(TuanVietNam) – Cả cô giáo và các ngôi sao bóng rổ đồng hương đều cho là Tổng thống Obama nên chấp nhận lời đề nghị phỏng vấn của Damon Weaver vì chàng "phóng viên 10 tuổi" này rất thông minh và lịch sự.

Đó là câu chuyện xảy ra cuối năm ngoái, trước khi ông Obama chính thức nhậm chức, đã khiến công dân mạng hết sức thích thú, trước hết vì lời đề nghị táo bạo này đến từ một học sinh tiểu học.

Tổng thống có thể thành "chiến hữu" của cháu

Cậu bé Damon 10 tuổi trong đoạn video "Tổng thống, cháu muốn phỏng vấn ngài!"

Tháng 12 năm ngoái, khi ông Obama đang chuẩn bị cho buổi lễ nhậm chức ngày 20/1/2009, cậu bé Damon Weaver đã gửi lên YouTube một đoạn video dài 4 phút, mời Tổng thống mới đắc cử tham gia một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình của trường mình.

Mở đầu đoạn video, cậu bé dõng dạc tự giới thiệu : "Xin chào Tổng thống đắc cử Obama, cháu là Damon Weaver và cháu sẽ phỏng vấn ngài".

Đứng trước ngôi trường của mình, cậu bé nói tiếp : "Cháu học lớp 5 và cháu 10 tuổi. Cháu học ở trường tiểu học Kathryn E.Cunningham (KEC), vùng Canal Point, thuộc bang Florida, với những trang trại trồng mía rộng mênh mông và tình yêu dành cho môn bóng bầu dục".

Để Tổng thống yên tâm về nghiệp vụ báo chí của mình, Damon tự hào khoe : "Chắc ngài đã trông thấy cháu rồi, trên YouTube và CNN, khi cháu phỏng vấn "chiến hữu" của cháu – Phó Tổng thống đắc cử Joe Biden".

Những thông tin trên mạng cho thấy ông Biden cao lớn trong bộ vét lịch lãm phải cúi xuống để trả lời trong khi Damon bé nhỏ tự tin giơ cao micro. Cậu bé trông rất gọn gàng và đĩnh đạc trong chiếc áo sơ-mi xanh và chiếc cà-vạt đẹp không kém cà vạt của ông Biden. Sau cuộc phỏng vấn ấy, cậu bé tặng ông danh hiệu "chiến hữu" – homeboy – mà cậu thường dành cho những người anh em "tâm đầu ý hợp".

Damon có phong thái tự tin và năng nổ như thể đã làm báo nhiều năm. Điều đó cũng không có gì ngạc nhiên khi cậu có cả một ê-kíp "chuyên nghiệp" cùng làm việc – studio làm tin của trường tiểu học KEC. Đó là nơi "những điều kỳ diệu xảy ra" – Damon trìu mến giới thiệu.

Studio bé nhưng có đủ trường quay, phòng dựng, trang thiết bị và đều do học sinh tự vận hành. Kênh truyền hình KEC TV phủ sóng tất cả 500 học sinh của trường.

Để thuyết phục ông Obama, Damon đem câu hỏi "Tại sao Tổng thống nên để cháu phỏng vấn ngài?" đi hỏi những người lớn mà cậu tin tưởng. Cô giáo môn Tập đọc của Damon cho rằng ông Obama nên nhận lời phỏng vấn vì "Em đại diện cho trường chúng ta cũng như cộng đồng của chúng ta. Em rất lịch sự và thông minh".

Damon và các bạn trong trường quay của KEC TV

 
Damon còn tìm đến cả những nhân vật "có trọng lượng" để kêu gọi sự ủng hộ – các cầu thủ bóng rổ của đội Miami Heat. Lý do là ông Obama thích chơi bóng rổ, chứ không phải bowling – bằng chứng là đoạn video cho thấy Tổng thống đã cho quả bowling lăn thẳng… xuống rãnh. Không biết cậu bé đã "mò" ở đâu ra đoạn video thú vị đó.
Ngôi sao Dwyane Wade của đội Miami Heat khẳng định, Tổng thống rất nên nhận lời Damon vì cậu bé "diễn thuyết tốt, ăn mặc đẹp (Damon lúc đó đang đóng bộ comple cà-vạt rất chững chạc)" và cậu bé "cũng da màu như ông".

Shawn Marion, một ngôi sao khác của đội Miami Heat cũng tin rằng ông Obama sẽ nhận lời vì "Ông ấy nổi tiếng, biết mọi thứ và là một người trung thực".

Cậu bé còn láu lỉnh đề nghị hai cầu thủ nổi tiếng tổ chức đấu bóng rổ "tay đôi" với Tổng thống và "giả vờ thua" để ông nhận lời cậu. Nhưng Dwyane lắc đầu : "Xin lỗi bé, anh không làm thế được. Anh sẽ không để Tổng thống đánh bại anh".

Và cậu bé tặng cầu thủ tấm ảnh cậu đang phỏng vấn ông Joe Biden với dòng chữ viết tay ngộ nghĩnh : "Tặng Dwyane, giờ anh cũng là chiến hữu của em. Bạn anh -Damon Weaver".

Cậu bé thông báo cho Tổng thống rằng cậu sẽ có mặt ở Washington trong suốt tuần lễ diễn ra lễ nhậm chức của ông và sẵn sàng phỏng vấn ông bất cứ lúc nào và ở đâu trong khoảng thời gian đó. Cậu "câu kéo" Tổng thống : "Ai cũng có thể trở thành chiến hữu của cháu như Joe Biden, chỉ cần ngài đồng ý trả lời phỏng vấn".

Kết thúc đoạn video, các bạn cùng lớp của cậu bé cùng hô vang : "Hãy để Damon phỏng vấn ngài!" nhằm gửi thông điệp này tới Tổng thống Obama.

Cuộc phỏng vấn với Phó Tổng thống Joe Biden

Damon phỏng vấn Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông còn là Thượng nghị sĩ

Damon nhỏ nhắn, có đôi mắt sáng, nụ cười tươi và ăn mặc rất lịch sự mỗi khi lên hình. Đôi lúc, cậu bé cũng nói vấp và ngượng nghịu, nhưng cậu không hề run khi đứng trước máy quay và cầm micro phỏng vấn những người cao lớn hơn mình rất nhiều. Phó Tổng thống Joe Biden đã tỏ ra rất thoải mái khi trả lời phỏng vấn dù ông luôn phải cúi xuống.

Cuộc phỏng vấn này diễn ra ở quận Palm Beach, khi ông đến đây tranh cử. Damon cùng với ê-kíp quay phim đã triển khai máy móc sẵn sàng ở khu vực ông Biden sẽ phát biểu. Cậu bé tác nghiệp năng nổ không thua kém các nhà báo chuyên nghiệp khiến các đồng nghiệp lớn tuổi rất thích thú. Một phóng viên truyền hình tên Tim còn tận tình hướng dẫn cậu cách cầm micro và nói trước máy quay. Tim sau đó cũng trở thành chiến hữu của Damon.

Cậu bé "bắt" được ông Biden sau khi ông diễn thuyết xong và đề nghị ông giải thích cho các bạn cùng trường của cậu về công việc của Phó Tổng thống.

Ông Biden diễn giải đơn giản : "Phó Tổng thống giúp Tổng thống thắng cử và giúp Tổng thống điều hành Chính phủ. Phó Tổng thống phải làm việc chăm chỉ để giúp Tổng thống đưa ra những quyết định khó khăn như có nên tham gia chiến tranh không, có nên đầu tư thêm cho giáo dục để các em nhỏ đều có cơ hội học đại học không… Vì bác làm Thượng nghị sĩ cũng lâu rồi nên cũng biết chút ít, công việc của bác là nói với ông Obama "Cái này anh sai rồi!" hay "Anh nghĩ sao về việc này?"… "

Nhà báo nhỏ sẽ trở thành nhà báo lớn?

Damon phỏng vấn Oprah Winfrey (trên) và Larry King

 

Có lẽ ông Obama quá bận rộn nên đã không nhận lời Damon, nhưng cậu bé vẫn có mặt trong ngày nhậm chức của ông trong bộ vest đen bóng bẩy.

Cậu đã gặp "Nữ hoàng talkshow" Oprah Winfrey và hỏi bà về công việc phỏng vấn và dẫn chương trình. Người dẫn chương trình nổi tiếng khuyên Damon hãy duy trì tình yêu đối với công việc, luôn tò mò về những người xung quanh để hiểu họ hơn.

Bà cũng tranh thủ giành lấy micro để phỏng vấn lại người đồng nghiệp nhỏ tuổi : "Cháu thích nhất điều gì ở buổi lễ nhậm chức sắp diễn ra?".

Damon trả lời : "Điều cháu thích nhất là vị Tổng thống da màu đầu tiên sẽ tuyên thệ vào Nhà Trắng và cháu nghĩ điều đó thật tuyệt (cool!!!)".

Cậu bé đứng lọt thỏm giữa những người lớn sang trọng đang háo hức với buổi lễ lịch sử trọng đại, nhưng ngay lập tức đã khiến tất cả mọi người chú ý.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, bà hoàng truyền thông tặng cậu một "kinh nghiệm xương máu" : "Cháu không bao giờ được để người khác giành mất micro nhé, phải luôn giữ chặt micro của mình".

Chắc chắn, Damon còn phải học nhiều để trở thành một người phỏng vấn thực thụ. Nhưng cậu bé hoàn toàn có thể tự hào với danh sách những nhân vật nổi tiếng cậu đã phỏng vấn.

Ngoài Phó Tổng thống Joe Biden và Oprah Winfrey còn có Caroline Kenedy – con gái cố Tổng thống Mỹ Kenedy – khi cô tham gia chiến dịch tranh cử của ông Obama. Cả ngôi sao điện ảnh Samuel L.Jackson, nhà báo David Gregory của truyền hình NBC, nhà làm phim nổi tiếng Spike Lee, Thần tượng âm nhạc Mỹ 2007 Jordin Sparks… cũng đã trả lời phỏng vấn của Damon.

Cậu bé còn được lên truyền hình CNN, Fox News và MSNBC, được phỏng vấn và phỏng vấn lại những nhà báo gạo cội.

Với sự tự tin, mạnh dạn, năng động và yêu nghề hiếm có ở một cậu bé 10 tuổi, biết đâu trong tương lai, Damon sẽ trở thành một nhà báo tài năng và danh tiếng như chính những đồng nghiệp lớn mà cậu bé từng phỏng vấn.

Chẳng phải người dẫn chương trình nổi tiếng Larry King khi trò chuyện với Damon đã chia sẻ rằng, ông muốn trở thành nhà báo, muốn lên sóng phát thanh khi chỉ mới 5 tuổi. Ông tin rằng nghề báo là nghề tuyệt vời và cậu bé Damon cũng sẽ "có một công việc giống như ông" một ngày nào đó.

*PGS-TS Phạm Duy Nghĩa : Các chính sách phương Tây có định kỳ là họ mở cửa Quốc hội cho trẻ vào xem. Ở Nhật cũng vậy, người ta hay dẫn con cái đến công sở, giới thiệu : Đây là bàn làm việc của Tỉnh trưởng, Tỉnh phó. Ở nhiều nước, họ coi quyền lực là của công chứ không phải là cái "oai" của ông bà nào đâu.

Trên cổng vào Lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh – Trung Quốc có chữ : "Thiên hạ của công." Ở Đức có chương trình cho con hiểu trách nhiệm của bố. Đôi khi, người ta mở những buổi cho con đi lái tàu cùng với bố để con hiểu được công việc của bố hơn.

Còn ở Việt Nam thì quyền lực vẫn như là một thứ bí hiểm lắm. Ngay cả đối với người lớn, ít ai dám có nguyện vọng được gặp Tổng Bí thư hay Thủ tướng để mạn đàm, huống chi là trẻ em. Bởi vì không ít chính khách nước ta không còn quen nghệ thuật thân thiện với dân chúng.

Hiếm thấy lãnh đạo các cấp thời nay gặp thường dân, như Cụ Hồ đã từng lặn lội những ngày Tết đến thăm bà gánh nước, hay những gia đình bần cùng ở Hà Nội. Nhiều cuộc viếng thăm của quan chức mình bây giờ đầy kế hoạch và tính toán. Cái thô mộc, cái đơn sơ nó không còn nữa.

Trống dong, cờ mở, còi hú trên, dưới, bảo vệ vòng trong vòng ngoài trong các cuộc này… làm cho dân chúng cảm thấy quan chức bây giờ là một giới xa cách đối với họ. Điều này không phải chỉ bây giờ mới có…

Khi tôi vào Đại Nội (Huế), thấy trước mặt đức vua ngồi lại có đỉnh đồng, tôi hỏi căn nguyên thì cô hướng dẫn viên ở đây bảo rằng để hương khói. Tôi lại hỏi vua còn sống sao lại hương khói. Cô này giải thích là để đốt cho hương khói bay lên khiến cho dân chúng, quần thần không được nhìn rõ nhà vua khi ngồi chầu mà chỉ được nhìn thấy quyền lực của nhà vua thông qua đám sương mù. Tôi sợ cái khái niệm ẩn dụ đấy nó vẫn còn.

(Theo bài "Nước Việt cần nhiều những Damon Weaver" – Thể thao & Văn hóa Đàn ông)

 
Thủy Chung (tổng hợp) – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *