Khi dãy núi Lệ Đệ nằm ở phía Nam làng tôi không còn u ám bởi gió bấc mưa dầm dãi dề lạnh buốt nữa thì không khí chuẩn bị đón Tết đã bắt đầu rộn ràng. Từ những xóm thuần nông quanh năm cày cấy gặt hái đến các ngư thôn làm nghề buông câu thả lưới nằm sát bờ sông Gianh bãi biển tới làng thủ công nghiệp dịch vụ buôn bán, đâu đâu người ta cũng quét dọn trang trí nhà cửa, vệ sinh ngõ lối, dựng cổng chào.

Thời ấy, Mỹ chưa ném bom ra miền Bắc, ở Thanh Trạch quê tôi, cuộc sống tuy thanh đạm nhưng rất vui vẻ ấm áp. Tôi còn bé tẹo, mới học vỡ lòng, lớp một thôi nhưng chẳng hiểu sao, những cái Tết thời xa xôi ấy vẫn in dấu ấn trong tôi khá nhiều.  Tết! Chao ơi, chỉ mới nghe ai nhắc đến nó, lòng tôi đã khấp khởi mừng vui. Cũng chẳng riêng gì tôi. Lũ con nít trong làng, những thằng Bình, thằng Đức, con Kính, con Côi… cũng tíu tít khoe Tết nhà mình. Nào : Ba tau may cho tau một bộ áo quần hải quân, nào : Mạ tau đã mua cho tau bộ áo quần vải hoa rồi, đẹp lắm, nào : Ba tau nói sẽ mừng tuổi tau một hào, nào : Chị tau dẫn tau đi coi đua thuyền, đánh đu… Ríu ra ríu rít suốt từ nửa tháng trước Tết. Đã nghe đì đùng tiếng pháo nổ từ giữa Chạp trở đi. Những tràng pháo lít nhít mặc áo hồng kêu ì oàng thôn trên xóm dưới sau khi được châm ngòi, làn khói màu lam mỏng tang tỏa mờ mờ trong màn mưa bụi se se phảng phất mùi diêm sinh khen khét. Lũ trẻ con nháo nhít nhặt những quá pháo tịt nằm lặng im giữa đống giấy vụn màu hồng, đút túi. Bọn con trai đứa nào túi cũng đầy pháo tép, pháo tịt. Đấy là gia tài quý báu của tuổi thơ mà đến bây giờ khi nhớ lại, tôi vẫn còn rưng rưng, ngỡ vẫn còn đâu đây tiếng kêu tì tạch của lũ pháo nhép thuở nào. 

Đi chợ Tết. Với bà, với chị Thảo. Chợ xã đông ơi là đông, người chen người, hàng chen hàng, chào hỏi, bán bán mua mua, ồn ào trầm bổng lao xao. Món hàng bà tôi mua đầu tiên khi đến chợ là trầu cau. Bà nói : Mua trầu cau là lấy lộc, lấy may, chị em bay nhớ đừng quên nghe! Tôi nhớ mãi lời bà. Đến bây giờ sống ở Hà Nội, mỗi khi vợ tôi đi chợ Tết, tôi đều nhắc : Em nhớ mua trầu cau đầu tiên để lấy lộc, lấy may nghe! Quê tôi có những sự kiêng cữ ngồ ngộ như khi đi chợ Tết, người ta không mua mực, tôm, cá tràu và cá đối. Những thứ ngon lành như thế mà người ta kiêng cữ trong mấy ngày Tết vì sợ dông, bởi ăn mực gặp đen (rủi), con tôm thì cứt lộn lên đầu (không nề nếp, sạch sẽ, tinh tươm), cá tràu còn gọi là cá loi (sợ xung đột, đấm đá nhau), cá đối (cá đối bằng đầu, sợ trong nhà trong xóm không hòa thuận). Bây giờ chẳng mấy ai kiêng cữ như thế nữa. Không ai hoãn lại cái sự sung sướng của mình, miếng chi ngon, con chi béo thì phải chén trước cái đã. Rằm rì, mồng Một họ còn chén thịt chó tì tì thì mấy thứ tôm cá ngon lành vậy kiêng sao nổi hở ông Trời. 

Năm hết Tết đến, nghèo khó chi mấy, dân tôi cũng có bình hoa đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên ông bà và phải mua cặp câu đối, mấy bức tranh treo cho sáng cửa sáng nhà. Bà tôi thường chọn mua hoa vạn thọ cắm trên bàn thờ. Hoa thọ mùi hơi hắc nhưng vàng tươi, sáng rỡ và đặc biệt, nó mang tên vạn thọ nên nhiều người ưa thích. Ngoài vạn thọ, tôi thấy ở chợ quê, người ta còn bày bán nhiều hoa mai, hoa thược dược, hoa cúc. Góc chợ rực rỡ tươi tắn hoa, đẹp lắm. Trước ba mươi Tết, cha tôi đã mua một cặp câu đối, vài bức tranh phong cảnh dán lên vách. Ông còn mua tờ giấy màu, dùng phấn viết lên câu Chúc mừng năm mới theo kiểu thư pháp thật bay bướm. Bọn bạn đến nhà, tôi nắc nỏm khoe ba tau viết đó, mấy đứa đều khen khéo hè, khéo hè. 

Mỗi năm, đứa nào cũng được cha mẹ may hoặc mua cho ít nhất là một bộ áo quần mới vào dịp Tết nguyên đán. Đến tối ba mươi vẫn chưa được mặc vì sợ bẩn hoặc ngủ đêm lỡ may đái dầm thì sáng mai không có gì diện. Anh em tôi cũng thế, áo mới, áo Tết chỉ được bắt đầu mặc từ sáng mồng Một. Mẹ tôi gọi cả lũ dậy, rửa mặt xong mới cho mặc áo quần mới. Mùi vải thoang thoảng thơm tho. Bà, mẹ mừng tuổi cho mỗi đứa một hào. Nền giấy màu đỏ, tươi roi rói. Chỉ có ngần ấy thôi, mùi áo mới, một hào mừng tuổi mà rưng rưng mà xốn xang suốt cuộc đời mình. 

Sáng mồng Một, xóm làng im ắng lạ. Trên đường không mấy người đi. Chỉ có gió xuân se se thổi và mưa bụi nhẹ nhàng bay. Chờ cha mẹ đưa đi chúc Tết mà không thấy ai nói gì. Hỏi bà, cái giọng trầu cay cất lên trìu mến : Cháu ơi, sớm mùng Một chưa ai đi chúc Tết mô, họ sợ mình tới đạp đất, mà trong năm nhà người ta gặp rủi sẽ bị oán. Cái lệ này có ở nhiều nơi, đâu chỉ riêng quê tôi. Có nơi, có nhà còn chọn cả người đạp đất năm mới cho nhà mình nữa đấy. Thường là những ai hợp tuổi gia chủ và nhẹ vía mới được chọn đạp đất đấy. Chờ mong lâu lâu rồi cũng được cha mẹ đưa đi chúc Tết. Đến nhà ông bà ngoại hay bà con làng xóm, bạn bè của cha mẹ thì việc đầu tiên là hai người kính cẩn thắp đèn châm hương vái lạy trước bàn thờ xong rồi mới quay sang chúc Tết mừng xuân những người trong gia đình. Cha mẹ lấy tiền mừng tuổi trẻ con trong nhà, cũng chỉ một hào thôi và chúng tôi cũng được ông bà ngoại, gia chủ mừng tuổi lại. Túi tiền năm mới của những thằng cu con bẹp như tôi đầy dần những hào bạc tươi thắm, thơm tho. Có lúc trong giấc mơ, tôi vẫn thấy chúng bay bay trước mặt. Hồn nhiên như những cánh bướm mùa xuân. 

Tết, nhiều chuyện vui lắm. Nhưng có lẽ vui nhất là các trò chơi do làng tổ chức. Đánh đu. Cướp cù. Kéo co. Đua thuyền. Hát bài chòi. Trò nào cũng nhộn nhịp, cũng đầy ắp tiếng cười đùa. Trò cướp cù hay được tổ chức trên một bãi cỏ xanh mướt sắc xuân. Những anh trai trẻ lực lưỡng được chia làm hai phe bằng nhau. Giữa bãi cỏ, một đường ranh giới được vạch ra chia đôi sân chơi cho hai đội. Từng đội dàn hàng ngang đứng sẵn ở đường biên cuối sân, hồi hộp chờ đợi tiếng hô xung cuộc. Quả cù làm bằng gốc chuối, trong ruột nó đã được khoét rỗng nhét đầy đồng xu đồng hào. Số tiền nằm trong đó là phần thưởng của đội thắng cuộc. Vị trưởng làng đầu chít khăn đỏ, trịnh trọng đặt quả cù vào giữa đường ranh giới, giơ tay ra lệnh. Tiếng trống nổi lên thùng thùng. Hai phe ào lên tranh giành, vật lộn, tranh cướp cù. Hò reo. Cười hét. Tiếng người hòa tiếng trống thùng thùng, tiếng thanh la phèng phèng, tiếng mõ cốc cốc thật náo nhiệt. Cứ gọi là ồn ã tưng bừng một góc trời. Phe nào cướp được cù mang về đường biên đội mình là chiến thắng. Quyết liệt lắm nhưng không hề có chuyện chơi ác, chơi xấu vì ai cũng biết rằng nếu mình làm hại người chơi thì sẽ bị thần linh trừng phạt, năm ấy làng sẽ gặp nhiều đen đủi rủi ro. Kéo co, đánh đu, đua thuyền… cũng thu hút được nhiều nam thanh nữ tú đến chơi. Chỉ là những trò chơi dân gian muôn năm cũ sao mà khỏe khoắn, tươi vui, hồn nhiên lạ. 

Ngày Tết, làng tôi còn có hát bài chòi. Thuở bé, tôi cũng lẽo đẽo theo cha đi xem nhưng không hiểu mấy. Sau này lớn lên, tìm hiểu, đặc biệt là đọc Địa chí xã Thanh Trạch do cụ Nguyễn Tú biên soạn mới thấy hết cái hay của trò này. Thực ra, bài chòi gần với thể loại sinh hoạt văn nghệ dân gian hơn là trò chơi đơn thuần. Người làm cái – một nghệ nhân giỏi hò hát, ngâm xướng thơ ca, làm trò – chễm chệ ngồi trên chòi, trước mặt đặt một ống tre đựng 36 con bài được gọi là bài tới. Mười hai hoặc mười người chơi ngồi trên mười hai hoặc mười chiếc ghế dựa chia làm đôi hàng đối diện nhau chầu vào hai bên trái phải của chòi cái. Mỗi thành viên chơi bài chòi được chia 3 quân cờ và ngồi chờ cái  bắt trong ống thẻ bài và hô lên. Hay ở chỗ là trước khi cái hô tên con bài thì ông sẽ hò hát một điệu dân ca gì đó với lời lẽ mô tả hình dáng hoặc ý nghĩa con bài rút ra. Hô bài, cái có thể hò khoan, hát tuồng, hát dặm, ngâm thơ, đọc vè, ra câu đố mang tính văn chương hay làm một trò hề nào đó. Người chơi nghe cái ngâm xướng diễn tả  và so sánh với các con bài của mình để biết được mình trúng hay không. Nếu trúng 3 quân bài trong tay mình thì hớn hở đánh lên một hồi mõ dài báo hiệu chiến thắng, trúng 1 quân thì chỉ cốc cốc cốc 3 tiếng mõ báo tin người cầm trịch chạy đến trao cho 1 lá cờ đuôi nheo. Một hội chơi có 3 ván nếu là 10 ghế người chơi và 10 ván nếu là 12 ghế chơi. Qua một ván, trúng luôn 3 quân, người chơi được tặng một lá cờ vuông và một phần thưởng be bé, khoảng 8 phần 10 tiền vé bỏ ra trước khi chơi. Người trúng liền 3 cờ vuông trong một hội thì ngoài phần thưởng nhỏ của mỗi ván còn được thưởng pháo, rượu và được hát tặng một bài chúc tụng riêng do ông cái ứng khẩu tại chỗ. Chan hòa cùng giọng hát của cái có tiếng nhạc, tiếng mõ đệm theo khi réo rắt, lúc rộn ràng. Đây là sân chơi của các bậc cao niên, những bậc túc nho, những người sành ca hát, ngâm vịnh. Trong cuộc chơi, nếu ai bắt được trúng được con cờ đỏ mỏ, trạng hai, trạng ba, học trò, thái tử… thì rất mừng vì họ cho đó là điềm báo hiệu một năm đại cát với mình. Ngược lại, gặp quân cờ lá liễu, nọc đượn, thất nhọn thì không lấy gì làm vui vì… không nói ra chắc ai cũng hiểu lý do. 

Phải nói rằng, dân quê tôi có máu vui chơi văn nghệ, thể thao. Thời còn nhỏ, tôi đã được xem nhiều buổi văn nghệ, phần lớn là tự biên tự diễn của các anh chị thanh niên và xã Thanh Trạch này đã từng có đội bóng đá chân giày vang lừng trong tỉnh. Một đội bóng cấp xã đã từng thi đấu ngang ngửa với đội bóng tỉnh đội Quảng Bình. Nghĩ cũng kinh! Dân quê tôi cũng mê và quý trọng văn chương, vừa đa cảm đa tình, vừa hóm hỉnh. Tôi ao ước một ngày nào đó, nam thanh nữ tú làng tôi lại biết hò hỏi đáp nhau tình tứ thông minh như tổ tiên ông bà cha mẹ mình ngày xưa. Vâng, ngày xưa bên dòng Linh Giang có dòng chảy trên 350 triệu năm này đã từng cất lên tiếng hò của người con gái : Ba ba nấu cháo ba ba, tam tam như cửu, hỏi anh đà chín chưa? Người con trai đáp lại : Cầu hai nước chảy phân hai, nhị nhị như tứ, xin em chớ theo ai bốn lần. Tôi phải gạch dưới hai âm tiết bốn lần vì nó chơi chữ khéo quá (bốn lần lái theo kiểu quê tôi là bấn l… ). Cũng có lúc người con gái táo bạo hỏi : Con rắn không chân, rắn nhờ chi rắn đi mười ngọn rú, con gà không có bụ gà nhờ chi nuôi đủ mười con? Trai nam nhi đối được, gái gá nghĩa nước non suốt đời thì chàng trai đã nhũn nhặn trả lời : Con rắn không chân có cái thân dài uốn oánh, con gà không bụ nhờ đôi cánh ấp con, trai nam nhi đã đối đặng, gái đã gá nghĩa nước non hay còn chờ? Tinh nghịch trêu ghẹo nhau như thế này thật tình tứ thú vị. Con gái : Anh về ở với em, em may cho anh một năm ba quần ba áo, em sắm cho anh một nón dấu một mẩu tơi mo, ngày anh ra đồng cuốc ruộng, ăn ở thật thà em thương! Và, những chàng trai sinh ở cuối dòng Linh Giang cũng đối đáp lại thật hay :  Anh ở với em, em sắm cho anh một năm ba quần ba áo, em sắm cho anh một nón dấu một mẩu tơi mo, ngày anh ra đồng cuốc ruộng, tối em cho ngủ nhờ mới vâng! Chàng trai đa tình ấy gần như lặp lại toàn bộ lời cô gái chỉ xin, vâng, chỉ xin "biên tập" chút xíu ở đoạn cuối cùng thôi là tối em cho ngủ nhờ mới vâng. Trời ạ, ngủ nhờ là ngủ kiểu răng, phải đâu là chuyện đánh khăng đánh cù… Tết đến, xa quê nhớ xóm nhớ làng, lan man chuyện cũ nhắc lại lòng bâng khuâng lắm. Mới oe oe đỏ hỏn, tung tăng tung tưởi ngày nào mà bây giờ đã ngổn ngang tóc bạc tóc đen. Mấy chục năm đã trôi qua rồi. Chiến tranh. Hòa bình. Người còn kẻ mất. Nhưng, quê hương vẫn mãi mãi là vầng sáng ấm áp trong tôi. Còn đó một sông Giang mang mang chảy về biển cả. Còn đây núi Cha Màn, đồng Con Ruộng, đồi Mạ Ca… Còn đây, mái Am giếng Ngọc… Và trong tôi – một đứa con xa quê – đang thầm thì thương nhớ : Khi dãy núi Lệ Đệ nằm ở phía Nam làng tôi không còn u ám bởi gió bấc mưa dầm dãi dề lạnh buốt nữa thì không khí chuẩn bị đón Tết đã bắt đầu rộn ràng… Tết. Một cái Tết nữa đã về, quê hương ơi!  

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý  – VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *