Tại xã Mỹ Lộc – huyện Tam bình – Vĩnh Long, có một căn cứ nhỏ tồn tại qua hai thời kháng chiến có tên gọi : Hốc Bà Tùng. Đây là căn cứ của du kích Mỹ Lộc và các xã bạn, cùng nhiều cơ quan đơn vị khác của huyện Tam Bình. Địch đã nhiều lần đem quân càn quét và dùng phi pháo huỷ diệt nơi nầy, nhưng vẫn không chiếm giữ được. Bà Tùng được gọi theo tên chồng là ông Dương Văn Tùng, chính là cha của bà Dương Bạch Xây. Khi bà Dương Bạch Xây còn nhỏ, cha bà tham gia nhiều hoạt động yêu nuớc chống Pháp nên bị địch bắt tù đày và tra tấn dã man. Mới 14 tuổi, bà Sáu Xây xin theo cách mạng với ý nghĩ trước hết là để rửa hận cho cha mình.

Năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra sôi nổi, quyết liệt ở Cái Ngang đã tác động mạnh mẽ đến bà. Lúc ấy, bà Dương Bạch Xây là một cô bé có tính cách mạnh mẽ như con trai và cũng rất thông minh lanh lợi. Cô nhận thức được rằng, chẳng phải chỉ có thù nhà, mà nợ nước cũng cần phải trả. Ở tuổi thiếu niên, cô đã háo hức tham gia công tác cách mạng. Bốn năm sau, cô trở thành đảng viên cộng sản, có mặt trong Ủy ban hành động, tham gia giành chính quyền ở xã Mỹ Hưng, tức Mỹ Lộc, tháng 8 năm 1945.

Những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, bà Sáu Xây chiến đấu chung với bà Tám Phụng trong chi đội 20. Về sau, bà được phân công làm tiểu đội trưởng tiểu đội du kích của xã. Trong quyển lịch sử xã Mỹ lộc có viết, lúc bấy giờ bà đã nổi tiếng là một nữ du kích chiến đấu rất anh dũng, được Tỉnh đội khen thưởng. Những người cùng thời với bà thì kể rằng, ngày xưa, bà rất đẹp, rất oai phong, ai cũng mê, nhưng thấy bà đánh giặc mà ớn quá, không ai dám chọc ghẹo gì.

Sau ngày đình chiến 1954, bà được phân công ở lại miền Nam tiếp tục nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bà đã từng tham gia chỉ đạo khai hoang hàng ngàn héc-ta đất ở vùng Phong Hoà, Tầm Vu. Sau đó, bà được phân công về thị xã gầy dựng cơ sở để chuẩn bị cho tổng tấn công. Trong cuộc tổng tấn công vào thị xã Vĩnh Long tết Mậu Thân năm 1968, bà và cô Trần Kim Ngọc được giao nhiệm vụ dẫn bộ đội 306 tiến quân vào thị xã theo hướng từ hộ 5, hộ 6, tức Phường 5 ngày nay. Với sự mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm, bà cùng đồng chí đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Trong đội ngũ cán bộ lúc bấy giờ, bà được đồng chí và nhân dân xem như một nữ tướng đã góp phần cùng quân dân Vĩnh Long làm nên chiến thắng Xuân Mậu Thân.

Địa bàn khóm 6 – Phường 5 ngày nay (trước kia thuộc ấp Thanh Mỹ – xã Thanh Đức) là nơi bà Dương Bạch Xây được phân công bám trụ sau tết Mậu Thân. Thời gian nầy, bà làm Bí thư Chi bộ hộ 5 và hộ 6. Cô Nguyễn Thị Bảy và rất nhiều người dân ở đây đã nuôi chứa và bảo vệ an toàn cho bà và nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh trong suốt nhiều năm liền. Thời gian này, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, bà Sáu Xây đã nhiều lần dẫn đường đưa bộ đội đánh phá các cơ sở vật chất của địch, trong đó có kho xăng Cây Dương gần trường Lưu Văn Liệt ngày nay. Tấm lòng của người dân nơi nầy vẫn luôn sâu đậm trong lòng bà.

Đối với bà Sáu Xây, chiếc khăn rằn choàng cổ luôn đồng hành trên con đường hoạt động cách mạng. Khi buộc thắt lưng chỉ huy tiểu đội du kích chiến đấu, lúc choàng hầu để đi hoạt động bán công khai. Và chiếc khăn nầy không biết đã bao lần thấm máu khi theo bà đi qua bao cửa địa ngục trần gian. Năm 1970, trong một chuyến công tác, bà bị chỉ điểm nên sa vào tay giặc. Địch đã dùng nhiều đòn tra tấn tàn bạo hòng buộc bà phải cung khai. Từ Ba Càng chúng chuyển bà đến Bình Minh, rồi về khám lớn. Không khuất phục được bà, chúng lại đưa lên Thủ Đức, qua Tân Hiệp, sau đó chúng đày bà ra Côn Đảo. Ngày giải phóng miền Nam, bà mới được về với người thân. Chiếc khăn rằn ấy giờ không còn vết máu, nỗi đau thể xác cũng đã qua rồi. Nhưng khí chất anh hùng của người phụ nữ thì vẫn không thay đổi…

Có một nỗi đau vẫn luôn âm ỉ trong lòng bà, ai nhắc đến, bà nghe đau nhói trong lòng. Đó là nỗi đau khi phải xa con từ thuở mới lọt lòng. Cuối những năm kháng chiến chống Pháp, bà kết hôn với một người đồng chí. Người ấy không sợ mà rất khâm phục và ngưỡng mộ tài đánh giặc của bà. Ông tên là Nguyễn Văn Huê – Trưởng ban quân lực Tỉnh đội. Sau đó, những người con của ông bà lần lượt ra đời. Cuộc đời của người chiến sĩ ở chiến trường rày đây mai đó, khi ngủ bụi nằm hầm, lúc phải dầm mình dưới nước để tránh địch. Hai con lớn của ông bà phải chung cảnh vất vả với cha mẹ nên đều chết khi còn nhỏ. Những người con sau, bà quyết định đem gởi để các con được an toàn, còn ông bà cũng yên tâm công tác.

Làm mẹ là thiên chức của phụ nữ. Không có hạnh phúc nào bằng được chăm lo săn sóc cho các con. Được nhìn thấy con khoẻ mạnh và khôn lớn từng ngày. Được nghe con bập bẹ gọi tiếng mẹ đầu tiên. Được cầm tay con nắn nót ráp vần… Nhưng có nhiều hoàn cảnh khiến người phụ nữ không làm tròn thiên chức của mình. Bà Sáu Xây là một trong những người thuộc hoàn cảnh ấy. Với Tổ quốc, bà luôn tròn nhiệm vụ. Nhưng đối với các con, bà thấy mình có lỗi, nhất là người con trai út. Bà không cho con tất cả những gì một đứa bé khi chào đời cần phải có. Đó là vòng tay ấm áp dịu êm, đó là dòng sữa non thiêng liêng tình mẫu tử. Khi đất nước bị xâm lăng thì có rất nhiều những người phụ nữ có hoàn cảnh như thế. Họ dấn thân chiến đấu vì tương lai của nhiều thế hệ, nên đành hy sinh chút tình riêng. Đó là nỗi đau, là sự hi sinh rất to lớn của những người làm mẹ mà không phải ai cũng thấu hiểu được.

Bù lại nỗi đau của người mẹ, sự thiệt thòi của các con bà là tất cả những người con bà đem gởi đã sống sót sau cuộc chiến tranh. Các anh chị giờ đây đều có cuộc sống ổn định. Người con thứ bảy hiện sống chung với bà, chị công tác ở Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long. Người con gái lớn đang sinh sống ở mảnh đất của ngoại tại hốc Bà Tùng. Còn anh con út hiện là Phó giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long.

Sau ngày hoà bình, bà được phân công làm Phó Chánh án Toà án Vĩnh Long. Năm 1981, bà đến tuổi nghỉ hưu, nhưng do yêu cầu công tác, gần 10 năm sau, bà mới có thời gian sống cùng cháu con. Công sức đóng góp của bà qua hai cuộc kháng chiến đã được công nhận bằng nhiều huân, huy chương cao quí. Đó cũng là sự bù đắp cho một cuộc đời hào hùng mà cũng lắm đau thương của bà.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *