![]() |
Các cựu binh Tiểu đoàn 261 – Giron ngày họp mặt |
Khó có thể kể hết niềm vui mừng xúc động của tất cả những người đã từng đồng cam cộng khổ, đã từng chia ngọt xẻ bùi, sống chết bên nhau, qua 35 năm xa cách giờ còn có cơ hội tao ngộ trong ngày đầu năm mới – một ngày đầu năm gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của Tiểu đoàn. Đó là ngày thành lập đơn vị, ngày chiến thắng Ấp Bắc, ngày Tiểu đoàn vinh dự dược nhận lá cờ Chiến thắng Giron do nhà nước Cuba trao tặng. Sau chiến tranh, có người trong số họ vẫn gắn bó với cuộc đời binh nghiệp, hoặc cũng có người chuyển ngành tiếp tục cống hiến ở cương vị mới, còn phần lớn do thương tật ốm đau, tuổi cao sức yếu nên đã trở về làng quê, âm thầm với cuộc sống đời thường nhiều vất vả khó khăn. Đồng đội mỗi người một phương, chẳng biết ai còn, ai mất…
Địa bàn Khu 8 cũ bao gồm các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong và An Giang. Chính vì thế, lực lượng của Tiểu đoàn phần lớn cũng xuất thân từ các tỉnh này. Về sau, đơn vị được tăng cường từ phong trào “ba sẵn sàng” của hậu phương lớn miền Bắc. Nhiều người trong số họ là học sinh, sinh viên, theo lời động viên “Tất cả vì miền Nam thân yêu” đã xếp bút nghiên, tình nguyện vào Nam chiến đấu. Trong ngày hội ngộ, đã có người đã vượt qua hàng ngàn km từ các tỉnh biên giới phía Bắc, vào tận vùng Đồng Tháp xa xôi để gặp lại đồng chí, đồng đội thân thương của mình.
Thế hệ đầu tiên của Tiểu đoàn đã thuộc lớp người xưa nay hiếm, thế hệ sau cùng cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu, ai cũng ít nhiều mang trong mình dấu vết của chiến tranh. Có người đến 10 lần bị thương, nhưng cũng có người chỉ bị thương một lần đã kề cận với cái chết. Thật may mắn, họ đã sống sót để bước ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt và tiếp tục chiến đấu vượt qua nghèo khó bệnh tật, để hôm nay còn được gặp lại nhau, hạnh phúc chứng kiến sự thay da đổi thịt trên những vùng đất mà họ đã đi qua và đã gửi lại mồ hôi, xương máu cũng như một phần tuổi trẻ của mình. Rất nhiều đồng chí, đồng đội của họ đã sớm ra đi. Người hy sinh trong chiến tranh, người qua đời do ốm đau thương tật, không kịp chứng kiến cảnh tao ngộ hôm nay, nhưng bù lại, có những người vợ đã thay chồng, những người con thay cha góp mặt trong ngày vui đầy ý nghĩa này…
Các con của anh hùng liệt sĩ Đặng Minh Nhuận – tức Bảy Đen – người đã để lại dấu ấn đặc biệt trong chiến thắng Ấp Bắc cũng đã thay cha về họp mặt cùng mọi người. Đối với các anh chị, đây là một niềm an ủi, khích lệ lớn. Bởi vì, các chú, các bác trong đơn vị không bao giờ quên những đồng đội cũ của mình. Và qua những cuộc họp mặt thân tình này, các anh chị cũng được hiểu thêm về cha của mình – một anh hùng, một chỉ huy tài năng đã góp phần cùng đồng đội làm nên chiến thắng Ấp Bắc vang dội khắp bốn phương mà các anh chị cũng chỉ biết qua lời kể của mọi người. Chiến trận lại nối tiếp chiến trận, người ra đi không hẹn ngày về, may mắn là vẫn còn lại đây những chiến sĩ Ấp Bắc năm nào, như Lê Văn Đặng, Lê Văn Bình (còn có biệt danh là Bình Cối) v.v… Đây là những cựu chiến binh đã có thành tích xuất sắc trong trận đánh Ấp Bắc, được Ban liên lạc chọn đề nghị xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong dịp họp mặt lần này. Những câu chuyện giữa họ dường như không dứt. Có những kỷ niệm đã đã in sâu trong tâm thức, sống mãi cùng thời gian.
Trong những năm hoạt động trên địa bàn Khu 8, Tiểu đoàn 261 đã đánh hàng trăm trận. Có những trận đánh đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Quân khu và của toàn miền Nam như trận tấn công tiêu diệt Khu trù mật Thiên Hộ, xã Hậu Mỹ, Cái Bè. Đặc biệt là trận Ấp Bắc ở Cai Lậy – Tiền Giang diễn ra đúng 2 năm sau ngày Tiểu đoàn được thành lập, tức vào ngày 2/1/1963.
Đế quốc Mỹ đã sử dụng nhiều vũ khí hiện đại để tiêu diệt quân giải phóng ở Ấp Bắc. Theo lời kể của những người trong cuộc và tài liệu để lại thì trong trận càn này, chúng đã huy động lực lượng trên 2.000 tên, gồm hải lục không quân tinh nhuệ, thiện chiến, với những phương tiện chiến tranh hiện đại như : pháo, xe lội nươc M113, máy bay, tàu chiến, đặt dưới sự chỉ huy của thiếu tá cố vấn Mỹ John Paul Vann, Thiếu tá Tỉnh trưởng Ngụy quyền Lâm Quang Thơ, đại tá Bùi Đình Đàm – Tư lệnh Sư đoàn 7, Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao – Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm – lúc bấy giờ là Tham mưu trưởng liên quân ngụy cùng sự ủng hộ từ xa của Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ. Với lực lượng hùng hồn nầy, chúng thực hiện cuộc hành quân mang tên “Đức Thắng 01/63” nhằm triển khai chiến thuật “Bủa lưới phóng lao”, sử dụng tối đa 2 con chủ bài “trực thăng vận và thiết xa vận”, quyết tâm tiêu diệt quân giải phóng về đóng ở địa phương.
Trước tình hình đó, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261, kết hợp với Đại đội 1 – Tiểu đoàn 514, tỉnh Mỹ Tho và một trung đội địa phương quân Châu Thành cùng lực lượng du kích xã đã bám trụ chiến đấu kiên cường, bẻ gãy và đẩy lùi tất cả các đợt tấn
công, đột phá của địch. Sau một ngày chiến đấu ác liệt, quân ta đã giữ vững trận địa và rút quân an toàn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, bắn rơi và hỏng 16 máy bay, bắn cháy 3 xe M113 và 2 tàu chiến, làm phá sản các chiến thuật tân kỳ “trực thăng vận, thiết xa vận và bủa lưới phóng lao” của đế quốc Mỹ.
Chiến công này thuộc về tất cả các đơn vị phối hợp trên mặt trận, của nhân dân địa phương, đặc biệt là tinh thần dũng cảm, kiên cường của “Tiểu đội gang thép”, tài chỉ huy nhạy bén cùng với quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của người Đại đội trưởng Đại đội 1 – Tiểu đoàn 261 Đặng Minh Nhuận là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi. Chiến thắng đã làm nức lòng quân dân cả nước và bè bạn khắp năm châu. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã phát động phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong toàn miền Nam. Theo tài liệu và các nhân chứng kể lại, Chủ tịch nhà nước Cuba Fidel Castro đã lấy tên Ấp Bắc để đặt cho một làng quê ở đất nước mình và trao tặng lá cờ chiến thắng trên bãi biển Giron cho Tiểu đoàn. Từ đó Tiểu đoàn 261 còn có tên gọi thân thương, thắm tình hữu nghị Việt Nam – Cuba là Tiểu đoàn 261 – Giron.
Khu trù mật Thiên Hộ nằm ở xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Chính tại nơi đây, đầu năm 1964, Tiểu đoàn 261 đã ghi vào lịch sử chống Mỹ trên vùng Khu 8 xưa một chiến công rất đỗi tự hào là xóa sổ hoàn toàn Khu trù mật với qui mô lớn, có tính điển hình của Mỹ ngụy trong khu vực. Trong trận đánh này, ông Nguyễn Minh Tua, chỉ huy Tiểu đội xung kích là người đã băng mình qua lửa đạn, đánh chiếm Sở chỉ huy để cắm lá cờ Quyết thắng được Cuba trao tặng lên nóc lô-cốt của 3 tên cố vấn Mỹ. Với thành tích xuất sắc, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vinh dự được ra thăm Thủ đô trong những năm chiến tranh ác liệt. Sau đó, ông đã đại diện cho Đoàn Dũng sĩ miền Nam sang thăm Cuba. Điều làm ông xúc động và khắc sâu trong lòng là ông đã được đặt chân lên bãi biển Giron xinh đẹp, nơi vào năm 1962, nhân dân Cuba đã đánh tan quân viễn chinh xâm lược Mỹ.
Đất nước yên bình, người còn sống có dịp gặp lại nhau. Nhưng rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trên khắp các chiến trường, trong đó có rất nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn 261 – Giron anh hùng. Họp mặt hôm nay, mọi người không quên thắp nén nhang ấm tình đồng chí. Những câu chuyện xúc động về sự hy sinh của những đồng đội cũ lại được mọi người nhắc lại cùng nhau. Nhân dịp này, các cựu binh và thân nhân còn được viếng thăm Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và nghe kể lại những năm tháng ông sống và làm việc tại vùng đất này. Sáng ngày 2/1/2010, khoảng 200 cựu chiến binh và thân nhân của Tiểu đoàn 261 – Giron cùng nhiều cán bộ chiến sĩ của tỉnh Đồng Tháp đã thân mật dự buổi họp mặt truyền thống của Tiểu đoàn. Đây là dịp ôn lại những trang sử vẻ vang trên khắp chiến trường Khu 8 cũ từ ngày đơn vị được thành lập, đồng thời cũng là dịp để đồng chí đồng đội các thế hệ gặp gỡ thăm viếng lẫn nhau, động viên, nhắc nhở nhau luôn sống xứng đáng là chiến sĩ Tiểu đoàn 261 – Giron anh hùng, dù trong hoàn cảnh nào vẫn mãi sáng danh truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trong những năm đánh Mỹ, Tiểu đoàn luôn được đồng bào vùng Khu 8 cũ yêu mến tin tưởng, tạo mọi điều kiện để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục chiến đấu lập công, càng đánh càng mạnh, chiến công nối tiếp chiến công. Tiểu đoàn đã 2 lần được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và một lần khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và công tác giúp bạn Campuchia. Thời điểm này, Tiểu đoàn 261 – Giron đã được đổi thành Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 330. Về cá nhân, đơn vị có 4 người được tuyên dương anh hùng, cùng rất nhiều huân chương Quân công, huân chương Chiến công các hạng cho các đơn vị và cá nhân trong Tiểu đoàn.
Tuy phiên hiệu Tiểu đoàn 261- Giron trên thực tế đã không còn từ đầu xuân 1975, nhưng những người trong cuộc vẫn mong sao phiên hiệu thắm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc anh em từng đi đầu trong phong trào chống Mỹ cứu nước vẫn sống mãi trong lịch sử của dân tộc.
Tuyết Mai