Seoul xưa và nay

Sông Hàn (Hangang) dài 512 km, chảy từ miền Bắc xuống miền Nam Triều Tiên. Trên đoạn sông chảy qua Seoul có 23 cây cầu bắc ngang nối liền hai bờ Bắc và Nam thành phố. Đó là những cây cầu nhìn vững chãi với phong cách giản dị, hoặc xây bằng xi-măng, hoặc làm bằng sắt sơn các màu xám nhạt, xanh da trời hay xanh lá cây. Ngồi trên xe trong buổi sáng bồng bềnh sương, từ bờ Bắc nhìn sang bờ Nam, có cảm giác giấc mơ đêm qua chưa kết thúc : bên kia sông, xa hút tầm mắt nhấp nhô hàng hàng lớp lớp những con sóng nhà cao tầng rất đều đặn, sáng láng, tinh khôi – một thế giới mới, xa xôi nhưng đáng mơ ước. Cũng giống như Phố Đông (bờ Đông sông Hoàng Phố) của Thượng Hải, Nam Seoul là một thành phố mới – phần tiếp nối với thủ đô Seoul xưa nằm bên bờ Bắc. Nói cách khác, bờ Bắc là “phố cổ”, bờ Nam là “phố mới”, trong đó, cuộc sống ở phố mới luôn mắc mỏ, “cao giá” hơn nơi phố cũ. Cả chị Mimi và Minh Ngọc đều đang sống ở bờ Bắc của Hàn giang. Chị Mimi nói, một căn hộ chung cư ở bờ Bắc có giá trung bình khoảng 300 triệu won, tức là 6 tỷ đồng Việt Nam và ở bờ Nam khoảng 500 triệu won, tức 10 tỷ đồng. Nếu bạn thích căn hộ có hồ bơi thì hãy chuẩn bị gấp đôi số tiền ấy, khoảng 20 tỷ, gọi là căn hộ triệu đô, tương đương với mái ấm tương lai của ca sĩ Cẩm Ly ở quận 7 – TPHCM. Làm sao được, từ lâu, Seoul đã được xếp vào top mười thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Tuy diện tích chỉ bằng 1/3 so với TPHCM, nhưng Seoul có tới hơn 12 triệu dân – tức là khoảng 1/4 dân số của đất nước – tập trung sinh sống. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động ở Seoul vào khoảng 2.000 USD/ tháng. Lương sinh viên mới ra trường tương đương với lương công nhân có tay nghề, khoảng 1.300 USD/ tháng. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định chung là 25%. Tuy nhiên, đối với các sếp làm công tác quản lý – điều hành hoặc chuyên viên cao cấp, thương nhân… có mức thu nhập từ 20 – 30.000 USD/ tháng thì mức thuế TNCN của họ đã không còn là 25%, mà lên đến 40% – một tỷ lệ có thể nói khá hợp lý, hài hòa : thu nhập càng nhiều thì mức đóng góp cho xã hội càng cao. Mặt khác, cũng theo chị Mimi, ở Hàn Quốc hiện nay, chính vì mức thuế TNCN cao như vậy, người ta không còn giữ khuynh hướng cố sống cố chết để kiếm tiền, mà ngược lại, đến một lúc nào đó, trong cuộc chạy đua với cuộc đời, họ giảm dần tốc độ hoặc dừng hẳn lại, dành thời gian cho việc hưởng thụ những giá trị khác của cuộc sống.

 

Chiều cuối tuần ở Everland

Rất khác với Jeju, nếu đơn giản chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thì ở Seoul nhìn chung khó tìm ấn tượng. Các cửa hàng mua sắm, chợ, trung tâm giải trí, thậm chí một trung tâm có những khung cảnh đẹp như trong truyện cổ tích là Everland hay các bảo tàng mà chúng tôi đã ghé qua có lẽ cũng không nhiều khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, vì đến từ Việt Nam, nên giả sử đây không phải Seoul, mà là bất cứ nơi nào thì một trong số những vấn đề tôi quan tâm nhất – không thể khác – sẽ là vấn đề về giao thông. Thật ra, đường phố ở Seoul nói riêng và ở Hàn Quốc nói chung không rộng. Ngoài đường ven sông và một số con đường trong nội ô có thêm làn nội bộ dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp, đường phố ở Seoul trung bình chỉ có từ 4 – 6 làn xe. Bù lại, hệ thống đường sá, cầu cống, cầu vượt khá dày đặc. Đó là chưa kể đến hệ thống tàu điện ngầm dưới lòng đất và hệ thống tàu vận hành đường sông. Điều đó giải thích vì sao trong một thành phố có mật độ dân số thuộc vào loại cao nhất thế giới mà giao thông vẫn luôn thông suốt, trật tự đường phố được bảo đảm một cách hoàn hảo.

Trên những con đường vùng ngoại ô Seoul hay trong công viên Cheonjiyeon ngoài đảo Jeju, tôi để ý thấy có một số cây xanh được quấn nylon toàn thân từ gốc đến ngọn. HDV Trần Dũng Cảm giải thích cho tôi hiểu rằng, người ta làm vậy là để giữ ấm cho cây trong mùa đông. Có lẽ, đó là những loại cây rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Thứ sáu – ngày cuối tuần, đường phố Seoul không quá đông đúc, xe nối đuôi nhau thành từng hàng dài trong sự trật tự, êm ả. Bất chợt, tôi trông thấy các baby chừng 5 – 6 tuổi quảy cặp đi học một mình thung thăng trên đường phố. Thật khó để diễn đạt chính xác cảm giác mà hình ảnh ấy gợi lên trong lòng tôi. Đó có thể là nỗi nhớ nhung sự bình yên sâu thẳm đã từng có hoặc có rất nhiều trong mơ ước, hoặc cũng có thể là nỗi nhớ Hòa An (TPHCM) từng có với tôi một lời tâm sự ám ảnh : Từ ngày có con, ATGT trên đường phố trở thành nỗi lo lắng thường trực ở trong anh. Mỗi buổi chiều tối đi làm về, nhìn thấy đủ mặt vợ con, con tim anh mới trút được gánh nặng : vậy là hôm nay, gia đình anh sẽ sống qua được một đêm bình yên.

Chào em, đất nước ngày mai

Trên đường vào Seoul, qua một con phố nằm bên chân núi, chị Mimi chỉ tay lên một ngọn đồi và nói, ở Seoul bây giờ, nhiều người có tiền không thích ở nhà chung cư nữa, mà thích ra vùng ngoại ô, tìm mua những ngôi nhà nằm cheo leo trên sườn núi vắng. Có thể vì môi trường sống ở đó trong sạch hơn, thoáng đãng hơn, và cũng có thể, sự tiếp cận, gần gũi với thiên nhiên đã mang đến cho cuộc sống của họ một ý nghĩa khác. Nghe chị nói, tôi ngước nhìn lên, dõi mắt tìm kiếm những tòa biệt thự mà tôi chắc sẽ đẹp như mơ. Tìm mãi, tìm mãi. Cuối cùng, tôi hiểu ra rằng, đó chỉ là những ngôi nhà nhỏ xinh xinh như mọi ngôi nhà bình thường khác mà ta vẫn gặp trên các nẻo đường, không phải biệt thự, không phải nhà cao tầng hay một cái gì tương tự như thế. Sau này, trên đường trở lại Việt Nam, tôi thấy lòng mình bị day dứt bởi ý nghĩ này : Cái đất nước chả phải anh em, hơn nữa trong quá khứ từng khiến tôi mất cảm tình vì thái độ đối với người công nhân Việt Nam cũng như bị chạm tự ái dân tộc vì vấn đề “lấy chồng Hàn Quốc” của các cô gái ở ĐBSCL không hiểu sao hôm nay lại có thể cho tôi một suy nghĩ như thế này : Trong thời đại ngày nay, với cá nhân chỉ cần vừa đủ để hài hòa, nhưng với dân tộc lại là vấn đề hoàn toàn khác : không giới hạn để trở nên mạnh mẽ trong đôi mắt thế giới.

Thu Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *