Chiến dịch vận động cứu sông Mékong do các nhà môi trường thuộc "Liên hiệp cứu lấy sông Mékong" (Save the Mekong coalition – SMC) chủ xướng tính đến cuối tháng 6/2009 đã thu hút được gần 17.000 người sau hơn ba tháng triển khai, trong số đó có hơn 11.000 cư dân trong vùng lưu vực sông Mékong và khoảng 5.000 người khắp nơi trên thế giới.
![]() |
Sông Mékong. Ảnh sưu tầm |
SMC được thành lập năm 2008 với nhiệm vụ chính là bảo vệ sông Mékong, mà mục tiêu trước mắt là theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc xây dựng khoảng 11 đập thủy điện ở thượng lưu con sông, đe dọa đến nguồn sống cũng như cách sống của hàng chục triệu cư dân ở khu vực hạ nguồn sông Mékong. Tổ chức Southeast Asian Rivers Network ước tính rằng, nguồn cá dự trữ ở khu vực biên giới Thái Lan – Lào đã giảm một nửa do những hoạt động các dự án xây dựng đập của Trung Quốc không giới hạn ở dải sông thuộc chủ quyền của họ.
Bản kiến nghị bằng bảy thứ tiếng nói trên đã được gửi đến chính phủ các nước thành viên của Ủy hội sông Mékong (Mekong River Commission – MRC) là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, nhưng không đề cập gì đến các con đập mà Trung Quốc đã xây dựng ở thượng nguồn cùng hàng loạt các công trình thủy điện khác phải chăng vì Bắc Kinh không phải là thành viên của MRC?
Lần này, mục tiêu lớn nhất mà cuộc vận động của SMC hướng tới là thuyết phục chính phủ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia dỡ bỏ kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông. Vào tháng 6/2007, Chính phủ Lào đã phê chuẩn ban đầu cho con đập trị giá 1,7 tỷ USD trên sông Mékong do hai công ty năng lượng Trung Quốc xây dựng. Một công ty Trung Quốc khác đang tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án năng lượng sông Mékong ở Campuchia. Ngoài ra, vài con đập phụ khác trên sông Mékong ở Đông Nam Á cũng sẽ được tài trợ bởi Ngân hàng China Exim – tổ chức tín dụng lớn nhất của Trung Quốc.
Nếu những kế hoạch trên đây trở thành hiện thực, hàng triệu người dân trong lưu vực sẽ bị ảnh hưởng, mất sinh kế và không được đảm bảo về lương thực. Việc xây đập cũng sẽ làm suy kiệt các loài cá di cư, một trong những nguồn thủy sản hứa hẹn nhất của sông Mékong, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và văn hóa, xã hội.
Một con số đáng kinh ngạc : khoảng 17% số cá đánh bắt được ở các vùng nước nội thủy trên khắp thế giới là từ con sông này và 90% cư dân của lưu vực sông Mékong là nông dân lâu nay sống phụ thuộc chủ yếu vào những cánh đồng được cung cấp phù sa màu mỡ cùa dòng sông.
Sông Mékong chảy vào Việt Nam qua hai ngã sông Tiền và sông Hậu. Một khi các con đập kể trên được xây dựng xong, nước ta do ở cuối nguồn sẽ bị thiệt hại nhiều nhất. Số lượng người Việt Nam sinh sống ở vùng lưu vực sông Mékong lên đến 17 triệu, chiếm gần 1/3 tổng số 60 triệu cư dân toàn khu vực.
Ông Ngô Xuân Quảng, thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới Việt Nam, cảnh báo, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải gánh chịu các tác hại nặng nề do việc dòng Mékong bị ngăn chặn, từ nguy cơ không còn phù sa màu mỡ, nước ngọt bị thiếu khiến đất hóa phèn cho đến nguy cơ lượng cá đánh bắt sụt giảm, chưa kể hiện tượng dòng chảy của sông Mékong yếu đi sẽ làm cho nước biển lấn vào gây ngập mặn. Nghiêm trọng nhất là hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp sẽ bị nạn đất xói mòn, còn Tiền Giang thì sẽ bị khô hạn.
Thế nhưng đáng buồn hơn cả là có vẻ như chúng ta chưa quan tâm đúng mức về hiểm họa khôn lường ấy, thể hiện qua việc chỉ vỏn vẹn hơn 300 người Việt Nam ký tên vào bản kiến nghị nói trên so với Lào là 611 người, Campuchia là 2.673 người, Thái Lan – 7.756 người.
Nên chăng các tổ chức, đoàn thể trong nước mở cuộc vận động người dân hưởng ứng chiến dịch của SMC, bằng cách vào trang web :
http://www.savethemekong.org/?langss=vi
Ghi tên mình vào bản kiến nghị là góp phần tham gia vào việc bảo vệ môi trường sinh thái của dòng Mékong nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Yên Mynh – Phụ nữ TPHCM