Đưa hàng về nông thôn : Giám sát không kĩ sẽ gây họa
(TuanVietNam) – "Nếu các nhà sản xuất Việt Nam không tìm hiểu kỹ, không thích ứng với thị trường nông thôn thì hàng Trung Quốc sẽ tràn vào ngay. Để chiếm lĩnh được thị trường này, bên cạnh chính sách đúng cần có cách tư duy khác." – Ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phải giám sát tốt
![]() |
Tiếp thị trên đường phố |
– Thưa Thứ trưởng, những tín hiệu ban đầu cho thấy, thị trường nông thôn sẽ có sức hút lớn đối với hàng hoá?
Việc đưa hàng bán lưu động về nông thôn không phải bây giờ mới có. Việc này đã làm từ lâu rồi, từ thời buôn bán nhỏ.
Chủ trương đưa hàng về nông thôn bán cần được hoan nghênh và ủng hộ, nhưng phải có cơ chế giám sát. Vì người nông dân không có nhiều thông tin về hàng hóa, từ nhãn mác đến thời hạn sử dụng.
Kinh nghiệm của nhiều nước khi áp dụng chính sách này cho thấy, các doanh nghiệp thường tìm cách đẩy hàng hết hạn sử dụng và kém chất lượng về khu vực nông thôn hoặc đưa sang các nước kém phát triển. Ngay cả ở tầm quốc gia còn khó phát hiện, huống chi là các vùng nông thôn.
Nếu không có cơ chế giám sát thì không thể lường trước hậu quả sẽ như thế nào, nhất là về chất lượng. Đó là chưa nói tới giá cả.
Bán hàng về nông thôn, bên cạnh những doanh nghiệp có động cơ tốt còn có cả những động cơ xấu.
– Theo Thứ trưởng, cơ chế giám sát này có thể mô tả như thế nào?
Trước hết, phải xem Hội Người tiêu dùng của Việt Nam đã phát huy được đến đâu. Tổ chức này phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ hai, phải đăng ký rõ ràng những nơi đưa hàng đến, chất lượng hàng hóa, cơ sở sản xuất, tránh tình trạng một địa điểm có tới 3, 4 đơn vị tranh bán, gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.
Bằng thủ tục đăng kí sẽ giúp kiểm soát chất lượng cũng như cân đối cung – cầu hàng hoá, tránh dư thừa, lãng phí.
Dĩ nhiên, thủ tục đăng kí chỉ hiệu quả nếu tránh được lối hành chính hóa, gây phiền hà, nhũng nhiễu làm khó doanh nghiệp.
Thứ ba, phải quảng bá cho người dân hiểu, từ đó kiểm soát hàng hóa thông qua nhãn mác.
Vì thực tế, ngay ở nhiều siêu thị vẫn có những hàng gần hết hạn sử dụng, thậm chí có nơi còn bán cả những mặt hàng quá hạn sử dụng.
Nhà sản xuất Việt Nam lơ là, hàng Trung Quốc sẽ lấn lướt
– Đúng là khi đưa hàng về nông thôn, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi phương thức kinh doanh. Thay vì hàng hoá cao cấp, phải làm sao chuyển sang những mặt hàng vừa tầm thị hiếu tiêu dùng của người dân khu vực này?
Tôi lo các doanh nghiệp Việt Nam chưa thích ứng được yêu cầu đó. Tuy là rất khó, nhưng đây là chủ trương, tất yếu doanh nghiệp phải đi theo.
Nhu cầu của người nông thôn giờ cũng khác trước nhiều, thay đổi tới mức mình không hình dung ra được.
Ví dụ, bây giờ áo bảo hộ, đồ dùng thường ngày của phụ nữ cũng khác so với trước.
Điểm quan trọng này, nếu các nhà sản xuất Việt Nam không tìm hiểu kỹ, không thích ứng thì hàng Trung Quốc sẽ tràn vào ngay.
– Nhưng trên thực tế vẫn chưa có một khảo sát tổng thể về nhu cầu hàng hoá ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, chưa hình dung được sức tiêu thụ cũng như thị hiếu tiêu dùng của khu vực này. Giờ đây, trong bối cảnh suy thoái, liệu nhu cầu tiêu thụ của nông thôn có lớn như hình dung của các nhà quản lý các doanh nghiệp không?
Đó là một câu hỏi khó, để trả lời cần có thời gian.
Trong những tháng vừa rồi, nông thôn đã chứng tỏ là cứu cánh chống suy thoái. So với thành thị hay vùng sản xuất tập trung, khu vực nông thôn dường như không bị tác động quá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
![]() |
Phải có sự gắn bó hơn giữa nhà sản xuất với nông dân |
Hơn nữa, khả năng năm nay, Việt Nam sẽ được mùa lớn, cộng với tích lũy của năm ngoái, có thể nhu cầu sẽ không giảm. Vì thế, các cơ quan chức năng phải đưa ra dự báo sớm, tránh cực đoan trong dự báo nhu cầu.
Nói cách khác, tính lý thuyết hóa trong dự báo nhu cầu phải được giải quyết rất cơ bản.
– Biện pháp kích cầu về nông thôn, cụ thể là đưa hàng về nông thôn là đúng, nhưng theo Thứ trưởng, phải làm thế nào để chủ trương này thực sự phát huy hiệu quả?
Phải có sự gắn bó hơn giữa nhà sản xuất với nông dân. Vì vậy, Chính phủ sớm có quyết sách về nông thôn. Doanh nghiệp không chỉ có sản xuất mà cả dịch vụ đầu vào đầu ra cho người nông dân, đó mới là cơ bản lâu dài.
Lâu nay, doanh nghiệp chủ yếu tập trung cho thị trường xuất khẩu nhiều hơn là thị trường nội địa. Do đó, họ chưa có những hiểu biết sâu sắc về thị trường này. Trong khi đó, riêng khâu phân phối ở nông thôn cũng rất khác so với cách các doanh nghiệp đang làm ở thành thị.
Vậy chỉ riêng cái việc phân phối phải triển khai ra làm sao?
Vừa rồi, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển mạng lưới bán lẻ, nhằm giảm thiểu những hàng hóa kém chất lượng tràn vào Việt Nam. Rất cần có thêm những chính sách để các doanh nghiệp hướng nội.
Đề phòng bẫy thật – giả
– Bộ Công thương đang tính toán việc sử dụng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng về nông thôn. Nhưng nếu so sánh phương án này với phương án kích cầu thông qua hỗ trợ thẳng cho bà con nông dân, theo Thứ trưởng, cách nào hay hơn?
Đây là bài toán khó có kết quả. Về mặt lý thuyết, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân tốt hơn cho doanh nghiệp, nhưng chính doanh nghiệp lại không hiểu nông dân mua cái gì, mua như thế nào để hỗ trợ, cũng không thể chia đều cho mỗi gia đình một ít tiền được.
Nếu hỗ trợ cho doanh nghiệp thì cũng không biết họ bán được bao nhiêu và có đi bán không. Hình thức thật – giả ở đây là một cái bẫy, mà nếu không có cách, chính chúng ta – người hoạch định chính sách sẽ sa vào bẫy.
– Bộ Công thương và các chuyên gia đã vạch ra lộ trình từ nay đến 2010, các doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp cận được thị trường nội địa, trong đó có thị trường nông thôn. Theo ông, liệu có khả thi không?
Chính sách đúng và khả thi. Nhưng phải có cách tư duy khác.
– Xin cám ơn Thứ trưởng!
Đức Thành (thực hiện) – Theo TVN