(TuanVietNam) – Cũng như những tranh luận khoa học sẽ còn kéo dài nữa về chất lượng và vai trò của sữa công nghiệp. Những kẻ làm ăn không có lương tâm sẽ bị xử lý. Nhưng còn trách nhiệm khác, dành cho những bậc sinh thành bận rộn và "vô tư".

Chưa hết bàng hoàng sau cú sốc melamine, các bậc phụ huynh lại ngỡ ngàng lo lắng với vụ sữa “nghèo đạm”, sữa kém chất lượng tồn tại tràn lan mà hàng ngày họ vẫn vô tư nuôi dưỡng con trẻ.

Cuộc sống công nghiệp bận rộn và khá giả, sữa bột thành lựa chọn thời thượng. Nỗi ám ảnh mất sữa đã trở nên lỗi thời, thậm chí mất sữa mẹ còn được coi là “may mắn” với nhiều người, để có thể danh chính ngôn thuận nuôi con bằng sữa bột, đồng thời tránh được nỗi khổ cương sữa. Và hơn cả, vì một lý do đặc biệt nhất, thời thượng nhất : nuôi con bằng sữa bột để giữ được dáng người đẹp (dù không hoàn toàn như vậy).

Và họ – những con người thời thượng, giàu có và tiện nghi – thoải mái đặt mình cạnh những người – vì những lý do bất khả kháng – uỷ thác hoàn toàn đứa con mình cho các hãng sữa, và tự hào với những đứa con hồng hào, mũm mĩm vì các hộp sữa đắt tiền của mình. Niềm tự hào làm tủi thân bao bà mẹ nghèo và bà mẹ nông thôn.

Khi cơn bão melamine và vụ sữa “nghèo đạm” phát lộ, bao bậc sinh thành mới giật mình, hoá ra ngay chính những thiên thần mũm mĩm của họ cũng có thể là những đứa trẻ thiếu dinh dưỡng. Những lý do thường được đưa ra biện luận, rằng “bên Tây” người ta đều nuôi con bằng sữa công nghiệp, và những đứa trẻ Tây đều khoẻ mạnh.

Người ta không biết rằng, các quá trình sản xuất và kiểm định chất lượng chuẩn “Tây” phải tuân thủ những tiêu chuẩn nào, rằng chỉ cần một sản phẩm kém chất lượng bị phát hiện thôi, nhà sản xuất phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Các ông bố bà mẹ có thể yên tâm bởi con cái họ được bảo vệ bởi một hệ thống kiểm định nghiêm ngặt và quy củ.

Còn chúng ta, có lẽ hàng ngày, mỗi người dân đều được tiếp xúc với đủ loại thông tin về các sản phẩm “hot” kiểu nước lẩu Trung Quốc, rau tẩm thuốc sâu, giải khát nước cống, trâu chết bò toi thành đặc sản ẩm thực… xuất hiện tưng bừng trên mặt báo rồi lâu lâu lại “y như cũ”. Mọi thứ cứ thoắt ẩn thoắt hiện, u u mê mê như những tiêu chuẩn về chất lượng và lương tâm vẫn được đề cập hàng ngày. Thêm lối sống lấy vỉa hè làm nơi sinh hoạt, tai nạn giao thông là chuyện thường ngày khiến người dân Việt Nam trở nên “dũng cảm”, miễn dịch với lo lắng, hồn nhiên vô tư, ngay cả với trách nhiệm làm cha mẹ.

Họ dũng cảm, nên họ đặt trẻ nhỏ lên xe máy, đầu trẻ không đội mũ bảo hiểm, không có dù chỉ một sợi dây nhỏ ràng buộc sự an toàn. Họ dũng cảm, nên để đứa trẻ thơ với vòng tay ôm nhỏ bé lỏng lẻo, đôi khi buồn ngủ gật gù đằng sau, luồn lách giữa biển xe cộ, thản nhiên chen lấn vỉa hè hay vượt đèn đỏ. Điều gì xảy ra khi có va chạm, dù nhỏ, với đứa trẻ ngồi chơi vơi như thế, chẳng ai dám nói.

Những đứa trẻ ngây thơ, bố mẹ cũng “hồn nhiên”, nên vỉa hè thành sân chơi, vệ sinh, ăn uống của trẻ nhỏ. Đứa trẻ 5 tuổi dắt đứa trẻ 3 tuổi sang đường trong tiếng còi xe inh ỏi, bởi vì nhà chúng ở mặt đường, bởi vì chúng đã quen, bởi vì bố mẹ chúng là những người “dũng cảm”, vô tư.

Cũng như vô tư đến nỗi họ không nhớ được lần cuối cùng mình cho bé yêu uống sữa khi nào. Từ lúc nào, việc cho bé yêu ăn đã không còn là niềm vui thú của mẹ. Từ lúc nào, công việc đầy thiêng liêng này đã được khoán trắng cho người giúp việc và ông bà.

Và từ lúc nào, sữa bột đã “chen” vào giữa tình thân mẫu tử, để khoảng cách ruột thịt giữa mẹ và con đã bị những bình, chai, lọ… làm phân tán. Cảm xúc ngọt ngào và khoảng không gian đầy yêu thương khi ôm đứa con vào lòng, truyền cho con dòng sữa từ cơ thể mình, từ nguồn yêu thương máu thịt cho sinh linh bé nhỏ mình vừa tạo ra đã vội vàng bị xâm chiếm bởi những toan tính khác.

Sau những trận bão thông tin vừa qua, các ông bố bà mẹ hẳn đã chắc chắn rằng, sữa bột không hoàn toàn tuyệt vời như họ tin tưởng, ngay cả khi nó nuôi dưỡng cho họ những đứa con mũm mĩm. Nhưng liệu có vì thế mà số bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tăng lên? Chẳng ai dám nói chắc!

Đành rằng, cuộc sống công nghiệp không thể không có sự hiện diện của các sản phẩm tiêu dùng tiện lợi, trong đó có sữa bột. Nhưng tiện lợi đi đôi với những thiệt thòi khó có thể diễn giải hết thành lời.

Giống những cư dân đô thị thèm hít thở không gian thiên nhiên. Đời sống công nghiệp, sản phẩm công nghiệp, nhưng tình yêu thương lại cần thật “thủ công”, tỉ mỉ và gần gũi.

Cũng như những tranh luận khoa học sẽ c&o
grave;n kéo dài nữa về chất lượng và vai trò của sữa công nghiệp. Những kẻ làm ăn không có lương tâm sẽ bị xử lý. Nhưng còn trách nhiệm khác, dành cho những bậc sinh thành bận rộn và "vô tư". Có bao giờ họ suy nghĩ đến sự phát triển đầy tính "công nghiệp" của con : Dù sống đủ đầy với hàng tá bảo mẫu, đồ chơi, sữa hộp đắt tiền, đứa trẻ "sữa bột" vẫn thiếu thốn điều gì đó không nhỉ?

Hoàng Hường – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *