Trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh – nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được xướng tên tại Lễ Trao giải Nobel Hòa bình 2007 (3)
27/08/2008" …Ví dụ riêng chương về châu Á, chúng tôi viết liên tục trong 3 năm. 10 người viết chung nhau chương đó, ai mạnh cái gì, anh cứ viết cái đó, rồi kiểm tra chéo và xem lại. Tôi đi thực tế ở Việt Nam rất nhiều. Chương Châu Á này viết chung cho cả châu Á, tôi đã đi rất nhiều. Việt Nam thì từ Móng Cái đến Mũi Cà Mau, tôi đi và nghiên cứu trong nhiều năm tháng rồi. Vấn đề khắt khe, người viết phải đưa ra những tài liệu đã công bố rồi, như một tài liệu dẫn chứng thuyết phục, để người ta kiểm tra xem có đúng hay không đúng. Có tài liệu rồi, còn phải phân tích tài liệu, đó mới là cái khó, cái đẳng cấp của nhà khoa học… "
“Tôi nghĩ, nói ra, nhiều vấn đề sẽ “đụng chạm” đến rất nhiều người… ”
PV : Thú thật, ông tha lỗi cho, với lối dạy học giáo điều ở Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi có sự kiện một nhà khoa học Việt Nam, làm việc ở Việt Nam lại có thể “tạc danh” mình vào làng những người đoạt Giải Nobel Hòa bình của nhân loại. Nói chuyện với ông khá dài rồi, tôi mới hiểu : Ông đã rất nghiêm túc và không hề vĩ cuồng trong niềm tin rằng ông sẽ là một nhà khoa học đẳng cấp thế giới. Giờ đây, khi nghĩ về vài trăm ngày miệt mài viết các công trình cho cuốn sách đoạt Giải Nobel kia, ông tâm đắc điều gì?
– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Tôi phải tìm kiếm và phân tích thông tin cực kỳ công phu. Thậm chí, tôi tiếp nhận thông tin từ Trung tâm dự báo – nghiên cứu bão của Nhật Bản, của cả vùng Thái Bình Dương ở đảo Hawaii. Lấy thông tin về thời tiết, khí hậu ở Việt Nam, đôi khi tôi cũng rất cảnh giác. Nếu mình chỉ lấy riêng thông tin dự báo của Việt Nam, nhỡ nó không đúng thì sao? Cho nên, tôi phải dùng rất nhiều tài liệu, nhiều nguồn tài liệu để phân tích vấn đề. Nghiên cứu khoa học phải khách quan, và phải nghiên cứu so sánh, chứ chỉ lấy ở một nơi, nhỡ nó sai thì sao? Trong cuốn về biến đổi khí hậu 2007 đoạt Giải Nobel vừa rồi, trách nhiệm là của tất cả mọi người tham gia viết, và tôi là một trong số những người có được sử dụng bản quyền cuốn sách đó. Tôi phải có trách nhiệm đặc biệt với những gì mình viết trong đó. Tôi ý thức được rằng : các tác giả, hễ viết một câu ở quyển sách ấy, thì đó là một “tiên đề”, bằng ấy câu là bằng ấy tiên đề. Ông viết gì ông phải chịu trách nhiệm trước nhân loại. Công trình là một điều khẳng định, là chân lý, là kim chỉ nam để người ta hành động. Nếu ta đưa ra những “tiên đề” sai thì thật là đáng sợ. Trách nhiệm vô cùng lớn.
![]() |
Tiến sĩ Ninh có duyên với Giải thưởng Nobel Hòa bình từ rất lâu, có thể như thế chăng? Từ năm 2003, ông đã gắn bó với nhà khoa học này, đó là một người đã đoạt Giải Nobel |
PV : Việc khoảng 2.000 nhà khoa học đã tham gia viết một cuốn sách được trao Giải Nobel Hòa bình 2007 nổi tiếng kể trên, ở góc nhìn của ông, nó sẽ nói lên điều gì?
– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Tôi cho rằng, xét ra, con số 2.000 nhà khoa học cũng là còn ít đấy, bởi đó là một công trình cực lớn. Thế giới có những 7 tỷ người cơ mà!
Ví dụ, riêng chương về châu Á, chúng tôi viết liên tục trong 3 năm. 10 người viết chung nhau chương đó, ai mạnh cái gì, anh cứ viết cái đó, rồi kiểm tra chéo và xem lại. Tôi đi thực tế ở Việt Nam rất nhiều. Chương Châu Á này viết chung cho cả châu Á. Việt Nam, Lào, Campuchia… tôi đã đi rất nhiều. Việt Nam thì từ Móng Cái đến Mũi Cà Mau, tôi đi và nghiên cứu trong nhiều năm tháng rồi. Vấn đề khắt khe, người viết phải đưa ra những tài liệu đã công bố rồi, như một tài liệu dẫn chứng thuyết phục, để người ta kiểm tra xem có đúng hay không đúng. Có tài liệu rồi, còn phải phân tích tài liệu, đó mới là cái khó, cái đẳng cấp của nhà khoa học.
PV : Tôi không phải là một người làm khoa học. Nhưng người nông dân làng tôi vẫn thường thắc mắc khi đọc báo, xem truyền hình thấy nói quá nhiều về những nhà khoa học chân đất, những anh Hai Lúa sáng tạo máy tách ngô, bóc lạc, cắt lúa, cạo sắn, rồi chế tạo cả máy bay để đề xuất với Bộ Quốc phòng Việt Nam xin được bay thử nghiệm… Hình như các nhà khoa học Việt Nam sáng tạo được quá ít thứ so với nhiệm vụ và “sứ mệnh” mà lẽ ra họ phải nỗ lực để làm. Có người chua chát bảo người nông dân rằng : Các “nhà sáng chế chân đất” ơi! Các vị hãy sáng tạo ra một cái máy đo nhà khoa học dởm, nhà khoa học thật, nhà khoa học bàn giấy giáo điều và nhà khoa học vì dân vì nước. Ông có nghĩ, lối làm khoa học của nhiều người được gọi là nhà khoa học ở Việt Nam đang còn rất nhiều bất cập và giả cầy?
– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Tôi nghĩ, nói ra, nhiều vấn đề sẽ “đụng chạm” rất nhiều người. Vì, như anh nói, vấn đề này… rất là bất cập. Kể từ khi những thành công của tôi được các nhà khoa học Việt Nam và thế giới biết đến tương đối nhiều, có nhiều người bảo, nếu cứ làm như ông Ninh thì chả cần trường đại học làm gì cả, ông ấy rất bận, ông ấy cũng chả thiết tha dạy học làm gì. Ông ấy bận. Ai cần hỏi ông ấy cái gì thì ông ấy gặp, cần gặp ai thì ông ấy mới đi gặp, cần đi đâu thì ông ấy mới đi (nghĩa là không bị công thức, không bị hành chính hóa, tìm con đường quyết liệt và khoa học nhất để đến với các chân lý khoa học).
Tôi học quyết liệt, tôi mơ ước sang châu Âu từ bé. 17 tuổi, tôi đã sang Hungary học tập. Đó là một đất nước rất trọng nhân tài. Vào những năm 1970, cách đây khoảng 35 năm rồi còn gì, khi tôi sang Hungary, thì bấy giờ điều kiện học tập của họ, tính nghiêm túc, phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học của họ đều hơn Việt Nam… bây giờ! Trường tôi học đứng ở TOP 300 – 400 trên toàn thế giới, quãng ấy, còn cái trường đại học thứ nhất Việt Nam ta, hình như đang đứng ở thứ mấy nghìn trong bảng xếp hạng kia, tôi không nhớ rõ lắm.
PV : Học, nghiên cứu ở Hungary, rồi trở về nghiên cứu, làm việc và giảng dạy ở Việt Nam, trong so sánh của ông, cái được của những người đi du học thế hệ các ông là gì?
Những người thầy đoạt Giải Nobel đã cho tôi khát vọng “phải làm một cái gì đó”!
![]() |
Ông Ninh luôn buồn bã về cách ứng xử của nhiều người Việt Nam với môi trường và khí hậu |
– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Tức là khi bước vào trường đại học ấy ở Hungary, người ta cảm thấy ngay rằng rất có trách nhiệm với khoa học, rất tự hào mình là một nhà khoa học. Tôi vào cái phòng thí nghiệm mà cái ông đã được Giải thưởng Nobel kia làm việc. Đất nước Hungary có 8 người từng được trao Giải thưởng Nobel, nhưng chỉ có một mình ông ấy là người sống và làm việc tại Hungary, còn lại là họ sống ở nơi khác. Đến phòng đó, thấy tự hào lắm, vì từ năm 1936, trước chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã có những phát minh vĩ đại, được Giải thưởng Nobel. Mình cảm thấy khâm phục, thấy rằng mình cần phải làm một cái gì đó. Thầy dạy hết lòng, trò cũng học hết lòng. Người ta ngủ ở phòng thí nghiệm, làm ngày làm đêm. Tình yêu khoa học một cách ghê gớm. Mà người ta chỉ đủ ăn thôi, chứ đâu có giàu có gì. Nền khoa học người ta đo bằng mã, bằng điểm, bằng chất lượng khoa học rất cụ thể. Chứ không như Việt Nam, ta tính một bài một điểm, cứ đánh đồng tất cả, bất kẻ bài viết khoa học kia đăng ở tạp chí nào, ở đất nước nào! Thầy tôi ở đó, họ làm cả cái bằng tiến sĩ khoa học danh giá, nhưng họ chỉ viết công trình có 60 trang, không cần nhiều.
Chúng ta không có một cái chuẩn nào đó. Xét về mặt chất lượng mà nói, chúng cần phải xem lại mình, ở giáo dục và khoa học của mình, làm sao để có một nền khoa học thật sự, với một nền tảng, mà cái nền tảng ấy, quốc tế người ta đang ứng dụng, chứ không phải do anh tự đẻ ra theo tiêu chuẩn của anh. Không có!
PV : Tôi thấy giới trẻ Việt Nam, và cả giới khoa học hiện nay, hình như quá ít người thật sự xả thân vì khoa học, vì lý tưởng của mình, theo cái kiểu ăn ở phòng thí nghiệm, ngủ ở phòng thí nghiệm. Mà cơn bão kim tiền đôi khi đã vặt trụi những khát vọng cống hiến kiểu đó, biến không ít người chỉ lầm lụi với giá áo túi cơm, vinh thân phì gia. Tôi biết, đó là sự thật. Tôi cũng biết, nói ra thì sẽ thành… hồ đồ. Ý ông thế nào về nhận định trên?
– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Đúng rồi.
PV : Bạn tôi, nhiều người có tiền tỷ, thay xe ô-tô, thay nhà lầu như… thay áo, đời tàn lụi dần trong giá áo túi cơm, nghĩ cũng thật xót xa. Bởi những người làm được cái cơm áo “đáng nể” đó, thường là người từng có chút ít hoặc khá nhiều tài năng, chỉ hiềm một nỗi, họ đã “bỏ ngang” phần sự nghiệp lẽ ra nên làm kia!
– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Đúng rồi.
Trào lưu xã hội là không coi trọng trí thức, là rất nguy hiểm. Vì trí thức đích thực, người ta cần sự tôn trọng, sự tôn vinh thật sự. Cái đó không phải và không thể chỉ tính bằng tiền. Ví dụ với mình cũng thế thôi. Nếu mình phấn đấu điều gì vì nhân loại, mà được nhân loại thừa nhận, thế là đủ. Bạn đến, tôi mời uống trà, thế là đủ. Mai mình có chết đi, mình cũng cảm thấy tự hào vì những cống hiến của mình. Như người thầy mình, sau này là Tổng thống Hungary ấy, ông ấy từng trực tiếp dạy mình, rồi cuối những năm 80, ông ấy làm Tổng thống. Ông là người giỏi chuyên môn và biết đoàn kết trí thức và nhân dân vì sự nghiệp chung. Ông bảo chúng tôi : cái quan trọng của nhà khoa học, là những gì anh đóng góp cho nhân loại. Những đóng góp của dân tộc đó có giá trị như thế nào, là ta phải xét ở góc độ “cống hiến” của nó với cả nhân loại, chứ không chỉ cho riêng cộng đồng của anh. Thầy nói với tôi : anh hãy về Việt Nam, cống hiến cho đất nước của anh, và có thể anh sẽ đem lại những vinh quang ấy cho đất nước và cho nhân loại. Nhiều người thầy cũng nói, tôi đã dạy hết chữ cho anh, Hungary tử tế với anh, nhưng đó không phải “đất dụng võ” cho anh. Anh hãy trở lại cống hiến cho đất nước của anh. Chúng tôi lúc nào cũng dang rộng vòng tay đón anh. Nhưng, đất nước của anh đang cần những người như các anh.
PV : Được biết, từ 1986, ông đã bắt đầu nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Việt Nam và thế giới. Như chúng ta đã trao đổi, 22 năm sau, tức là năm 2008 này, nhận thức của nhiều tầng lớp xã hội ở ta với biến đổi khí hậu và những hậu quả của nó còn quá sức mơ hồ. Chắc hồi “nhập môn” nghiên cứu biến đổi khí hậu, các nhà quản lý, các nhà khoa học và bà con Việt Nam sẽ ngạc nhiên, tròn mắt, coi ông như người từ… Sao Hỏa rơi xuống?!
– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Độ ấy, chúng tôi đang thực hiện một chương trình nhà nước về môi trường, “cái” đầu tiên thì phải. Bấy giờ, Giáo sư Võ Quý là Chủ nhiệm đề tài ấy. Chẳng là bấy giờ, có tiền cho các đề tài về môi trường, do Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước chủ trì. Các nhà khoa học chúng tôi cùng đưa tờ giấy cũ ra để khai đề tài, rồi đề xuất đề tài. Cứ thế điền đủ thứ vào. Tôi cũng nhận một tờ giấy xam xám, của thời b
ao cấp, rồi hì hụi viết đề tài : Đánh giá về El Nino. Nhiều người ngạc nhiên lắm. Họ bảo, cái này chả có nghĩa gì, nó ở xa xôi lắm, Việt Nam chả biết gì đâu, chả ảnh hưởng gì đâu, “anh” làm để làm cái gì?
Tôi thì tôi nghĩ khác : Vì khi đọc tài liệu thế giới, tôi thấy hậu quả của El Nino rất là kinh khủng. Đánh giá chắc chắn Việt Nam bị. Cả thế giới bị, chả lý do gì Việt Nam lại không bị. Chỉ có cái là mình không nghiên cứu, nên không biết về nó thôi. Tôi tự nhủ : chắc chắn mình phải làm, kể cả không ai làm. Vì thế mình đăng ký. Tôi đã trao đổi với Tiến sĩ Hiền, anh ấy làm về khí tượng thủy văn, hiện vẫn công tác tại Bộ NN&PTNT. Ông Hiền nói, em sẵn sàng hợp tác với anh làm. Tôi mời anh Hiền hãy soạn và “giảng” cho tôi một tiếng đồng hồ “kiến thức” trong mỗi tuần. Cứ mỗi tuần một buổi như thế, suốt vài ba tháng trời. Bởi ông Hiền là người hiểu rất tường tận, rất tâm huyết về vấn đề đo nhiệt độ, nghiên cứu bão. Tôi bảo ông Hiền, ông cho tôi hiểu thông tin của ông đi, thế nào là gió mậu dịch, El Nino là gì, hoàn lưu khí quyển là gì, ozon từ đâu ra – anh cứ nói, còn tôi sẽ nghiên cứu về những cái ảnh hưởng kinh tế, văn hóa, xã hội do hiện tượng El Nino gây ra. Chứ “đo đạc” trời đất, không phải là việc của tôi.
PV : Xin hỏi lại về một vấn đề mà tôi biết ông đã trăn trở rất rất nhiều : điều gì làm anh đau lòng nhất trong số những “tai họa nhãn tiền” do biến đổi khí hậu mà người người Việt Nam đang rất thờ ơ?
– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Là chúng ta không nghĩ rằng, nói về riêng môi trường không chỉ là để nói về… môi trường xanh – sạch – đẹp thôi. Mà phải hiểu : vấn đề môi trường là một vấn đề kinh tế. Trước hết, ít ra nó là vấn đề liên quan đến kinh tế (sau đó là nhiều “hệ lụy” đến các lĩnh vực khác). Nó có giá trị thặng dư của nó. Nếu anh phát triển GDP ở mức độ đáng mừng 8 – 9%, nhưng anh phải bỏ tiền ra bù cho môi trường vài phần trăm, Trung Quốc hiện nay họ đang đề xuất bỏ 5% GDP để xử lý môi trường, thì tính ra nó sẽ như thế nào? Thì anh phải tính hiệu số của cái kết quả mà anh đạt được, trừ đi cái anh phải bỏ ra để khắc phục, thì nó sẽ ra con số thật. Chứ đừng tính : tăng trưởng 8 – 9%, mà trừ đi quá nhiều, thậm chí nhiều gần bằng 8 – 9%, thì không thể được. Phát triển bền vững là phải tính đến các yếu tố phát triển lâu dài mà không có rủi ro. Vấn đề là phải đảm bảo chất lượng cuộc sống, chất lượng sống của con người, của môi trường, khí hậu và của những loài xung quanh mình cho tốt hơn. Chứ không thể coi phát triển chỉ là sự phát triển của những “chỉ số”, trong khi người ta phải ăn những thực phẩm nhiều hóc-môn hơn, hít lắm bụi bẩn và hóa chất độc hại hơn, người và vật chịu nhiều dịch bệnh hơn, gánh nặng xã hội nặng nề hơn. Đấy không phải là chất lượng cuộc sống.
(Còn một kỳ nữa)
Đỗ Lãng Quân (Vietimes)