(TuanVietNam) – Chính phủ Iran vừa gạt thông điệp hoá giải nhiều năm thù hận của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân dịp năm mới của người Ba Tư sang một bên. Các nhà lãnh đạo Iran nói rằng, họ mong muốn một sự thay đổi cụ thể hơn từ Washington trước khi bước vào đối thoại.

Thiện ý của Washington

Ông Obama đã phát đi tin nhắn trên cuốn băng video đúng vào kỳ nghỉ Nowruz của người Iran, kỳ nghỉ lễ đánh dấu sự khởi đầu mùa xuân và bắt đầu một năm mới theo lịch Ba Tư. Trong cuốn băng có phụ đề bằng tiếng Farsi – ngôn ngữ chính của người Iran – Obama nói rằng, nước Mỹ sẵn sàng kết thúc mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước nếu Tehran hạ giọng hiếu chiến.

Tổng thống Obama hy vọng xoá bỏ hận thù trong quan hệ Mỹ – Iran. (Nguồn: teenspeakeronline)

Người ta không thể thống kê chính xác có bao nhiêu người dân Iran đã xem được cuốn băng của Tổng thống Obama vì nó không được trình chiếu trên Đài Truyền hình Quốc gia Iran.

Có thể cuốn băng được chiếu trên các đài truyền hình nước ngoài bằng tiếng Farsi, nhưng nhiều người dân Iran lại không xem TV trong những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Nowruz, đơn giản chỉ vì họ còn bận đoàn tụ gia đình hoặc đi nghỉ xa nhà.

Người dân Iran cũng có thể xem trên website của Nhà Trắng, nhưng trang web chia sẻ video phổ biến như YouTube lại bị cấm ở Iran.

Một số người dân ở Tehran thì lạc quan hơn chính phủ về cuốn băng của ông Obama và gọi đó là một bước nhảy đúng hướng.

Obama đã từng nhấn mạnh đến việc sẵn sàng dàn xếp với Iran về chương trình hạt nhân và dấu hiệu phản đối Israel trong lễ nhậm chức. Ông đã truyên bố với các nhà nước đối lập rằng, chính quyền của ông sẽ dang rộng cách tay nếu những người Iran kia sẵn sàng thu nắm đấm.

… Công cốc!

Nhưng những người lãnh đạo Iran lại tỏ ra không mấy hào hứng. Ông Aytollah Ali Khamenei – một lãnh đạo cấp cao của Iran – đã chỉ trích Obama và cho rằng ông Obama sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm, Tổng thống George W.Bush.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng nói rằng, Iran sẽ hoan nghênh những cuộc đối thoại với Mỹ nhưng chỉ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Các quan chức Iran nói rằng điều đó cũng có nghĩa là Washington phải dừng ngay việc buộc tội Iran theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và bao che khủng bố.

Một cố vấn của Tổng thống Iran đã xem cuốn băng của ông Obama và cho rằng những thay đổi nhỏ sẽ không thể chấm dứt những bất đồng giữa Tehran và Washington.

Cố vấn truyền thông của Iran phát biểu trên Đài Truyền hình phát sóng qua vệ tinh bằng tiếng Anh : “Ông Obama đã nói về sự thay đổi nhưng lại không đưa ra cách thức hữu hiệu để xoá bỏ những hiểu nhầm trong quá khứ của Mỹ đối với Tehran. Nếu ông Obama thực hiện bằng những hành động cụ thể và tạo ra những thay đổi cơ bản trong chính sách ngoại giao của Mỹ đối với các quốc gia khác, trong đó có Iran, chính phủ và nhân dân Iran sẽ không quay lưng lại với ông”.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad không tin thông điệp của ông Obama có thể tạo nên sự thay đổi (Nguồn: daylife)

Các cuộc đàm phán của ông Obama sẽ diễn ra ngay trước cuộc bầu cử của Iran vào tháng 6 tới. Tổng thống Ahmadinejad phải đối mặt với một chiến dịch tranh cử đầy khó khăn chống lại những người theo chủ nghĩa cải lương, những người ủng hộ thắt chặt quan hệ với Mỹ và phương Tây.

Nhiều người theo chủ nghĩa cải lương, đứng đầu là cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousairr, có thể cố gắng dùng những lời hứa hẹn làm tan sự đóng băng ngoại giao giữa hai nước trong gần 30 năm qua để giành phiếu ủng hộ của cử tri.

Ngược lại, phe bảo thủ có thể sẽ phải lựa chọn giữa chính sách cứng rắn hay là đưa ra đề xuất đối thoại với Washington.

Một chuyên gia Iran làm việc cho Quỹ từ thiện Carnegie vì hoà bình quốc tế nói, ít nhất thì các cuộc đàm phán của ông Obama cũng gây áp lực cho những người theo đường lối cứng rắn phải giải thích cho lập trường chống đối Mỹ với người dân Iran : “Tôi nghĩ, những nỗ lực về ngoại giao của ông Obama sẽ đánh bại những câu chuyện của họ về một chính phủ Mỹ thù địch chỉ nhất quyết áp bức người Iran".

Trước đây, những người theo đường lối cứng rắn có thể đổ lỗi nguyên nhân gây ra sự bế tắc trong đàm phán là vì Tổng thống Bush – người không được yêu quý ở Iran. Tổng thống Obama thừa nhận, Iran là một đất nước có lịch sử lâu đời và giàu bản sắc văn hoá. Không còn nghi ngờ gì nữa, điều đó sẽ tạo nên tiếng vang ở nơi đây và khích lệ những người lãnh đạo Iran bắt đầu tham gia những cuộc tiếp xúc có chiều sâu hơn.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran đã ngừng trệ từ vụ bắt giữ đại sứ Mỹ sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979, cuộc cách mạng lật đổ quốc vương Ba Tư và trao quyền lực vào tay chính phủ Hồi giáo

Mỹ đã hợp tác với Iran cuối những năm 2001 và 2002 trong cuộc chiến ở Afghanisstan, nhưng các cuộc tiếp xúc đầy hứa hẹn giữa các lãnh đạo của hai nước đã sụp đổ hoàn toàn khi Tổng thống Bush xếp Iran vào “trục liên minh ma quỷ”.

Cuốn băng ghi lại thông điệp của Tổng thống Obama xuất hiện ngay trước tuyên bố đang được chờ đợi về một chiến lược mới cho cuộc chiến ở Afghanisstan.

Hội thảo có ích gì không?

Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia thành viên tham gia cuộc hội thảo ngày 31/03 tới đây để thảo luận các chính sách ngoại giao đối với đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Robert Gibbs, nói rằng Washington hy vọng Iran cũng tham dự.

Lễ hội Nowruz của người Iran (Nguồn: Travelbog)

 
Cuộc hội thảo có liên quan tới những nước láng giềng của Afghanisstan nằm trong khu vực bất ổn của thế giới và rõ ràng Iran là một trong số đó. Ông Gibbs nói : “Chúng tôi tin rằng Iran có thể hợp tác với cộng đồng thế giới để giúp đỡ nước láng giềng Afghanistan".

Nhà phân tích Anthony Cordesman nói rằng, Iran có thể phát ra những dấu hiệu muốn cải thiện các mối quan hệ, đặc biệt trong quan hệ với Afghanisstan trước cuộc bầu cử.

Ông Cordesman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược về các vấn đề quốc tế ở Washington nói : “Những dấu hiệu tích cực đó có thể không nhất thiết phải bằng hành động. Iran có thể lặng lẽ dừng việc theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân”.

Một người bán dạo hoa quả nói : “Tôi hi vọng điều này sẽ hâm nóng mối quan hệ giữa hai chính phủ. Về phía người dân thì không có sự hận thù nào cả. Chúng tôi hi vọng rằng hai chính phủ sẽ gạt hận thù sang một bên và tiến tới giảng hoà với nhau".

Nhưng những người khác thì thận trọng hơn. Ali Mohammadi – một sinh viên – nói, anh không nghĩ thông điệp của ông Obama sẽ chấm dứt hàng thập kỷ bất hoà giữa hai nước.

Anh nói : “Mối quan hệ với Mỹ nằm trong tay ông Khamenei và ông ấy không muốn tiếp tục quan hệ vối Washington. Mặt khác, chính quyền của ông Obama sẽ làm gì hơn ngoài những cử chỉ tốt đẹp và lời kêu gọi hoa mỹ. Vì thế đừng quá lạc quan về sự thay đổi trong mối quan hệ Mỹ – Iran”.

Thanh Huyền (Theo ChicagoTribune) – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *