Cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống cơ sở vật chất của ngành giáo dục cũng được thay đổi không ngừng. Việc dạy học cũng lắm đổi thay. Trước đây, do điều kiện khách quan, những tiết dạy chay – học vẹt có thể tạm được chấp nhận. Ngày nay, thay đổi phương pháp dạy học là một qui định bắt buộc. Phương tiện, dụng cụ dạy học giúp cho môi trường học tập thêm sinh động và hiệu quả hơn. Để có một tiết dạy tốt đòi hỏi người làm thầy không ngừng nỗ lực vươn lên. Hiện nay, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng được thu hẹp, ở nơi nào, các em cũng được hưởng những quyền lợi gần giống như nhau. Vận dụng có hiệu quả hay không là phụ thuộc vào tài đức của người thầy và sự phối hợp của học sinh. Nhìn lại quãng đường dạy học của mình, cô Nguyễn Thị Thanh Vân rất tâm đắc trước những đổi thay.

Ngày nay, ở nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. Sự đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy và học của thầy trò cũng là một yếu tố nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngày nay ở thành thị, mạng lưới thông tin rất phát triển, mọi người đều có thế tích lũy kiến thức và cập nhật thông tin hàng ngày. Ngoài cái tâm, cái tài, người thầy giáo hôm nay còn phải có một tầm nhìn như có người đã nói. Muốn đứng vững trên bục giảng, muốn nhận được sự ngưỡng mộ và nể nang của học sinh, thì ngoài việc có phương pháp giảng dạy thích hợp, người thầy còn phải nỗ lực phấn đấu không ngừng, và phải luôn luyện tài rèn đức. Bởi việc học là việc của cả một đời người, nhất là đối với những người đã chọn nghề dạy học. Điều đó đã giúp cho những giáo viên dù tuổi đời rất trẻ vẫn có bề dày về thành tích giảng dạy của mình.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà từ ngữ Việt Nam có từ học hành,học phải đi đôi với hành không phải là chuyện bây giờ mới nói. Ngày nay, giáo viên lên lớp không thể đơn thuần chỉ có phấn trắng bảng đen, còn học sinh cũng không phải chỉ tiếp thu bài giảng bằng nhìn hay nghe, mà phải là sự kết hợp của nhiều giác quan. Điều đó giúp học sinh hiểu sâu và nhớ lâu hơn bài học của mình. Ở nhiều trường trung học hiện nay đều dành riêng một phòng để thí nhiệm và thực hành. Ở một tiết dạy môn hoá ở trường Lê Quí Đôn, phương pháp giảng dạy học đi đôi với hành đã làm hạn chế lối dạy chay – học vẹt, học để đối phó với bài thi hơn là thật sự muốn trang bị cho mình những kiến thức nhất định.

Nói đến thành tích giáo dục tỉnh nhà những năm qua, có lẽ mọi người không quên những cái tên như Trần Ngọc Minh, Nguyễn Hồng Nhung, Lương Phương Thảo – những học sinh đã lần lượt chinh phục đỉnh Olympia, đỉnh cao của trí tuệ và bản lĩnh. Chiến tích ấy làm rạng danh đất học Vĩnh long. Để có được niềm vinh quang tuyệt vời đó, ngoài sự nỗ lực của học sinh, không thể không nói đến những đóng góp to lớn của những người thầy. Bởi muốn có trò giỏi, trước tiên phải có thầy giỏi.

Dạy ở trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ là áp lực lớn đối với nhiều thầy cô giáo, nhất là sau những lần chinh phục ngoạn mục đỉnh Olympia. Đối với thầy giáo trẻ Nguyễn Thế Vinh cũng thế. Để vững vàng trên bục giảng, rồi đạt danh hiệu giáo viên giỏi, đối với Vinh và nhiều đồng nghiệp khác là cả sự phấn đấu không mệt mỏi. Địa lý không phải là môn học được học sinh yêu thích, nhưng với sự chuẩn bị công phu, từ bản đồ bảng biểu, chịu khó tham khảo tài liệu và cập nhật thông tin, nên giờ dạy của Vinh rất sôi nổi hào hứng.

Dù trong hoàn cảnh lịch sử nào, cái tâm và cái tài của người thầy cũng là chuẩn mực của đạo đức sư phạm. Có người đã nói, dù có bất cứ phương pháp nào, nếu thiếu cái tâm cũng khó lòng thực hiện. Cái tâm của người thầy là yêu nghề, yêu người. Và nơi đây, làm thầy của những số phận kém may mắn trong đời thì cái tâm của người thầy càng toả sáng. Dạy trẻ khuyết tật chẳng khác gì như mài sắt nên kim. Nếu không có tình thương và sự nhẫn nại kiên trì, đôi khi còn có cả sự hy sinh, thì người thầy không thể làm tròn nhiệm vụ của mình. Các cô thật sự vừa dạy, vừa dỗ, lại vừa chăm sóc các em như những người mẹ hiền đầy lòng nhân ái. Giúp các em tìm lại được màu sắc và âm thanh của cuộc sống xung quanh là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của những người thầy trong ngôi trường đặc biệt nầy.

Nhìn cảnh sinh hoạt cởi mở, ấm cúng và sự gần gũi, thân tình nầy, có thể mọi người sẽ nghĩ, đây là một buổi sinh hoạt của Đoàn, Hội,. Ở họ dường như không có khoảng cách. Để hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường nầy, ngoài trách nhiệm đòi hỏi người giáo viên, quản giáo còn phải có sự cảm thông sâu sắc, biết chia sẻ buồn vui với những đời người nhiều nghịch cảnh, phải thật sự là những người anh, người chị trong gia đình. Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần! Làm thế nào để xoá bỏ mặc cảm, tìm lại niềm tin trong cuộc sống, giúp học viên sớm hoà nhập cộng đồng là trăn trở suy tư của những người thầy nơi đây.

Để có những người thầy tương lai thật sự yêu nghề, tâm huyết với nhiệm vụ trồng người của mình, thì việc đào tạo nguồn nhân lực giữ vai trò rất quan trọng. Chất lượng người thầy tương lai như thế nào là trách nhiệm rất lớn của các trường tạo nguồn như Trung học sư phạm, cao đẳng.

Hiện nay những tiêu cực trong ngành giáo dục vẫn còn. Nạn chạy theo thành tích, mua bằng bán điểm làm đạo đức sư phạm bị xem thường là thách thức không nhỏ đối với người thầy. Hiện tại, so với trách nhiệm lớn lao thì sự đãi ngộ vẫn chưa tương xứng với người thầy, thay vì cứ nói mãi những lời hoa mỹ thì xã hội hãy tôn vinh họ bằng những việc làm thiết thực hơn, để người thầy có đủ điều kiện mà rèn tâm luyện trí, xứng đáng là những người trồng người mãi mãi được tôn vinh.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *