PV : Ai trong đời cũng mong nổi danh thiên hạ, nhất là người sáng tác. Vì danh mà nhiều người thân tàn ma dại, tan cửa nát nhà, ra luồn vào cúi, bạn bè không nhìn mặt nhau. Danh là gì mà ghê gớm thế hả ông Trần Đăng Khoa. Và là một người nổi tiếng, thực chất, ông có thấy sướng như người ta tưởng không?

TRẦN ĐĂNG KHOA : Không. Danh tiếng chỉ là một thứ son phấn. Mà tôi hoàn toàn không có nhu cầu trang điểm. Thích nhất là làm một người vô danh, lẫn trong một biển người. Đi không ai biết. Về không ai hay. Cũng không có người nhòm ngó, tung hô hay đố kỵ. Thế là sướng nhất. Tất nhiên, với những người làm công tác văn học như chúng ta, chỉ nên xem danh tiếng như một giá trị ảo. Chẳng có gì ghê gớm. Cũng không phải ai cứ muốn có danh mà thành được danh đâu. Có người ra đến hàng chục tập sách, lại được sơn phết bằng bao nhiêu giải thưởng, mà rồi cuối cùng cũng có thành được cái gì đâu nếu không có tài thực. Công chúng vẫn có thể quay lưng lại với người được trao giải và cả những người đi trao giải. Ngay cả những người đã thành danh, thời gian và công chúng cũng sẽ sắp xếp lại, định vị lại theo đúng như giá trị đích thực mà họ có. Thời gian bao giờ cũng công tâm, cứ im lặng mà định đoạt lại tất cả mọi giá trị.

PV : Đang là một Thượng tá, cán bộ cao cấp ngon lành trong quân đội, tưởng ông chỉ thiếu chưa đem nốt giời về nhà mình nữa thôi, thế mà ông lại bỏ sang Đài TNVN. Vì tiền thì không phải rồi, vậy có phải vẫn là vì danh?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

TRẦN ĐĂNG KHOA : Không đâu. Tôi về Đài TNVN là về Ban Văn học Nghệ thuật. Mà ban Văn học Nghệ thuật với Tạp chí Văn nghệ Quân đội là hai cơ quan tương đương với nhau, đều làm công tác văn học nghệ thuật, đều có một truyền thống tốt đẹp được công chúng yêu mến. Vì thế, tôi hoà nhập rất nhanh và không có gì bỡ ngỡ. Tôi chuyển sang Đài cũng như đi từ phòng nọ sang phòng kia trong cùng một căn nhà ấm cúng và quen thuộc của chính mình.

PV : Người ta rất khó hình dung một ông Trần Đăng Khoa không biết lúc nào đùa, lúc nào thật… điều hành cả một Ban Văn nghệ ngang cấp Vụ (mặc dù tôi biết ông mới chỉ tạm thời làm Phó), mà lại không được phép… sảy miệng? Ông giải toả giúp người hâm mộ ông chứ?

TRẦN ĐĂNG KHOA : Trước hết, phải nói ngay với ông rằng, tôi làm Phó ban thật chứ không phải làm tạm thời. Và thực tình, tôi có biết đùa đâu, và cũng không hề đùa cợt bao giờ cả. Ông hãy cứ bình tĩnh đọc lại, ngẫm lại tất cả những gì tôi viết, tôi nói, xem có phải đấy là những chuyện bông đùa không? Chỉ có điều, tôi luôn cười vui và cũng nói bằng một giọng vui vui. Tôi muốn đem tiếng cười đến với thiên hạ, vì thế, có người lại nhầm tưởng tôi là một chú hề. Một đạo diễn điện ảnh rất nổi tiếng còn mời tôi đóng vai hề trong một bộ phim hài của anh. Rồi bạn bè còn chèo kéo mời tôi mở đầu cho chuyên mục "Gặp nhau cuối tuần" của Hãng Phim truyện Truyền hình nhằm mục đích chọc cười giải trí. Tôi hoàn toàn không biết trước kịch bản cũng như ý định của những người làm chương trình. Đến trường quay, tôi mới biết mình nhầm và mọi người cũng nhầm, nhưng vẫn giúp bạn bè chơi khúc dạo đầu rồi sau không trở lại cái chốn bông đùa đó nữa. Sau này, bạn bè mời trở lại, nhất là khi kỷ niệm chương trình tròn một năm. Nhưng tôi đã từ chối. Tôi biết đấy không phải chỗ của mình.

PV : Ông có hy vọng kéo được thính giả trở lại chương trình Văn nghệ của Đài TNVN nhờ "thương hiệu" Trần Đăng Khoa không? Điều gì mới mà ông định làm có thể bật mí ngay được?

TRẦN ĐĂNG KHOA : Chương trình Văn nghệ của Đài không cần Trần Đăng Khoa làm "thương hiệu", mà cũng không cần gì thêm, bởi bản thân nó đã là một thương hiệu sang trọng và nó vốn đã rất hấp dẫn rồi. Thuở bé, tôi rất mê những chương trình Văn nghệ của Đài. Chính Đài đã mở cho tôi một cánh cửa đi ra với thế giới rộng lớn. Bạn bè thuở ấy biết được tôi cũng một phần nhờ làn sóng của Đài. Bây giờ vô tuyến truyền hình và các hãng truyền thông phát triển vượt bậc, nhưng không phải vì thế mà Đài mất đi vị trí của mình trong lòng công chúng. Tất nhiên, truyền hình cũng có thế mạnh riêng mà Đài TNVN không thể có được. Nó vừa có hình lại vừa có tiếng. Tiếng minh hoạ cho hình. Hình bổ sung cho tiếng. Nhưng nhiều khi cũng vì những khuôn hình cụ thể mà nó lại xoá đi sự tưởng tượng của khán thính giả. Còn Đài TNVN thì chỉ có ngôn ngữ làm cứu cánh. Nhiều vấn đề được nói sâu, nói kỹ. Thông tin cũng nhanh hơn, nhất là khi Đài có chương trình "thời sự – chính trị – xã hội cập nhật". Nghe Đài là "nhìn" bằng con mắt thứ ba. Nghĩa là "nhìn" bằng sự tưởng tượng. Các thính giả cùng tham gia sáng tạo với những người làm chương trình. Và như thế, nó cũng có một sức mạnh mà vô tuyến truyền hình không thể có được. Đó là chưa kể sự lan toả rất rộng tới những người dân nghèo, những đồng bào ở vùng sâu vùng xa mà sóng truyền hình không vươn tới được. Ngay ở những thành phố hiện đại, sức lan toả của đài cũng rất mạnh, nhất là khi sóng FM đã vào cả điện thoại di động. Đi ra khỏi nhà, hay đang đi trên đường, làm sao người ta vác được truyền hình đi theo. Nhưng Đài vẫn có thể là người bạn đường đáng tin cậy của họ.

PV : Sau mấy tháng làm quan, ông thấy so với làm thứ dân thì thế nào? Có người bảo không ít quan bây giờ phải phấn đấu chết mệt chưa chắc đã đủ tư cách làm dân, ông thấy ý kiến đó có nghiêm túc không?

TRẦN ĐĂNG KHOA : Tôi sang Đài không phải làm quan, mà làm chuyên môn. Nghĩa là vẫn làm những việc sở trường quen thuộc mà tôi đã từng làm gần 40 năm nay. Tất nhiên, ngoài chuyên môn, bây giờ còn thêm công tác quản lý. Điều ấy cũng không khó lắm. Vì đây vẫn là một cơ quan văn nghệ, làm những công việc mà mình có am hiểu. Tất nhiên, văn nghệ phát thanh cũng có đặc thù riêng. Điều quan trọng là cùng với các cộng sự, người quản lý phải tạo ra bầu không khí vui vẻ, ấm cũng, để anh em yên tâm sáng tạo, phát huy được những sở trường, hạn chế những sở đoản. Hiện nay, Ban Văn nghệ Đài TNVN có những biên tập viên rất giỏi và thạo việc. Họ lại rấ
t trẻ và năng động, cùng với một đội ngũ cộng tác viên rất hùng mạnh, tôi tin chương trình sẽ có nhiều cải tiến, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của các thính giả.

PV : Trong cuộc sống và trong công việc, ông thích nhất điều gì và sợ nhất điều gì?

TRẦN ĐĂNG KHOA : Tôi không ngại bất kỳ lời dị nghị nào, kể cả những tin đồn hay những đánh giá xấu xa nhất về mình. Bởi tôi tin, nếu ai đó đọc kỹ tôi, tiếp xúc với tôi, hoặc sống cùng tôi, họ sẽ chẳng bao giờ tin những chuyện thất thiệt ấy. Thế thì có gì mà phải sợ. Còn thích gì ư? Tôi thích nhất các độc giả, đặc biệt là các cô gái bảo : "Cái lão ấy viết chẳng ra gì, nhưng nhìn mặt lại được. Nhắm mắt lại mà ngắm, không khéo lão cũng đẹp giai!".

PV : Không thể phủ nhận ông là một trong vài người nổi tiếng nhất trong nước hiện nay – đương nhiên là tôi đang khoanh lại ở lĩnh vực văn chương. Nhưng lịch sử văn học nước nhà đã và đang xảy ra hiện tượng nhiều người tiếng to gấp cả chục lần thành tựu thật. Nghĩa là danh tiếng thì nổi như cồn (không hiểu vì sao) và hưởng đủ nhờ cái danh ấy, nhưng khi ai đó yêu cầu chỉ ra thậm chí một bài thơ, một truyện ngắn trung bình thôi cũng không bói đâu ra. Ông có đủ tự tin để loại mình khỏi danh sách hàng chục ấy không?

TRẦN ĐĂNG KHOA : Ấy là ông cứ nghĩ thế, chứ tôi đâu dám nghĩ mình là một trong vài người nổi tiếng nhất. Mà sao ông cứ lo những việc đâu đâu ấy. Cái chuyện sắp xếp này là việc của thời gian và công chúng chứ đâu có phải việc của tôi với ông. Vậy thì việc gì chúng mình cứ "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" cho nặng bụng!

T.D.A – Theo vovnews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *