Nghề làm bánh tráng xôi và bánh tráng đậu phộng cũng lắm lúc thăng trầm, bởi làm thì dễ, tiêu thụ lại khó, cung vượt quá cầu. Kẹo đậu phộng để uống trà hay gói xôi lót dạ buổi sáng sớm thường chỉ là sự lựa chọn của những người có thu nhập thấp hay những cô cậu học trò nghèo. Nhiều lò nướng bánh lạnh lẽo theo thời gian.
Không chấp nhận cuộc sống thiếu hụt bên những bếp lò không lửa ấm, cùng nhiều chị em trong ấp, chị Trương Thị Kiều Lợi đã tìm cách học hỏi, nâng cao chất lượng chiếc bánh tráng giấy, biến nó trở thành một loại bánh ngon, hợp khẩu nhiều người, chứ không đơn thuần chỉ là cái vỏ cho kẹo, cho xôi. Chiếc bánh tráng xếp được hình thành. Ngoài nguyên liệu cơ bản là bột mì và nước, bánh có vị ngọt của đường, vị béo của nước cốt dừa, vị bùi của mè, vị thơm của hành và vani, vị đậm đà của muối, độ phao xốp của lòng đỏ trứng v.v…
Hiện nay, ngoài những gia đình chuyên sống bằng nghề làm bánh, thì nhiều người cũng xây một vài giàn lò, tranh thủ lúc rảnh rỗi tăng thêm thu nhập cho gia đình. Giờ đây, bếp nhà nào cũng đỏ lửa. Điều đó thực sự mang lại niềm vui, niềm phấn khởi cho những gia đình có cuộc sống gắn bó bên bếp lửa hồng.
Nhiều gia đình còn tổ chức hẳn cơ sở sản xuất tập trung như gia đình anh Nguyễn Văn Hương. Cơ sở của anh có khoảng 10 chị em tham gia sản xuất. Khoảng 4 giờ sáng là các chị đã có mặt bên bếp lửa hồng. Nhìn những đôi tay thoăn thoắt nhịp nhàng bên khói nóng mới cảm nhận hết tính kiên nhẫn và sự dẻo dai, cần mẫn của chị em. Họ luôn tay, luôn miệng cười nói rộn ràng, dù vất vả nhưng cũng rất yêu đời, yêu cuộc sống. Ngoài những người thợ, cả gia đình anh Hương cũng người nào việc ấy để giúp hoàn thiện sản phẩm, kể cả khâu tiêu thụ.
Anh Thiều Văn Hớn là một trong những người đã khá lên nhờ cơ sở sản xuất bánh. Cơ sở của anh cũng gồm các chị em hàng xóm, những người thân và con cháu trong gia đình. Nhờ có ghe máy, anh kết hợp thu gom bánh của bà con, chở đi tiêu thụ ở những vùng sâu vùng xa, nên thu nhập cũng khá. Anh vừa xây được ngôi nhà khang trang và dự định mở rộng thêm cơ sở sản xuất của gia đình. Anh cho biết, hiện nay, thị trường tiêu thụ bánh xếp còn rất lớn, năng lực sản xuất hiện tại không đáp ứng kịp đơn đặt hàng.
Hiện nay, các loại bánh tráng giấy của bà con ấp Nhà Thờ mang những thương hiệu như “Thanh Tuyền”, “Thanh Thảo” đã thực hiện được cuộc hành trình ngoạn mục đến khắp các tỉnh thành, từ thành thị đến những miền hẻo lánh xa xôi. Không phải bởi dân mình còn nghèo mới cho con em ăn loại bánh rẻ tiền mỏng tăng như tờ giấy, mà thật sự là chiếc bánh giấy đã được những bàn tay khéo léo nâng cao giá trị, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của mọi người.
Và còn bởi một lẽ, dù có xuất hiện ngày càng nhiều những món ngon đắt tiền thì đây đó, trước sân trường, trong các chợ ở tỉnh hay ở quê, món xôi dân dã vẫn còn được nhiều người ưa thích. Những chiếc bánh tráng giấy vẫn có giá trị tiện lợi và tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn vốn rất bình dị nầy.
Còn loại kẹo đậu phộng, trước đây vốn được ưa thích khi uống trà, trò chuyện, tuy có bị cạnh tranh rất gay gắt, nhưng vẫn có chỗ đứng riêng, bởi người sản xuất cũng luôn biết cách làm cho ngày càng ngon và hấp dẫn hơn.
Bạn Nguyễn Minh Trí rất vui và phấn khởi khi chiếc bánh quê mình đã có một chỗ đứng nhất định trên thị trường. Mỗi khi có dịp đi đây đi đó, bạn rất tự hào mang chiếc bánh quê mình làm quà cho các em nhỏ như một loại đặc sản của quê hương, chứ không phải loại bánh mà bạn thường hay ăn lúc tuổi còn thơ.
Những lúc rảnh rỗi, Trí cùng các chú bác thảo luận tìm cách phát triển làng nghề quê mình. Với mức thu nhập vài chục ngàn một ngày, không phải ai ai cũng vươn lên khá giả, nhưng nghề làm bánh tráng giấy thật sự đã giúp ổn định cuộc sống bao gia đình, nhất là ở một vùng nông thôn đất hẹp người đông như ấp Nhà Thờ. Phát triển làng nghề là mong muốn của rất nhiều người.
Mong rằng những gì mà bạn Trí và những người dân nơi đây mong ước sẽ sớm trở thành hiện thực, tạo điều kiện duy trì và phát triển làng nghề, đồng thời nâng cao mức sống của người dân, xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra để mang lại hương thơm vị ngọt cho đời.
Tuyết Mai