Chị Lê Thị Níp
(THVL) Xã Nhơn Bình (huyện Tam Bình) từ lâu đã lưu truyền trong nhân dân một bài ca theo điệu Liễu thuận nương ca ngợi sự hy sinh dũng cảm của chị Bảy Hoàng Sơn. Chị có tên thật là Lê Thị Níp, vốn là hoa khôi của trường Trung học Tam Bình. Theo tiếng gọi của non sông, chị đã xếp bút nghiên tham gia cách mạng và anh dũng hi sinh. Vừa qua, đúng 40 năm ngày chị ngã xuống, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng chị danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho người liệt nữ anh hùng và cho tất cả những ai đã từng yêu mến chị.
Đã lâu lắm rồi, ông Lê Hữu Dư mới trở lại trường Tiểu học thị trấn Tam Bình. Đây là nơi đã gắn bó nhiều kỷ niệm giữa ông và chị Lê Thị Níp – hay còn gọi là Hoàng Sơn – người em họ, người bạn học và cũng là người đồng chí thân thương. Gần 50 đã trôi qua, cảnh cũ đã không còn, ông – người học sinh trường trung học Tam Bình ngày nào giờ tóc đã pha sương, sức khoẻ suy giảm vì vừa trải qua cơn bạo bệnh, nhưng ký ức về những năm tháng tuổi học trò ở ngôi trường này thì vẫn đầy ắp trong lòng như chuyện mới hôm qua. Ông Dư còn nhớ, năm ấy là năm lớp đệ tứ, chị Níp khoảng 18 đôi mươi, dáng cao thanh mảnh, tóc xõa bờ vai, vừa xinh đẹp lại vừa thông minh học giỏi. Con đường học vấn như mở rộng trước mắt chị. Không ai ngờ rằng, cô nữ sinh hoa khôi của trường trung học đã không thể ngồi yên dưới mái trường trước cảnh giặc thù giày xéo quê hương, tàn sát dân lành. Hàng ngày, dù vẫn đến lớp đều đặn với bạn bè, vẫn siêng năng chăm chỉ từng môn học, nhưng chị đã cùng ông Dư nhận nhiệm vụ của tổ chức giao phó. Đó là bí mật nắm tình hình hoạt động của địch, treo cờ cách mạng và rải truyền đơn tại nội ô huyện lỵ Tam Bình bất chấp hiểm nguy. Có lần, chị kịp thời báo tin bọn chúng đang truy tìm ông. Nhờ vậy, ông đã kịp thời thoát thân.
Với sự mưu trí, khôn khéo và gan dạ, ông và chị Níp luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cờ Mặt trận và truyền đơn cách mạng xuất hiện ngày càng nhiều trong chợ và cả trong dinh quận Thơm, khiến địch hoang mang và nghi ngờ lẫn nhau. Đến gần kỳ thi cuối cấp, chị nhận nhiệm vụ đặt trái nổ nơi bọn địch thường lui tới ở nội ô huyện lỵ Tam Bình. Kế hoạch không thành, chị được tổ chức rút về hoạt động ở Ban Kinh tài huyện Trà Ôn…
Quê chị Níp là cái xóm nhỏ có tên là Sa Rày, nằm bên con rạch hiền hoà, trước kia thuộc ấp Tường Ngãi – xã Hoà Bình (nay là ấp Nhơn Ngãi – xã Nhơn Bình – huyện Trà Ôn). Người em út của chị Níp là anh Lê Mười Phương hiện sinh sống tại căn nhà của gia đình chị trước đây. Anh kể rằng, gia đình anh có 8 anh em. Tuy nhà nghèo nhưng may mắn hơn chúng bạn là được cha mẹ quan tâm chuyện học hành. 4 người trong số họ đã xếp bút nghiên tham gia kháng chiến. Người anh thứ hai là Lê Văn Ca, tham gia Tiểu đoàn 308 chống Pháp, anh thứ năm là Lê Quang Mết tham gia công tác ở địa phương – hi sinh năm 1967, còn anh cũng là chiến sĩ địa phương quân huyện Trà Ôn. Chị Níp là người chị thứ bảy, tham gia công tác cách mạng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi kể về chị Níp thì những người thân trong gia đình đều có những kỷ niệm khó quên. Ông Hồ Văn Chính – cán bộ hưu trí ở xã Lục Sĩ Thành – lúc bấy giờ cũng là cán bộ kinh tài huyện Trà Ôn. Ông đã quen biết với chị Níp khi về Ban Kinh tài đăng tiền. Qua nhiều lần gặp gỡ tiếp xúc, ông dành nhiều tình cảm cho chị. Mỗi khi nghĩ về chị, ông hay đọc những sách báo viết về gương những liệt nữ anh hùng, bởi qua những trang viết ấy, ông như gặp được người đồng chí thân thương của mình. Đối với ông, chẳng những chị đẹp về ngoại hình, mà từ tánh tình, lời nói, chữ viết đều rất dễ gây thiện cảm. Chị là nữ sinh, nhưng khi vào chiến khu không bao giờ ngại khó, ngại khổ, lúc nào cũng vui vẻ hoà đồng và sổ sách chị làm thì rất rõ ràng, chính xác. Chị luôn để lại ấn tượng cũng như tình cảm tốt đẹp trong lòng tất cả mọi người khi tiếp xúc với chị. Ông Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Vĩnh Long ngày nay – cũng là người công tác chung với chị. Dù bao năm tháng đã trôi qua, trong lòng ông vẫn giữ mãi sự quí mến, trân trọng về người chị rất thông minh, dịu dàng và cũng rất lịch thiệp, tế nhị.
Ở ấp Ngãi Hoà – xã Hoà Bình hiện nay, nhiều người dân từng quen biết chị Níp tức chị Hoàng Sơn đều nhắc về chị bằng tất cả sự yêu quí cảm phục. Ai cũng khen chị rất đẹp, rất dễ thương, luôn nhiệt tình với mọi công việc, luôn chu đáo đối với mọi người. Chị thân tình như người em, người con trong gia đình. Việc gì khó chị cũng giành phần mình. Ngược lại, người dân những nơi chị đến cũng đều xem chị thân thương như con cháu trong nhà. Tuy từ nhỏ đã xa nhà trọ học, nhưng chị còn rất giỏi trong việc nội trợ. Những khi rảnh rỗi, chị dạy cho bà con cách làm bánh, làm nước mắm, thêu thùa vá may. Ai cũng bảo hiếm thấy người nào đẹp người đẹp nết như chư chị.
Sau Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, địch phản kích ác liệt, chúng đóng lại đồn bót dày đặc, thường xuyên đổ quân càn quét gây nhiều tổn thất cho lực lượng cách mạng. Người dân ở Vàm Lái – Tân Xã – Ngãi Hoà vẫn không thể nào quên sự kiện đau lòng ngày 20/10/1968. Đó là ngày lính sư đoàn 9 ngụy mở đợt hành quân vào ấp Hiệp Hoà, nơi có căn cứ lõm của ta. Lúc bấy giờ, chị Lê Thị Níp cùng một số anh em trong Ban Kinh tài huyện Trà Ôn đang ẩn náu
chờ tình hình thuận lợi để chuyển địa bàn. Chẳng may, địch phát hiện khui hầm, chị Níp đã liều mình xông lên cùng chết với giặc để bảo vệ an toàn tiền bạc, tài chính của cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Bé – chị ruột ông Nguyễn Thanh Liêm – là người đã mất mát rất lớn trong sự kiện ngày hôm ấy. Cùng hy sinh với chị Níp hôm đó có ông Chín Tui – cha ruột của bà và cũng là cha nuôi của chị Níp, cùng chồng bà và một người em chồng. Lúc ấy, bà đang chuẩn bị sanh đứa con đầu lòng của mình. Đối với bà, nỗi đau nầy khó có thể nguôi ngoai. Và mỗi lần cúng, thắp nhang cho cha, cho chồng, bà không quên cúng cho chị Níp – người mà bà cũng yêu quí như chị ruột của mình.
Đã 40 năm kể từ ngày chị Níp và những đồng chí của chị hi sinh. Quê hương Ngãi Hoà đã thay đổi nhiều. Thế nhưng câu chuyện về người nữ cán bộ tài sắc vẹn toàn, đã liều mình hy sinh với giặc vẫn còn mãi lưu truyền. Từ lâu, gương sáng của chị đã được thừa nhận trong nhân dân. Điều đó thể hiện rõ qua bài hát mà mỗi khi có dịp gặp gỡ giao lưu, các nhóm đàn ca tài tử của các ấp trong xã Nhơn Bình thường hát. Đó là bài hát ca ngợi sự hy sinh quả cảm của chị Lê Thị Níp hay còn gọi là chị Bảy Hoàng Sơn. Sự hy sinh của chị đã được ghi nhận với một Huân chương Quyết thắng hạng nhất và một Huy chương Giải phóng hạng nhất cùng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khó có thể dùng một loại hoa cụ thể nào để tượng trưng cho vẻ đẹp của chị, bởi đôi khi hoa có sắc mà không hương, hay có hương mà không sắc. Riêng chị là một đoá hoa hương sắc vẹn toàn. Hương sắc ấy sẽ mãi rực rỡ và ngát thơm dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tuyết Mai