Trẻ em cần được bảo vệ trước nạn bạo hành

Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á kí Công ước về Quyền trẻ em. Điều đó đã thể hiện rất rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đến những chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, công tác bảo vệ trẻ em lại đang đứng trước những thách thức mới : Sự mất an toàn đối với trẻ em – nạn bạo hành, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích gia tăng và diễn biến phức tạp, thiếu hụt một hệ thống bảo vệ trẻ em vận hành đồng bộ… P.V Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trao đổi với PGS-TS xã hội học Mai Quỳnh Nam – Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu con người – xoay quanh một vấn đề “nóng” : Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nạn bạo hành trẻ em.

PV : Thưa PGS-TS Mai Quỳnh Nam, dường như chưa bao giờ vấn đề trẻ em phải đối diện với những nguy cơ do bạo lực (gia đình, xã hội, cộng đồng) gây ra lại gây bức xúc trong xã hội như hiện nay. Có ý kiến cho rằng, đó là do hiện tượng bạo lực trong xã hội thực sự gia tăng. Cũng có ý kiến cho rằng, nỗi bức xúc đó phần lớn do chính các phương tiện thông tin đại chúng mang lại (vì nếu báo chí không nói thì có ai biết mà bức xúc, chưa kể đến việc lạm dụng thông tin, khai thác thông tin quá cặn kẽ mà không tính đến hệ quả tâm lý mà nó mang lại). Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS-TS Mai Quỳnh Nam : Để có được câu trả lời nạn bạo hành đối với trẻ em có gia tăng hay không cần phải có các số liệu thống kê hàng năm và các phân tích về những tác động xã hội dẫn đến tình trạng này, cùng với các hệ quả mà không chỉ riêng trẻ em phải gánh chịu. Nạn bạo hành đối với trẻ em là sự vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ của Nhà nước Việt Nam và Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới đã ký kết. Hai văn kiện này đều xuất phát từ nguyên tắc cơ bản là đảm bảo an toàn về tính mạng và phát triển tinh thần cho các chủ nhân tương lai của quốc gia và của nhân loại. Bạo lực ở trẻ em đã diễn ra nhiều nơi, từ gia đình, nhà trường đến những nơi công cộng như cha mẹ đánh con, các cô “bảo mẫu” ở nhà trẻ đối xử không tốt với các cháu, đặc biệt vụ Trại nuôi tôm giống Minh Đức, ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi) đánh đập tra tấn dã man cháu Hào Anh, đã gây nên bức xúc trong dư luận. Tại phiên họp khai mạc kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XII, các đại biểu Quốc hội đã nhận được thái độ lo ngại của cử tri trước nạn bạo hành trẻ em.

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng thường cung cấp các thông điệp về nạn bạo hành ở trẻ em. Đây là một thực tế đáng buồn trong xã hội, đồng thời cũng là những cảnh báo trước hiện tượng đối xử không tốt với trẻ. Các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh, tạo nên dư luận xã hội về các hiện tượng bạo lực ở trẻ, đó là việc làm cần thiết để thức tỉnh lương tâm của mọi người, đảm bảo cho trẻ em được chăm sóc, bảo vệ. Những phương châm và nguyên tắc đưa tin về những vấn đề liên quan đến trẻ em được xác định là : các tổ chức truyền thông cần phải xem xét mọi vi phạm các quyền của trẻ em, các vấn đề có liên quan đến sự an toàn, tính riêng tư của trẻ em và phê phán các hình thức bóc lột đối với trẻ em. Đây là những quy tắc được Liên đoàn quốc tế các nhà báo coi là tiêu chuẩn nghề nghiệp, được áp dụng rộng rãi trên thế giới và nó có ảnh hưởng quan trọng trong hoạt động truyền thông theo tinh thần của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.

PV : Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự hoàn thiện hơn hệ thống luật pháp… nhằm bảo vệ trẻ em, lại có một hiện thực rất đau lòng, rằng các em đang phải gánh hậu quả bạo lực ngay trong gia đình – tổ ấm của mình. Ông có nhận định gì về mức độ nghiêm trọng của bạo lực gia đình và hệ quả của nó ở Việt Nam? Ông lý giải thế nào về hiện tượng đó?

PGS-TS Mai Quỳnh Nam : Gia đình là một tổ chức, trong đó, trẻ em được nuôi dạy và lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ, ông bà, anh chị em… Các giải pháp trong gia đình về cơ bản dựa trên các quy tắc đạo đức và tình cảm. Hiện tượng bạo lực đối với trẻ em diễn ra trong gia đình là trái với các chức năng cơ bản của gia đình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, như những người làm cha mẹ không ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình đối với con cái, bắt trẻ em lao động sớm vì động cơ kinh tế và có cả nguyên nhân về kiến thức. Những người làm cha mẹ đánh con mà không hiểu được các di hại về tâm lý mà con mình phải gánh chịu. Bạo lực đối với trẻ em trong xã hội đã nặng nề, nhưng đối với trẻ em trong gia đình thì càng nặng nề hơn, vì gia đình là tổ ấm, nơi đứa trẻ lớn lên và nhẽ ra, chúng phải được hưởng tình yêu thương từ cha mẹ. Bạo lực gia đình cũng gây ra cho các em nhiều tổn thương, có thể dẫn đến di chứng trên cơ thể, đặc biệt là làm thương tổn đến tình cảm của trẻ em. J.J.Rut-xô, nhà triết học, đồng thời là nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp thời Khai sáng nhắc nhở rằng : Người lớn cần khắc phục tư tưởng lấy mình làm chuẩn, làm thước đo mọi thứ cho trẻ em, coi trẻ em là người lớn thu nhỏ lại. Điều này cũng có nghĩa là những chuẩn mực xã hội phù hợp với đặc trưng tâm lý lứa tuổi của trẻ em được tôn trọng sẽ hạn chế tình trạng bạo hành đối với trẻ.

PV : Ngoài bạo lực gia đình, các em còn phải đối diện với nạn bạo hành nơi công cộng, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, không cha không mẹ, hoặc có cha mẹ và phải lang thang kiếm sống. Chúng ta đều biết rõ, các em là những đối tượng có khả năng tự vệ kém. Có ý kiến cho rằng, có hiện tượng đó là do khung hình phạt cho tội “đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình” còn quá nhẹ. Ý kiến của ông thế nào?

PGS-TS Mai Quỳnh Nam : Người ta có thể nhận thấy, trẻ em bị nạn bạo hành ở môi trường sống gần gũi với các em. Trẻ em bị bạo hành thường thuộc nhóm yếu thế như trẻ em đường phố, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi, nơi mà hàng ngày các em phải làm lụng kiếm sống. Việc kiếm sống đó chịu sự tác động mạnh bởi quá trình đô thị hóa cưỡng bức, làm gia tăng những dịch vụ xã hội kéo theo nạn bóc lột trẻ em, nhất là khi những người “thợ nhỏ” không mang lại các lợi ích kinh tế như giới chủ mong muốn.

Việc áp dụng khung hình phạt đối với tội “đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em” là cần thiết, nhưng mặt khác, để giải quyết vấn đề cơ bản hơn, người ta phải tạo dựng một xã hội, trong đó sự tôn trọng con người, quan hệ tốt giữa con người với con người, đặc biệt là quan hệ tốt với trẻ được coi trọng. Ở đây, việc giáo dục các kỹ năng sống, tự bảo vệ mình đối với bạo lực và lạm dụng thân thể của trẻ em có vai trò hết sức quan trọng. Ở ta, vấn đề này chưa được quan tâm thích đáng.

PV : Có một đối tượng mà tôi đặc biệt quan tâm, đó là trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo. Các bé hoàn toàn không có khả năng tự vệ, cách phản ứng duy nhất là khóc. Thậm chí, nhiều bé còn chưa biết nói để có thể về nhà kể lại cho bố mẹ rằng mình đã bị đối xử ra sao ở trường mẫu giáo. Trong khi hệ thống trường mẫu giáo ở ta hiện nay lại đang vận hành một cách rất tùy hứng. Ngoài hệ thống trường công còn một lượng rất lớn trường tư, thậm chí chỉ là một bác, một bà nào đó nghỉ hưu, ở nhà nhận trông dăm bảy bé, hoàn toàn không được phép của cơ quan chức năng, điều kiện nuôi dạy thì còn lâu mới đủ tiêu chuẩn. Và tôi từng biết, có những bé không bao giờ dám đi vệ sinh ở nhà trẻ, mót đến mấy cũng cố nhịn về nhà, vì bà trông trẻ dùng bàn chải để làm vệ sinh. Đó cũng chính là bạo hành, và sự bạo hành này là một ví dụ về dấu ấn sâu sắc được (bị) để lại trong tâm lý của trẻ. Ông có ý kiến gì về sự phát triển rầm rộ của các nhà trẻ tư ở ta hiện nay?

PGS-TS Mai Quỳnh Nam : Hiện nay, các nhà trẻ tư ngày càng nhiều ở các khu vực đô thị. Bên cạnh hệ thống trường công lập được xây dựng theo quy định của nhà nước như về cơ sở vật chất, rồi các cô giáo nuôi dạy trẻ được đào tạo qua trường lớp, thì những nhà trẻ tư đang xuất hiện một cách rầm rộ mà phần lớn là không đáp ứng được yêu cầu cơ bản về cơ sở vật chất để đảm bảo nơi ăn, nơi nghỉ, những người trông trẻ không đảm nhận được công việc làm “bảo mẫu”. Dường như những nhà trẻ tư này chỉ làm chức năng trông, coi trẻ chứ không nuôi và dạy trẻ, chưa kể đến việc những nhà trẻ đó vì động cơ kinh tế mà đối xử với trẻ không theo quy tắc sư phạm. Cái đáng phàn nàn nhất là công việc của những người coi trẻ ở đây không xuất phát từ thương yêu, nên đã diễn ra tình trạng các cháu sợ người trông trẻ, không dám bày tỏ những nhu cầu ch&iacu
te;nh đáng như vui chơi, hay kể cả việc đi vệ sinh, các cháu cũng phải nhịn về nhà, như bạn vừa nói. Vì vậy, khi cấp phép cho các nhà trẻ tư cũng cần phải có những quy định chặt chẽ về cơ sở vật chất cũng như về con người. Việc nuôi dạy trẻ từ gia đình đến nhà trường cần phải quan tâm đến sự phát triển toàn diện của trẻ, chứ không nên chỉ coi trọng việc nuôi mà coi nhẹ việc dạy. Nuôi dạy trẻ không thể theo lối tự phát được. Và điều cơ bản là chúng ta phải xây dựng được những giá trị văn hóa, những chuẩn mực nhân cách trong đời sống gia đình và xã hội. Các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ trẻ em vi phạm pháp luật ở các gia đình mà cha mẹ có tiền án, tiền sự thường rất cao. Điều đó cho thấy, cha mẹ trước hết phải là tấm gương cho con cái và nhà trường phải đảm bảo các khuôn mẫu sư phạm.

PV : Không chỉ phải đối diện với nạn bạo hành, trẻ em còn phải đối diện với nạn lạm dụng. Được biết, cách đây vài năm, trên một diễn đàn có tên Trẻ em nói về bạo lực với trẻ em, chính các em đã đưa ra thông tin : thứ tự phổ biến nhất của các hình thức lạm dụng là lạm dụng thân thể, tiếp đến là lạm dụng tinh thần, lạm dụng tình dục và bắt làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Các em còn sắp xếp các địa điểm bạo lực thường xảy ra nhất là ở nhà, tiếp đến là ở trường học và ở nơi làm việc. Điều đáng nói nhất ở đây là trong lối nghĩ của người lớn chúng ta, nhiều khi đang lạm dụng các em mà hoàn toàn không biết đó là lạm dụng. Hành vi đó có thể gây tổn hại về tâm lý, thể chất cho các em. Phải chăng nhận thức của người lớn đang tụt hậu? Hay do ta chưa tạo đủ đIều kiện để các em được quyền lên tiếng?

PGS-TS Mai Quỳnh Nam : Vấn đề nhận thức của người lớn đối với trẻ em còn cảm tính và thiếu hiểu biết. Không nói gì đến những trẻ em đường phố, trẻ em lang thang cơ nhỡ, mà trong chính mỗi gia đình, đặc biệt là gia đình ở nông thôn, có tới trên 90% các gia đình làm nông nghiệp bắt các em làm việc quá sớm. Lớp một, lớp hai đã phải vào bếp, lớp bốn, lớp năm đã phải làm công việc nặng của đồng áng… Tình trạng nuôi dạy trẻ theo cách dựa vào hình phạt thường không đạt được hiệu quả như mong muốn. Trẻ em dễ bị dạn đòn. Trẻ em trai thường phải chịu hình thức bạo lực nhiều hơn trẻ em gái do bản tính hiếu động, ít chịu nghe lời dạy bảo của cha mẹ. Vấn đề ở đây là các bậc cha mẹ đang lạm dụng, vi phạm vào quyền của trẻ em mà không hay biết, bản thân các em cũng không hề biết mình bị lạm dụng. Hãy giúp trẻ em tránh khỏi việc rơi vào các nan đề xã hội. Tình trạng này dẫn đến nghiện ngập, trầm uất, đây cũng là nguyên nhân của thái độ hằn học, thích gây hấn và có những suy nghĩ tiêu cực về người khác.

PV : Có một hiện thực này : nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn không lý giải nổi vì sao con mình lại trở thành một đứa trẻ thích bạo lực, trong khi mình luôn hết lòng vì con cái, luôn dành tất cả thời gian mình có để quan tâm chăm sóc con, luôn sống mẫu mực để làm gương cho con. Ở đây, tôi muốn đề cập tới nạn bạo lực học đường, giữa trẻ với trẻ. Ông có thể lý giải thế nào về hiện tượng này? Một đứa trẻ có gia đình mẫu mực, môi trường giáo dục tốt, nhưng vẫn thích dùng cùi chỏ để nói chuyện với bạn? Khoái chí hả hê khi nhìn thấy bạn buộc phải khuất phục mình?

PGS-TS Mai Quỳnh Nam : Hành vi của trẻ em nói riêng và con người nói chung chịu sự tác động phức hợp của nhiều mối quan hệ xã hội, có thể từ gia đình, nhóm bạn, nhà trường… Cũng vì thế, trong những gia đình có người cha, người mẹ mẫu mực thì con cái họ chưa chắc đã thoát khỏi hành vi bạo lực. Trẻ có thể bị ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài, đặc biệt là từ nhóm bạn đồng tuổi, đồng giới. Môi trường gia đình tốt, bạn bè tốt, hệ thống giáo dục học đường tốt, và rộng hơn là cả một xã hội biết tôn trọng quyền tự do thân thể và nhân cách của trẻ thì sẽ khắc phục được tình trạng bạo lực trong xã hội nói chung và với trẻ em nói riêng.

PV : Một câu hỏi cuối cùng, để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành, lạm dụng, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

PGS-TS Mai Quỳnh Nam : Hãy giúp trẻ xây dựng được các nhóm bạn tốt. Khi trẻ em càng kết vào nhóm không chính thức thì hành vi xa rời các chuẩn mực xã hội càng lớn. Trẻ em cần biết rõ vai trò của mình trong các quan hệ xã hội, nhất là ở các môi trường xã hội phức tạp. Bản thân các em cũng phải biết yêu thương cha mẹ, quý mến bạn bè và hiểu mình là công dân tương lai của đất nước. Các em cần được học các kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng tự bảo vệ và phòng ngừa các tác động xấu. Hệ thống pháp luật phải có chế tài đủ mạnh để cưỡng chế những hành vi vi phạm đối với trẻ em. Có như vậy mới có thể hạn chế nạn bạo hành đối với trẻ như hiện nay.

P.V : Xin cảm ơn PGS-TS Mai Quỳnh Nam về cuộc trò chuyện này.

ĐOÀN VĂN MẬT thực hiện – Theo VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *