Thực hiện hành trình 1.100 hải lý, tàu Hải quân HQ 996 mang hơi ấm đất liền đến với Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam ở biển Đông. Trong hành trình ấy, đại biểu của nhiều tỉnh – thành đã có những cuộc họp mặt với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hải đảo vui như ngày hội, những cuộc viếng thăm đầy ấn tượng và những tình cảm dạt dào như không còn khoảng cách giữa đất liền với đảo xa.
Nhận lời mời của Bộ Tư lệnh Hải quân, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã cử Đoàn đại biểu Đảng bộ và ban, ngành của tỉnh tham gia chuyến công tác tại huyện đảo Trường Sa, do ông Nguyễn Văn Diệp – Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Chuyến công tác trong chương trình tuyên truyền về chiến lược biển Việt Nam lần này có trên 150 đại biểu của nhiều tỉnh – thành trong cả nước.
![]() |
Tàu HQ 996 |
10 giờ 5 phút ngày 02/05/2008, tàu HQ 996 nhổ neo, kéo 3 hồi còi chào tạm biệt bến cảng Ba Son… Chúng tôi biết rằng : những bàn tay vẫy chào của những người trên cảng kia không đơn thuần là cái vẫy chào lưu luyến của người ở lại, mà còn là sự gởi gắm tình cảm của đất liền đến với các chiến sĩ ở đảo xa. Từ lúc khởi hành, đối với chúng tôi, con tàu là nhà. Một tòa nhà nổi trên mặt nước, cao 4 tầng, với 200 giường ngủ. Tàu HQ 996 có trọng tải hàng ngàn tấn và có khả năng vượt qua những cơn bão cấp 6, cấp 7. Từ cảng Ba Son, tàu chạy ra tới cửa biển Vũng Tàu thì bóng chiều đã ngả về Tây. Từ phía biển nhìn vào, thành phố du lịch này đẹp như bức tranh thủy mặc. Bấy giờ là cuối tháng 3 âm lịch, còn là tháng “bà già đi biển” nên trời vẫn trong và mặt biển phẳng lặng.
Sau hai ngày đêm, vượt qua hơn 300 hải lý, sáng sớm ngày 04/05/2008, đảo Trường Sa lớn đã hiện lên phía trước mũi tàu.
![]() |
Hải quân đảo Trường Sa lớn chào đón Đoàn đại biểu Đảng bộ và ban, ngành của các tỉnh |
Từ trên cao nhìn xuống, đảo Trường Sa lớn giống như một chiến hạm thả neo trên biển Đông. Đảo nằm ngang vĩ tuyến với mũi Cà Mau. Nếu tính đường chim bay, Trường Sa cách Vĩnh Long trên 700 km. Đây là một trong những đảo lớn nằm trong quần thể gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn… Chuẩn Đô đốc Hải quân Nguyễn Cộng Hòa vừa bước xuống tàu đã ân cần thăm hỏi các chiến sĩ vừa ra nhận nhiệm vụ ở đảo.
![]() |
Các em thiếu nhi trên đảo Trường Sa |
![]() |
Sân bay Trường Sa |
Người ở đất liền và người nơi hải đảo gặp nhau mừng vui như người thân đi xa mới về. Những cơn say sóng, những mệt mỏi của 2 ngày đêm vượt biển phút chốc như tan biến. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân lên Thị trấn Trường Sa là cảnh quang ở đây đẹp và yên bình như một hòn đảo du lịch.
![]() |
Cây bão táp |
![]() |
Cây phong ba |
![]() |
Hoa bàng vuông |
Trường Sa rợp bóng mát cây xanh. Nhiều nhất là ở đây là cây bàng vuông và cây bông tra. Cây bão táp cũng mọc nhiều ven bờ biển quanh đảo để che chắn sóng gió. Cây phong ba tuy ít hơn cây bão táp, nhưng lại rất cao to và vững chắc. Người ta bảo rằng : cây phong ba và cây bão táp là biểu tượng cho sự kiên cường của người lính đảo Trường Sa trước những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Cuộc họp toàn đoàn nghe Đảo trưởng báo cáo tình hình đời sống và công tác bảo vệ biển – đảo được tiến hành theo tác phong quân đội và Lễ trao quà cũng được diễn ra nhanh gọn. Cùng với các đoàn bạn, ông Nguyễn Văn Diệp, Trưởng đoàn Vĩnh Long đã thay mặt Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long trao tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Sau đó, tranh thủ thời gian quý báu, các đoàn tỏa đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Thị trấn Trường Sa.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Diệp, Trưởng đoàn Vĩnh Long đã thay mặt Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long trao tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa |
Trong ngày hội “Cả nước vì Trường Sa”, đoàn Vĩnh Long đã gặp gỡ và thăm hỏi chiến sĩ Nguyễn Hoàng Khải, quê ở Trà Ôn – Vĩnh Long. Anh là bác sĩ quân y, xung phong ra công tác ở đảo Trường Sa. Ở Thị trấn Trường Sa bây giờ, đời sống vật chất tuy khá phong phú nhưng về tinh thần thì vẫn luôn cần sự quan tâm chia sẻ từ đất liền. Một cánh thư hay một chút tâm tình từ đất liền mang ra hải đảo sẽ là món quà đáng quý.
![]() |
Đoàn Vĩnh Long đã gặp gỡ và thăm hỏi chiến sĩ Nguyễn Hoàng Khải, quê ở Trà Ôn – Vĩnh Long. Anh là bác sĩ quân y, xung phong ra công tác ở đảo Trường Sa |
![]() |
Lá thư của chiến sĩ đảo xa gửi đất liền |
Đêm đến, tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, chúng tôi đã hòa nhập vào đêm giao lưu văn nghệ sôi động. Hào hứng nhất là các bạn nữ trong đoàn Văn công Hải quân và các chiến sĩ trẻ trên đảo. Lần đầu tiên, chúng tôi được thưởng thức âm thanh dạt dào của sóng đại dương hòa quyện cùng sóng nhạc… Đây cũng chính là điệp khúc tuyệt vời của bản tình ca “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa”.
![]() |
Giao lưu văn nghệ với chiến sĩ Trường Sa |
![]() |
Cá ngừ đại dương |
![]() |
Mỏ Bạch Hổ và Mỏ Rồng về đêm |
Sau khi tạm biệt Thị trấn Trường Sa,Tàu HQ 996 chạy về phía mặt trời mọc khoảng 30 hải lý thì đến cụm đảo Đá Tây A. Bãi cạn, tàu thả neo ngoài xa. Chúng tôi chia từng nhóm đi bằng xuồng nhỏ vào đảo. Căn nhà nhỏ trên đảo bỗng chốc trở nên chật chội nhưng ấm áp nghĩa tình. Tại cụm đảo Đá Tây này, nơi căn nhà của khu hậu cần nghề cá, chúng tôi cảm thấy lòng tự hào dân tộc trào dâng khi tìm gặp bài thơ của Lý Thường Kiệt.
![]() |
Đảo Đá Tây A |
Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Trong quần đảo Trường Sa, còn có một hòn đảo mang tên là đảo Phan Vinh. Đảo mang tên người anh hùng liệt sĩ Hải quân Nguyễn Phan Vinh – một trong những chiến sĩ dũng cảm của đoàn tàu không số năm xưa. Đến với đảo Phan Vinh, bên cạnh sự chia sẻ tình cảm, ông Nguyễn Văn Diệp thay mặt các thành viên trong đoàn Vĩnh Long đã trao tặng cán bộ chiến sĩ chút quà từ đất liền. Dưới bóng mát cây xanh, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo trông thật yên ấm và nề nếp. Những lá thư viết vội để gửi chúng tôi mang về đất liền. Đường thư xa đến nghìn trùng nhưng dường như gần lắm trong trái tim người lính.
![]() |
Đảo Phan Vinh |
Chuyến đi này trùng với dịp kỷ niệm 53 năm ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955 – 7/5/2008). Trên boong thượng tàu HQ 996, chúng tôi được xem lại các hình ảnh đáng tự hào về hải quân Việt Nam. Phát huy truyền thống anh hùng, ngày nay, Hải quân Việt Nam đã không ngừng xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ Quốc…
![]() |
Đảo Tiên Nữ |
Từ xa, chấm nhỏ nổi trên mặt đại dương kia chính là “Lục giác đài” của đảo Tiên Nữ, nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của Tổ quốc. Đảo Tiên Nữ là một vành đai san hô khép kín. Nước biển ở đây xanh trong màu ngọc bích, gắn với huyền thoại về nàng tiên nữ xuất hiện giữa biển khơi và ban tặng bình yên cho hòn đảo xinh đẹp này. Đảo Tiên Nữ không chỉ là chốt tiền tiêu trên biển Đông, mà còn là nơi trú ngụ bình yên cho những đoàn tàu đánh bắt xa bờ khi gặp giông tố…
![]() |
Đảo An Bang |
![]() |
Các chiến sĩ Trường Sa trồng rau để cải thiện bữa ăn |
Trong hành trình trở về, chúng tôi đã đổ bộ lên đảo An Bang đầy sóng gió. An Bang không chỉ là lá chắn quan trọng, mà còn là người dẫn đường ở huyện đảo Trường Sa. Tình nghĩa đất liền và hải đảo bỗng chốc hóa nên gần…
![]() |
Nhà giàn DK1 |
Tạm biệt An Bang, chúng tôi về Quế Đường ghé thăm nhà giàn DK1. Đây là một trong 14 nhà giàn cao chân được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam. Chân có độ sâu khoảng 30 m. Phần nhà giàn nổi trên mặt biển cũng cao ngần ấy. Hơn nửa ngày trôi qua, chúng tôi vẫn chưa đặt chân lên nhà giàn vì sóng gió mỗi lúc một mạnh thêm. Vượt đường xa hàng trăm hải lý, đến đây, chỉ đứng nhìn, không đến với nhau được… Trước lúc chia tay, Chỉ huy đoàn đã tổ chức giao lưu giữa cán bộ, chiến sĩ nhà giàn với đoàn cán bộ qua máy bộ đàm và loa phóng thanh…
Rời khỏi nhà giàn DK1, chúng tôi tạm biệt các anh – những chiến sĩ kiên trung ngày đêm canh giữ biển trời và hải đảo của Tổ Quốc.
Tạm biệt Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
Cả nước luôn hướng về Trường Sa.
Trường Sa mãi mãi không xa, vẫn luôn ở trong tim mọi người.
Tư Duy