Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu năm nay, Bộ Tư lệnh Hải quân và Hải quân Vùng E đã tổ chức chuyến đi thăm, tặng quà và chúc tết nhân dân và chiến sĩ các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du và Hòn Đốc… thuộc vùng biển Tây Nam nước ta. Cùng tham gia hành trình có hơn 70 đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và hơn 30 nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Nhân chuyến đi này, nhóm phóng viên Đài PTTH Vĩnh Long đã thực hiện loạt ký sự : “Mùa xuân trên biển Tây” để ghi nhận những hoạt động nhộn nhịp đón xuân của nhân dân và chiến sĩ các đảo xa, những hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên đảo, những tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của vùng biển đảo Tây Nam nước ta…

Kỳ 2 – Kỳ thú Hòn Khoai, Hòn Chuối

Rời đảo Thổ Chu, chúng tôi lên tàu đi đảo Hòn Khoai. Sáng sớm, Hòn Khoai rõ dần những vách núi đá hoang sơ với nhiều hình thù lạ mắt. Mọi người vừa ngắm Hòn Khoai vừa xôn xao bàn tán : Sao lại gọi là Hòn Khoai, Hòn Chuối? Hay là trên đảo này trồng nhiều khoai, đảo kia trồng nhiều chuối?…

Hòn Khoai không có cầu cảng nên chúng tôi phải xuống tàu nhỏ trung chuyển vào gần bờ. Mỗi chiếc tàu nhỏ này chỉ chở được hơn 50 người nên phải chở hai chuyến mới đủ cho cả đoàn. Từ tàu nhỏ này, phải trung chuyển lần hai bằng loại ghe nhỏ, mỗi ghe chỉ chở được 7, 8 người… Phải mất hơn một giờ đồng hồ mới đưa hết được khách và cánh nhà báo chúng tôi lên bờ ở “Bãi Đá trứng” phía Tây đảo Hòn Khoai… Tên “Bãi Đá trứng” là do các nhà báo chúng tôi đặt tạm vì trước mắt chúng tôi là cả một vùng biển phía Tây đảo dường như có ai sắp đặt với những hòn đá tròn, lớn và có kích cỡ tương đương nhau. Không hiểu sự xâm thực của biển và những chuyển biến địa chất diễn ra hàng ngàn năm trước như thế nào mà biển đã vo tròn đều đặn hàng triệu viên đá rồi rải ra khắp bãi biển này… Thiên nhiên thật là kỳ diệu.

Hòn Khoai nằm cách đất liền gần 20km, thuộc địa phận xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Cụm đảo Hòn Khoai có diện tích 577 hecta, trong đó, đỉnh cao nhất là 318m. Rừng nguyên sinh là vốn quý nhất của Hòn Khoai hiện nay. Cán bộ và chiến sĩ đồn Biên phòng Hòn Khoai đã trang trí sẵn hội trường, chuẩn bị đón tiếp đoàn đến thăm, tặng quà và chúc tết. Đây là đơn vị đóng chốt ở chân núi. Trên đỉnh là đơn vị Rada và trạm Hải đăng… Chung quanh Hòn Khoai còn có 5 đảo nhỏ nên còn gọi là cụm đảo Hòn Khoai.

Theo con đường dốc thoai thoải dẫn lên ngọn Hải đăng, hai bên là cánh rừng nguyên sinh thuộc loại quý hiếm ở nước ta. Theo khảo sát của các nhà khoa học thì rừng Hòn Khoai còn lưu giữ được hơn 1.000 loài thực vật và hàng trăm giống chim thú, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang được bảo vệ. Hải đăng Hòn Khoai là một trong những ngọn hải đăng đầu tiên của vùng biển Tây, vị trí hải đăng này có đỉnh cao 318m so với mặt biển… Hải đăng này do thực dân Pháp xây dựng năm 1920 và có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng dẫn tàu thuyền ở khu vực biển Đông và Vịnh Thái Lan. Hải đăng xây theo hình khối, cao 14,5m. Từ đỉnh hải đăng có thể nhìn bao quát khắp các đảo và đất liền nếu thời tiết tốt…

Cũng trong ngày, tàu HQ627 chuyển hướng đưa chúng tôi qua đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Cũng như khi đến Hòn Khoai, tàu phải neo đậu cách xa khoảng 2km để tránh va đá ngầm. Chúng tôi lại phải đi hai lần tàu trung chuyển mới vào được bờ. Mùa này, bờ phía Nam gió nhẹ nên dễ cặp tàu, nhưng ở đây cũng không có bến nên mọi người phải bám theo các tảng đá để leo lên…

Cả 2 đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối còn được gọi là “đảo khát”. Mùa nắng khô hạn. Mùa mưa mới có mạch nước ngầm tích tụ trên núi chảy xuống… Mùa nắng, bà con phải mua nước ngọt với giá 5.000 đồng một thùng 25 lít và chỉ dùng để nấu ăn chứ không được dùng tắm giặt… Nước ngọt lúc đó thật quý… Chỉ vài mươi người sống gắn bó với đảo xa, cuộc sống chắc hẳn còn nhiều khó khăn. Nhưng đến với bà con mới hiểu rõ họ thật phóng khoáng, sống gần gũi với thiên nhiên, với biển trời mênh mông, quanh năm sóng vỗ… Tạm chia tay với Hòn Chuối, Hòn Khoai… Những cái tên mộc mạc, thân thương, gắn bó với quả chuối, củ khoai thân thuộc nơi đất liền… Nhân dân đất liền luôn hướng về đất đảo… Xin chúc bà con và chiến sĩ biên phòng một mùa xuân tràn đầy hạnh phúc…Một số phóng viên ở lại tàu, có lẽ vì lý do sức khỏe, một số theo đoàn lên đỉnh núi chúc tết cán bộ, chiến sĩ trạm Rada Hòn Chuối. Chúng tôi ở lại chân núi để thăm vài hộ gia đình đang sinh sống tại đây. Theo thống kê, dân cư sống quanh đảo có trên 40 hộ, hầu hết sống tập trung ở phía Bắc đảo. Nhà cửa khá tạm bợ vì phải di dời theo mùa. Mùa gió bấc, họ chuyển qua sống ở phía Nam. Mùa gió nồm thì chuyển qua phía Bắc… Bà con cho biết, đảo có tên là Hòn Chuối vì trên đảo trồng rất nhiều chuối, đến mùa thu hoạch, bà con bán cho tàu buôn có lúc đến hàng trăm tấn. Tiếc là khi chúng tôi đến thì chuối chỉ mới trổ hoa…

Bài và ảnh : Quách Nhị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *