Đường lên núi

Ngày nay, Jeju là một thành phố phát triển có phong cách thật sự hiện đại. Nhìn bề ngoài, Jeju không phải là một thành phố lớn, có thể làm choáng mắt du khách tựa một số thành phố khác như Nam Seoul hay Thượng Hải của Trung Hoa. Nhà cửa ở Jeju trung bình chỉ cao 5 – 7 tầng hoặc 3 – 4 tầng. Rất nhiều nhà phố xinh xắn ốp gạch đỏ, gạch vàng, trông ấm cúng giữa trời đông tháng giá. Đường phố phẳng lỳ, nhiều tầng nhiều lớp, chia tuyến, phân ranh, kẻ vạch chỉ dẫn bằng sơn trắng sơn vàng rất rõ ràng, đẹp mắt. Phố ít xe, vắng người nhưng có nhiều cây và hoa. Những hàng cây lá đỏ, đôi khi là một cây lá vàng còn sót lại của mùa thu bất thình lình nhô ra trên phố vắng khiến cho cảm nhận về sự hài hòa giữa thiên nhiên với con người phút chốc trở nên thật trọn vẹn. Chậu gốm trồng bông từng chùm ba chiếc đặt rải rác trên các con đường nội ô phô ra những cánh hoa bươm bướm màu trắng, màu vàng điểm vân tím hay màu đỏ boocdo điểm vân trắng, tạo nên những chấm sáng lung linh trong buổi sáng mờ sương.

Trên những nẻo đường nằm trong số 250 km đường nhựa dọc ngang Jeju mà chúng tôi đã đi qua, ấn tượng nhất có lẽ là những vườn quýt vàng trĩu quả. Ở Jeju, quýt là loại trái cây đặc sản, giống như cây bưởi Năm Roi ở Bình Minh quê mình. Hàng cây số, những vườn quýt trải dài hai bên đường cao tốc, có đôi khi được trồng cách quãng thành từng hàng trên vỉa hè như thể nhân tiện điểm tô thêm cho con đường viễn du – một cảnh tượng kỳ lạ mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào đã đi qua. Những ngày này, nhiệt độ ở Jeju không thay đổi, luôn nằm trong khoảng từ 3 – 4 độ C. Người còn thấy lạnh mà không hiểu sao, cây quýt Jeju lá vẫn xanh và trái vẫn vàng ửng lên một màu cam rực rỡ.

Ra khỏi thành phố vài cây số, địa hình Jeju dần trở nên hoang vắng. Đồi và núi, rừng cây nhỏ và những cánh đồng không mông quạnh. Sau này, trên đường trở lại Seoul, từ trên máy bay nhìn xuống mặt đất, tôi cũng bắt gặp một cảnh tượng tương tự. Địa hình đất nước hoang sơ và vắng lặng, không bóng người. Có cảm giác đất nước 48 triệu dân này khá vắng vẻ. Tôi nhớ lại ấn tượng thường trực về một sự sắp đặt trật tự, chính xác và hiệu quả không phải chỉ trong không gian bên ngoài của Jeju, mà còn trong chính căn phòng của chúng tôi ở khách sạn Crystal, trong các điểm tham quan, Nhà Bảo tàng, các nhà hàng… tóm lại là ở mọi lúc mọi nơi. Một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, tôi bắt đầu hình dung về một đất nước mà sự thuyết phục của nó hoàn toàn không phải chỉ ở trình độ công nghệ phát triển cao, mà trước hết và quan trọng nhất chính là ở cách thức mà người ta tổ chức và sắp xếp đất nước của mình. Trong khi phát huy tối đa trình độ công nghệ cao, tức là sử dụng năng lực của trí tuệ vào việc xây dựng chất lượng cuộc sống thì những chủ nhân của đất nước này đồng thời cũng cực kỳ tỉnh táo trong việc tính toán sao cho có thể hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác các nguồn lực tự nhiên, trong đó dễ thấy nhất chính là vấn đề về không gian và tài nguyên đất đai.

Jeju lặng im

 
Jeju với những ngôi nhà đá đỏ, những chiếc ghế gỗ mộc mạc gợi nhớ đời sống thôn dã của một thời chưa quá xa, những vườn quýt chín vàng, những hàng cây bình thản đứng dưới trời sương giá. Lẽ thường, tôi phải thấy Jeju rất bình yên. Nhưng không. Vào lúc máy bay cất cánh hướng ra biển để trở lại Seoul, ngoảnh nhìn lại, tôi thấy Jeju đứng đó, lặng im. Giữa biển xanh, Jeju không thể nói không đẹp, mà tôi biết, đó lại là một mảnh đất rất khó để có thể chạm tới. 

Thu Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *