Trương Nghệ Mưu – đạo diễn đương thời nổi tiếng nhất của Trung Quốc – đã mang tới thế giới một "đại tiệc" khai mạc Olympic Bắc Kinh vô cùng hoành tráng, đầy bất ngờ, mang đậm bản sắc văn hóa Trung Hoa (vào lúc 8 giờ 8 phút tối ngày 08/08/2008).

Ông được chọn cho sự kiện trọng đại này chính bởi đã chứng minh được sức sáng tạo đáng kinh ngạc, phong cách làm phim và dàn dựng tuyệt vời trong suốt nhiều năm qua.

Và sứ mệnh lan truyền văn hoá Trung Hoa và tinh hoa thế giới đến bạn bè khắp năm châu trao cho đạo diễn Trương đã được chứng minh một cách hoàn hảo qua Lễ khai mạc (và còn tiếp tục với Lễ bế mạc Olympic tới đây).

***
Phim của Trương Nghệ Mưu luôn nổi bật lên sắc thái Á Đông. Đó là màu đỏ. Đỏ nhức nhối của đèn lồng trong “Đèn lồng đỏ treo cao” (Raise the Red lantern), của rượu cao lương trong “Cao lương đỏ” (Red sorghum – dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Mạc Ngôn), màu đỏ của những dải lụa trong “Cúc Đậu” (Ju Dou), những cảnh Tàn Kiếm luyện thư pháp xen lẫn với đấu kiếm trong khu rừng phong vàng rực rồi ngả dần sang màu đỏ máu trong “Anh hùng” (Hero)…

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Phải chăng, với đạo diễn tài năng này, những bộ phim hàng đầu mang đậm văn hóa dân tộc, tạo nên tính kinh điển văn hóa, đó mới chính là sự cống hiến lớn lao với điện ảnh?

Cũng trong những thước phim ấy, sự tồn tại của người đàn ông Trung Hoa được khẳng định rất rõ nét. “Đèn lồng đỏ treo cao” có sự hiện diện của một người đàn ông đa thê, hàng đêm tìm đến với người đàn bà của mình qua chiếc đèn lồng đỏ treo ngoài cửa. Từ đó mà nảy sinh nhiều bi kịch đau lòng : nỗi cô đơn, cùng quẫn đến phát điên với những người phụ nữ. Ám ảnh và xót xa!

Người đàn ông trong “Cao lương đỏ” lại là một kẻ sát nhân, khi ra tay giết chết tất cả những người đàn ông xung quanh cuộc sống của Jiu’er, dẫn đến việc bà phải tự vẫn. Ở “Cúc Đậu”, vẫn là hình ảnh của một người đàn ông gây hấn, dữ dằn và hung tợn ám ảnh người xem…

 …Những người đàn ông rất sinh động và mang đậm chất hiện thực. Trương Nghệ Mưu phản ánh sự hiện diện của họ trong xã hội nông thôn Trung Hoa, khi người nam có nhiều quyền lực và được tôn vinh theo quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Họ là nguyên nhân, và cũng là nạn nhân của sự suy tàn những giá trị cũ kĩ, cổ hủ.

Có người nói, Trương Nghệ Mưu chạy theo sự cô độc của người làm nghệ thuật, ông chỉ là kẻ làm thuê cho điện ảnh nước ngoài : “Đèn lồng đỏ treo cao” không được tán thưởng ở Trung Quốc, nhưng cả phương Tây trân trọng đón nhận.

Một số người phương Tây nhìn thấy đèn lồng đỏ là nghĩ ngay đến sex, trong khi nó chính là biểu tượng của niềm vui, niềm hoan hỉ với dân tộc Trung Hoa…

Nhưng dù có nói gì thì ai cũng phải công nhận một điều : phim của Trương Nghệ Mưu rất Á Đông. Mỗi tác phẩm điện ảnh của ông đều khiến người xem ngỡ ngàng, đúng như ông nói : “Tôi bắt đầu sự nghiệp điện ảnh khá muộn, năm 37 tuổi. Bởi vậy, tôi không có thời gian để sao chép lại chính mình”.

Người phụ nữ trong phim của ông luôn bị cầm tù trong đời sống khắc nghiệt của xã hội Trung Quốc. Hình ảnh của họ luôn đi cùng với tính dục, nhưng trong vai trò một công cụ, một nạn nhân, và hoàn toàn không có lối thoát.

“Cúc Đậu” kể về chuyện một thiếu nữ bị bán làm vợ một tên chủ tiệm làm nghề nhuộm vải. Đậu thường xuyên bị hành hạ một cách tàn nhẫn vì không sinh được con. Kết thúc phim, Đậu phải chịu cái chết đau đớn tận cùng, sau khi phóng hỏa đốt cháy xưởng nhuộm…

Chỉ có con đường cho những người phụ nữ : tự tử như Đậu, phát điên như bà vợ Ba, không nhận ra mình trong gương như bà Tư, hay bất lực nhìn sự bế tắc của cuộc đời mình như Thu Cúc (trong “Thu Cúc đi kiện” – “The story of Qiu Ju”). Hoàn toàn không có lối thoát.

***
Trương Nghệ Mưu rất chú trọng đến tình tiết, âm thanh, ánh sáng của bộ phim – những tiểu tiết xuất sắc, vừa gợi hình, vừa gợi cảm : cảnh đám ma trong “Cúc Đậu” theo phong tục xưa, Đậu phải giả khóc thảm thiết, phải chặn linh cữu 49 lần trước khi hạ huyệt; những cảnh tượng với đường nét và màu sắc kiều diễm, giữa kim khí và lụa là, cương và nhu, động và tĩnh trong “Anh hùng” (Hero)… những giá trị truyền thống của Trung Quốc được hiện ra đậm đặc màu sắc, không thể trộn lẫn.

Trong “Đèn lồng đỏ treo cao”, mở đầu phim và mỗi hồi là tiếng binh khí chạm nhau trong các vở Kinh kịch truyền thống. Tiếng sáo vang lên khi gần khi xa là biểu trưng cho hạnh phúc mà con người luôn kiếm tìm, nhưng không thể nào với tới.

Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng, tiếng sáo đưa đôi trai gái chung tình Tiêu Sử – Lộng Ngọc lên thiên đường của những người bất tử. Trong phim, nó đã trở thành biểu trưng cho khát vọng trở về chốn bình yên, không lo âu của dân tộc Trung Hoa.

Sự tương đồng giữa Thư phápKiếm pháp của người Trung Hoa cổ được thể hiện đặc sắc trong “Anh hùng” : sức mạnh của Kiếm pháp lại nằm trong Thư pháp. Như Vô Danh nói với vua Tần : “Thư pháp và Kiếm pháp có ranh giới rất mong manh. Sự kỳ diệu nằm ở khả năng lĩnh hội của con người”.

Không thể nào chỉ là hiểu biết văn hóa chỉ ngang trình độ của một ca sĩ dân gian Thiểm Bắc, hay một bà già cắt tranh giấy, như một học giả ở Viện Văn học hiện đại Trung Quốc nói gay gắt về Trương Nghệ Mưu.

***
Thế kỉ XX, Trung Quốc có Trương Nghệ Mưu trình bày một đất nước mới với rất nhiều chuyện để nghe : những thân phận con người, những tình cảm, cảm xúc của nhân dân lao động… là máu thịt của ông, như ông luôn khẳng định :

“Dù mảnh đất này có làm được gì cho tôi, hay đối xử không tốt với tôi thì tôi vẫn luôn tự coi mình là một đứa con của nó. Tôi sẽ mãi gắn bó và trung thành với mảnh đất này, như một đứa con trung
thành với mẹ… ”.

Từ hình ảnh đạo diễn họ Trương, chợt nghĩ : bao giờ những người tài như Trương Nghệ Mưu ở Việt Nam phát sáng? Khi nào lời thán phục "Chỉ tại ông Trương Nghệ Mưu" mà diễn viên Lê Vân thốt lên trong tự truyện "Lê Vân yêu và sống" không còn đi liền với niềm ngậm ngùi, mà là sự ý thức mạnh mẽ về mình song hành cùng động lực vươn cao, vươn xa của chúng ta?

Đinh Phương Linh – Vietnamweek

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *