Đại hội đại biểu Hội Người tù Kháng chiến tỉnh Vĩnh Long

Trong thời gian qua, Hội Người tù Kháng chiến huyện Vũng Liêm đã có những việc làm nhiều ý nghĩa thiết thực. Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất cho hội viên, Những cán bộ của hội bằng cả tâm huyết đã giải oan cho khoảng trên 80 đối tượng tù kháng chiến bị dư luận và bị tố cáo có vấn đề vi phạm chính trị, trả lại sự trong sạch và niềm tin cho họ, giúp họ có cuộc sống bình yên tốt đẹp. Đây là việc làm không phải chỉ mang tính nhiệm vụ mà chính là xuất phát từ tình đồng chí thiêng liêng cao đẹp của những người chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày.

Người xưa có câu “một ngày tù bằng nghìn thu ờ ngoài”. Câu nói ấy đủ nói lên cảnh sống khăc nghiệt, đoạ đày mà người tù phải gánh chịu. Nhà tù thực dân đế quốc được ví như “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm những người con yêu nước, những chiến sĩ cách mạng sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bằng mọi thủ đoạn độc ác, tàn bạo kẻ thù quyết tâm hủy hoại cả thể xác lẫn tinh thần đối với tất cả những ai sa vào tay chúng. Nếu may mắn sống sót trở về thì cũng mang thương tật suốt đời, hoặc gởi lại chốn địa ngục ấy một phần tuổi trẻ, sức lực của mình. Chính vì thế, khi trở về đời thường họ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức

Làm thế nào để nâng cao đời sống vật chất và bảo vệ sinh mạng chính trị của cựu tù luôn là nỗi băn khoăn trăn trở của những cán bộ Hội Người tù Kháng chiến huyện Vũng Liêm. Huyện hội được thành lập không chỉ dừng lại ở mục đích tổ chức họp mặt để kể tội ác của kẻ thù và gương bất khuất của người tù kháng chiến, động viên thăm hỏi về tinh thần mà cần có những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất cho những hộ nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Nhiều cơ sở hội, chi hội là chỗ dựa của hội viên về vốn làm kinh tế để ổn định và nâng cao đời sống. Gần đây, phong trào “Nắm gạo tình thương”, “Nắm gạo khuyến học” cũng được phát động và thực hiện có hiệu quả, giúp đỡ nhiều con em gia đình cựu tù có điều kiện đến trường.

Bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng trên gương mặt bà Nguyễn Thị Ngọc Em vẫn tóat lên một vẽ đẹp quí phái, sang trọng. Tưởng chừng như cuộc đời của bà luôn gặp nhiều may mắn, ấy vậy mà, bà phải trãi qua lắm vất vả gian nan. Những năm 1960, bà từng tham gia những đoàn biểu tình xông thẳng vào dinh quận Càng Long và dinh tỉnh trưởng Trà Vinh đấu tranh đòi yêu sách. Với thái độ cứng rắn, cương quyết trước kẻ thù, bà đã nhiều lần bị địch bắt giam cầm và tra tấn đánh đập rất nặng nề nhưng bà vẫn luôn giữ vững khí tiết, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù.

Hoà bình không bao lâu, chồng bà qua đời, để lại 10 người con ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” trong một hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu. Lúc bấy giờ, bà mới ngoài 40 tuổi, gánh nặng áo cơm thật quá sức đối với một người phụ nữ như bà. Nhưng bằng nghị lực và bản lĩnh được rèn luyện trong những năm tháng chiến tranh, bà đã cố gắng làm mọi việc để lo cho các con có cái ăn cái mặc với khả năng của mình. Từ ngày chi Hội Người tù Kháng chiến xã Trung An ra đời, bà đã nhiều lần được các đồng chí trong chi hội giúp đỡ để có thêm đồng vốn xoay sở làm ăn. Với đức tính cần mẫn, đảm đang bà và các con đã từng bước vượt qua cảnh túng thiếu và có cuộc sống ổn định. Điều làm bà rất yên tâm tin tưởng là dù trong hoàn cảnh nào bà vẫn luôn tìm được chỗ dưa tin cậy là những người thân, những đồng chí, đồng đội từng một thời chung vai vì lý tưởng cao đẹp.

Ông Võ Văn Y là người tù kháng chiến ở xã Tân An Luông. Ông bị tù đày trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng như nhiều gia đình khác, những năm trước đây, đời sống của ông cũng còn lắm vất vả khó khăn. Tuổi già sức yếu, cũng không có nhiều đất đai vốn liếng nên ông không có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Nhờ phát triển chăn nuôi và cố đất để sản xuất nông nghiệp mà gia đình ông dần dần tích lũy vốn, cùng với vốn hỗ trợ của Hội Người tù Kháng chiến địa phương, thông qua tài lãnh đạo xắp xếp của ông và sự chí thú của các con, gia đình ông hiện nay đã vươn lên khá giả. Ông vừa cất được ngôi nhà khang trang trên 100 triệu đồng, đó là điều làm ông mãn nguyện và phấn khởi khi tuổi đã xế chiều. Đối với ông, không gì quí hơn tình đồng chí đồng đội, lúc khó khăn cũng như khi vui vẻ được chia sẻ cùng nhau thật sự là một niềm hạnh phúc lớn.

Chỉ riêng huyện Vũng Liêm đã có trên 1300 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, tra tấn tàn bạo, cũng như đối mặt với nhiều thủ đoạn thâm độc ý đồ bôi đen người tù cách mạng, gây hoang mang chia rẽ, hoặc vô hiệu hoá khi họ trở về tổ chức, không được tin tưởng, không được giao nhiệm vụ, từ đó dễ bất mãn, và rơi vào cạm bẫy của địch. Từ
tính chất phức tạp đó, đồng chí Phạm Thị Tư – nguyên Chủ tịch Hội Người tù Kháng chiến Vũng Liêm cùng các cán bộ Hội rất tâm huyết trong việc xác minh làm rõ từng trường hợp. Đặc biệt là những trường hợp bị dư luận hay bị tố cáo vi phạm chính trị trong chiến tranh. Bảo vệ sinh mạng chính trị cho những người tham gia kháng chiến bị bắt bớ, tù đày cũng như loại ra khỏi tổ chức những người không đủ tiêu chuẩn, làm trong sạch tổ chức là một việc làm gian nan, đòi hỏi sự kiên nhẫn và công tâm.

Khi nghe dư luận hoặc có đơn tố cáo người tù kháng chiến, những cán hộ huyện hội như đồng chí Phạm Thị Tư luôn bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân tố cáo. Bởi vì, có những trường hợp tố cáo có khi là không nắm rõ thông tin, cũng có khi xuất phát từ ý đồ xấu gây hoang mang, dao động đối với những người từng đóng góp công sức làm nên chiến thắng chung. Nếu những lời tố cáo nhằm mục đích xấu thì hậu quả cũng rất nghiêm trọng. Chính vì thế, dù phức tạp khó khăn như thế nào những cán bộ ở huyện hội cũng quyết tâm tìm ra sự thật. Cuộc hành trình tìm ra chân lý có khi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, có khi thiếu thông tin, không gặp nhân chứng và cũng có khi không phải ở người tố cáo mà chính là ở những người bị tố cáo.

Những đối tượng tù kháng chiến bị dư luận chính trị là “đầu hàng, làm tay say ác ôn cho địch” phần lớn rơi vào những người làm công tác nội tuyến, hoạt động trong lòng địch trước đây. Họ là những người sống giữa 2 làn đạn nên việc bảo vệ sinh mạng chính trị cho họ là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ông Hà Văn Be là một trường hợp như vậy. Năm 1971, ông được giao nhiệm vụ làm cơ sở nội tuyến cho Ban Binh vận tỉnh Trà vinh. Trước đó, vào năm 1964, ông tham gia cách mạng, làm công tác dạy học ở xã Trung Hiếu và sau đó là Hiếu Thành – Vũng Liêm. Năm 1969 ông tham gia công tác binh vận huyện Vũng Liêm. Trong trận càn của địch tại Bưng Sáng – Hiếu Thành, ông bị địch bắt và trải qua nhiều nhà tù như khám đá Vũng Liêm, khám lớn Vĩnh Long, sau đó là khám Cần Thơ, tháng 11.1970 ông bị Toà án Quân sự Mặt trận vùng 4 chiến thuật kêu án 10 năm tù khổ sai. Trong lúc chờ chuyển tù côn Đảo, ông lợi dụng sơ hở của địch vượt ngục trốn thoát trở về quê hương. Lý do ông bị tố cáo chính là vì ông đã tham gia làm cơ sở nội tuyến cho Ban Binh vận Trà Vinh. Lúc đó, ông được cài vào đại đội 391 Bảo an tỉnh Trà Vinh về đóng đồn trên lộ 6 nhằm phong tỏa tuyến giao thông từ Trà Vinh đi Bến Tre. Ông đã góp thần hoàn thành thằng lợi nhiệm vụ mà Tỉnh ủy và Ban Binh vận Trà Vinh chỉ đạo là phải đánh phá đồn và chiếm giữ con đường này để nối lại mạch máu giao thông của ta. Trong thời gian công tác ở Ban Binh vận Trà Vinh, ông cũng lập được thành tích đáng kể khác như loại khỏi vòng chiến đấu và giáo dục rời ngũ nhiều tên địch, chuyển ra ngoài một số vũ khí đạn dược và những báo cáo quan trọng của địch. Năm 1972, ông bị thương và được đưa đi điều trị. Khi hay tin này, ông rất hoang mang, tinh thần suy sụp. May mắn là một trong những người phân công ông vào tổ chức vẫn còn sống nên chuyện của ông cũng được làm sáng tỏ, rõ ràng.

Có thể nói, những người hoạt động nội tuyến là những người sống giữa 2 làn đạn, đã dấn thân làm nhiệm vụ thì tính mạng khó an toàn. Còn nếu chẳng may những người trong tổ chức hy sinh thì sinh mạng chính trị cũng bị thiệt thòi. Đó là sự nghiệt ngã của chiến tranh khó có thể bù đắp. Có những trường hợp tù kháng chiến không được thừa nhận vì không đủ thông tin, bằng chứng, phải làm hồ sơ rất nhiều lần với khoảng thời gian rất dài như câu chuyện của ông Nguyễn Văn Cho (hay còn gọi là ông Tám Cho ở xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm). Ông Tám Cho đã hy sinh thân mình đề giải thoát một nữ cán bộ quá giang trên đường ông đi giao liên về. Còn người được cứu giúp cũng không biết người tái sinh ra minh là ai, ở đâu để còn đền đáp ân tình. Họ chỉ gặp nhau một lần khi đối mặt với họng súng kẻ thù, về sau này không có cơ duyên gặp lại. Và nếu không gặp lại người phụ nữ nầy thì hồ sơ tù đày của ông không bao giờ được công nhận. Cũng may, tình cờ biết được câu chuyện của ông Tám Cho, Bà Trần Thị Kim Sa hiện là Chủ tịch Hội Người tù Kháng chiến xã Tân An Luông nhận ra là câu chuyện của chính mình. Biết được chuyện này, bà Phạm Thị Tư – lúc bấy giờ là chủ tịch huyện Hội – đã chỉ đạo bà Kim Sa liên hệ với xã Trung Chánh giúp ông Tám Cho lập lại hồ sơ. Cuối cùng, ông cũng được toại nguyện sau hơn 10 năm làm hồ sơ. Tuy có muộn màng, nhưng cuối cùng, lòng ông thanh thản nhẹ nhàng vì giải toả được sự nghi ngờ của những người chung quanh từ bấy lâu nay.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Cho và ông Hà Văn Be chỉ là 2 trong số trên 80 đối tượng tù kháng chiến bị dư luận chính trị v
à bị tố cáo có vấn đề vi phạm chính trị đã được giải oan. Mỗi người một hoàn cảnh, một lý do khác nhau dẫn đến việc bị dư luận tố cáo. Trong đó, có nhiều người là Đảng viên, cán bộ hội ở các chi hội, có khi là chính ngay những đồng chí cán bộ huyện hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự của họ, chưa kể đến nhiều người sa sút tinh thần bỏ bê công tác. Việc xác minh tìm ra sự thật là một việc làm đặc biệt có ý nghĩa, xuất phát từ tình cảm của những người cùng chung cảnh ngộ, cùng chung chí hướng, đồng thời là nghĩa vụ cao cả mà những cán bộ trong Hội Người tù Kháng chiến huyện Vũng Liêm đã làm trong thời gian qua. Việc làm này cùng với những hoạt động chăm lo đời sống vật chất cho những người từng bị địch bắt tù đày đã làm ấm thêm tình đồng chí đã được vun đắp trong gian khổ hy sinh và tiếp tục ngời sáng dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *