Nhìn bên ngoài, các ngôi nhà ở Seongeup đều giông giống nhau. Cổng rào và mái nhà lợp lá được trang trí bằng cây bí ngô. Dây bí ngô bò quanh hàng rào, sau đó trườn lên mái lá rồi nghiễm nhiên vừa nằm phơi nắng vừa trổ bông kết trái ở đó. Đã sang đông, dây bí ngô héo khô, nhưng trái bí ngô vẫn vàng tươi, lũ khũ nằm chen nhau trên giàn mái trông thật ngộ nghĩnh. Ngôi nhà truyền thống của Jeju nhìn từa tựa như ngôi nhà ba gian ở Bắc Bộ ngày xưa, tường thấp, phòng nhỏ. Gian đầu hồi bên phải dùng làm phòng ngủ, gian giữa là phòng sinh hoạt chung, gian cuối là nhà bếp, hoặc ngược lại. Trong nhà bếp, bếp lửa chụm bằng thân cây rừng còn đang cháy rừng rực, phả hơi ấm ra ngoài không gian mùa đông lạnh giá. Như hầu hết các ngôi nhà nông thôn, trong khuôn viên ngôi nhà ở Seongeup cũng có nhiều khu vực riêng biệt, chỗ nuôi gia súc, nơi làm nhà kho, chỗ chất củi, ủ trà… Trong gian ủ trà, những chiếc bình bằng gốm được vùi xuống đất, chỉ để nhô lên phần miệng bình đã được nút kín, bên trong chứa trà và mật ong rừng lấy từ núi Halla. Trà mật ong được ủ trong hai năm, sau đó mới đem ra đóng gói thành sản phẩm bán cho khách du lịch. Ở Jeju, cách thức mà người nông dân ngày xưa sử dụng để lấy nước mưa khá đặc biệt. Hoàn toàn khác với cách đặt máng xối dưới mái hiên của người Việt Nam, người Jeju lấy nước mưa từ những thân cây trồng trong sân nhà. Dưới mỗi gốc cây đều có để một chiếc lu bằng gốm. Một sợi dây bện bằng một loại thân cỏ khô quấn quanh thân cây, sau đó thắt đuôi sam rồi thả xuống lu. Khi trời mưa, nước mưa sẽ theo đó chảy vào lu.

 
 Góc nhà xưa

 
Làng truyền thống Seongeup có khoảng 500 ngôi nhà xưa, được bảo tồn để phục vụ cho ngành du lịch của Jeju. Đó là những ngôi nhà được xây dựng cách đây đã hàng trăm năm. Theo đúng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những ngôi nhà ở Seongeup được Nhà nước chịu trách nhiệm bảo dưỡng và duy tu. Ngoài ra, mỗi tháng, chủ nhà còn được cấp một khoản tiền nhất định. Về phía mình, họ chỉ phải chịu trách nhiệm quản lý nhà và mở cửa khi có HDV đưa khách đến tham quan. Chủ nhà cũng có thể làm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình bằng cách kết hợp với việc sản xuất các loại đặc sản của địa phương và bán cho khách du lịch đến tham quan ngôi nhà của mình. Ở Seongeup, chúng tôi đã mua được một số loại đặc sản như mật ong, trà mật ong và mật ong linh chi để mang về làm quà cho gia đình. Tuy chỉ là một mắt xích trong chuỗi liên hoàn các dịch vụ trên đảo, nhưng cách thức tổ chức làng truyền thống cho thấy một cách làm du lịch địa phương tương đối nhẹ nhàng và mang lại hiệu quả cho cả chính quyền lẫn người dân. Thật ra, nhìn trên tổng thể, Jeju mà tôi đã biết với Yong Du Am – bãi biển nổi tiếng tôi từng nhắc đến – làm sao có thể sánh được với biển Phú Quốc hay biển Côn Đảo ở Việt Nam, cũng như đường lên núi Halla tuy đẹp nhờ rừng cây lá đỏ, nhưng về mức độ của sự hùng vĩ thì cũng không thể so sánh được với những cung đường hiểm trở của Tây Bắc nằm cheo leo bên những thửa ruộng bậc thang kỳ ảo hay những cung đường trong vắt và hoang sơ mới mở đang nối liền miền Trung với Tây Nguyên. Còn nếu xét về mức độ tiếp cận với đời sống thực tiễn của người dân địa phương – một yếu tố đặc biệt hấp dẫn trong du lịch – thì mô hình làng truyền thống Seongeup cũng không thể so sánh được với mô hình du lịch sinh thái ở ĐBSCL hay cao hơn nữa là mô hình du lịch cộng đồng ở nước Nhật mà tôi từng được nghe một người bạn kể lại. Thế mạnh của Jeju nghiêng về sự hoàn hảo của cơ sở hạ tầng cũng như sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng trong tổ chức – quản lý. Nói cách khác thì có thể thấy, ở Jeju, trình độ công nghệ đã vượt lên trước ưu thế của tự nhiên và ngành du lịch đã dựa vào đó mà phát triển mạnh mẽ, góp phần rất lớn cho nền kinh tế của Jeju, người dân sống khỏe nhờ dịch vụ du lịch. Jeju một lần nữa chứng minh rằng, trong ngành công nghiệp không khói, đời sống bản địa và sự khác biệt về văn hoá tự nó đã là tiềm năng, vấn đề còn lại chỉ là hạ tầng cơ sở, trình độ và kỹ năng tổ chức – quản lý – điều hành. Jeju chỉ có khoảng 560.000 dân, ngoài yếu tố lý tưởng về vị trí địa lý, lợi thế kết cấu thiên nhiên không hẳn xuất sắc, cũng không phải thiên đường mua sắm như Seoul mà mỗi năm có thể đón hơn 4 triệu khách du lịch thì đó quả là một điều rất đáng để chúng ta quan tâm suy nghĩ. 

 

Thu Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *