Ông Trần Mộng là một trong những người từng đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Đoàn Văn công, đồng thời cũng là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu. Ông cho rằng, không có tác phẩm hay để dàn dựng và biểu diễn thì chẳng khác nào có quân mà không có vũ khí. Ông và nhiều đồng nghiệp luôn phải tập trung tư tưởng, trí tuệ cao độ trong mọi hoàn cảnh, dù nơi yên tĩnh hay chốn bom gầm, để tạo nên những tác phẩm thật sự là món ăn tinh thần, đồng thời cũng là một thứ vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Nhiều vở cải lương, kịch cải lương ngắn của ông đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem như : Lửa đốt màn đêm, Bước chân đã chọn, Giải phóng Phật đường…

Hiện tại, phần lớn anh chị em trong đoàn đều đã giã từ sân khấu, riêng anh Nguyễn Văn Đoàn và chị Huỳnh Thị Sáu vẫn đang góp sức duy trì và phát triển Đoàn Văn công – Công an tỉnh Vĩnh Long. Trong giai đoạn từ năm 1968 – 1975, chị Sáu giữ nhiệm vụ chính trị viên, đồng thời vẫn là diễn viên ca múa của đoàn. Vào thời điểm chiến tranh ác liệt, lực lượng của đoàn bị tổn thất nặng nề, chị lại thay đồng đội làm cả nhạc công để giữ cho tiếng hát của các anh chị em mãi vút cao dưới tầm đạn thù. Nhiều chuyến lưu diễn đã để lại trong lòng chị những kỉ niệm khó phai.

Còn anh Nguyễn Trọng Đoàn, từ năm 1968 – 1975, anh đảm nhận nhiệm vụ Phó Trưởng đoàn, đồng thời là nhạc công violong. Năm 1971, khi đóng quân ở Vũng Liêm anh bị thương nặng. Tuy phải nằm Quân y viện dưỡng thương, nhưng anh vẫn thường xuyên có mặt trong những buổi diễn để phục vụ đồng chí, đồng bào. Sự khát khao của người dân là động lực giúp anh chiến thắng cơn đau, cầm vững tay đàn.

Sau bao mong muốn, chờ đợi, đến hôm nay, sau gần 30 năm, các cô, chú, anh, chị trong đoàn mới có dịp họp mặt để về thăm lại vùng căn cứ năm xưa. Họ say sưa hát cùng nhau, hồn nhiên, vui vẻ như những chàng trai cô gái thuở nào. Nhìn xe lao nhanh trên đường quốc lộ, không ai quên cái cảnh lội sông băng đồng giữa đêm khuya. Trong mớ hành trang tay xách vai mang có cả những nắp hầm công sự. Phải vượt qua bao gian khổ, hi sinh mới đem được tiếng hát lời ca về với đồng bào.

Những ngày đầu mới thành lập, đoàn ăn ở, sinh hoạt chủ yếu dựa vào dân, lưu diễn đến đâu thì ăn ở nhà dân đến đó. Từ năm 1964 trở đi thì căn cứ Tầm Vu, thuộc khu vực xã Nguyễn Văn Thảnh ngày nay, từng là nơi dừng chân lâu dài của đoàn. Sau thời gian lưu diễn, đoàn lại trở về đây để nghỉ ngơi và dàn dựng tiết mục mới. Thù lao mà họ nhận được chính là sự yêu mến của bà con. Gia đình bà Nguyễn Thị Hai và rất nhiều người trong xóm nầy đã hết lòng giúp đỡ đoàn.

Tiếng nhạc lời ca có sức mạnh cổ vũ động viên rất to lớn trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Nó làm dịu bớt nỗi buồn khi mất mát, hy sinh, nó thôi thúc bao chàng trai cương quyết ra đi đáp đền ơn sông núi và tạo nên niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng cuối cùng.

Bưng Sẩm – khu căn cứ của Tỉnh uỷ và nhiều cơ quan khác cũng là nơi dừng chân của Đoàn Văn công tỉnh từ năm 1973 đến ngày hoà bình. Hôm nay, nhiều thành viên của đoàn trở về thăm lại gia đình ông Nguyễn Văn Mười Một, là một trong những gia đình căn cứ năm xưa. Họ không quên hát lại bài hát binh vận. Ngày xưa, cô Thu Hương – một ca sĩ của đoàn – thường tập dợt bài hát này mỗi khi chuẩn bị phóng thanh vào đồn giặc.

Ngoài việc dàn dựng và biểu diễn, ở khu căn cứ nầy, Đoàn Văn công Vĩnh Long cũng mở nhiều lớp ca múa nhạc để bồi dưỡng sáng tác, dàn dựng cho cán bộ, diễn viên của các địa phương. Đoàn còn làm ruộng để tự túc một phần lương thực. “Bộ đội gặp văn công như rồng gặp nước”, câu nói ấy đã minh chứng sự tác động mạnh mẽ của văn nghệ đối với người lính trong cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù.

Mười bốn năm có mặt trên những chiến trường khói lửa với quyết tâm đem lời ca át tiếng bom thù, đã có 20 cán bộ và diễn viên của đoàn hy sinh. Những người còn sống ít nhất một lần phải đổ máu vì bom đạn kẻ thù. Nghĩa trang huyện Bình Minh là nơi yên nghỉ của nhiều người. Nơi đây có mộ chí của ông Mười Xã – Trưởng Đoàn Văn công tỉnh từ năm 1965 – 1967, ông hy sinh khi đang ngồi viết thành tích của đoàn; mộ anh Châu Văn Cổn – đàn tân nhạc, là chồng của biên đạo múa Huỳnh Thanh Trang. Anh Lê Thanh Giang – chồng chị Huỳnh Thị Sáu và nhiều đồng đội của anh cùng yên nghỉ nơi nầy.

Đoàn Văn công Vĩnh Long đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Tiếng nhạc, lời ca, điệu múa của họ chính là vũ khí sắc bén, góp phần cùng toàn dân chiến thắng kẻ thù.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *