Đó là một sự kiện ý nghĩa, xúc động và thú vị mà tôi nghĩ rằng Sách Kỷ lục Việt Nam cần gấp rút bổ sung. Ngày 10/12/2007, tại thủ đô Oslo của đất nước Na Uy, trong Lễ Trao giải Nobel, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và nhân loại, tên của một nhà khoa học Việt Nam được trân trọng xướng lên. Hàng tỉ người trên khắp địa cầu đã trực tiếp hoặc gián tiếp chứng kiến sự kiện trọng đại này. Người ấy là Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, là đồng tác giả của cuốn sách dày 3.000 trang viết về biến đổi khí hậu vừa được trao Giải Nobel vì Hòa bình năm 2007. Các bản báo cáo trên được vinh danh là công trình mang tầm thế kỷ, mang tên “Báo cáo lần thứ tư – Biến đổi khí hậu 2007”, do Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) chủ trì. Tiến sĩ Ninh cùng một số tác giả khác đã tham gia viết chương về châu Á.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường (CERED) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đồng thời ông cũng là giảng viên uy tín của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cuộc trò chuyện của PV Vietimes với Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh xoay quanh chủ đề môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ đưa Việt Nam về đâu? Những bất cập “biết rồi – khổ lắm – nói mãi” về lĩnh vực này ở Việt Nam tại sao lại trở nên đau đớn, nhục nhằn như thế? Chúng ta đã sai ở khâu nào? Lương tâm của người Việt Nam đang sống trong tay nôi của bà mẹ vỏ trái đất hôm nay đã thể hiện như thế nào, qua cách ứng xử của họ với môi trường, với bầu khí quyển…?

Có thể nói, đó là một câu chuyện buồn. Vịn trên nỗi buồn ấy, chúng ta hãy nhìn thẳng thắn vào hành vi của mình, của cộng đồng để làm gì đó thực sự vì môi trường sống, vì bầu khí quyển đang nổi giận từng ngày từng giờ của trái đất – cũng là vì chính chúng ta.

Đến nay thì không ai dám nói biến đổi khí hậu là do… trời đất nữa. Khi mà bản báo cáo của chúng tôi đã chỉ ra : hơn 90% nguyên nhân của biến đổi khí hậu gây hiệu ứng nhà kính là do con người, là từ con người mà ra. Đó là một sự thực không thể chối cãi. Nhân loại chỉ còn cách ngồi lại với nhau và cùng bàn cách để "tự cứu mình" – Ảnh : Lãng Quân

Loài người có đủ trí khôn, tài chính và trình độ công nghệ để tự cứu mình, nhưng…

Phóng viên (PV) : Thưa ông, phải nói rằng gần đây, ở Việt Nam, nhận thức về những thảm họa do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra cho loài người và cho người Việt Nam đã được nâng cao rất nhiều. Nhưng, dù không muốn, chúng tôi vẫn phải nói điều này, mong ông thông cảm : Việc “hiệu ứng nhà kính” làm “băng tan” ở… một, hai hay… ba cái đầu cực trái đất, làm nước biển dâng cao, vân vân và vân vân… Những điều đó đôi khi rất xa lạ với ngay cả giới trí thức, chứ đừng nói gì đến người nông dân, hay bác đạp xích lô, chị lao công quét rác. Chuyện biến đổi khí hậu toàn cầu xa xôi như… tảng băng ở Nam Cực, xa xôi như nước biển dâng lên trên… màn hình ti-vi. Ông có nghĩ, cảm giác đó là một thực tế, là thách thức mà người như ông, sau buổi được xướng tên trong Lễ trao Giải Nobel Hòa bình cần phải công nhận để khắc phục?

– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Quả đất là một “hệ thống sống”, một khi nó bắt đầu thay đổi, thường thì nó thay đổi rất là lâu. Nó cũng như cơ thể con người ta ấy. Mình có ông bạn làm Vụ trưởng. Một ngày đẹp trời, ông đi chụp phổi, phát hiện ra mình có một cái u rất nguy hiểm, dù rằng bình thường thì không bao giờ ông cảm thấy mình đang có cái u đáng sợ như thế cả. Cũng may, mức độ của cái u chưa đến độ… chết chóc. Đi cắt (phẫu thuật) một cái thì ông ấy khỏi bệnh gần như hoàn toàn.

Nhưng nếu chậm đi khám, nếu cứ để một vài năm nữa thì nó sẽ trở thành ung thư, cực kỳ nguy hiểm.

Tương tự như thế, việc nghiên cứu, làm báo cáo về biến đổi khí hậu của IPCC nó như thể việc mình dùng máy chụp chiếu nhìn xuyên qua quả đất, nhìn thấy nhiều thứ bệnh, nhiều thứ lo toan phải tháo gỡ, để mọi thứ tốt hơn. Chứ nếu không nhìn thấy thì chúng ta còn mải lo ăn, lo uống, lo chơi, lo nghe Mỹ Tâm hát, lo đủ thứ trên đời, lo cho bản thân mình ngày nay và ngày mai. Cứ mải miết lo mãi, chứ thời gian đâu mà “dở hơi” đi lo chuyện của quả đất. Trước đây, người ta không tin chuyện biến đổi khí hậu toàn cầu. Kể cả người nghèo lẫn nhà tỷ phú khổng lồ của thế giới, họ đều không tin vào việc khí hậu có thể biến đổi với những hậu quả “nhìn thấy, sờ thấy” được như hiện nay. Hơn thế, cho đến nay, khi công trình của chúng tôi được công nhận, được trao Giải Nobel Hòa bình, thì loài người đã có cơ sở khoa học không thể chối cãi.

…Khẳng định hẳn hoi. Không chối cãi được nữa. Điều này sẽ là cơ sở cực kỳ quan trọng khiến tất cả mọi người trên hành tinh này phải thừa nhận thực trạng và những nguy cơ nhãn tiền, khủng khiếp của biến đổi khí hậu. Vấn đề còn lại chỉ là… phải tìm cách giải quyết vấn đề sao cho hiệu quả nhất mà thôi.

PV : Chúng ta đã phải đau đầu rất nhiều về cái việc phải làm thế nào để chống biến đổi khí hậu quá… tang thương như đã thấy và sẽ phải thấy trong những năm tới. Các nghị định thư, các cuộc biểu tình, tuần hành, vận động, rồi hoạt động rất đáng kính trọng của tổ chức Hòa bình Xanh và nhân loại có lương tri. Các quốc gia cãi nhau nảy lửa về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngay cả khi Nghị định thư Kyoto đã có hiệu lực từ tháng 2/2005. Theo đó, buộc 35 quốc gia công nghiệp cắt giảm lượng khí C02 và 5 loại khí nhà kính khác cho tới năm 2012, đồng thời yêu cầu 157 quốc gia thành viên bắt đầu các cuộc đàm phán để cắt giảm hơn nữa khí thải nhà kính trong giai đoạn tiếp theo. Nhưng… các “khoảng trống, khoảng vênh” vẫn còn rất lớn. Và nhiều người đã tỏ ra bất lực. Ông thấy sự bất lực đó có chia sẻ được không?

– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Nhiều nhà khoa học đã khẳng định, loài người có đủ trí khôn, đủ tài chính, đủ công nghệ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu này, nhưng con người thiếu sự đoàn kết và những quyết tâm chính trị cho vấn đề này. Câu chuyện này có vẻ như là cái gì đó đã cũ, nhưng thật ra nó không hề cũ. Chúng ta cần thay đổi hành vi của con người với con người, và của con người với thiên nhiên – cần thay đổi hành vi ấy theo hướng an toàn cho môi trường và bầu khí quyển một cách quyết liệt hơn. Giờ đây, vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề liên quan mật thiết đến sự tồn vong của nền văn minh nhân loại. Là câu hỏi lớn : Tồn tại hay không tồn tại. Trước đây, chúng ta quan tâm nhiều đến mối quan hệ xã hội nọ với xã hội kia, chế độ nọ với chế độ kia và tự coi đó là thứ quan trọng. Nay, biến đổi khí hậu đặt loài người trước một bước ngoặt lịch sử. Bước ngoặt này đã hình thành chính thức, kể từ khi Bản báo cáo thứ tư về biến đổi khí hậu được thừa nhận trên toàn nhân loại. Trước đây người ta bảo, hậu quả của biến đổi khí hậu chưa chắc đã
là do con người. Là của tự nhiên chăng? Đến nay thì không ai dám nói như vậy nữa : hơn 90% nguyên nhân của biến đổi khí hậu gây hiệu ứng nhà kính là con người, là từ con người mà ra.

"Đây là một trong 3 tập của cuốn sách được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2007 mà tôi là đồng tác giả. Tôi cùng 10 tác giả nữa viết chương 10 – chương về châu Á" – Ảnh : Lãng Quân

PV : Vậy là loài người đã có cơ sở thuyết phục để thay đổi hành vi của mình hòng “cứu” trái đất khỏi thảm họa. Vấn đề chỉ còn là : Họ có thật sự thấy tính cấp thiết, có giác ngộ và có đủ tử tế với cộng đồng, với thế hệ tương lai hay không… để thay đổi hành vi?

– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Thật ra thì từ trước đây, từ cách đây 20 năm, tổ chức IPCC đã được thành lập. Loài người tiến bộ bấy giờ đã hiểu rằng, cần phải giao cho một tổ chức có uy tín để họ tập hợp các bộ óc của loài người lại nhằm đánh giá chính xác và khoa học vấn đề biến đổi khí hậu và những hệ lụy của nó. Kết quả là sau vài thập niên, những gì mà khoa học làm được (mà Bản báo cáo thứ tư là một ví dụ tiêu biểu) đã chứng minh những điều không chối cãi được nữa. Rằng con người như thế này đây, đối xử với quả đất và khí hậu toàn cầu như thế này đây, kết quả thế này đây. Loài người sẽ không còn đổ lỗi cho nhau nữa. Mà loài người chỉ còn một việc phải làm trên hết : phải ngồi lại với nhau, ngồi lại với nhau như thế nào để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu gây hiệu ứng nhà kính một cách hiệu quả nhất.

Buồn thay! Người nghèo là đối tượng hứng chịu những hậu quả của biến đổi khí hậu trước tiên

PV : Được biết, cách đây 20 năm, khi ông Nguyễn Hữu Ninh đăng ký đề tài nghiên cứu về biến đổi khí hậu thì giới khoa học Việt Nam ngơ ngác, có người nói thẳng, làm cái “trên trời” xa xôi ấy để làm gì. Vẫn phải nhắc lại một điều rằng : ngay cả bảo vệ động vật hoang dã, hay nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp đôi khi đã là xa xỉ với người nghèo. Biến đổi khí hậu càng xa tít mù tắp so với người nông dân chân lấm tay bùn ở làng quê Việt Nam. Nếu cái dạ dày họ còn gào réo, con cháu họ còn chưa biết lấy gì ăn và đi học xóa mù, thì vấn đề của ông như một thứ “cổ tích”, như một “giấc mơ ngoài hành tinh”. Ông nghĩ sao khi có một người nông dân Việt Nam dắt trâu, cầm cày đứng trước mặt ông nói như vậy?

– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Tôi nghĩ, đó là chuyện của cả thế giới chứ có riêng gì Việt Nam. Thế giới 6 tỷ người đói và cũng ngần ấy người không được sử dụng nước sạch. Đó là một bi kịch của loài người, không phải của riêng Việt Nam. Vai trò truyền thông lúc này mới được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Cần cho họ hiểu, cả người giàu lẫn người nghèo : Nếu tiết kiệm tài nguyên, giữ gìn được môi trường sống thì giúp thế giới tồn tại lâu dài và yên bình hơn. Ví dụ cái túi ni-lông, hãy hạn chế dùng, hoặc tẩy chay nó đi. Thiết bị khi không dùng thì tắt đi, ti-vi tắt toàn bộ từ chỗ nguồn cắm điện đổ đi (chứ không chỉ tắt bằng remode). Chẳng hạn thế. Khi buộc phải dùng điều hòa nhiệt độ, nếu tôi cảm thấy điều hòa mát rồi thì thôi, điều hòa chỉ 26 độ trở lên thôi, thế là được rồi. Thực hiện những thói quen đó cho nó thành văn, thành “ý thức hệ” đi. Rằng phải sử dụng tối thiểu năng lượng tài nguyên trên một đơn vị tiêu hao mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất. Đi ô-tô thì tiết kiệm ra sao, đi máy bay thì tiết kiệm thế nào. Về ý thức này thì tôi thấy người giàu người nghèo cũng giống nhau hết. Với góc độ của mình, họ thực hiện hành vi đó theo cái kiểu của họ. Người nghèo cũng vứt rác chứ, cũng sử dụng túi ni-lông chứ.

Người nông dân, người nghèo, họ sẽ nghĩ không dùng thuốc hóa học cho đồng ruộng quá nhiều, sẽ ủ phân hữu cơ để bón ruộng, sẽ thu gom rác thải lại một cách khoa học, chẳng hạn thế. Chứ đừng nghĩ, ta nông dân nghèo có gì đâu (nông dân có thải khói xăng xe, có nhà máy xí nghiệp gì đâu mà đem khí thải gây hiệu ứng nhà kính!). Nghĩ thế để cứ làm thoải mái ư? Sai lầm. Hậu quả của lối nghĩ, lối hành động đó là gì? Là người nghèo bị hậu quả đầu tiên của biến đổi khí hậu chứ không phải là người giàu bị hậu quả đầu tiên. Nước bẩn, nguồn nước cạn kiệt, sâu bệnh, thiên tai, thất bát, lũ quét, cháy rừng… là những thứ mà khi nó xảy đến thì người nghèo là người hứng chịu đầu tiên, hứng chịu trực tiếp nhất. Ai đó nói, con người ta sinh ra vốn đã không bình đẳng, nhưng người ta bình đẳng trước bài toán và con đường đi tìm lời giải cho bài toán biến đổi khí hậu. Người ta buộc phải đoàn kết trước biến đổi khí hậu và những hậu quả của hiệu ứng nhà kính.

Tại phòng làm việc của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh ở Hà Nội – Ảnh : Lãng Quân

PV : Trước những bức thiết đó, chúng ta không thể ngồi một chỗ, khoanh tay mà kêu gọi sự tử tế của người ta, rằng phải bảo vệ quả đất trước tình trạng biến đổi khí hậu gây hiệu ứng nhà kính. Vấn đề phải là sức mạnh của nhà quản lý đối với những tổ chức, cá nhân giết cộng đồng bằng những hành vi gây hậu quả xấu cho môi trường, khí hậu. Ví như ở Việt Nam, các doanh nghiệp cho nhập phế liệu về với những công-ten-nơ chất thải kinh tởm từ nước ngoài về để tái chế kiếm lời, những nhà máy xí nghiệp càng hoạt động càng gây ra những làng ung thư tuyệt diệt hết… người. Người Việt Nam nên đưa vấn đề ý thức với môi trường, khí hậu vào cái văn hóa làm người của mỗi cá nhân và tổ chức. Cả dân tộc cần có chính sách, phong trào tẩy chay những doanh nghiệp như thế. Nó là một tội ác trời không dung, đất không tha!

– Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh : Theo tôi, những hành động đó là tội ác! Tôi có thể nói ngắn gọn thế này : Ở Việt Nam, đầu tư cho môi trường rất thấp. Lãi của doanh nghiệp, đôi khi là do mình ăn thịt môi trường mà ra. Mà môi trường là của toàn dân. Thế tại sao sông Đồng Nai, sông Cầu bị ô nhiễm rất nặng như thế, kể cả các con sông ở Hà Nội? Là vì 80% doanh nghiệp đổ thẳng chất thải xuống sông. Điều ấy ai cũng biết. Ai cũng biết, không cần nói lại nữa. Chúng ta thành lập rất nhiều “Ủy ban” cho vấn đề cứu các dòng sông này rồi. Nhưng đang có hai câu hỏi đặt ra. Một, Nhà nước pháp quyền của chúng ta, trong tay có pháp quyền, chúng ta có sẵn sàng đóng cửa những nhà máy kia không? Không đóng thì anh xử lý thế nào để cứu dân, cứu môi trường? Thứ hai, doanh nghiệp họ làm như vậy là làm giàu cho họ, cho công nhân của họ. Thì họ nghĩ gì khi họ làm như vậy để họ hưởng lợi cho riêng họ, trong khi hàng nghìn, hàng vạn người khác phải chịu khổ? Người chịu đó là họ hàng nhà họ, con cháu họ và chính bản thân họ. Nếu tính như vậy thì lãi của họ lấy từ đâu ra? Xin thưa, chỉ lấy lãi từ việc “giết” môi trường. Sự đóng góp của họ trong vấn đề giữ gìn và cải thiện môi trường của đối tượng này là vô cùng bé nhỏ. Và cứ xét thế, thì ở ta, người càng giàu thì họ càng đóng góp cho môi trường càng ít.

(Còn nữa)
Lãng Quân (Vietimes) thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *