Đoàn công tác thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển đảo
Tàu HQ 996 chầm chậm rời khỏi Cảng Ba Son hướng ra biển lớn. Tháng tư mùa biển lặng, sóng biển thật êm đềm nhưng sóng trong lòng lại xôn xao bởi nơi chúng tôi sắp đến là Trường Sa. Trường Sa, hai tiếng ấy sao mà thiêng liêng vậy.
Chân chưa đến mà lòng đã bồi hồi bởi những âm vang của lịch sử. Bao người con đất Việt đã anh dũng hy sinh, quyết bảo vệ chủ quyền để hôm nay chúng tôi được đến với quần đảo cực Đông của Tổ quốc.
° Âm vang lịch sử
Tàu HQ 996 đưa chúng tôi rời khỏi Cảng Ba Son vào một ngày giữa tháng tư. Tiếng còi tàu hú vang rền đầy kiêu hãnh báo hiệu một chuyến hải hành vượt mấy trăm hải lý đến quần đảo bão tố – Trường Sa.
Con tàu chầm chậm đi dọc sông Sài Gòn hướng ra biển lớn. Tàu ngang qua bến Nhà Rồng lòng bỗng thấy xúc động gợi nhớ câu chuyện lịch sử: Tại đây, năm 1911 Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại khi ấy còn là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bước chân xuống con tàu La Tuoche Tréville ra đi tìm đường cứu nước. Những ngày tháng bôn ba của Người đã đặt nền móng cho một nước Việt Nam độc lập thống nhất, để hôm nay tôi lại được đến Trường Sa.
Đêm đầu tiên xa đất liền, nằm nghe sóng vỗ nhè nhẹ dưới thân tàu mà ngỡ như lời của cha ông từ nghìn xưa vọng về.
Hình như trong những âm vang ấy có lời khẳng định chủ quyền Trường Sa của Việt Nam mà tôi đã đọc được trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cũng như tài liệu về quần đảo Trường Sa mà Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân vừa ấn hành: Trong bản đồ xứ Đàng Trong do Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 và Đại Nam thống nhất toàn đồ vẽ khoảng năm 1838 đều thể hiện “Bãi cát vàng” Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa đều là lãnh thổ Việt Nam.
Trong cuốn Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn, Trường Sa được xác định rõ thuộc về Quảng Ngãi. Ông còn miêu tả đó là nơi người Việt khai thác các sản vật của biển và những đồ vật còn sót lại từ các vụ đắm tàu.
Tài liệu sử của triều Nguyễn cũng đã khẳng định, nhà nước Việt Nam liên tục nhiều thế kỷ đều làm chủ, điều tra, khảo sát, lập bản đồ quần đảo Trường Sa…
Khi lên boong tàu để ngắm biển đêm, tôi cùng một đồng nghiệp ở Báo Đà Nẵng bắt gặp Đại tá Nguyễn Cộng Hòa – Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cũng đang cùng một nỗi lòng, một tâm trạng. Bằng chất giọng Hà Tĩnh, ông kể cho chúng tôi nghe về những tấm gương hy sinh anh dũng để bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Trong lịch sử, việc làm chủ và khai thác quần đảo Trường Sa của Việt Nam vẫn được các nước tôn trọng, vậy mà ngày 14-3-1988 ta đã phải đổ máu để giữ chủ quyền biển đảo quê hương.
Trong trận chiến không cân sức ấy, người anh hùng Trần Văn Phương đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, đến khi tim ngừng đập mà tay vẫn ôm trọn lá cờ Tổ quốc ướt đẫm máu mình.
Hay chuyện về anh hùng Vũ Huy Lễ và các đồng đội trong lúc nguy cấp đã lao thẳng con tàu HQ 505 lên đảo Cô Lin để giữ đảo.
Con tàu bỗng chốc hóa thành lô cốt để những người lính đảo chiến đấu đến cùng… Và còn bao nhiêu câu chuyện về sự hy sinh của quân dân huyện đảo Trường Sa mà cuốn sổ tay công tác của tôi không kịp ghi hết.
Sau này khi lên đảo Nam Yết, một lần nữa tôi thực sự xúc động khi nghe tâm sự của Cao Tuấn Anh – chiến sĩ trẻ quê ở Sầm Sơn – Thanh Hóa: “Em rất tự hào vì được khoác trên mình quân phục Hải quân, ra công tác ở Trường Sa.
Từ khi ra đảo, em biết thêm những câu chuyện về sự hy sinh và chiến công của các anh hùng Vũ Huy Trừ, Nguyễn Văn Lanh, Nguyễn Thanh Tùng… Em cố gắng phấn đấu, rèn luyện để được công tác lâu dài tại đảo”. Truyền thống anh hùng của Quân chủng Hải quân đã thấm vào máu thịt những người lính trẻ hôm nay.
° Đường đến Trường Sa
Buổi chiều, tàu bắt đầu ra đến biển. Tháng tư mùa biển lặng, sóng biển gợn nhẹ, tàu đi êm như ru. Không có những cơn sóng đánh ào ạt làm mọi người say đến xây xẩm mặt mày như tôi từng nghe đồng nghiệp lớn tuổi kể về những chuyến đi đến Trường Sa mùa giông bão.
Ánh hoàng hôn hắt lên mặt biển xanh thẫm, tạo nên bức tranh thiên nhiên rực rỡ, quyến rũ, làm mọi người phải đổ xô ra boong tàu để nhìn ngắm biển trời quê hương. Nhìn khung cảnh yên bình đó, cùng lá cờ Tổ quốc bay giữa nền trời xanh, trong lòng tôi tự hào thầm gọi 2 tiếng: “Việt Nam!”.
Không tự hào sao được khi giữa biển trời mênh mông, lá cờ Tổ quốc vẫn bay cao trên nóc con tàu HQ 996; Không tự hào sao được khi những thế hệ trước đã có cái nhìn chiến lược hướng ra biển để làm chủ cả một vùng biển rộng lớn với nhiều loài hải sản quý như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm!
Hơn nữa, vùng biển ấy là một trong 2 tuyến đường vận tải biển lớn nhất thế giới, lượng tàu chở dầu qua vùng biển này lớn gấp 3 lần lượng tàu qua kênh đào Suez và lớn gấp 5 lần so với kênh đào Panama… Càng đi xa tôi càng th
ấy đất nước Việt Nam đẹp và kỳ vĩ.
Chuyến hành trình này, ngoài các cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân còn có đoàn công tác của 8 tỉnh (Trà Vinh, Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Bình Định, Ninh Bình) và 2 đơn vị: Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học – Công nghệ), Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Hàng không Việt Nam…
Hơn 130 người đến từ mọi miền của Tổ quốc, tất cả hầu như mới gặp nhau lần đầu nhưng lại thân thiết đến lạ kỳ.
Đêm đầu tiên trên biển, chúng tôi đã kịp tổ chức một cuộc văn nghệ giao lưu giữa các đoàn công tác mà chủ công là các ca sĩ, diễn viên của Đoàn Văn công Quân chủng Hải quân. Các ca khúc Nối vòng tay lớn, Gần lắm Trường sa… như sợi dây vô hình kết nối chúng tôi lại gần nhau hơn.
Đã bao lần hát các ca khúc ấy trong những cuộc vui, nhưng chưa bao giờ trong tôi có cảm xúc xốn xang lạ thường như đêm hôm ấy! Có lẽ, bởi chúng tôi đang cùng chung một hành trình đến quần đảo Trường Sa thân yêu, với “hành lý” là những tấm lòng “cả nước vì Trường Sa”.
Đêm về khuya, trăng thượng tuần chênh chếch trên mái đầu. Chúng tôi lên boong để tận hưởng làn gió mát của biển. Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn – Thuyền trưởng tàu HQ 996 kể cho tôi nghe về những chuyện vui trong những lần đi biển. Bất chợt anh nói: “Chưa có một chuyến tàu nào đến quần đảo Trường Sa lại êm đềm như chuyến này. Có lẽ vong linh của các chiến sĩ hy sinh vì quần đảo Trường Sa thương những người từ đất liền ra đảo nên đã làm cho biển yên bình đến lạ thường?”.
Dẫu biết, sóng gió là chuyện của thiên nhiên nhưng tôi cứ muốn tin những lời nói đùa của anh Sơn là sự thật để thêm thắm đượm mối tình đất liền – đảo xa. Không biết có phải nhờ anh linh của các chiến sĩ hay không mà chúng tôi có thật nhiều “hồng phúc”: Mỗi ngày chúng tôi lại ngắm được bình minh và hoàng hôn trên biển đẹp rực rỡ mà dám chắc rằng bàn tay của các họa sĩ thiên tài cũng không vẽ được; xem những chú cá chuồn bay vèo vèo trên sóng thật vui mắt.
May mắn hơn, đoàn công tác còn được dịp chứng kiến đoàn cá heo nhào lộn bơi theo tàu. Những lúc tàu neo lại giữa biển, đoàn công tác tổ chức câu cá như những ngư dân thứ thiệt.
Đại tá Nguyễn Văn Liên – Phó Chỉ huy Quân sự Vùng 4 Hải quân là một tay câu rất lão luyện. Chuyến đi này dù “kém may mắn” nhưng ông kịp tiêu diệt được 3 chú cá thu to, trong đó có một con thu ngừ nặng hơn 20kg.
Theo lời những người lính tàu, có chuyến đi một đêm cả tàu đã câu được hơn 30 con cá ngừ đại dương.
Thế mới biết vùng biển này nhiều cá như thế nào, chỉ tiếc vì điều kiện còn hạn chế nên ngư dân của chúng ta chưa ra đây đánh bắt nhiều!
Chiều ngày thứ 3 trên biển, tàu chúng tôi đến vùng đảo Cô Lin, Len Đao (nơi mà 19 năm về trước kẻ thù đã bất chấp công lý nổ súng xâm lấn chủ quyền).
Đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo của quê hương theo đúng nghi thức của những người đi biển. Tất cả tập trung lên boong tàu, chỉnh tề cùng những người lính. Vòng hoa và những bó hương, hoa quả… từ đất liền được mang ra để thả xuống biển.
Sự kiện hào hùng và bi thương ấy đã được nghe kể, nhưng không hiểu sao trong giây phút thiêng liêng khi Đại tá Nguyễn Cộng Hòa – Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân đọc lời tưởng niệm “các anh mãi mãi nằm lại với biển quê hương…” lại làm chúng tôi xúc động lạ kỳ.
Mọi người mắt đỏ hoe ngấn lệ. Ngay cả Thiếu tướng Phan Khuê Tảo – Trưởng đoàn công tác rất dạn dày binh lửa, nước mắt cũng chảy dài trên má. Con tàu HQ 996 kéo 3 hồi còi vang rền giữa biển trời lồng lộng. Thanh âm nghe trầm hùng, kiêu hãnh như lời thề quyết giữ biển trời quê hương của các chiến sĩ Hải quân năm nào.
Sau cuộc hành trình 54 giờ trên biển, đảo Nam Yết đã hiện ra trong tầm mắt. Đây là hòn đảo nổi xa nhất về phía Nam của quần đảo Trường Sa.
Giữa biển khơi mênh mông là một hòn đảo xanh ngắt, được bao quanh bởi một doi cát trắng uốn cong mềm mại làm đảo Nam Yết như một làng quê vùng biển. Lệnh được ban ra: “Ưu tiên hàng và các nhà báo vào đảo trước, tiếp theo là văn công… Tàu sẽ neo lại ở đảo Nam Yết 1 đêm”. Bao nhiêu mệt mỏi của hành trình hơn 300 hải lý dường như tan biến, chỉ còn lại một niềm háo hức được đặt chân lên đảo nhỏ.
Chúng tôi bước xuống xuồng để vào đảo mà lòng vẫn cứ xốn xang theo lời hát ca khúc Nơi anh đến của nhạc sĩ Thế Song đang được phát trên loa tàu. Xuồng chưa cập bến nhưng từ xa đã trông thấy những người lính đảo chào đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ và cái vẫy tay nồng nhiệt.
Hình ảnh đầu tiên về Trường Sa hôm nay thật ấn tượng trong tôi.
Vẫn còn đó sự khắc nghiệt mà thiên nhiên đã “ban t
ặng” cho Trường Sa, nhưng hôm nay quần đảo bão tố đã tràn đầy sức sống với sự xuất hiện của những vật nuôi quen thuộc như chó, lợn, gà… Nhìn những căn nhà kiên cố thấp thoáng trong màu xanh cây lá, đường bê tông thẳng tắp… cứ ngỡ như đang đi vào khu phố mới. Sự ngỡ ngàng càng tăng lên gấp bội khi được gặp những người lính trẻ tràn đầy nhiệt huyết muốn được góp phần xây dựng quần đảo quê hương.
Theo Xuân Thành – Báo Khánh Hòa