Ở nước ta, chưa có công trình nghiên cứu tìm hiểu xem người Việt biết nấu rượu từ khi nào, nhưng trong lịch sử các triều đại xưa cũng thường nhắc đến các buổi đại yến tiệc, trong đó chắc sẽ có nhiều loại rượu quý nổi tiếng trong dân gian được đưa vào triều đình tiến vua… Rượu cũng là một trong những sản phẩm quý, được xem là món ngon, vật lạ, nên cũng được triều đình chú ý để khuyến cáo người dân chế biến nhiều bài men hoặc bài thuốc độc đáo để dâng lên nhà vua.

Trong dân gian, nếu như bánh tét, bánh chưng có trong ngày Tết là sản phẩm tiêu biểu cho thành quả lao động của con người, như gạo nếp bao bọc đậu xanh và nhân thịt heo tiêu biểu cho những sản vật nuôi trồng của nhà nông, thì rượu cũng là sản phẩm có ý nghĩa tương tự. Bởi rượu cũng là tinh chất được ủ lên men hay chưng cất từ những sản vật do con người tạo nên như gạo nếp, nho, dâu, khoai, bắp v.v… Vì vậy mà trong các tiệc tùng, cúng bái, hiếu hỷ… luôn có rượu để cúng tạ ơn tiền nhân. Đặc biệt là lễ hội cúng đình làng. Lễ cúng đình hàng năm ở các làng mạc là những lễ tôn vinh và ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân có công với nước với dân, các bậc hậu hiền có công khẩn hoang khai nghiệp, lập nên làng mạc… nên lễ cúng phải luôn có thịt, rượu như thời các vị này đang sống. Dân gian có câu “vô tửu bất thành lễ”, nghĩa là lễ cúng mà không có rượu thì như không có lễ. Như vậy, ý nghĩa lễ ở đây cũng rất gần với đời sống con người, dù là bậc thần thánh cũng có cuộc sống thật như con người. Bởi các vị thần đình làng là những con người có thật, có công lớn với nước với dân, được các triều vua sắc phong, do người dân biết ơn mà tưởng nhớ đến và cúng lễ giỗ hàng năm như thời các vị này còn tại thế.

Văn hóa ứng xử dần hình thành trong khuôn khổ câu “vô tửu bất thành lễ” này, nhiều nghi lễ khác cũng cần có rượu hiện diện, mà hiện diện ở vị trí trang trọng của rượu lễ, đặc biệt là trong các nghi lễ cưới hỏi. Trong phong tục cưới hỏi của người Việt, khay trầu rượu luôn được tôn vinh hàng đầu bởi giá trị văn hóa ẩn sâu trong quan niệm của người xưa về lễ nghĩa của rượu.

Thông thường, khi nhà trai đến nhà gái để trình lễ vật cưới và xin rước dâu về luôn có nhiều mâm lễ vật. Tùy theo tập quán của từng địa phương mà lễ vật có khác nhau. Nhưng khay trầu rượu phải có và luôn được ưu tiên đi đầu để trình cúng tổ tiên và mời rượu các vị trưởng tộc trong dòng họ. Có kiến rượu, các vị trưởng tộc mới đồng ý và hướng dẫn cho họ đàng trai cúng bái xin được rước dâu. Và cũng như vậy, khi rước dâu về, khay trầu rượu được trình cúng xin phép tổ tiên và các vị trưởng tộc đàng trai xong mới được phép tiến hành các nghi lễ khác…

Trong các tiệc mừng thọ, lễ giỗ, tân gia hay sinh nhật cũng vậy… rượu lễ cũng là hình thức chúc mừng trang trọng mà mọi người thừơng dùng để mở đầu cho lời chúc tốt đẹp nhất của mình. Đặc biệt là trong giao tiếp kinh doanh, những ly rượu vang cao cấp nổi tiếng của Pháp hay rượu mạnh của Scotland, Anh, Mỹ, Đức, Nga v.v… được trịnh trọng mời nhau luôn là những chiếc cầu giao lưu rất hiệu quả trong việc kinh doanh của nhiều doanh nhân…

Những ngày đón xuân, mừng Tết Nguyên Đán, rượu cũng đóng vai trò quan trọng trong các lễ cúng. Theo quan niệm của ông cha ta, Tết là thời điểm kết thúc năm cũ, chấm dứt một chu kỳ vận hành của vũ trụ. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu. Chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai. Thời điểm khởi đầu năm mới có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với xã hội mà nền kinh tế nông nghiệp là chính. Vì vậy, trong tập quán của ông cha ta, lễ cúng Giao thừa có ý nghĩa lớn về mặt tâm linh. Bởi người xưa quan niệm, Giao thừa là thời điểm chuyển giao mọi việc của cả đất trời, trong đó có các vị thần cai quản việc đồng áng trần gian như Thần Mưa, Thần Gió, Thần Nước, Thần Lửa v.v… và nhất thiết cúng Giao thừa phải cúng ngoài trời vì các cụ cho rằng, các Thần cũng bận rộn chuyện bàn giao cho kịp năm mới, nên không đủ thời gian để ghé nhà ai, mà chỉ đi ngang rồi tiện đường uống chén rượu và phò hộ cho gia chủ làm ăn trúng mùa trong năm tới. Có lẽ vì vậy mà ngày nay, lễ cúng Giao thừa không thể thiếu rượu, thịt…

Theo quan niệm của người Việt, ngày Tết cũng là ngày đoàn viên nhiều thế hệ trong một gia đình. Là dịp mà mọi người con xa nhà cùng trở về quây quần dưới mái ấm với niềm vui đoàn tụ. Con cái chúc mừng cha mẹ, cháu chúc thọ ông bà. Ông bà chúc phúc cháu con… rồi tất cả cùng nhau quây quần bên mâm cỗ và uống chén rượu đầu tiên chúc mừng năm mới. Đây có lẽ là những ly rượu lễ có ý nghĩa nhất trong một năm mà mọi người trong gia đình đã gạt bỏ đi mọi đua chen, tranh cạnh đời thường vì kế mưu sinh để trở về với những hương vị ngọt ngào, đằm thắm của tình cảm gia đình qua những chung rượu nghĩa tình này…

 

Đã gọi là rượu lễ thì không phải bất cứ rượu gì cũng cúng được. Rượu cúng phải là rượu trắng được lên men từ gạo nếp và chưng cất cao độ, có hương vị thơm nồng. Ở ĐBSCL, cũng có nhiều làng nghề nấu rượu nổi tiếng mà khi nhắc đến nhiều người vẫn còn nhớ, đó là : rượu Gò Đen Long An, rượu Phú Lễ-  BaTri – Bến Tre, rượu Xuân Thạnh – Trà Vinh, rượu Sơn Đông – Vĩnh Long v.v… Mỗi làng nghề nấu rượu này có những bài men gia truyền khác nhau nên hương vị rượu ngon cũng khác nhau. Riêng làng rượu Phú Lễ – Ba Tri hiện nay vẫn giữ được cách nấu rượu truyền thống, nhưng được đầu tư các dây chuyền lắng lọc tạp chất khá hiện đại và bao bì thiết kế đẹp mắt nên được người tiêu dùng ở đồng bằng ưa chuộng.

Ngày nay, nhu cầu sử dụng rượu trong đời sống khá nhiều, đó là những nhu cầu cần thiết trong quan hệ giao tiếp kinh doanh. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu đã gây ra nhiều tệ nạn xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên. Nhiều lý rất đơn giản để dẫn đến tiệc rượu. Vui uống, buồn cũng uống! Thắng uống, thua cũng uống! Thành công uống, thất bại cũng uống… Như vậy, tiếng xấu để lại là do con người không biết kiềm chế mình chứ không phải do rượu…

Từ xưa đến nay, rượu đã góp phần tạo nên nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực của người Việt. Nhiều món ăn dân gian được chế biến chung với rượu, hoặc khi ăn phải có chút rượu nhấm nháp mới cảm nhận hết hương vị của món ăn. Trong đời sống, rượu cũng góp phần tôn vinh lễ nghĩa của của mọi người với các bậc tiền nhân, với gia đình, bạn bè và xã hội. Điều quan trong nhất là mỗi người trong chúng ta cần phải biết sử dụng rượu chừng mực và đúng mục đích, chắc chắc sẽ cảm thấy sự hiện diện của rượu thật có ý nghĩa về văn hóa tinh thần trong đời sống công nghiệp hiện nay.

Quách Nhị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *