có văn hóa giao thông.

PV : Xin cảm ơn ông

Nguyễn Thế Hùng thực hiện – VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *