Mimi dễ thương

 
Đi du lịch theo tour, đặc biệt là tour nước ngoài như thế này, có một điều khiến tôi luôn cảm thấy tiếc nuối là hầu như không có dịp để được tiếp xúc với người dân địa phương. Vì vậy, nhận ra Kim Sum Gun – người lái xe trên đảo Jeju – thường hay chào chúng tôi bằng một câu tiếng Việt “Xin chào!”, tôi lập tức thấy có thiện cảm với ông.

Kim Sum Gun khoảng 60 tuổi, có vẻ ngoài giống một người đàn ông Trung Quốc hơn là người Hàn. Mỗi khi ông nói “Xin chào!”, tôi đều đáp lại bằng một câu đơn giản : “Chú!”. Giả sử, tiếng Việt Kim Sum Gun biết nhiều hơn hai câu “Xin chào!” và “Chúc sức khỏe!”, tôi chắc ông cũng khó mà đoán cái từ “Chú!” của tôi bao hàm một ý nghĩa lớn hơn lời chào hỏi. Tuy nhiên, tôi thấy mình cũng không cần phải băn khoăn nhiều về điều đó. Buổi sáng đầu tiên ở Jeju, vì thức dậy sớm hơn giờ quy định phải có mặt ở Nhà ăn nằm dưới tầng hầm, tôi liền tranh thủ đi lang thang ra bên ngoài khách sạn. 6 giờ 15 phút giờ địa phương, đường phố vắng tanh, sương mù giăng mắc như một tấm khăn voan màu lam nhạt choàng lên những con đường uốn lượn ngoài xa. Bất chợt, từ dưới con dốc đầu phố vẳng đến bên tai tôi tiếng hát trầm của một người đàn ông. Tôi bước ra đứng giữa lòng đường không bóng người để chờ xem cái người một mình hát hò đang đi tới đó là ai. Đó là một người đàn ông trạc tuổi Kim Sum Gun, bận bộ đồ mùa đông màu xanh lá cây giản dị, đi một chiếc xe đạp cũng rất giản dị. Trời xui đất khiến thế nào, khi ông đi ngang, tôi bỗng mỉm cười. Lập tức, người đàn ông nhảy xuống xe, quay lại tay bắt mặt mừng, nói chuyện với tôi bằng thứ tiếng Hàn ríu ra ríu rít, như thể chúng tôi đã quen nhau từ đời kiếp nào. Theo những gì tôi có thể hiểu, thì tên ông là Thi Vi. Thi Vi tháo từ yên sau xe đạp một xấp ảnh màu khổ lớn, đựng cẩn thận trong một tấm bìa nylon. Vừa nhẹ nhàng lần dở từng tấm ảnh đưa cho tôi xem, Thi Vi vừa kể cho tôi nghe về công việc và gia đình. Chắc chắn, ông đã từng làm sếp trong ngành xây dựng, và giờ đây, có lẽ đã nghỉ hưu, ông sống với vợ của mình. Rồi cứ vậy, chúng tôi người tiếng Hàn, người tiếng Việt, tiếng của ai người nấy nói mà sự cách biệt về ngôn ngữ đã không ngăn chúng tôi cảm thấy niềm hân hoan trong sự giao tiếp tình cờ này. Sau đó, chúng tôi chia tay. Đang ở lưng chừng đoạn đường lên dốc, Thi Vi không lên xe đạp, mà chậm rãi dắt xe đi. Cứ mỗi phút, cả hai chúng tôi đều ngoảnh lại nhìn nhau, cho đến khi Thi Vi lên tới đỉnh dốc và khuất dạng phía bên kia con đường. Sau này, trong một đêm ghé lại phòng chúng tôi ở khách sạn Noblesse – Seoul, Minh Ngọc kể rằng, người già ở Hàn Quốc đang sống rất cô đơn. Xã hội phát triển chia thế giới ra làm hai : một của người trẻ và một của người già, sự dung hòa hầu như không có. Ở nước Hàn, con cái không cùng sống một nhà với mẹ cha, và sự khác biệt quá lớn giữa các thế hệ đã khiến họ khó gặp nhau theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhất là đối với những người già sống ở nông thôn và con cái họ từ lâu đã chuyển ra thành phố. Cái giá của sự phát triển thật không nhẹ nhàng. Rất có thể, cả Kim Sum Gun và Thi Vi mà tôi đã gặp đều đang sống một cuộc đời như thế.

Vào lúc chia tay ở sân bay quốc tế Jeju, Kim Sum Gun ôm chặt lấy tôi. Tôi chỉ còn biết nói một câu : “Chúc sức khỏe, chú!”. Rồi tôi đi. Tôi chắc sẽ khó có dịp để quay lại Jeju, càng không thể mong có ngày gặp lại Kim Sum Gun và Thi Vi. Sự mong manh hư ảo của đời sống xui khiến tôi cất giữ hình ảnh họ một cách cẩn thận trong trái tim mình. Đối với tôi, nơi đó mới chính là bảo tàng tình yêu quý giá nhất của cuộc đời.

Thu Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *