Các anh không còn trẻ nữa, tất cả đã nghỉ hưu. Nhưng chúng tôi xin được phép gọi bằng anh, như những người anh trong ngôi nhà báo chí của tỉnh. Nếu nói chọn một nghề để sống, để cống hiến, thì các anh không phải chọn nghề cho mình, mà là nghề lại vận vào các anh. Đúng hơn là, khi làm cách mạng, tổ chức phân công việc gì thì phải tuyệt đối chấp hành nhiệm vụ. Có thể nghề lại dạy nghề, mỗi người đều trưởng thành qua từng tin, bài của mình. Cũng có thể người giao việc lúc ấy phát hiện tố chất “người chiến sĩ cầm bút” trong mỗi các anh. Sự phân công thích hợp ấy đã giúp cho Đảng bộ và nhân dân có được những nhà báo giỏi, những nhà lãnh đạo báo chí có năng lực và đầy tâm huyết như anh Nguyễn Thanh Hùng – nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Long, nhà báo Phù Sa – nguyên Tổng biên tập báo Vĩnh Long, anh Nguyễn Kiệt – nguyên Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long.

Đồng chí Nguyễn Kiệt – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long 

Thế hệ nhà báo các anh đã cống hiến và trưởng thành qua hai thời kỳ đầy sôi động của đất nước. Đó là cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược nhiều hy sinh gian khổ và cuộc đấu tranh chống lại sự nghèo đói, trì trệ và bảo thủ cũng không kém phần ác liệt gay go. Thực tiễn sinh động ấy là chất liệu phong phú, đa dạng để người làm công tác báo chí thể hiện tâm huyết, đồng thời nuôi dưỡng tài năng, rèn luyện bản lĩnh trong mỗi con người. Điều đó đã giúp các anh vững vàng cùng nhau đưa sự nghiệp báo chí tỉnh nhà vượt qua thời kỳ khó khăn, không ngừng phát triển, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong giai đoạn cách mạng mới.

Các anh có những điểm chung đều là học sinh, sinh viên rời ghế nhà trường tìm đến với cách mạng. Nhờ có chút chữ nghĩa mà được phân công làm báo chứ chưa hề qua một lớp đạo tạo nghiệp vụ nào. Nhưng đó không phải là trở ngại lớn. Trong chiến tranh, để hoàn thành nhiệm vụ, có khi phải đổi bằng xương máu. Khi tác nghiệp, người phóng viên phải bám sát các phong trào, theo các đơn vị bộ đội trong các chiến dịch, có khi phải trực tiếp tham gia chiến đấu. Khó khăn nhất là có người phải tác nghiệp gần như độc lập, có khi vừa làm báo vừa phát hành, bất kể ngày đêm, trên đầu máy bay, dưới chân lựu đạn gài, đầy mình đỉa vắt. Việc in ấn phát hành để tờ báo được đến tay người đọc cũng là một quá trình cực khổ, gian nan.

Ngoài những vất vả, hiểm nguy, các anh được tin tưởng giao nhiệm vụ chiến đấu trên một mặt trận vô cùng quan trọng, đó là mặt trận tư tưởng văn hóa. Ở đâu và lúc nào cũng vậy, tư tưởng có thông thì mới tạo được động lực hòan thành nhiệm vụ. Những bài báo kịp thời đưa tin thắng trận, vụ mùa bội thu, gương điển hình… có sức cổ vũ, động viên rất lớn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta hăng hái quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng. Chính vì thế, các anh nói riêng, người làm báo nói chung đều là những chiến sĩ không thể thiếu cho sự thành công của cách mạng.

Mỗi người trong các anh đều có đến khỏang 40 năm gắn bó với công tác báo chí, với nhiều nhiệm vụ, nhiều cương vị khác nhau, nhưng không ai muốn nói nhiều về những việc mình đã làm, chỉ xem đó là nhiệm vụ. Các anh chỉ thích nhắc đến những kỷ niệm buồn vui khi tác nghiệp, về những người dân bám trụ kiên cường, về những tấm gương quả cảm gan dạ của chiến sĩ, về những đồng đội đã hy sinh. Trong lần về thăm lại vùng căn cứ năm xưa, nhà báo Nguyễn Kiệt – nguyên Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long – nhắc lại nhiều kỷ niệm buồn vui của đời làm cách mạng, đời làm báo. Những ngày đầu vào chiến khu, thấy học sinh vùng tạm chiếm, chẳng ai dám tin tưởng. Họ sợ mấy anh chàng thư sinh chẳng chịu được mấy ngày, lại đi đầu hàng khai ra thì không còn chỗ đâu mà ở. Các má, các chị rất thương, cho ăn cơm mỗi ngày nhưng lại căn dặn : “Lỡ có đi đầu hàng thì nhớ đừng khai ra!”. Còn gia đình thì cũng chẳng có lòng tin, cho rằng không quá 6 tháng là lại trốn về do không chịu đựng được sự cực khổ, thiếu thốn, sự ác liệt của chiến tranh. Trong cái háo hức được cống hiến của tuổi trẻ, cái quyết tâm phải bám trụ, thực hiện cho bằng được nhiệm vụ của tổ chức giao cho, cũng có chút tự ái ở trong lòng nên thà chết cũng không bao giờ đào ngũ. Nhiều kỷ niệm về những ngày đầu làm báo vẫn theo anh suốt cuộc hành trình vì sự nghiệp báo chí của mình.

Anh Đoàn Hải Nhân, tức nhà báo Phù Sa – nguyên Tổng biên tập báo Vĩnh Long – một người anh thân thiết của báo chí tỉnh nhà. Anh đã có hơn 35 năm gắn bó với nghề. Năm 1968, anh đang là sinh viên theo học ở Sài Gòn, nhưng trước khí thế của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, anh đã từ bỏ giảng đường để về quê hương Vũng Liêm tham gia cách mạng. Bốn năm đầu, anh công tác ở ngành Giáo dục. Đến năm 1972, anh được phân công làm báo và công việc ấy đã gắn bó với anh cho đến ngày nay. Anh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của báo chí Vĩnh Long và được ghi nhận bằng những huân chương, huy chương cao quí…

Cuộc đời hoạt động cách mạng của anh Nguyễn Thanh Hùng cũng gần như gắn liền với công tác thông tin báo chí của Đảng, khi trực tiếp làm báo, khi ở cương vị lãnh đạo. Chính vì thế, anh luôn cảm nhận được sâu sắc nỗi buồn vui, cực nhọc của nghề làm báo cũng như sự tiến bộ và phát triển của công tác báo chí tỉnh nhà. Năm 1964, rời trường học, anh vào chiến khu, được phân công ở Ban Tuyên huấn, qua các bộ phận như văn phòng, nhà in, tiểu ban thông tấn báo chí… Đối với anh, những năm tháng làm báo trong chiến tranh luôn là những kỷ niệm khó phai. Sau ngày giải phóng, anh Nguyễn Thanh Hùng đã có thời gian 10 năm làm Giám đốc Đài Phát thanh Cửu Long. Đó là thời điểm từ năm 1982 – 1992. Đây là thời điểm khó khăn chung của cả nước. Phát triển sự ngiệp tuyên truyền phát thanh và duy trì đội ngũ người làm báo trong hòan cảnh ấy là nỗi băn khoăn trăn trở lớn của những người làm công tác lãnh đạo. Bằng kinh nghiệm, bằng ý chí được trui rèn trong những năm tháng trong chiến tranh, bằng tình thương yêu đoàn kết, san sẻ đùm bọc lẫn nhau, anh và tập thể Ban lãnh đạo cùng tập thể cán bộ, phóng viên của Đài đã hòan thành nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn này đã phủ sóng toàn bộ hệ thống truyền thanh các huyện – thị. Sau năm 1992, anh Nguyễn Thanh Hùng được rút về Ủy ban, tiếp đó được phân công làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, phụ trách khối Văn xã. Trước khi về hưu, anh có một nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Thực tiễn đấu tranh cách mạng chính là trường học lớn để tôi luyện bản lĩnh, ý chí của người làm báo. Trường học ấy đã đào tạo ra những con người luôn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Càng khó khăn trở ngại, càng phải nhạy bén sáng tạo, chinh phục hoàn cảnh, thực hiện cho bằng được những mơ ước khát khao. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là nhà báo Nguyễn Kiệt. Ngày giải phóng về thành, thấy bà con mình bị ảnh hưởng đòn tâm lý chiến của địch nên nhìn người chiến sĩ giải phóng bằng con mắt e dè, nghi ngại, anh đã hiểu được sức mạnh của công tác tuyên truyền và phải bằng công tác tuyên truyền để lấy lại niềm tin trong nhân dân. Khi sự nghiệp phát thanh tạm thời ổn định thì ước mơ làm truyền hình luôn thôi thúc cháy bỏng trong lòng anh. Đài Truyền hình Vĩnh Long ra đời và phát triển như hôm nay chính là nhờ tập thể Ban Giám đốc nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm, trong đó, vai trò Giám đốc Nguyễn Kiệt là rất quan trọng. Năm 2007, anh Nguyễn Kiệt về hưu khi đã cùng với Ban Giám đốc và tập thể cán bộ viên chức đã đưa sự nghiệp phát thanh – truyền hình tỉnh nhà phát triển, được Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhưng phần thưởng cao quí hơn chính là tạo được sự ủng hộ trong nhân dân, là người bạn đồng hành của các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, nhất là đối với nông dân. Đặc biệt, Đài là nguồn an ủi, động viên đối với những người còn nghèo khó. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng với năng lực của mình, anh được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo – ngôi nhà chung của người làm báo Vĩnh Long. Bằng kinh nghiệm và nhiệt tình dẫn dắt của lớp nhà báo đàn anh đã được trui rèn trong gian khó, những người làm báo Vĩnh Long tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ nhau nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ để hoàn thành tốt công tác của mình trong tình hình mới.

Những tấm gương sống trọn với nghề của lớp nhà báo đàn anh luôn là niềm tự hào, là nguồn động viên các nhà báo tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp báo chí vẻ vang, vừa là công cụ sắc bén của Đảng, vừa là người bạn tin cậy, thân thiết của nhân dân.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *