Những đàn chim di trú đông đảo từng bỏ quê bỏ quán đến với vùng duyên hải bao năm ròng, nay trở về quê hương, họ sẽ sống thế nào? Chính quyền địa phương Trung Quốc ở các cấp sẽ giúp đỡ họ tìm việc ra sao? Bài điều tra này được một nhóm phóng viên của tờ “Tham khảo kinh tế” Trung Quốc thực hiện tại tỉnh Hồ Nam, một trong những tỉnh “xuất khẩu” lao động lớn của Trung Quốc.
Cảnh buồn vùng quê càng thêm màu xám
“Anh xem, ở đây đã dột rồi! Nếu trời mưa, quả tình là ở ngoài đổ mưa to, ở trong rơi mưa nhỏ!” – Quách Hưởng Khởi vừa trỏ tay lên góc mái vừa nói. Ngôi nhà này vẫn từ hồi cha mẹ anh xây từ những năm 80 thế kỷ trước, không có tiền sửa chữa, mái nhà đã dột từ vài tháng nay. Tháng 11 đã qua, mùa đông của phương Nam sắp tới, chỉ cần mưa một ngày thì trong nhà lạnh buốt hơi đông.
Sự thực, ngoài cái lạnh của thời tiết, cái làm Quách Hưởng Khởi buồn rầu hơn lại là cái lạnh của cuộc sống.
Quách Hưởng Khởi năm nay 39 tuổi, khi trưởng thành, ra làm cho một nhà máy dệt ở Tân Đường tỉnh Quảng Đông. Sau khi khủng hoảng tài chính lan rộng, do lượng đơn đặt hàng thu hẹp, nhà máy đóng cửa, anh buộc phải bỏ về quê – thôn Lam Kiều, trấn Tây Đường, khu Khai Phát, thành phố Khúc Dương, tỉnh Hồ Nam.
“Hai năm trước, khi nhà máy làm ăn còn khẩm khá, kiểu gì một tháng, tôi cũng kiếm được hai, ba ngàn tệ. Còn năm nay thì chỉ kiếm được bảy, tám trăm đồng. Khoản tiền này cũng co kéo đủ để duy trì cuộc sống cá nhân tối thiểu của tôi ở đó” – Anh nói – “Giờ, nhà máy đóng cửa rồi, tôi chẳng còn kiếm được một xu”.
Nhưng yêu cầu cuộc sống đâu có thay đổi bởi một con người đã thành ra thất nghiệp. Quách Hưởng Khởi có hai đứa con, một đứa học cấp 2, một đứa tiểu học. Chỉ riêng khoản chi cho hai đứa đã đủ để anh đau đầu. “Tuy năm ngoái, nông thôn đã thực hiện miễn học phí cho các cấp học bắt buộc, nhưng tiền sinh hoạt phí của hai đứa nhỏ mỗi tháng tới hơn 500 đồng”. Bất giác thở dài, anh nói – “Hiện giờ, thu nhập trong nhà chỉ dựa vào mảnh ruộng của hai vợ chồng, nhưng gia đình bốn người chúng tôi chỉ được phân một mẫu ruộng, mẩu cỏn con ấy có cũng như không”.
Theo giới thiệu của Vương Gia Tân, Chủ nhiệm Hội Phụ nữ thôn Lan Kiều, thôn Lan Kiều có hơn 1.300 người, trong đó có 140 – 150 người ra ngoài làm thuê thì nay đã có hơn 20 người bỏ về, gần khoảng 14%, và đều đang ở nhà. “Hơn 1.300 con người có tổng cộng 750 mẫu ruộng, bình quân 1 người chưa tới nửa mẫu. Chỉ dựa vào làm ruộng chắc chắn không sống nổi, hi vọng cánh đàn ông sớm tìm được việc làm vì họ là cột trụ của gia đình. Họ kiếm được việc làm mới giải quyết được khó khăn kinh tế của gia đình và giúp phụ nữ an tâm chăm lo gia đình”.
“Cái chúng tôi thiếu là tay nghề”
“Cái chúng tôi thiếu chính là tay nghề đó, thế nên mới dễ thất nghiệp thế này”, Dương Khải Tống, mới trở về từ Hoa Đô – Quảng Đông ba tháng trước, than thở với phóng viên.
Dương Khải Tống năm nay 49 tuổi, người thôn Nguyên Mộc, trấn Triều Kiều, tỉnh Hồ Nam, là anh cả trong gia đình 4 anh em trai. Hai năm trước, anh dắt vợ tới Hoa Đô – Quảng Đông, cách nơi anh ở 5 tới 6 giờ xe chạy. “Em thứ ba của tôi trước đã làm việc ở đó rất nhiều năm, vun vén được một ít vốn đã đầu tư mở một nhà máy sợi. Tôi làm công chính ở xưởng của nó, tuy chỉ là việc trong nhà ăn, nhưng mỗi tháng cũng kiếm được hơn 1.000 tệ”.
Nhà máy của người em Dương Khải Tống có tên là nhà máy sợi Quảng Hoa. Theo lời Dương Khải Tống, ở Hoa Đô có tới vài chục nhà máy sợi như vậy, họ chủ yếu làm các đơn hàng xuất sang Mỹ. Không chỉ có mình anh làm việc tại nhà ăn của nhà máy, con trai cả 24 tuổi của anh cũng làm công nhân tại nhà máy, còn đứa nhỏ 20 tuổi thì làm việc tại một nhà máy sợi khác. Cộng thêm cả người em thứ hai của anh cũng làm tại một nhà máy sợi của người Đài Loan ở đó, số phận gia đình anh dường như gắn chặt với hai từ “Hoa Đô”, “nhà máy sợi”.
Cũng chính vì vậy, sóng gió tài chính đến từ bên kia đại dương cũng đã dễ dàng quét tới cuộc sống của cả gia đình.
“Cứ nói chúng tôi đây này, năm ngoái còn kiếm ra tiền, nhưng năm nay phút chốc đã trắng tay. Ba tháng trước, khắp nơi phá sản hết, đến lúc tính lương còn bị thiệt hơn 700.000”. Anh Tống nói, “Nhà máy có bảy, tám mươi công nhân cũng thất nghiệp hết lượt”. Ở Hoa Đô, đâu chỉ có riêng Quảng Hoa bị đóng cửa, theo lời anh, ít ra cũng phải có tới 14 nhà máy.
Hiện thời anh Tống chỉ ở nhà. Anh nói, tuổi đã cao rồi nên chỉ cùng vợ chăm s
óc mấy đứa con, trông vào mảnh ruộng nhà chắc cũng đủ cơm ăn áo mặc. Nhưng còn hai đứa con đang ở tuổi sung sức của anh thì sao? “Đứa lớn đó, từ lúc nhà máy đóng cửa cũng bỏ về nhà một đợt. Nhưng trẻ như vậy tất nhiên còn phải đi tìm việc mà làm, nó lại đi mấy vùng khác ở Quảng Đông kiếm việc rồi. Nhưng cũng vẫn vậy, một tháng hơn 1.000 tệ vẫn chê ít. Thế nên hai hôm trước lại về nhà rồi. Còn đứa thứ hai, nhà máy giờ vẫn chưa sập nhưng tình hình chẳng khá khẩm gì, hồi trước mỗi tháng kiếm được hai, ba ngàn, giờ chỉ được hơn một ngàn. Nó nói muốn làm thêm hai tháng nữa rồi tính, chả mấy nả nữa rồi cũng về cho mà xem”. Anh Tống xem chừng chẳng mấy hi vọng vào đường làm thuê của mấy đứa con mai này.
“Nói cho cùng, cái chúng tôi thiếu vẫn là bằng cấp và tay nghề”. Anh Tống than dài, “Giống như ở Quảng Hoa chúng tôi, nhân viên thiết kế có kiến thức chuyên môn, một tháng lương cũng cao hơn công nhân thường mấy lần. Nhà máy cứ coi là đóng cửa đi, họ có tay nghề, biết vẽ, cũng chẳng lo kiếm không được miếng ăn, chứ chẳng như chúng tôi”.
Tỷ lệ bỏ về quê tăng đột biến
Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và Bảo hiểm xã hội Doãn Uy Dân cho biết, cho tới nay vẫn chưa có làn sóng cắt giảm nhân công và công nhân bỏ về quê trên quy mô lớn, ví như tỷ lệ về quê của tỉnh Giang Tây chỉ vào khoảng dưới 5%. Nhưng tại một số vùng cá biệt, hiện tượng này ngày càng nổi rõ. Theo thống kê chưa đầy đủ, khu Khai Phát, thành phố Khúc Dương tính đến cuối tháng 10 có tổng số lượt công nhân bỏ về nông thôn là 396 người, tăng 295 người so với cùng kỳ năm trước, mức tăng là trên 290%.
Nằm ở phía Bắc tỉnh Hồ Nam, huyện Bình Giang, huyện nghèo cấp quốc gia, mấy năm nay luôn duy trì lượng lao động bỏ đi làm ngoài ở khoảng 200.000 người. Những người công nhân này không mấy khi về nhà ngoài dịp Tết. Khi phóng viên tới mới phát hiện, một huyện từng chỉ có người già yếu bệnh tật ở lại, nay đã thấy toàn những người trẻ trung ăn mặc thời thượng. Chỉ riêng trấn Công Giang, gần 10.000 người đi làm hồi đầu năm, nay đã có hơn 3.000 người quay về, chiếm gần 1/3.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Lao động việc làm huyện Bình Giang, toàn huyện hiện đã có gần 30.000 người trở về. “Thực ra, con số quay về phải lớn hơn thế này”, Cục trưởng Cục Lao động việc làm Bình Giang Đới Đà Đan cho hay, “Một mặt, có một số thôn xã ở khuất nẻo, chưa thống kê kịp. Mặt khác, một số người sau khi trở về lại tìm đường tới những thành phố huyện lân cận kiếm việc rồi”.
“Vì đúng dịp cuối năm, ảnh hưởng còn chưa lớn. Nếu năm sau tình hình kinh tế không tốt thì triển vọng không dễ lạc quan”, ông lo lắng.
Thành phố Lỗi Dương nằm ở phía Nam Hồ Nam cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Lương Tiểu Lan sống ở trấn Hạ Đường, vốn làm việc nhiều năm tại nhà máy đồ chơi Trung Tín, Thuận Đức, Quảng Đông. Nhà máy có trên ngàn người, tiền công đãi ngộ cũng tạm được, mỗi tháng có thể kiếm được 1.800 tệ. Nhưng khủng hoảng tài chính đã khiến sản phẩm khó tiêu thụ, nhà máy đóng cửa, cô đành phải về quê. Theo thông tin, ở Lỗi Dương, số người phải về quê giống như cô không phải là ít, phải có tới trên trăm người.
“Những nhà máy gia công chúng tôi có ở Lỗi Dương và nhà máy gia công ở Quảng Đông nằm trong cùng một chuỗi sản xuất, những nhà máy như vậy nay cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trong kinh doanh, có thể sập bất cứ lúc nào. Nhà máy đóng cửa sẽ làm đông đảo thêm đội quân thất nghiệp”. Phó Thị trưởng phụ trách công nghiệp và lao động việc làm của Lỗi Dương – ông Ân Trường Danh – cho hay. “Cứ như vậy, sức ép việc làm chúng tôi phải đối mặt sẽ càng lớn”.
(còn nữa)
Tường Châu – Theo báo Tham khảo kinh tế – Vietimes