Bạn bè và giới kinh doanh ở Ô Môn ai cũng biết Trần Quốc Đoàn. Không những là một nhà sản xuất kinh doanh giỏi mà anh còn là người say mê cây kiểng và sưu tầm đồ cổ nổi tiếng ở khu vực Thới Hiệp, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

                                      Trần Quốc Đoàn say mê bên cổ vật

SAY MÊ SĂN TÌM CỔ VẬT:

Suốt mười năm qua, mặc dù bận “trăm công nghìn việc” nhưng anh Trần Quốc Đoàn vẫn không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào khi có người báo tin đồ cổ xuất hiện. Dù bất cứ ở đâu, anh cũng tìm cho được chủ nhân để có dịp nhìn tận mắt món “báu vật” nếu không có điều kiện sở hữu. Anh say mê đến nỗi nhiều lúc bỏ ăn quên ngủ, thậm chí nhịn đủ thứ để dành tiền mua cổ vật. Cứ thế, bước chân của anh đã lần hồi đặt lên khắp các tỉnh đồng bằng Nam bộ, có lúc ra tới Huế, Hội An và TP Hồ Chí Minh để săn tìm những món đồ xưa mà anh xem như máu thịt của mình.

Tuy không phải là biệt thự nhưng từ cổng nhà anh bước vào, cũng thấy toàn là cây kiểng, non bộ, tiểu cảnh và những thảm cỏ xanh quyến rũ. Đặc biệt, bước vào nội thất, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một gian phòng trưng bày toàn đồ cổ, từ sành, sứ, đất nung, kim loại đến hoành phi, câu đối và các loại bàn ghế bằng gỗ quý như cẩm lai, trắc, gụ. Nổi bật hơn hết là hai bản chính sắc phong của vua Khải Định được bố trí trang trọng và hài hòa bên phía trái bức tường. Toàn bộ hiện vật đều được chủ nhân sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng và mỹ thuật giống như một bảo tàng thu nhỏ.

Trần Quốc Đoàn kể: “Trước đây tôi mê kiểng, mỗi lần nghe nói ở đâu có kiểng là tôi tìm đến ngay. Còn bây giờ thì mê đồ cổ và càng đi sâu vào lĩnh vực nầy tôi càng thấy thế giới đồ cổ thật bao la, không bến bờ. Một cây kiểng quý hiếm tới đâu cũng chỉ khoảng chừng trăm tuổi, còn cổ vật có khi bằng tuổi với tằng tổ của mình. Niên đại càng cao món đồ càng quý. Cái thú chơi đồ cổ là thế đó!”.

Vừa đàm đạo anh vừa chọn ra một số vật như: chén, đĩa, tô, bình, chậu, chum, lu, hũ, đôn… để giới thiệu với tôi nào là đồ “ngự dụng” gồm men lam Huế, gốm Bát Tràng, gốm Cây Mai; nào là loại rạn ổ nhện, là tô gốm men xanh, trắng của Trung Quốc và các loại bình vôi có từ thế kỷ 18… Sau cùng, anh mời tôi đi tham quan thêm một số hiện vật còn lại, ấn tượng nhứt là chiếc đôn “Cây Mai Nam bộ”, dạng tứ quý, màu sắc và hoa văn thật hài hòa. Để xác định giá trị từng món đồ, anh mang ra năm sáu cuốn sách khảo luận về đồ cổ và lật ra từng trang để đối chiếu với những hiện vật đang trưng bày trước mắt tôi.

CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ĐAM MÊ:

Trong cuộc triển lãm “Đất phương Nam” tại Bảo tàng Cần Thơ ngày 19-5-2003, ban tổ chức có mời 6 nhà sưu tập, gồm các anh Trần Quốc Đoàn, Võ Minh Mẫn, Phan Tấn Nam, Huỳnh Hữu Thanh, Lê Thanh Tiệp và Nguyễn Văn Hồng tham gia trưng bày trên 100 cổ vật và đón nhận trên 5.000 lượt khách đến tham quan. Đồng chí Hoàng Bửu Hiếu, Giám đốc Bảo tàng, cho biết, trong dịp nầy Ban giám đốc Bảo tàng đã mời một số chuyên gia đồ cổ đến giám định và họ xác định các cổ vật hiện trưng bày tại đây đều có niên đại từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XX…

1

                          Vài cổ vật trong bộ sưu tập của Trần Quốc Đoàn

Theo Trần Quốc Đoàn, Nam bộ là vùng đất mới nên đa số cổ vật chỉ có từ đời chúa Trịnh, còn trước đó rất khó săn tìm. Trong khi đó, đồ ngự dụng (vua chúa dùng) bao giờ cũng có giá trị cao và quý nhứt là khi nó có đề thơ. Cụ Vương Hồng Sển, một nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng đã chia đồ sành ra làm ba hạng: Đồ thường dùng, không quý lắm. Đồ tốt va khéo hơn một bực do nước ngoài đem vào. Đồ tinh xảo chế tạo riêng cho đế vương dùng hoặc dùng làm cống vật của các triều vua Trung Quốc, hoặc bán lại cho các vua chư hầu (trong đó có Việt Nam). Những quý phẩm nầy thường do các sứ bộ mang về nên mới gọi là đồ sứ như ấm sứ, bát sứ, đĩa sứ…

Điều làm cho các nhà sưu tập đồ cổ say mê, lý thú để bỏ công theo dõi suốt đời là ý nghĩa lịch sử, chất liệu và giá trị thẩm mỹ của từng hiện vật. Chỉ riêng loại men lam xứ Huế cũng đã làm cho nhiều người ngây ngất. Đó là loại chén, đĩa, bộ đồ trà do các nghệ nhân Trung Quốc chế tạo. Và Trần Quốc Đoàn có được một chiếc đĩa loại này. Đó là chiếc đĩa trắng xanh có viết hai câu thơ nôm: “Nghêu ngao vui thú yên hà / Mai là bạn cũ, hạc là người quen”. Theo anh biết, năm Gia Long thứ 13, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc có ghé một lò sứ danh tiếng để đặt làm một số chén, dĩa, trên hiện vật đều có đề thơ của cụ mà anh hân hạnh có được một chiếc. Nhà cổ ngoạn lừng danh ở nước ta, Vương Hồng Sển, cho biết loại đồ sứ chế tạo lần đầu gọi là “đồ sứ Mai Hạc chính hiệu”, còn loại sau nầy do các sứ thần của ta đặt làm thêm cho nội phủ và cho các quan dùng gọi là “đồ ký kiểu Mai Hạc”. Lại còn một thứ tô, đĩa, chén trà làm riêng cho người Trung Quốc dùng cũng vẽ y cây mai và con hạc nhưng hai câu thơ lại đổi thành chữ Hán.

Khi hỏi về công phu sưu tập và tốn kém, anh Trần Quốc Đoàn tâm sự : “Vì say mê cổ vật nên tôi đã không tiếc tiền, không tiếc công, sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một cái đĩa đời Tống hoặc một cái bình ngự dụng. Nhưng điều tôi tâm đắc không phải là số lượng mà là tinh thần và giá trị văn hóa của chúng. Hơn thế nữa, sưu tầm đồ cổ, chúng tôi nghĩ, còn góp phần làm hạn chế “chảy máu cổ vật”. Với ý tưởng đó, tôi luôn cố gắng gìn giữ để mai sau con cháu chúng ta còn có dịp nhớ đến cội nguồn.

“ĐẠO” CHƠI ĐỒ CỔ:

Phần đông những người chơi đồ cổ đều coi đây là một thú chơi tao nhã. Người nầy sắm chén, người kia sắm tô, người nọ sắm bình. Họ sẵn sàng nhượng lại cho nhau để mỗi người có thêm một niềm vui nhưng hiếm khi bán ra ngoài. Trần Quốc Đoàn cho biết, đối với anh, mỗi món đồ là một tác phẩm nghệ thuật, dù nhỏ, dù lớn, dù ở niên đại nào anh cũng đều coi là một kỷ vật, nhìn mãi rồi thương rồi nhớ nó như một vật có hồn. Hầu hết các nhà sưu tầm cổ vật đều quý các món “gia bảo” do tổ tiên, dòng họ để lại hơn là dùng tiền mua sắm, nên các loại cổ vật đó thường trở nên vô giá.

Một lẽ nữa, cụ Vương Hồng Sển khuyên người chơi đồ cổ nên có thái độ khiêm tốn, không nên “mua kình” để chứng tỏ mình hơn người. Phần lớn người mới vào nghề gặp gì cũng thích rồi mua lũ khũ, bày la liệt đầy nhà. Người sành điệu chỉ sưu tập những món “gắt củ kiệu”, dù tốn bao nhiêu cũng không tiếc. Đó mới gọi là “quý tại tính, bất quý tại đa”. Ngoài ra, giới chơi cổ ngoạn còn một cái đạo lý nữa là phải biết lấy nổi do kẻ xấu trộm cắp hoặc có những hành động giả vờ, ép giá làmchữ tâm làm đầu, tuyệt đối không nên thu mua những mặt hàng trôi  cho người bán bị thiệt thòi.

Nhiều người còn nói rằng cái thú chơi đồ cổ là tự mình lặn lội đi tìm, tự mình mò mẫm học hỏi và luôn tìm ra cái mới, hấp dẫn hơn. “Xôi chợ ngon hơn cơm nếp nhà” là vậy. Trần Quốc Đoàn cho biết, có lúc anh phải đi năm lần bảy lượt mà vẫn không thuyết phục được người bán vì đó là đồ gia bảo, không ai muốn nhượng. Nhưng cũng có lúc gặp được diễm phúc “vật tìm người”, mình ở nhà mà cũng có người mang của quý đến nài mua. Và, trong tâm thế đó, cái “đạo” đó, lần hồi Trần Quốc Đoàn trở thành một người săn tìm “quá khứ” nổi tiếng.

Theo Hoài Phương (baocantho.com.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *