Người cán bộ dân vận ở lĩnh vực nào thì phải có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực đó. Ví dụ làm nông vận thì phải biết nghề nông, vận động tôn giáo phải hiểu về các đạo giáo hay công tác Hoa vận, Khmer vận phải có hiểu biết về phong tục, tập quán, tiếng nói của họ. Nam giới muốn dễ dàng thâm nhập vào quần chúng thì phải làm được những việc mà quần chúng cần như lợp nhà, cắt tóc, dạy học v.v…, còn phụ nữ thường tận dụng những hiểu biết về nữ công gia chánh, đặc biệt là công tác y tế, hộ sinh.

Ở nông thôn, để làm tốt công tác dân vận, mỗi cán bộ đều phải thực hiện phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Thông qua các tổ chức biến tướng như Hội vần đổi công, cán bộ phụ giúp nhân dân lao động sản xuất, vận động nông dân bám đất, bám vườn, đấu tranh chống bắt lính, vận động thanh niên tòng quân nhập ngũ bảo vệ quê hương. Các cán bộ phụ vận tổ chức các tổ thêu thùa, may vá, làm bánh trái… để tuyên truyền đối với các chị em. Người cán bộ không phải chỉ biết dựa vào dân, mà còn biết đem lại những quyền lợi thiết thực cho họ.

Dù ở bất cứ địa bàn nào, người cán bộ dân vận phải thực hiện tốt 5 bước công tác là : điều tra nghiên cứu, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh. Sau nhiều năm làm công tác dân vận, điều bà Lưu Thị Trang tâm đắc nhất là ngoài việc thực hiện đúng 5 bước nói trên, phong cách của người cán bộ là rất quan trọng. Cán bộ không phải nói suông hay ra mệnh lệnh, mà phải thân thiết, gần gũi với nhân dân, phải gương mẫu trong sinh hoạt, lối sống, phải chinh phục được tình cảm của nhân dân bằng chính nhân cách, việc làm của mình.

Trong kháng chiến chống Mỹ trước đây, công tác phụ vận giữ vai trò rất quan trọng. Các bà, các chị không chỉ vận động trong giới mình, mà hầu như đã tham gia toàn diện công tác của Đảng. Bằng tài trí và lòng nhiệt tình của mình, những cán bộ phụ vận đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ, giúp họ vượt qua những định kiến hẹp hòi, tự hào khẳng định những cống hiến to lớn trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Có thể nói, chăm sóc y tế và hộ sinh chính là phương tiện giúp cho công tác phụ vận được thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Còn ở vùng kềm hay vùng đô thị, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cán bộ vẫn gầy dựng được cơ sở trong dân. Bằng cách tổ chức theo hệ thống chuỗi rễ, rất nhiều người dân đã đóng góp tiền bạc, thuốc men phục vụ kháng chiến, chuẩn bị được nguồn hậu phương tại chỗ mỗi khi mở chiến dịch. Đối với công tác thanh vận, cán bộ tìm cách thâm nhập vào trường học, vận động giáo viên, học sinh chống địch đôn quân, bắt lính, tổ chức mời những thanh niên có cảm tình cách mạng vào vùng giải phóng, tham gia những phong trào sôi nổi của tuổi trẻ như văn nghệ, thể dục thể thao, kết hợp tuyên truyền nhằm khơi dậy lòng yêu nước và chí căm thù giặc, tiến đến hành động cách mạng.

Gắn bó với công tác Đoàn nhiều năm trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, bà Nguyễn Thị Bảy không quên những gia đình vùng ven thị xã đã đùm bọc, che chở bà như gia đình bà Nguyễn Thị Huỳnh, ở xã Trường An. Đối với bà Bảy, những người như bà Huỳnh chẳng khác gì người mẹ hiền, vừa lo ăn lo ở, lại phải lo đến sự an nguy, khi bị bệnh thì lo thuốc men, săn sóc. Tình cảm cao quí của họ chính là động lực giúp người cán bộ nội thị vượt qua gian khó, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cán bộ luôn phải bám vào dân, nhưng có những thời kỳ bom đạn ác liệt, người dân không thể bám đất, buộc phải tản cư chạy loạn, hoặc bị địch gom vào ấp chiến lược thì người cán bộ phải bảo vệ vườn tược, tài sản của nhân nhân, có khi phải chăm sóc gia súc gia cầm… để người dân yên tâm và tin tưởng vào cách mạng.

Làm tốt công tác dân vận cũng là thực hiện đúng quan điểm quần chúng của Đảng. Chính vì thế, người cán bộ trong kháng chiến chống Mỹ đã để lại tình cảm thật tuyệt vời : đi dân nhớ, ở dân thương. Đối với nhiều cán bộ, làm tốt công tác dân vận cũng là tạo ra cơ hội cho bản thân tránh được những mối hiểm nguy.

Đối với ông Ngô Ngọc Bỉnh, những kinh nghiệm của công tác dân vận trong kháng chiến chống Mỹ đã giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời bình. Lắng nghe dân, hiểu được lòng dân, luôn sát với dân mới có thể đáp ứng được quyền lợi chính đáng của người dân. Tuy không phải ba cùng với nhân dân như trước đây, nhưng làm công tác dân vận không phải chỉ có hội nghị hay chỉ thị hoặc hình thức chung chung, mà phải nghe người dân nói nói sao cho người dân nghe được mà đồng lòng ủng hộ thì công tác dân vận mới thậ
t sự đem lại hiệu quả.
Có thể nói, nhờ làm tốt công tác dân vận mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nói chung và của người dân Vĩnh Long nói riêng đã đi từ chỗ không đến có, từ yếu đến mạnh và tiến lên giành thắng lợi trọn vẹn. Người dân Vĩnh Long đã đóng góp hàng chục ngàn tấn đồng thau, hàng ngàn lượng vàng, hàng trăm ngàn giạ lúa và nhiều tài sản quí báu khác cho cách mạng. Biết bao người con ưu tú của Vĩnh Long đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên khắp các mặt trận, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà.

Bác Hồ đã dạy : Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

Thời đại hôm nay tuy đã khác xưa, nhưng lời dạy của Bác vẫn mang tính thời sự, bởi công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Làm thế nào để huy động được sức mạnh của cả dân tộc như thế hệ cha anh đã làm luôn là vấn đề cần được quan tâm.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *