Chúng tôi đến Pha Long, một xã của huyện Mường Khương, khi phiên chợ đang hồi tấp nập nhất. Được nhóm trên một khu đất trống, xung quanh là ruộng lúa, núi rừng, chợ Pha Long nhìn toàn cảnh vẫn còn giữ được nếp sinh hoạt của một khu chợ miền sơn cước. Nếu nhìn từ trên cao xuống, khu chợ giống như một mảng màu nóng bất chợt hiện ra giữa núi rùng. Các thứ sản vật, hàng hoá được bày bán ngay trên bãi cỏ, hoặc trong các túp lều hay trong tán dù dựng tạm bợ. Đây không phải là tuyến du lịch nên chợ phiên Pha Long vẫn còn những nét đặc thù một khu chợ dân tộc vùng Tây Bắc. Không thấy khách du lịch, nhất là không có bóng dáng của du khách ngoại quốc. Đồng bào dân tộc đến chợ chủ yếu để mua sắm, trao đổi hoặc bán các sản vật của rừng. Có đủ cả từ dưa chuột, su hào, củ tỏi, quả ớt, trái cà, quả trứng… đến miếng thổ cẩm, đôi dép nhựa… những mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt thiết yếu hàng ngày đều có bán ở đây. Ở khu đất trống cạnh bên là khu chợ gia súc với những chú heo, chú bò được cột vào những chiếc cọc đóng tạm trên bãi cỏ. Cạnh bên, chủ của chúng – những người đàn ông dân tộc – đang phì phèo điếu thuốc lào, rôm rả buôn chuyện. Ở Sa Pa, người dân tộc đến chợ chủ yếu để bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, và giá cả thì… Tây lắm. Cái nếp sinh hoạt bao đời nay bị phá vỡ bởi lợi nhuận và những hệ quả của việc phát triển du lịch. Đành rằng cũng cần phải quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh của một Việt Nam đa dạng văn hoá với bạn bè năm châu. Nhưng việc bảo tồn các giá trị truyền thống, giữ gìn những nề nếp sinh hoạt mang tính đặc thù cũng là điều không thể không nghĩ đến. Có vẻ như hai vấn đề này khó mà thoả hiệp. Chẳng phải ở Hội An, đa số phố cổ chỉ là diện mạo bên ngoài. Còn không gian của chúng chủ yếu là dùng để làm cửa hàng buôn bán. Cái không gian sinh hoạt thực sự của nhà cổ Hội An rồi sẽ còn được bao nhiêu. Những phiên chợ phiên vùng cao, liệu một lúc nào đó chủ yếu chỉ bán đồ lưu niệm cho khách du lịch?
Lần đầu được tham gia một phiên chợ vùng cao đầy màu sắc của trang phục, cả đoàn chúng tôi ai cũng giở máy ảnh ra ghi lại hình ảnh làm tư liệu. Bữa cơm trưa hôm ấy ở chợ phiên Pha Long được thay bằng phở trong một hàng ăn ở khu ẩm thực của chợ. Cả chợ không có bán cơm. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn gọi một nồi thịt chó bốc khói từ hàng thịt của một anh chàng lực lưỡng, rồi lôi rượu ngô mang từ Mường Khương ra bày lên bàn. Câu chuyện của chúng tôi lại rôm rả về văn chương, về núi rừng, về nhân tình thế thái… Tôi uống không nhiều lắm, nhưng lại thấy như mình đã chếnh choáng men cay. Rượu ngô là một đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Nó được ủ từ ngô và một số phụ liệu. Rượu được lấy trực tiếp khi đã lên men chứ không phải qua chưng cất như các loại rượu trong miền Nam. Nồng độ của rượu khá cao, uống vào cảm giác ấm nóng lan toả râm ran khắp cơ thể. Khu ẩm thực của chợ tuy chỉ hơn mươi hàng quán, nhưng cũng ồn ào náo nhiệt vì rất đông thực khách. Những người đàn ông dân tộc thoải mái chuyện trò bên bàn rượu với chiếc điếu cày luôn bốc khói. Những người phụ nữ tuy không uống rượu nhưng cũng rôm rả chuyện trò quanh bàn ăn. Tiếng cười nói, tiếng bát đĩa, tiếng chan chát chặt thịt của anh hàng thịt chó… tất cả hoà quyện vào nhau tạo thành một thứ âm thanh đặc thù chợ búa. Hớp một ngụm rượu ngô cay xé, thưởng thức món thịt chó được nấu ở vùng cao, ngồi giữa chợ uống rượu cùng các nhà thơ, làm sao lại có thể không say cơ chứ.
Rời chợ Pha Long, chúng tôi tiếp tục hành trình đi về phía thị trấn Si Ma Cai. Con đường càng lúc càng lắm dốc đèo. Bây giờ mới thật sự là núi cao vực sâu. Chiếc xe mười sáu chỗ xem ra quá bé nhỏ với thiên nhiên nơi đây. Một bên vách núi dựng đứng, còn bên kia, phía dưới thung lũng, những đám ruộng bậc thang đã không còn nữa, mà thay vào đó là vực thẳm với khe sâu, suối nhỏ, núi đá chập chùng. Lên xe sau bữa cơm, rượu và với sự mệt mỏi hai ngày đường, lúc đầu, mọi người cũng lim dim ngủ, nhưng chỉ được một chốc đã tỉnh hẳn. Làm sao ngủ được với con đường chập chùng, quanh co này. Phong cảnh thật sự ấn tượng với dân đồng bằng sông nước như chúng tôi. Núi nối tiếp núi, chập chùng mây trắng, địa hình nhấp nhô phức tạp nên con đường đèo cũng phải ôm theo địa hình mà ngoằn ngoèo khúc khuỷu. Những khe, lạch đều đổ về con suối, và chính nơi đây, những con suối họp lại thành sông, bắt đầu cho một cuộc phiêu lưu qua bao xứ sở… Theo hướng chỉ tay của nhà thơ Pờ Sảo Mìn, tôi nhìn xuống phía dưới thung lũng, Sông Chảy uốn lượn ngoằn ngoèo, lúc ẩn lúc hiện theo các khe núi. Nhìn từ trên cao, dòng sông như một con rắn đang di chuyển giữa màu xanh và chập chùng ghềnh đá.
Con đường ở phía trước càng lúc càng quanh co uốn lượn. Anh tài xế cho xe chậm chậm bám lấy mặt đường, thận trọng ôm sát vách nú
;i. Thỉnh thoảng trên đường, chúng tôi bắt gặp một vài căn nhà cất ven đường, còn lại thì chỉ là rừng núi mênh mông. Ở một khúc quanh, hai chú bé đang chơi lấm lem đất cát, chợt đứng dậy vẫy tay chào khi xe chúng tôi đi qua. So với trẻ em miền xuôi, trẻ em ở đây chịu nhiều thiệt thòi. Chẳng có gì để chơi! Nhưng như thế cũng hoá hay, bọn chúng sẽ sống thanh thản hơn khi càng ít biết trò đời. Xe qua khỏi cầu sông Mã, chúng tôi thật sự mới thấy con đường thật lắm gian truân. Đoạn đường từ đây đến Si Ma Cai có khoảng mười km chưa được trải nhựa, mặt đường lồi lõm đá với bao là ổ gà ổ voi. Chiếc xe lắc lư từng chút một, thận trọng leo đèo. Con đường gồ ghề làm mọi người trên xe lắc lư, nghiên ngả theo nhịp của xe. Tôi chợt nhớ đến đèo Đá ở rừng Cravanh những ngày làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Kampuchia. Đèo Đá không dài lắm, nhưng đó là con đường chiến lược do công binh mở để vận chuyển hậu cần vào rừng. Không rộng lại cao, nên đường vượt qua đèo thật gấp khúc hiểm trở. Mặt đường thì hỡi ôi rồi. Đường quân sự mà, phá đá, bạt núi để xe có thể vận chuyển hàng hoá cho mặt trận. So với đèo Đá ngày ấy thì đường đèo hôm nay chẳng ăn thua gì. Những chiếc xe quân sự như Gaz 66 có hai cầu, và Zin 131 với ba cầu và có khả năng tự tời khi có sự cố, vậy mà khi lên đèo đã phải gầm rú leo từng bậc, từng bậc. Đứng phía dưới nhìn lên, chiếc xe giống như một con bọ hung bị say rượu đang chếnh choáng leo lên sườn núi. Vậy mà cũng gần hai lăm năm rồi. Hồi ấy tuổi trẻ hừng hực, ngồi trên xe qua đèo xá gì đồi dốc. Còn bây giờ, nhìn con đèo mỗi lúc một khó khăn hơn cũng thấy ngán trong lòng. Một chuyến đi thực tế đầy cảm giác… Có lẽ, trong hành trình xuyên Việt lần này, ấn tượng để lại trong tôi sâu sắc nhất chính là chuyến đi Tây Bắc này. Thiên nhiên, con người như hoà vào nhau, tạo nên một nét riêng tư của chốn núi rừng. Tôi bắt gặp ở đây những con người trọng nghĩa hơn tài, cũng hào sảng, cũng mộc mạc mà cũng chân tình như dân miền Tây Nam bộ. Có đi mới biết đường dài hay ngắn. Chuyến đi này, tôi đã thu thập được rất nhiều thứ. Đọc nhiều rồi, bây giờ mới tận mặt, chạm tay làm sao quên được những cảm giác ấy chứ.
Con đường từ thị trấn Si Ma Cai đến Bắc Hà thuận lợi hơn do mặt đường êm mặc dù cũng lắm dốc lắm đèo. Khoảng năm giờ chiều, chúng tôi đến thị trấn Bắc Hà. Thị trấn khá bằng phẳng và rộng rãi. Phố xá thoáng đãng và không ồn ào náo nhiệt như Sa Pa. Chợ phiên Bắc Hà họp vào ngày chủ nhật hàng tuần vốn nổi tiếng từ lâu, nên hàng tuần cũng có rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan. Tuy nhiên, trong buổi chiều ngày thứ bảy này, không khí sinh hoạt của thị trấn cũng khá bình lặng. Chúng tôi chia tay với nhà thơ Pờ Sảo Mìn khi trời cũng vừa nhá nhem tối. Ông bảo lâu lâu mới tới Bắc Hà, cũng phải đi thăm hỏi anh em, chúc đoàn chúng tôi vui vẻ và thu hoạch tốt.
![]() |
Chợ Bắc Hà |
Khoảng 9 giờ sáng thì chợ phiên Bắc Hà bắt đầu đông người đi họp chợ. Người dân tộc đến chợ từng tốp từng tốp từ các ngả đường. Con phố trước đường vào khu vực chợ đông nghịt người với đủ màu sắc. Có quá nhiều du khách ngoại quốc đến tham quan chợ Bắc Hà trong ngày họp chợ phiên. Một đoạn đường dài hầu hết là các gian hàng bán đồ lưu niệm cho du khách. Khu chợ chính nằm ở phía trong trên một bãi đất cao. Đây mới là khu chợ chính của người dân tộc. Cũng vẫn những gian hàng đồ tiêu dùng, hoặc các đặc sản của rừng từ cây thuốc đến giò lan… Trong khi phụ nữ đi mua sắm hoặc bán hàng của mình, thì cánh đàn ông tập trung lại mấy hàng bán thuốc lào rít khói mù mịt. Rượu cũng là thứ mà cánh đàn ông quan tâm. Ngoài việc uống say bí tỉ tại chợ phiên rồi, họ còn mua về trữ trong những ngày không đi chợ. So với chợ Pha Long thì chợ Phiên Bắc Hà thật sự hơn hẳn về quy mô, về lượng người họp chợ và cũng không náo nhiệt bằng. Thế nhưng tôi thích Chợ Pha Long hơn. Cũng trang phục rực rỡ cũng vẫn những hoạt động mua bán, nhậu nhẹt. Nhưng ở Bắc Hà, chợ phiên đã bị du lịch hoá, nó không còn được cái đặc thù riêng biệt của một phiên chợ truyền thống. Ở Pha Long, chợ họp giữa núi rừng, người ta sinh hoạt, trao đổi trong cái không gian quen thuộc và không hề bị dòm ngó bởi những ánh mắt hiếu kỳ của khách du lịch. Ở đây, chỉ riêng hoạt động mua bán đồ kỷ niệm cho du khách cũng đã làm mất đi cái tự nhiên của một phiên chợ vùng cao.
Chúng tôi xem chợ đến cuối buổi trưa. Hôm nay phải về Tam Đảo, nên chúng tôi từ giã chợ phiên Bắc Hà khi buổi họp chợ đến hồi đông đảo nhất. Cũng nuối tiếc không được ở lại đến khi tan chợ. Ngày mai, Trại sáng tác Tam Đảo dành riêng cho một số trại viên người An Giang xa xôi vạn dậm sẽ tổng kết, và sáng ngày kia, chúng tôi sẽ lại xuôi về phương Nam. Phía trước hành trình vẫn còn nhiều điều mới lạ vì trên đường về chúng tôi sẽ ghé thăm các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng với tôi, ấn tượng để lại sâu đậm nhất trong chuyến đi lần này có lẽ là những ngày qua Tây Bắc – một vùng đất tôi vinh hạnh được bắt gặp cái phóng khoáng, cái hào sảng và chân tình của những con người chốn đại ngàn xanh thẳm không thể nào quên!
PHAN VÕ HOÀNG NAM – Theo SCLO