Nếu nghĩ đến nước Anh, người ta nhớ tới Hamlet; để hình dung ra Tây Ban Nha, người ta liên tưởng ngay đến chàng hiệp sĩ mặt buồn Don Quichotte;  nghĩ đến xã hội Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến nàng Kiều, đến Xuý Vân… Những người phụ nữ ấy “rằng tài nên trọng mà tình nên thương”, thông minh nhạy cảm tuyệt vời là thế, nhưng số phận đâu có nuông chiều họ. Suốt đời đeo đẳng họ như cái bóng là những nỗi “đoạn trường” họ phải gánh chịu.

 Với một nền văn hoá giàu nữ tính – nghĩa là thiên về tình cảm và xúc động – như văn hoá Việt Nam thì một lẽ đương nhiên là trong các sáng tác nghệ thuật, người phụ nữ thường đóng vai trò nổi bật.

Điều đó chẳng những đúng với văn học cổ điển và văn học dân gian mà còn đúng với văn học hiện đại, trong đó có những bài thơ của Nguyễn Bính, người mà cái chết bất hạnh đã cướp đi vào một ngày tất niên của năm ất Tỵ, song cái phần tinh anh, tức là thơ của ông lại vẫn đang hiện diện thường trực trong tâm trí hàng triệu bạn đọc.

 

Trung hậu, đảm đang…
– Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa.

Đặt trên cái nền của một xu thế Âu hoá bao trùm văn học tiền chiến thì những bài thơ của Nguyễn Bính trong Lỡ bước sang ngang, trong Mây Tần v.v… nổi bật lên ở những hoài niệm dai dẳng về nông thôn, những hoài niệm tưởng là âm thầm song lại vô cùng mãnh liệt. Trong cái đời sống nông thôn được lãng mạn hoá và phần nào lý tưởng hoá ấy, người phụ nữ ở vào vị trí trung tâm. Bóng dáng họ gắn liền cây đa, bến nước, những đêm hội. Bao nhiêu vất vả hàng ngày, từ tầm tang canh cửi cho đến vá may cơm nước, đều dồn cả lên vai họ. Năng động và kiên nhẫn, họ tự tin mà làm việc. Sự đảm đang quán xuyến, đức tần tảo siêng năng là những phẩm chất nẩy nở trong họ một cách tự nhiên, không cần một chút cố gắng. Trong những gia đình nửa nông tang, nửa chăm lo đèn sách – một kiểu gia đình khá phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ trước đây – thường khi họ là những trụ cột, cả về vật chất lẫn tinh thần. Qua cái hình ảnh người vợ vừa quay tơ dệt vải, vừa thúc giục chồng học hành để chờ ngày thi cử:

Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.

Người ta nhận ra cái tầm nhìn không hề hạn hẹp của người phụ nữ nông thôn xưa. Hoá ra chẳng những chỉ biết duy trì đời sống trước mắt, mà họ còn âm thầm làm việc cho tương lai. Họ rất hiểu công việc đèn sách của cha anh, chồng con, và làm gì để giúp cho những người đàn ông ấy thành đạt, không bao giờ họ tiếc. Trên nhiều phương diện, hình ảnh những người phụ nữ được miêu tả trong những tập thơ đầu của Nguyễn Bính là nối tiếp của những người phụ nữ vốn đã quen thuộc với chúng ta qua ca dao, dân ca, những làn điệu chèo. Nên nhớ là vào khoảng mấy năm 1936-1939, khi Nguyễn Bính cho in mấy tập thơ đầu, thì cũng là lúc trên văn đàn xuất hiện nhiều cuốn tiểu thuyết viết về nông thôn, trong đó hình ảnh người phụ nữ được khắc hoạ với nhiều nét vẽ đa dạng, sơ lược giản đơn cũng có (một số nhân vật phụ nữ nông thôn của nhóm Tự Lực Văn đoàn), mà lố lăng thô kệch cũng có (Thị Mịch của Vũ Trọng Phụng). Chỉ riêng có người phụ nữ của Ngô Tất Tố là có được một vẻ đẹp riêng. Đảm đang lo liệu việc nhà, thương chồng thương con, quả quyết trong những hy sinh cần thiết, chị Dậu trong Tắt Đèn, như cách nói của một nhà văn, có thể coi như một thứ đài kỷ niệm về người phụ nữ Việt Nam trong đêm trường thực dân phong kiến. Thế còn ở Nguyễn Bính? Trong chừng mực nào đó, người phụ nữ nông thôn hiện lên trong Lỡ bước sang ngang, trong Mây Tần, trong Tâm hồn tôi…. có nhiều nét gần với chị Dậu của Ngô Tất Tố. Họ tượng trưng cho một đời sống văn hoá đã trở thành nền nếp của một thời và mãi mãi là biểu hiện sinh động cho những đức tính đã đi vào truyền thống của dân tộc.

Những bất hạnh thường trực và niềm thương cảm của tác giả

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn
Hai ngươi sống giữa cô dơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.

Ngoài con người chân quê, người phụ nữ trong thơ Nguyễn Bính còn là hình ảnh của tình yêu muôn màu muôn vẻ. Trong Mưa xuân, người ta bắt gặp những khao khát âm thầm trong lòng một cô gái quê trong trắng. Đến Nhớ, Chờ nhau, cô gái ấy lại hiện ra với những thú nhận chân thành về nỗi xao động trong lòng mình. Rồi đến áo anh, rồi Làm dâu từ nhiều bài thơ khác nhau, thấy ẩn hiện hình ảnh con người một mặt vẫn thiết tha với niềm hạnh phúc riêng tư, mặt khác, bao giờ cũng giữ được những nét ý nhị từ tốn, chúng vốn được coi như những đức tính cố hữu của người con gái, theo quan niệm của văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, cũng ngay ở Mưa xuân, người ta nhận ra rằng trước cái đa đoan của cuộc đời, người con gái trong Nguyễn Bính không phải bao giờ cũng suôn sẻ trên đường đi tới hạnh phúc. Thường khi, họ gặp phải những tình tự khá rắc rối. Không ít trường hợp, họ trở nên tượng trưng cho một vẻ đẹp mong manh, rực rỡ đấy mà cũng tàn lụi ngay đấy (Người hàng xóm: Hỡi ôi, bướm trắng tơ vàng – Mau về mà chịu tang nàng đi thôi). Hoặc nếu không chết yểu thì họ cũng bị giông bão cuộc đời cuốn đi, khiến cho hạnh phúc tiêu tan, mọi hy vọng trở nên hão huyền, và sự tồn tại trong đời trở thành đồng nghĩa với trớ trêu, đau đớn. Không kể Nhớ, Hoa với rượu, Viếng hồn trinh nữ, mấy bài thơ liên quan đến chị Trúc, như Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Khăn hồng, Xây lại cuộc đời.. và cả Lỡ bước sang ngang nữa, nối tiếp nhau tô đậm cái ý: hình như càng tài hoa, tế nhị, càng sâu sắc trong tình cảm, thì người phụ nữ càng dễ bị tai hoạ, và nỗi thất vọng sớm muộn rồi sẽ biến thành tuyệt vọng. Một tương lai như thế nào chờ đợi họ?

Cha mẹ đã không nuôi dạy được
Con là phận gái hạt mưa sa
Chân bùn tay lấm hay hài hán
Hay lại bình khang lại nguyệt hoa?
Cành đưa lá đón theo lời mẹ
Phách ngọt đàn hay tục xướng ca.

ở bài Oan nghiệt này, ta thấy người đàn bà trong Nguyễn Bính đã phải chịu những đau đớn ghê gớm bậc nhất, đó là rơi vào cảnh lầu xanh, và do sự run rủi của số phận, trở thành vật mua bán trao tay ngay giữa người thân của mình.

Có thể không hẳn bao giờ nhà thơ cũng có ý thức về ý nghĩa xã hội toát lên qua các bài thơ đã viết, song sự thực là, trong khi nói về những

Nhà thơ Nguyễn Bính

người mẹ, người chị, những cô gái mà bản thân yêu quý, Nguyễn Bính nhiều lúc đã gợi ý cho người đọc suy nghĩ về những điều có ý nghĩa khái quát. Chưa bao giờ ông kêu lên được như Nguyễn Du Đau đớn thay phận đàn bà, song hình như đấy cũng là điều toát lên từ một số bài thơ và đằng sau vẻ thơ mộng, tinh tế vẫn có thể bảo là thơ Nguyễn Bính có một nội dung hiện thực chắc thiệt, cụ thể.
 

Có lẽ cũng vì có lòng thương mến rộng rãi, nên có lúc Nguyễn Bính còn đi tới một sự bao dung rất lạ. Hãy đọc lại bài Cô lái đò, ông viết từ khi còn rất trẻ (1940 về trước tức khi ông mới 21, 22). Xét theo quan niệm cổ truyền thì cô gái ở đây là một người không chung thuỷ. Đã một lần nặng thề cùng ai, song do chờ đợi quá lâu, không chịu đựng nổi, cô đành lỗi ước với tình quân. ấy thế nhưng đọc đi đọc lại bài thơ, người ta vẫn không nhận ra một thoáng chê bai oán trách, mà trước sau chỉ một thái độ thông cảm.

Dường như tác giả muốn nói : trên cái nền rộng lớn và buồn đau của cuộc đời, người phụ nữ dù như thế nào đi nữa, cũng không có lỗi. Ngược lại, chỉ sự có mặt của họ đã là niềm an ủi, là chút ấm lòng cho đám khách qua sông đông đảo là cánh đàn ông chúng ta! Có thể cảm thấy điều đó khi lắng nghe lại cái âm hưởng riêng biệt toát ra từ những bài thơ Nguyễn Bính viết về phụ nữ:

Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về với bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông

Xuân này đến nữa đã ba xuân
Đốm lửâ tình duyên tắt nguội dần
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành lỗi ước với tình quân

Bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng cô em từ độ ấy
Để buồn cho những khách sang sông

Theo Vương Trí Nhàn (vannghequandoi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *