Cách đây 48 năm, có một sự kiện đã làm nức lòng cán bộ chiến sĩ và nhân dân Vĩnh Long. Đó chính là sự kiện tiêu diệt Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba ngày 16.6.1960 ở cống Bờ Sao, xã Song Phú, huyện Tam Bình. Khưu Văn Ba bị tiêu diệt dẫn đến khu trù mật Cái Sơn bị phá, làm thất bại kế hoạch dồn dân lập ấp của chính quyền Ngô Đình Diệm, tạo đà cho cuộc nổi dậy trong phong trào Đồng Khởi của quân và dân Vĩnh Long ngày 14.9.1960. Gần đây, có người tự xưng mình đã dùng mỹ nhân kế để giết chết Khưu Văn Ba một cách rất dễ dàng tại Dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Long. Điều đáng tiếc là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt đó đã được viết thành sách và cho phát hành rộng rãi. Hành động này đã xúc phạm đến Đảng bộ và quân dân Vĩnh Long, nhất là đối với những người đã trực tiếp làm nên chiến tích trên. Để một lần nữa khẳng định chiến công tiêu diệt Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba của quân và dân Vĩnh Long là một thực tế lịch sử không gì có thể thay đổi được, chúng ta cùng lật lại những trang lịch sử của sự kiện này..

Trong giai đoạn 1954 -1960, phong trào cách mạng ở Vĩnh Long cũng như các tỉnh miền Nam lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm ngày càng lao sâu vào con đường phát-xít, ráo riết thực hiện tố cộng, diệt cộng, tàn bạo trả thù những người theo kháng chiến cũ. Chúng lập ra cái gọi là “khu trù mật”, “khu dinh điền” với ý đồ tách dân ra khỏi lực lượng kháng chiến, hòng tiêu diệt cơ sở cách mạng. Đồng thời, Diệm còn ra đạo luật 10/59, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Chúng lê máy chém đi khắp nơi, thẳng tay chém giết những người yêu nước. Thời kỳ này, cán bộ ta bị tiêu hao liên tục, nhiều cơ sở cách mạng bị tan vỡ, nhiều chi bộ bị mất trắng.

Ở Vĩnh Long, chúng cho thành lập thí điểm 2 khu trù mật ở Cái Dầu và Cái Sơn. Khu trù mật Cái Sơn lúc ấy nằm trong địa phận xã Song Phú, huyện Tam Bình, có chiều dài khoảng 2 km, do Khưu Văn Ba lúc bấy giờ vừa là Tỉnh trưởng, Chỉ huy trưởng, vừa là Đốc phủ sứ trực tiếp chỉ đạo. Ngày nay, vị trí khu trù mật được xác định là tại khu vực trường cấp I và cấp II xã Long Phú. Sở dĩ địch chọn Cái Sơn làm khu trù mật vì cho rằng nơi đây chính là trung tâm của các vùng căn cứ kháng chiến cũ, là nơi từng nuôi chứa, bảo vệ các cơ quan Huyện ủy, Tỉnh ủy Vĩnh Long. Nếu gom hết người dân vùng này vào khu trù mật thì lực lượng kháng chiến không thể nào tồn tại được. Giống như khi đã tát hết nước rồi, chúng chỉ còn việc bắt cá nữa mà thôi. Hàng ngày, địch bắt hàng chục ngàn dân công ở các huyện đến nhổ lúa, đào đất, đắp đường… Cuộc sống của người dân vì vậy vô cùng khốn đốn.

Tháng 8/1957, tiểu đoàn vũ trang, tuyên truyền của tỉnh được thành lập, lấy tên là Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt, hay còn gọi là Tiểu đoàn 857. Tiểu đoàn này do đồng chí Tư Bế làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Nguyễn Ký Ức làm Chính trị viên. Tiểu đoàn vừa hoạt động vũ trang tuyên truyền gây dựng cơ sở, vừa diệt ác ôn theo chỉ thị của Tỉnh uỷ để hỗ trợ quần chúng đấu tranh chính trị, phá kềm kẹp, áp bức của địch. Nhiều tên tay sai ác ôn và đơn vị ác ôn có nợ máu với nhân dân đã bị trừng trị, làm cho địch phải hoang mang, lo sợ.

Năm 1960, về cơ bản, địch đã xây xong khu trù mật Cái Sơn và tiến hành gom dân. Để hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh chống vào khu trù mật, Tỉnh ủy ra nghị quyết cho Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt phải diệt cho bằng được Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba. Ban chỉ huy Tiểu đoàn phối hợp cùng các đồng chí ở Chi bộ của xã Song Phú lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này. Đầu tháng 6/1960, Đại đội 256 hành quân về ấp Phú Yên, xã Song Phú ém quân để chuẩn bị chiến trường. Các cơ sở mật của xã Song Phú giúp đỡ nắm tình hình, phục vụ đơn vị lên kế hoạch tác chiến và nuôi chứa, bảo vệ bộ đội rất chu đáo.

Sự kiện này diễn ra cách nay đã 48 năm, những người trong cuộc giờ không còn nhiều, người đã hy sinh trong chiến tranh, người qua đời vì thương tích, bệnh tật vào lúc tuổi đã xế chiều… Nhưng may mắn thay, vài người trong số họ vẫn còn sống đến ngày nay. Họ chính là những nhân chứng hùng hồn nhất. Trong số đó có Thiếu tướng Phạm Phi Hùng – nguyên là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Thiệt hay còn gọi là Ba Chánh – nguyên Trung đội phó kiêm Chính trị viên, ông Dương Văn Lòng – cơ sở hợp pháp, ông Nguyễn Văn Đa – chiến sĩ Đại đội 256, Ông Lưu Văn Y – phụ trách liên lạc. Họ đã phối hợp nhịp nhàng, xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, bắt Khưu Văn Ba đền tội tại nơi mà ông ta trực tiếp gieo tội ác.

Ông Nguyễn Văn Đa – nguyên chiến sĩ Đại đội 256, Tiểu đoàn 857 – là người đã trực tiếp tham gia thực hiện kế hoạch. Ông cùng với 2 đồng đội khác là Ba Cội và Sáu Cơ là những người bắn phát súng đầu tiên vào xe Tỉnh trưởng
Khưu Văn Ba. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, lúc bấy giờ cũng là du kích xã Song Phú, cũng tham gia đánh chi viện trên lộ 16. Còn ông Lưu Văn Y là người được giao nhiệm vụ giao liên. Tuy sức khoẻ đã suy giảm nhiều sau một cơn tai biến, nhưng có ai hỏi đến sự kiện diệt Khưu Văn Ba là ông rất phấn chấn. Chính ông và ông Hai Đốc – một cơ sở khác – đã trực tiếp nắm tình hình địch và bắt liên lạc phục vụ cho trận đánh này. Trưa ngày 16.6.1960, ông chạy chiếc Mobylette ngang qua trận địa để báo tin Tỉnh trưởng đang trên đường xuống khu trù mật. Tin báo này làm cho các chiến sĩ đang ẩn mình trong trận địa vô cùng háo hức…

Ông Nguyễn Văn Thiệt, hay còn gọi là Ba Chánh, lúc bấy giờ là cán bộ trung đội, trực tiếp cùng với các đồng chí khác như Tám Chè, Bảy Sơn, Năm Bằng, Sáu Tiểu, Năm Giao làm nhiệm vụ chỉ huy và đánh tấp hông, hỗ trợ mũi đội đầu. Còn ông Dương Văn Lòng, lúc bấy giờ là cơ sở hợp pháp, có nhiệm vụ làm ám hiệu khi xe Khưu Văn Ba sắp lọt vào trân địa phục kích để các chiến sĩ Đại đội 256 kịp thời nổ súng tấn công. Cống Bờ Sao – nằm trên lộ 16, cách khu trù mật Cái Sơn trước kia khoảng 2 km (ngày nay thuộc địa bàn xã Tân Phú, huyện Tam Bình) – chính là nơi đã chứng kiến ngày đền tội của Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba. Cách cống Bờ Sao khoảng trên dưới 100m là nơi bố trí trận địa chính. Đêm 15/9, lực lượng bí mật đưa quân qua đào công sự. Khoảng 4 giờ sáng ngày 16/6, các chiến sĩ tham gia trận đánh đã nằm ém quân trong công sự, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trước kia, nơi đây chỉ là đồng trống, rất dễ bị lộ, khó bố trí lực lượng. Chỉ có lòng quả cảm, quyết tâm cao độ và sự chấp hành nghiêm túc kế hoạch chiến đấu mới giúp các chiến sĩ hoàn thành được nhiệm vụ một cách nhanh gọn, không đổ xương máu.

Khưu Văn Ba là Tỉnh trưởng đầu tiên của ngụy quyền miền Nam bị tiêu diệt nên đã gây tiếng vang rất lớn, làm chấn động cả bộ máy chính quyền ngụy lúc bấy giờ. Riêng bọn địch ở khu trù mật thì hốt hoảng, tán loạn, tinh thần sa sút. Nhân dân phấn khởi, thừa cơ hội trở về nhà, khu trù mật cơ bản bị phá. Kế hoạch dồn dân, lập ấp của địch bị thất bại. Chiến thắng này đã hỗ trợ cho phong trào diệt ác phá kềm, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, tạo đà cho cuộc nổi dậy trong phong trào đồng khởi 14.9.1960 ở Vĩnh Long, đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào cách mạng tỉnh nhà.

Nhiều tư liệu của địch còn sót lại cũng là bằng chứng rất thuyết phục về chiến công diệt Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba của quân và dân Vĩnh Long. Những chi tiết được liệt kê trên bản phác hoạ sơ đồ nơi Khưu Văn Ba bị phục kích của Ty Công an chính quyền nguỵ ở Vĩnh Long cũng rất trùng khớp với tư liệu lịch sử của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Long. Phần chú thích còn ghi rõ nơi tìm thấy tử thi Khưu Văn Ba, số xe và nơi xe bị lật, những điểm phục kích của ta. Ngoài ra, một tư liệu khác là Công văn số 480 ngày 22.6.1960 mà Tỉnh trưởng Vĩnh Long lên thay đã gởi cho cấp trên để báo cáo cụ thể về việc khu Văn Ba bị phục kích như thế nào, kèm theo đó là báo cáo về diễn biến tang lễ của Khưu Văn Ba.

Có thể, sự khắc nghiệt của thời gian sẽ nhuộm màu rêu phong trên bia đá, có thể những nhân chứng lịch sử sẽ không còn mãi, nhưng chiến công diệt tỉnh trưởng Khưu Văn Ba vẫn mãi mãi là chiến công chói lọi của của quân và dân tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khưu Văn Ba đến Cái Sơn để gây tội ác thì Cái Sơn đã trở thành mồ chôn Khưu Văn Ba. Chiến công này cũng tựa như chiến công trừng trị tên Chánh tham biện Vĩnh Long Saiiceti ở mặt trận cầu Vong trên đất Vũng Liêm năm nào. Đó là niềm tự hào bất tận của quân và dân tỉnh Vĩnh Long. Bởi, chính những con người này chứ không phải ai khác, đã viết nên những trang sử giữ nước vẻ vang ấy.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *