Tác giả cuốn tiểu thuyết “Cuộc đời của mẹ” đang ngồi trước mặt tôi. Cô Nguyễn Thị Sáng – ở căn nhà không số đường Ngư Hải, thành phố Vinh, Nghệ An – một người phụ nữ mới học hết lớp 4.

Cuốn sách ra đời là một món quà xuất phát từ tình yêu con không gì đong đếm nổi. Tôi chỉ có thể biết một điều giản dị : tình yêu dành cho con khiến người mẹ có một sức mạnh phi thường…

“Cuộc đời của mẹ” kể lại những câu chuyện chân thực và ấn tượng. Cuốn sách dạy tôi biết yêu thương, biết đối diện với sự thực và tiếp tục hướng lên phía trước.

Cô Nguyễn Thị Sáng

Tôi đã học được ở đây cách xóa bỏ những ký ức không hạnh phúc, học được cách yêu thương mẹ trước khi hiểu và yêu thương chính mình…

Và bây giờ đối diện với cô Sáng, tôi không biết phải nói gì, chỉ im lặng và ứa nước mắt. Càng đọc nhiều, đi nhiều, gặp gỡ nhiều người, tôi càng thấu hiểu sâu sắc những hy sinh lớn lao của những người mẹ.

“Bởi vì tôi là mẹ… ” 

 " …Các con bao nhiêu tuổi thì ngôi nhà này cũng bấy nhiêu thời gian. Để tránh những ánh mắt đầy thương hại, những lời bóng gió xa xôi sau khi sinh các con, mẹ đã tìm đến vùng đất hoang sơ hẻo lánh này…

Sau chiến tranh, vùng này là hố bom, ít ai đặt chân tới. Dù còn bom nổ chậm, nhưng mẹ vẫn liều nhắm một mảnh đất. Tranh thủ những ngày nghỉ, mẹ san lấp các hố bom, san bằng đến đâu, mẹ trồng cây đến đó.

Người mẹ này đã từng "nhặt nhạnh những vật liệu còn sót lại, căng ni-lông, che được vừa chỗ cho các con nằm… ” và viết nên cuốn sách đời mình

Tháng 10 năm 1975, mẹ mua tranh, tre, nứa, lá nhờ người dựng một mái tranh nho nhỏ rồi đưa các con đến. Những lúc rảnh việc, mẹ lại đóng gạch. Mỗi ngày một ít. Sau mười năm tích lũy từ việc trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà, mẹ đã xây được một ngôi nhà.

Mới ở được vài năm, một số người ở cơ quan chức năng nhà nước đến bảo với mẹ rằng : đây là đất xã hội, cô đã xây nhà cư trú trái phép. Và họ buộc mẹ phải tự tay phá bỏ ngôi nhà. Mẹ im lặng. Mấy ngày sau đội giải tỏa đến. Ngôi nhà bị dỡ hẳn.

Nhà vừa bị phá xong thì cơn dông ập đến. Nhìn các con ngập giữa cơn mưa, lòng mẹ xót xa. Mẹ nhặt nhạnh những vật liệu còn sót lại, căng ni-lông, che được vừa chỗ cho các con nằm… ”(trích “Cuộc đời của mẹ”).

Cô Nguyễn Thị Sáng, 57 tuổi, bán ốc đá bên hẻm phố ở thành phố Vinh, Nghệ An.

Tháng 7/2007, cuốn tiểu thuyết “Cuộc đời của mẹ” (NXB Phụ nữ) của cô ra đời. Cuốn tiểu thuyết lôi cuốn bởi cuộc đời của một người phụ nữ bất hạnh trong chiến tranh, lại gặp những cảnh chua xót, đắng cay giữa thời bình.

“Cái quý ở tác phẩm này là một người phụ nữ mới học hết lớp 4, trong đời gặp bao uẩn khúc, nhưng chị đã biết vượt lên hoàn cảnh, vượt lên vốn liếng chữ nghĩa, làm được điều mà nhiều người có học vấn cao hơn, có đời sống thuận lợi hơn không dễ làm được… ” (Nhà văn, nhà báo Võ Minh Châu).

Sau khi cuốn tiểu thuyết ra mắt bạn đọc, cô Sáng vẫn chiều chiều bán xổ số trước cửa nhà kiếm tiền nuôi con mình.

Cứ như thế, cuốn sách từ từ kể lại cho người con gái nghe những câu chuyện được viết bởi một người mẹ đã trải qua hành trình khó nhọc đầy đau buồn và nước mắt.

Cô Sáng cầm bút khi nhà bị giải tỏa, người ta đem dây xích đến kéo đổ nhà, mọi đồ đạc bị vứt hết ra đường. Cô viết khi một mình nuôi hai đứa con nhỏ và người bố ốm nặng. Cô viết để kể lại những lúc cuộc đời hết lối đi, chơ vơ, bế tắc, nhưng không thể gục xuống.

Cô Sáng muốn kể lại cho con gái của mình nghe về những lúc mình cảm thấy như bị lạc loài, thấy mình như thân trâu ngựa, không nhà cửa, không được ăn ngủ, chỉ biết làm quần quật ngày đêm…

Khi ấy, cả thành phố Vinh sáng rực đèn, chỉ riêng túp lều nát của mẹ con cô Sáng còn leo lét đèn dầu. Cô kể cho tôi nghe ký ức nhọc nhằn từ mười năm trước.

6h tối, trời mưa tầm tã. Bố cô ốm nằm liệt giường. Nồi nước sôi ùng ục trên bếp mà các con ngơ ngác không có một hạt gạo để bỏ vào. Thấy cảnh khốn cùng của con gái, bố cô càng ngã bệnh nặng. Cô chỉ biết chạy ra ngoài đường kêu trời…

Cô kể, cô đã từng làm bất kể việc gì để có tiền mua gạo cho con, mua thuốc cho bố. Cô đi quét rác đêm ở chợ. Cô đi đổ bô nước tiểu cho người ta để lấy 200 đồng một lần. Cô trồng rau, nuôi gà ở mảnh vườn nhỏ bằng lòng bàn tay. Cô dành dụm ít vốn để mua ốc về bán, mỗi ngày kiếm vài nghìn đong gạo.

Cuốn tiểu thuyết ra đời những lúc quán ốc vắng khách, cô Sáng rửa tay ngồi viết : “Bởi vì tôi là mẹ… ”.

Cô Sáng nói với tôi. Cô muốn sau này hai con gái cô hiểu được những lúc cơ cực nhất, khát vọng sống, nghị lực sống, tình mẫu tử đã vực cô dậy. Cô viết, viết cho con, cho cả những tâm hồn nhân hậu, đồng cảm.

Món quà của tình mẫu tử

Đọc tiểu thuyết mà như tự truyện của cô Sáng, tôi chợt nhớ đến truyện cổ tích “Người mẹ” của Andecxen.

 

Người mẹ trong truyện của Andecxen đuổi theo thần Chết để đòi lại con trai. Trên đường đi, để hỏi đường, bà đã ôm một bụi gai vào lòng để sưởi ấm cho nó. Gai đâm vào ngực bà tóe máu, nhưng bụi gai nóng ấm lại, trổ hoa tươi tốt giữa đêm đông giá lạnh.

Gặp một hồ nước, bà đã khóc nức nở, nước mắt tầm tã, hai mắt rơi xuống đáy hồ hóa thành hai viên ngọc… Rồi bà cũng gặp được thần Chết. Thần Chết hỏi, vì sao bà tới được đây? Bà trả lời : “Bởi vì tôi là mẹ”. Bởi vì chỉ có những người mẹ mới làm được điều phi thường cho đứa con yêu của mình.

Tôi biết là cô Sáng viết cuốn sách không hề dễ dàng. Cô mới học hết lớp 4, lâu ngày không viết nên nhiều chữ cũng quên. Có nhiều lần, cô phải đi hỏi cách viết các chữ. Viết khoảng 4 tháng thì được hơn 300 trang giấy, cô để bản thảo lên gác bếp, nhưng chỉ sợ các con vô tình rút xuống đun bếp.

Rồi thật tình cờ, những trang viết của người bán ốc, quét rác ở chợ ấy đến tay người hàng xóm. Chính người hàng xóm đã động viên cô gửi cho nhà xuất bản.

Kể lại câu chuyện đời mình với tôi, cô Sáng òa khóc.

Cô Sáng sẽ còn tiếp tục viết

Qua nước mắt buồn đau, qua những cơ cực, éo le, cay đắng và cả nghị lực chống đỡ mọi nghiệt ngã, người mẹ nghèo có thể trở thành một người cầm bút can đảm.

Ngòi bút chân thật, đầy ắp tình mẫu tử của một phụ nữ trình độ lớp 4 thực sự mang lại những xúc động và thương cảm sâu xa. Một phần câu truyện đã được dựng thành phim “Thầm lặng” (đạo diễn Trần Mạnh Cường).

Người mẹ ấy đã đứng lên thay vì gục ngã như nữ nhi thường tình, và sống can đảm nhờ có nguồn sức mạnh là tình mẫu tử. Điều kỳ diệu trong trái tim người mẹ, là dù họ có hạnh phúc hoặc không, có may mắn hoặc không, có niềm vui hoặc không, nhưng tình yêu con mãi mãi là nguồn sống, nguồn hạnh phúc bất tận…

Bài và ảnh : Đinh Phương Linh – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *