Sư già quét lá sau chùa
Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông.
Ảnh minh họa: vn.360plus.yahoo.com |
Nóng lạnh ra sao khói thiêu lá sau chùa, khói đống rấm trước ngõ nhà dẫu cay quầng mắt suốt tuổi thơ Tôi thì mãi vẫn là khói ấm. Ngọn khói la đà không thể cất mình lên khỏi luỹ tre mùa Đông phờ phạc vì trời chiều nặng hơi sương.
Nhìn khói lên mau hay lên thưa vào giờ nấu bữa, người ta đoán được ngôi làng trước mặt giàu nghèo. Khói niềm vui, khói sợ hãi… khói trong veo, thanh bần, san sẻ. Khói của kẻ xa nhìn về chân trời quê tưởng ra màu khói ấm…
Đường làng cát mịn vòng ôm, khúc im bóng tre, khúc nhô ra đồng nhoà nắng. Mặt đường hong phơi xác lá và rơm rạ, trên bờ giậu cây xanh xén bằng thì căng phơi lụa mới ra khung của các gái lớn chưa chồng.
Sập soạng chiều lụa gấp xếp trong rương, rạ rơm yên đống góc vườn, là đám trẻ lẫn người già cầm chổi tăm đi gom xác lá, rơm rạ vụn vương chân rào, bãi cỏ.
Than củi ủ nùi rơm bện hình con rắn bén nóng tay, Tôi quỳ xuống ghé miệng thổi phập phào. Khói trào ngược tràn phổi, Tôi thốc lên cơn ho tưởng rách cả chiều Đông. Ấy là lúc lửa bỗng ào lên choàng rực một góc đống rấm trong tiếng reo hoan hỉ của bầy em.
Nhờ nhiệt năng từ những đống rấm, người quê cũng đỡ mươi tiền mua than cám, củi bồm. Ghé nồi cám lợn bên này thì kia đặt niêu cá rô rán sơ kho cách thuỷ nồi đất. Hoặc khi nào trời giở, giặt áo rét lâu khô, tro than đống rấm giữ vai trò như tủ sấy…
Lũ trẻ phong phanh cũng vơi bớt mấy cơn lập cập tái run. Còn tàn tro đem rải lên những dược mạ(1) chống rét hoặc trộn phân chuồng hoai mục trồng rau…
Để một sớm mai ngõ nhà, lối xóm sạch làu mát lành bước chân.
Phập phồng mỗi chiều Đông buốt lộng của Tôi là đợi khối tro hồng xôm xốp hình nón từ từ chuyển màu xám thiếc và lách tách tinh bột những hạt thóc sót chuyển động vì bị nung nóng xé toang vỏ trấu nảy lên bông hoa bỏng chấm sao. Hạt bắn mắc vào vòng tay, hạt theo que cời lấm lem, hạt chịu phận cháy đen khê khét.
Tôi như bao đứa trẻ quê, chơi trốn tìm trong các đụn rạ, nhảy lò cò, lê la búng bi quanh đống rấm hít khói rồi nhìn khói lên trời mà thấy chiếc cầu vồng lấp lánh sẽ đưa Tôi đến thế giới thần tiên, ăn ngon theo ý muốn. Đang ở bờ ao câu cá hay trèo cây hái quả, hễ thấy khói, bất kỳ đứa trẻ nào trong bọn đều hiểu rằng cần băng ngay về đó.
Không ít mấy lần Tôi trào nước mắt vì lửa than chỉ vì không cưỡng nổi bản năng tranh nhau chộp hạt bỏng giữa tro hồng.
Những lúc ấy bao giờ cũng là bà giáo Chi, đang ngồi im như đụn rạ trên ghế tre trước đống rấm ở la-zăng xe tải, vốn là cái kẻng thừa khi sáp nhập đội sản xuất, lên tiếng cảu rảu như vừa yêu vừa quở qua khói nhoà.
Tôi lén moi cả chút thóc giống nếp cấy ruộng “5 phần trăm” cho bánh chưng ngày Tết, rắc vào đống rấm nghe râm ran bỏng nếp nở tung. Và hình như còn cả chút vô thức muốn dẹp yên cơn đói mênh mông trong mình, phần nào thoả mãn những ánh mắt của mấy em Tôi sắp nuốt chửng cả vỏ trấu.
Mẹ đã đánh Tôi dập bẹ lá chuối vì tội đổ thừa chuột ăn thóc giống. Tôi không khóc. Nhưng Mẹ khóc khi ra ngoài trút thêm thóc lép đầu nia lên đống rấm cho đủ thục mềm niêu cá kho. Liền đó buổi chợ phiên, ngoài mớ cá rô muôn thuở, Mẹ đem về cơ man là bỏng lúa bỏng ngô xoè hoa rười rượi.
Lưng chiều, bà giáo Chi cầm que sắt đi quanh nhà, rồi dọc ngang lối ngõ xiên từng chiếc lá mít, lá hồng xiêm cho ngập xác lá tới tận tay cầm. Dĩ nhiên Tôi cùng các em xúm theo xiên xác lá giúp bà, vì nhiều lẽ. Xác lá chất cao lòng la-zăng xe tải. Nếu chưa đủ, thì sẵn ê hề lá tre rơm rạ phơi ven làng. Mặc nhiên bà được đặc quyền nhón của mỗi nhà một ít, mà tịnh không ai ì xèo.
Hai nhà liền ngõ, bà giáo Chi trồng khóm hoa trạng nguyên với mong ước cả hai nhà sẽ có con trai đỗ đạt. Anh Hưng đỗ đại học Bách Khoa, rồi mất tích ở chiến trường B. Bà giáo mắc chứng trầm cảm từ ngày lập Đông năm ấy. Cười ngu ngơ. Nói ngu ngơ lên trời.
Có lần nào đó, mải nhặt bỏng lúa, ống tay áo len pha sợi bén lửa nào chẳng hay, đến lúc lửa ngoem ngoém lan ngược, Tôi cuống cuồng thét khóc. Lũ em dại a a khóc phụ hoạ. Đang ngủ gật trước đống rấm, bà giáo Chi vẫn còn kịp kéo Tôi chạy tới nhúng cánh tay đang bốc khói vào vại tương vừa mới ngả mốc nhà bà.
Xoả mái tóc trắng cước gió lạnh, dùng nèo tre càng cua khoét rỗng ruột khối tro than định vị, bà vùi ủ khoai lang tím, khoai lang nghệ quấn mấy lượt giấy báo tẩm nước. Bà lẩm nhẩm, ừ cu Hưng sắp đi học về. Cu Hưng thích ăn khoai nướng, khoai nướng chờ con đây.
Tối nhoè, bà giáo Chi chẹp miệng, thằng Hưng này hư, lại bỏ bữa đi học nhóm luôn rồi. Những củ khoai mềm mụp được bà giáo Chi nâng niu, thơm mê man, ngọt sắc như tẩm mật cuối cùng cũng thuộc về Tôi và mấy đứa trẻ chầu rìa.
Hân hoan không kịp bóc vỏ, cắn, nhai, nấc, hình như những miếng khoai thánh thần của bà giáo vẫn còn nóng rãy, ngon nghẹn ngào theo mãi Tôi.
Tại sao khói cứ về trời, để cho Tôi- kẻ tha hương phố thị phải nặng lòng đến vậy. Tại sao khói chiều quê lại là giấc mơ giữa bê-tông nhôm kính giữa những người người bịt mặt trước biển chỉ đường ngã ba ngã bảy. Giấc mơ không của riêng Tôi.
Tôi có góc riêng với người hoạ sỹ(2) già tha hương, quần bò thụng, giày đế mềm, áo len carô, kính mắt tròn. Mỗi chiều thu, ngập píp thả bước một, lăm lăm chiếc can có phần chống đất nối dài hơn bình thường. Hoạ sỹ dùng can xiên những chiếc lá bàng chết già chói lên gam màu tím đỏ dọc vỉa hè.
Ông vẽ bức tranh Khói trắng thời trẻ trai. Sườn đồi. Bé gái quê áo vàng, khăn hoa, co ro ngồi nhóm lửa. Làn khói trắng chảy ngược lên cao như một sinh linh. Chú bê vàng ngây ngô ngửi khói. Bức tranh còn nhiều tuổi hơn cả Tôi. Mỗi khi tưởng đến, Tôi lại thấy mình cô độc như cô bé, ngơ ngác như con bê và bâng lâng sầu mỵ như khói.
Bây giờ, Tôi chưa già nhưng cũng hết trẻ. Ngó những chân trời nhiều màu khói, nhắm mắt mở mắt ước bao nhiêu mà sắc cầu vồng chẳng hiện lên, dẫu chỉ là trong trí.
Đường làng bê- tông nghiêm lạnh. Bờ rào cây xanh phơi lụa đang sắc buốt mảnh chai đầu tường xây gạch phồng. Luỹ tre máy ủi trốc ngược mầm măng cuối cùng. Mít, na, khế, hồng bị cưa ngả theo nhau vào nhóm lò dã chiến nung gạch.
Bà giáo Chi đi tìm mộ anh Hưng một ngày đầu làng đường vắng khói. Bà đi đã lâu mà không thấy về. La-zăng han gỉ nắng mưa, rồi một kia biến mất khi gã đồng nát ngang qua.
Cợm mắt, hình như Tôi vừa thấy bà giáo ngồi khều tro cho lửa táp lá khô, mặt vùi trong khói xoay vần những củ khoai lang bọc giấy báo giữa than hồng.
Trước khi hoạ sỹ mất mươi ngày, Tôi mới hay người hoạ sỹ già vẫn còn nợ một bức tranh chưa vẽ. Bức tranh có đống rấm xác lá và rạ rơm trước ngõ nhà dưới luỹ tre, bờ rào cây xanh, khói lên lững đững và Mẹ già quét chổi tăm.
Ngác ngư hoạ sỹ ao ước, giá bây giờ hoá thân làn khói trắng… Phải, chỉ có làm khói ông mới có thể hiện diện tức thì ở chân trời quê hương.
Mẹ Tôi đau ốm, và kết tội món ăn nấu bếp gas là nguyên nhân, thi thoảng lại ngồi ước ao bữa cá rô rán sơ kho cách thuỷ niêu đất đống rấm. Gặp hôm trời giở, Mẹ đấm lưng phàn nàn, rõ là làng mình đang làm sao, ngay đến cả không khí giờ đây cũng nhạt nhèo.
Tôi thì biết. Biết cũng chẳng thể làm gì. Vì không thể làm gì nên Tôi không dám thưa với Mẹ.
Từng ôm súng ngồi rừng mỗi chiều xuống Tôi hay ngóng chân trời bâng quơ. Hiện tại thì gõ bàn phím thấy chân trời phố thành phố khói xăng. Sáng trong hay âm u, thì chân trời vẫn cứ phảng phất màu lam khói rạ rơm trên mái cũ, tàn phai khói nơi đầu ngõ lá tre lá bàng và dòng khói đốt đồng lững đững chảy ngược lên cao tan loang…
Ai hay sợi khói ấm ngoi lên từ chân trời quê đôi khi níu lại một phần tuyệt vọng dừng lại sống nốt kiếp người. Trước khói chiều, Tôi ngỡ mình là khói. Suýt nữa buông tay, quay gót.
Đó chính là phút giây Tôi nhận ra dẫu bớt đi sắc cầu vồng huyễn hoặc thì chiếc khói mong manh thiêu xác lá đầu làng từng sưởi ấm tâm hồn, không chỉ một riêng Tôi…
Tác giả NGUYỄN THAM THIỆN KẾ
(Văn nghệ quân đội)