Trải qua quá trình lịch sử, cù lao Dài đã chứng minh sức sống của một vùng đất địa linh, nhân kiệt.

Cù lao Dài có chiều dài khoảng 20km, gồm 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện. Cù lao này thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, giáp với tỉnh Bến Tre ở hướng Đông và hướng Bắc, hướng Nam giáp với tỉnh Trà Vinh. Do vị trí trí này mà trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cù lao Dài có một vị trí hết sức quan trọng và là một trong những đầu cầu của đường dây giao liên T3. Theo lịch sử tỉnh Vĩnh Long, nơi đây là một trong những điển hình về khai hoang lập ấp trên địa bàn trấn Vĩnh Thanh dưới triều vua Gia Long. Từ giữa thế kỷ thứ XIX, cù lao này được xem là một mô hình đẹp về làng mới, ruộng vườn liền mạch, nổi tiếng là nơi đông đúc, no đủ.

Ở xã Thanh Bình hiện nay còn lại 2 khu lăng mộ lớn được xây dựng cách nay khoảng 180 năm. Đó là khu lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết (mẹ Thoại Ngọc Hầu) và lăng mộ của cha mẹ vợ ông (là ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán) đã được ông xây dựng vào những năm ông làm trấn thủ Vĩnh Thanh. Hai khu lăng mộ này là chứng tích góp phần xác định cù lao Dài chính là quê hương thứ hai của Nguyễn Văn Thoại – tức Thoại Ngọc Hầu – khi ông cùng gia quyến chạy loạn từ Quảng Nam vào đây. Sau này, khi làm Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, ông đã di dân, lập ấp, dựng thành xã, thôn. Nhờ thế, cù lao Dài sớm trở nên no đủ và yên ổn. Buổi đầu, cù lao gồm 5 làng. Về sau, các làng này được nhập lại thành hai làng là Thái Bình và Thanh Khê. Sau đó, 2 làng này lại được sáp nhập và đổi tên là Thanh Bình. Có người cho rằng, đến sau Khởi nghĩa Nam kỳ, làng xóm không còn được yên ổn thanh bình nên xuất hiện tên làng mới là Quới Thiện. Những năm cuối thế kỷ 20, cù lao Dài chia tách thành 2 xã là Thanh Bình và Quới Thiện,

Những người sống lâu năm trên vùng đất nầy kể rằng, trước đây, có gần 6 tháng trong năm, đất thường xuyên bị ngập nước nên chỉ thuận tiện trồng lúa nước. Những vùng biền chéo khó cày cấy thì trồng lát. Mỗi nhà cũng trồng được vài loại cây ăn trái, nhưng thường thì phó mặc cho tự nhiên, trồng đời này thì đời sau mới được hưởng, như sầu riêng, măng cụt, bòn bon… Ngày nay, nhờ có sự đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, chuyển giao khoa học kỹ thuật, những giống cây con chất lượng cao đã tạo nên sự thay đổi lớn. Cù lao Dài trở thành một trong những xã có tiềm năng kinh tế năng động của huyện Vũng Liêm với những mặt hàng nông sản như trái cây ngon, cá da trơn, tôm nước ngọt… Tuy phần lớn diện tích đã chuyển sang chuyên canh trồng cây đặc sản, nhưng ở một số ấp ở đuôi cù lao thuộc xã Thanh Bình (như Bình Thuỷ, Thông Lưu) bà con vẫn còn giữ cây trồng truyền thống là cây lát. Trồng lát rất vất vả và cho thu nhập không ổn định, nhưng đây là loại cây trồng đã gắn bó với nghề thủ công truyền thống rất lâu đời của người dân nơi đây như dệt chiếu, se lõi lát… Những sản phẩm thủ công từ cây lát có thể giúp bà con tận dụng thời gian nông nhàn để tăng thu nhập cho gia đình và giữ được nghề truyền thống của cha ông. Ở Bình Thuỷ, Thông Lưu, hầu hết các hộ gia đình đều có máy se lõi lát. Mới đây, ấp Bình Thủy đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống. Sắp tới đây, với sự hỗ trợ của ngành chức năng, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất thảm từ lõi lát. Nếu dự định này sớm được thực hiện sẽ giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động ở địa phương, đồng thời nâng cao giá trị cây lát và nguồn thu nhập của bà con nông dân…

Lịch sử đấu tranh cách mạng trên vùng đất này đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Cù lao Dài lúc bấy giờ có tên là làng Thanh Bình và là một trong những nơi có thời gian chiếm giữ lâu dài nhất của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 ở Vũng Liêm. Lực lượng khởi nghĩa do ông Trần Ngọc Đảnh chỉ huy đã đánh chiếm đồn, bót canh, tề làng, thiêu hủy giấy tờ, thu được 1 súng và làm chủ tình hình suốt 3 ngày liền. Cuộc khởi nghĩa chỉ bị thất bại khi thực dân Pháp dùng máy bay, tàu chiến bắn phá dữ dội và đổ quân chiếm lại cù lao Dài. Tuy thất bại nhưng Khởi nghĩa Nam kỳ chính là tiền đề, là cuộc tổng diễn tập để tiến đến giành thắng lợi trọn vẹn trong cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ truyền thống Khởi nghĩa Nam kỳ, nhiều thế hệ người dân cù lao Dài đã tiếp tục chiến đấu và lao động sáng tạo để bảo vệ và xây dựng quê hương. Quá trình ấy đã sản sinh ra rất nhiều những người con ưu tú. Đó là nữ tướng Huỳnh Kim Phụng, thường gọi là Tám Phụng, người nữ anh hùng đã chỉ huy tổng tiến công xuân Mậu Thân ở 3 xã cù lao Đồng Phú, An Bình, Bình Hoà Phước và giành được thắng lợi to lớn… Đó là anh hùng vận chuyển trên con tàu không số huyền thoại Hồ Đức Thắng – người mà trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ ác liệt đã vận chuyển trên một ngàn tấn vũ khí và bảo vệ an toàn nhiều cán bộ của Đảng trong tổng số 19 lần chuyển hàng từ Bắc v&agrav
e;o Nam… Và còn rất nhiều những cái tên gần gũi thân thương, như chị Bảy chống càn, tiểu đội trưởng du kích Ba Chi, hay những người từng sống và chiến đấu ở địa phương như chị Tám Bông, anh hùng Nguyễn Văn Bánh… Họ mãi là niềm tự hào của người dân cù lao này…

Không có cuộc kháng chiến nào mà không gian khổ, không có thắng lợi nào mà không phải đánh đổi bằng biết bao mất mát hy sinh. Mẹ Việt Nam anh hùng Bạch Thị Thông – cũng như rất nhiều bà mẹ trên quê hương cù lao Dài – đã phải sớm chịu cảnh người đầu bạc phải khóc kẻ đầu xanh. Ba con trai của mẹ là Đào Công Luận, Đào Công Hải và Đào Công Nghiệp đã tham gia kháng chiến chống Mỹ và đều anh dũng hy sinh. Bản thân mẹ cùng chồng là ông Đào Công Hoá cũng là người trực tiếp tham gia công tác cách mạng. Đặc biệt, mẹ có 2 chị em khác cũng được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Điều đó không phải chỉ là niềm tự hào, mà còn phản ánh những hy sinh mất mát lớn lao của những người dân trên mảnh đất cù lao này.

Người dân cù lao Dài có quyền tự hào vì trên quê mình có nhà thơ từng nổi tiếng trên văn đàn miền Nam trước đây, đó là nhà thơ Truy Phong. Ông qua đời cách nay không lâu tại quê nhà. Trước đây, bộ bàn ghế mà ông hay ngồi để sáng tác được vợ con ông dùng để tiếp khách mỗi khi họ đến thăm nhà. Và từ quanh chiếc bàn này, những câu chuyện, những kỷ niệm về ông cứ lần lượt quay về. Nhà thơ Truy Phong có tên là Dương Tấn Huấn, ông tham gia giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945. Sau đó, ông gia nhập vào liên trung đoàn 109-111, phụ trách thông tin, tuyên huấn. Sau 1954, ông dạy học và làm thơ, viết báo rồi trở nên nổi tiếng trên văn đàn miền Nam. Tác phẩm “Một thế kỷ mấy vần thơ” của ông được in trên báo Tiến Thủ năm 1956 từng làm chấn động công luận Sài Gòn lúc bấy giờ. Ngoài ra, một số tác phẩm khác của ông như Tấm lòng quê, Dân quê kháng chiến, Thái bình trả lại, Mặt trời lên… đều thể hiện tình yêu quê hương sâu đậm…

Tuy cù lao Dài là một vùng đất sớm được xem là đông đúc, ấm no nhưng cũng còn rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đi lại. Hậu quả của cả trăm năm lệ thuộc và chiến tranh triền miên làm cho vùng đất này cũng chẳng còn gì ngoài những ngôi mộ cổ của lớp người quyền quí xưa. Trước ngày giải phóng, nơi đây không hề có bóng dáng một chiếc xe đạp nào và việc đi lại chủ yếu là đi bộ hay bằng xuồng ghe. Con đường vào đất liền lại càng khó khăn hơn bởi con sông Cổ Chiên tuy hiền hoà nhưng cũng không kém phần nguy hiểm, nhất là đối với những ghe xuồng nhỏ thông dụng của người dân. Bộ mặt kinh tế những năm sau chiến tranh và giai đoạn cải tạo nông nghiệp nhìn chung là ảm đạm. Kỷ niệm về một thời phải thực hiện chỉ tiêu trồng cả triệu cây dừa trên đất cù lao dễ mấy ai quên. Những năm 1990 đến cuối thế kỷ XX, cuộc đột phá về kinh tế vườn kết hợp đê bao ngăn lũ và giao thông nông thôn đã đem lại sự chuyển biến rõ rệt. Đó chính là thành quả của chính sách đổi mới, của sự nhạy bén năng động của người nông dân cũng như quyết tâm chỉ đạo của các cấp uỷ và chính quyền địa phương…

Anh Ba Kia là một trong những người nông dân tiên phong trong việc học hỏi vận dụng mô hình trồng cây ăn trái kết hợp đê bao chống lũ và giao thông nông thôn trên mảnh đất cù lao. Nhiều người kể lại rằng, vào đầu những năm 1990, khi việc canh tác nông nghiệp ở địa phương gặp nhiều khó khăn, anh Ba Kia cùng bạn là anh Ba Thơi đi tham quan mô hình vườn cây ăn trái kết hợp đê bao chống lũ ở Ngũ Hiệp (Tiền Giang) thấy đạt hiệu quả kinh tế cao. Anh về địa phương kể lại nhưng mọi người không tin. Sau đó, anh cùng cán bộ xã đi thực tế lần thứ hai. Mọi người đều tai nghe mắt thấy nên về địa phương bàn kế hoạch thực hiện. Vậy là một rồi đến hai và nhiều tuyến đê bao được hình thành bằng sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và nhân dân địa phương. Từ đó, rất nhiều người nông dân như anh Ba Kia đã làm giàu lên từ mảnh đất quê mình, điều mà ông cha xưa chưa làm được. Một bước ngoặt quan trọng đối với người dân cù lao vào những năm cuối thế kỷ XX là sự kiện xã đã hòa lưới điện quốc gia, dòng điện đã vượt sông về thắp sáng miền quê để thỏa lòng mong ước của người dân. Điện về cù lao đã góp phần xoá dần khoảng cách với đất liền. Điện phục vụ sinh hoạt, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là tạo điều kiện phát triển nghề thủ công ở địa phương…

Việc học hành của con em ở địa phương ngày nay cũng thuận tiện hơn. Ngôi trường cấp 2 của xã Thanh Bình vẫn rất sôi động dù là thời điểm mùa hè. Điều đó thể hiện sự quan tâm của ngành giáo dục và sự nhiệt tình của những thầy cô giáo. Trước đây, ở địa phương chỉ có trường tiểu học, đường vào đất liền thì rất khó khăn nên rất ít người học đến cấp 2. Ngày nay, đã có rất nhiều người ở địa phương trở thành thầy cô giáo. Với lòng yêu nghề, yêu quê hương, tất cả đang nỗ lực phấn đấu vì thế hệ đàn em, vì một ngày mai tươi sáng trên đất cù lao. Cuộc sống của người dân xứ cù lao cũng không ngừng được nâng cao nhờ những đầu tư về cơ sở hạ tầng. Trạm Y tế xã được trang bị những phương tiện cần thiết cùng đội ngũ những người thầy thuốc có tinh thần trách nhiệm và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với thế mạnh là vườn cây đặc sản như bòn bon, măng cụt, chôm chôm… và ưu thế về mặt nước ao hồ để nuôi trồng thuỷ sản, 2 xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện có điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nơi này vẫn chưa thật sự thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan nghỉ mát và thưởng thức những trái ngon đặc sản của quê mình. Đó là vẫn đề còn trăn trở của chính quyền và nhân dân địa phương.

Tuy không phải tất cả đều như mong muốn, nhưng nhờ sự cần cù thông minh sáng tạo, biết kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông xưa, người dân Cù Lao Dài đã tạo nên sự thay đổi rất ấn tượng trên quê hương. Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, diện mạo của một làng quê từng có một thời hưng thịnh trong quá khứ đã được khôi phục và phát triển rực rỡ hơn. Đó chính là nền tảng để hy vọng, để tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng trên vùng đất này.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *