Sự cất cánh của Trung Quốc không nhất thiết phải dẫn tới một cuộc “đụng độ nảy lửa” với Hoa Kỳ về các quy tắc và vai trò lãnh đạo toàn cầu. Và điều quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cần ghi nhớ là Trung Quốc có thể bắt kịp một Hoa Kỳ đơn lẻ, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ không thể bắt kịp nổi cả một trật tự phương Tây.
![]() |
Trung Quốc và WTO : Gia nhập WTO là một bước tiến quan trọng hội nhập kinh tế thế giới của Trung Quốc |
Giang tay chào đón
Lợi ích quan trọng nhất của những đặc điểm này hiện nay là chúng mang tới cho trật tự phương Tây một khả năng đáng kể để “mời chào” những cường quốc đang lên. Những cường quốc mới gia nhập hệ thống có rất nhiều cách để giành vị thế và quyền lực cũng như cơ hội để đóng vai trò điều hành trật tự. Thực tế là việc Hoa Kỳ, Trung Quốc và những cường quốc khác có vũ khí hạt nhât cũng hạn chế khả năng thách thức của một cường quốc đang lên muốn lật đổ trật tự đang tồn tại. Trong kỷ nguyên hạn chế vũ khí hạt nhân, may mắn thay là cuộc chiến tranh giữa các cường quốc từ lâu đã không còn là một cơ chế thay đổi lịch sử. Sự thay đổi do chiến tranh gây ra đã bị thủ tiêu theo tiến trình lịch sử.
Khung quy định và thể chế hùng mạnh của trật tự phương Tây đã bắt đầu thúc đẩy quá trình hội nhập của Trung Quốc. Ban đầu, Trung Quốc tuân theo các quy định và thể chế nhất định vì những mục đích tự bảo vệ : bảo vệ chủ quyền và những lợi ích kinh tế, đồng thời tìm cách đảm bảo với các quốc gia khác về mục đích hòa bình của mình thông qua việc tham gia vào các nhóm liên minh khu vực và toàn cầu. Nhưng, như học giả Marc Langteigne nhận xét, “Thứ đang chia rẽ Trung Quốc với các quốc gia khác, và giữa những cường quốc toàn cầu trước đó, không chỉ là do quốc gia này “đang lớn mạnh” trong khuôn khổ thể chế quốc tế phát triển xa hơn bất cứ lúc nào, mà quan trọng hơn cả, đó là Trung Quốc đang lớn mạnh trong khi chủ động tận dụng những thể chế này để thúc đẩy sự phát triển vị thế cường quốc toàn cầu của quốc gia này”. Tóm lại, Trung Quốc đang ngày càng có khuynh hướng hoạt động trong khuôn khổ, chứ không phải là bên ngoài trật tự phương Tây.
Trung Quốc đã là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, di sản của sự quyết tâm của Roosevelt nhằm xây dựng một cơ quan toàn diện xung quanh đường lối lãnh đạo của nhiều cường quốc. Quyết định này mang tới cho Trung Quốc quyền lực và lợi thế “đặc quyền cường quốc” tương đương những thành viên thường trực khác. Hệ thống thương mại toàn cầu hiện thời cũng rất có giá trị đối với Trung Quốc, và giá trị này đang ngày càng gia tăng. Những lợi ích kinh tế của Trung Quốc tương đối đồng dạng với hệ thống kinh tế toàn cầu hiện thời – một hệ thống mở và được thể chế hóa tương đối lỏng lẻo – và Trung Quốc đã nhiệt tình nắm bắt và lớn mạnh. Quyền lực quốc gia ngày nay, xét cho cùng đều là dựa vào sự tăng trưởng kinh tế ổn định, và Trung Quốc nhận thức rõ rằng, không một cường quốc nào có thể hiện đại hóa mà không hội nhập với hệ thống tư bản toàn cầu hóa. Nếu một quốc gia muốn trở thành một cường quốc thế giới, nó không có sự lựa chọn nào khác là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Con đường đi tới quyền lực toàn cầu, muốn hiệu quả, luôn phải đi qua trật tự phương Tây và các thể chế kinh tế đa phương.
Trung Quốc không chỉ cần tiếp tục tiếp cận hệ thống tư bản toàn cầu, Trung Quốc còn muốn đảm bảo rằng, những quy tắc và thể chế của hệ thống được thực thi. Ví dụ như, những nguyên tắc thương mại đa phương và những cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đều mang đến cho Trung Quốc công cụ để được bảo vệ trước những nguy cơ về phân biệt đối xử và chủ nghĩa bảo hộ mà những cường quốc kinh tế đang lên thường phải đương đầu. Sự tiến triển trong chính sách của Trung Quốc cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra những lợi thế này : Với việc Bắc Kinh ngày càng tham gia nhiều hơn vào sự tự do hóa kinh tế giúp họ tăng đầu tư nước ngoài và góp phần quan trọng cho sự phát triển thương mại, thì Trung Quốc cũng đang nắm bắt nhiều hơn các quy tắc thương mại toàn cầu. Có thể là khi Trung Quốc trở thành nhà vô địch trong WTO, sự hỗ trợ của các nền kinh tế phương Tây trưởng thành hơn cho WTO sẽ dần suy yếu. Nhưng chắc chắn rằng cả những quốc gia đang lên cũng như đang xuống sẽ tìm thấy giá trị trong những cơ chế gần như có tính pháp luật cho phép các xung đột được giải quyết hoặc ít nhất được thông tin.
Các thể chế kinh tế quốc tế hiện thời cũng tạo cơ hội cho những cường quốc mới nổi có thể đi lên theo thứ tự. Tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank), điều hành phải dựa trên những phần đóng góp kinh tế, điều mà các quốc gia đang lên coi là cơ hội để có tiếng nói lớn hơn trong thể chế. Để đảm bảo, quá trình điều chỉnh phải được tiến hành thận trọng và chậm rãi. Hiện tại, Hoa Kỳ và châu Âu vẫn giữ vai trò chi phối IMF. Hoa Kỳ chiếm 17% số phiếu (giảm từ 30%) – một số phiếu đủ để kiểm soát, vì 85% số phiếu tán thành là đủ cho một quyết định – còn Liên minh châu Âu thì có tiếng nói nặng ký trong việc bổ nhiệm 10 trong số 24 thành viên của Ban quản trị. Nhưng vẫn có những áp lực ngày càng tăng. Đáng chú ý là nhu cầu tài nguyên và nhu cầu duy trì sự cân bằng, điều đó chắc chắn sẽ thuyết phục được các quốc gia phương Tây thừa nhận Trung Quốc vào nội bộ các thể chế điều hành kinh tế này. Ví dụ như các cổ đông hiện tại của IMF nhìn thấy vai trò ngày càng lớn đối với các quốc gia đang phát triển là cần thiết phải làm mới thể chế và vượt qua những cuộc khủng hoảng hiện tại về nhiệm vụ. Trong cuộc họp của IMF tổ chức tại Singapore tháng 9/2006, họ đã nhất trí rằng, cải cách sẽ đem lại cho Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ một tiếng nói lớn hơn.
Khi Trung Quốc thoát khỏi vị thế của một quốc gia đang phát triển (và vì thế thoát khỏi vị thế khách hàng của những thế chế này), Trung Quốc sẽ ngày càng có khả năng hành động như một khách hàng quen thuộc và một cổ đông. Vai trò lãnh đạo trong những tổ chức này không đơn giản chỉ là phản ánh quy mô nền kinh tế (Hoa Kỳ vẫn duy trì quyền biểu quyết trong IMF cho dù trọng lượng nền kinh tế nước này đang giảm dần). Sự tiến bộ lũy tiến trong nội bộ những tổ chức này sẽ tạo ra cơ hội quan trọng cho Trung Quốc.
(còn nữa)
G.John Ikenberry*
Tạp chí Foreign Affairs, số 1/2 – 2008
Mai Hương dịch
*G.John Ikenberry là Giáo sư về chính trị và các vấn đề quốc tế tại Trường Đại học Princeton và là tác giả của cuốn Sau chiến thắng : Thể chế, sự ràng buộc mang tính chiến lược và sự tái thiết trật tự sau những cuộc chiến lớn.