Công nghệ tinh vi nhất mà bọn làm rượu ngoại giả đang thực thi có thể khiến người ta choáng váng! Bọn chúng đã dùng mũi khoan bằng kim cương, khoan vào đáy chai rượu xịn. Các hãng rượu nổi tiếng có chữ A hoặc chữ O dập nổi ở đáy chai rất tinh vi (chẳng hạn thế), mũi khoan kim cương bé như sợi tóc sẽ khoan vào giữa cái phần khoảng không (không có nét chữ) của chữ O, hoặc chữ A, rồi dùng xơ-lanh bé tẹo hút hết rượu ra, đem bán vào các… bịch ni-lông với giá tương đối cắt cổ cho người cần uống rượu xịn mà không cần… vỏ chai. Rồi chúng hòa rượu trắng vỉa hè với nước đường đun cháy, chất hóa học mang đủ các mùi vị (hương liệu trôi nổi), bơm vào chai rượu, thế là thành rượu Tây. “Bình cũ rượu mới”, cái gì cũng xịn, cả tem, cả chữ, cả nút chai đều xịn, duy có rượu là… giả. Hết chỗ nói.

Các con buôn thường xuyên, phổ biến dùng bánh đúc, bánh ngô ôi thiu, bẩn thỉu, độc hại để nhồi vào trong gà, vịt, ngan… nhằm tăng trọng lượng rồi đem bán. Người ta gọi đó là trò… "ăn cắp cái diều gà vịt"

 
Hết chỗ nói với hàng giả, nhưng có hai điều cốt tử mà tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay đang “lên tiếng” thì lại rất sốt dẻo. Thứ nhất, cơ quan chức năng, ban bệ đầy đủ cả, các vị cần tăng cường năng lực và tăng cường các chiến dịch tiễu trừ hàng giả, hàng rởm một cách có hiệu quả hơn nữa. Như đã phân tích ở đầu bài viết, các tụ điểm hàng lậu, hàng nhái, hàng rởm không khó để phát hiện, tai mắt nhân dân biết cả, vấn đề là chúng ta thật sự thấy rõ vai trò sống còn của việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu để mà dồn sức, hạ quyết tâm “tấn công”. Thứ hai, việc hàng giả, rượu giả tràn lan trong dịp Tết còn liên quan đến thói quen coi Tết là thiên đường mua sắm và tiêu xài hoang phí, quà cáp biếu xén “ngút trời” của nhiều người Việt Nam. Có lẽ bây giờ, ngày nghỉ trong năm cũng nhiều, cuộc sống đã được cải thiện nhiều, chúng ta nên chia bớt sự “xả láng” thời gian và vật chất trong các kỳ nghỉ khác nữa, thay vì dồn mọi thứ vào dịp Tết. Đến cả cái việc thụ hưởng trong dịp Tết ngồn ngộn kia cũng đã là quá sức với bất cứ ai rồi. Chưa nói đến các cái “nạn”. Tắc đường, tranh giành vé tàu xe, tai nạn giao thông do rượu bia, tiêu xài hoang phí, hàng giả hàng nhái tràn lan, nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, tội phạm các loại gia tăng trong dịp Tết. Tết, ở góc độ nào đó là “tai họa” với cơ quan quản lý và nhiều người. Nhiều bà nội trợ, Tết đến không còn biết cái gì nữa ngoài… nấu nướng, rửa bát, tiệc tùng phục vụ gia đình. Tết trở thành cái “họa”. Nhiều người đã bắt đầu cảnh báo về việc tú hụ vật chất, xô bồ vật chất dồn về ngày Tết đã ít nhiều làm cho không ít những giá trị tinh thần tốt đẹp, đích thực được kết tinh từ hàng ngàn năm Tết Việt bị bị “hư hao” đi.

Thứ ba, kiến nghị nhân nỗi ám ảnh hàng giả của tôi. Trước, làm ở Báo Thanh Niên, tiện thể, tôi có nhờ anh chàng Q., là thợ điện nước ở gần tòa soạn (anh này vẫn “phụ trách” điện nước ở cơ quan tôi) lắp cho gia đình tôi ít thiết bị điện. Nhân thế, anh ta mới gạ tôi rằng, nếu tôi tử tế, biết lo cho con cái, thì nhất định phải lắp thêm một cái thiết bị chống… giật cho hệ thống điện nhà mình. Bởi nhà có trẻ nhỏ, nó sờ vào điện là chết cứng. Vợ tôi tá hỏa, lắp ngay, lắp ngay! Giá cắt cổ (dĩ nhiên). Anh ta lắp một thiết bị bé xíu, rồi bảo, hễ ai sờ vào điện, toàn bộ hệ thống điện trong nhà sẽ tự ngắt, tôi yên tâm lắm, cho con cái lang thang gần ổ điện… vô tư. Đến một ngày, chị giúp việc nhà tôi bị điện giật lăn đùng ngã ngửa. Điện không ngắt, thiết bị đó vẫn là miếng nhựa đen ở góc nhà, vô hồn, rợn lên một sự điêu trá. Đem ra hỏi các chuyên gia về điện, thì họ bảo, bị lừa. Thề là tôi không mấy tiếc tiền lắm. Chỉ có điều, từ ngày đó, tôi hãi hùng trước cái sự lừa lọc tinh vi có thể có của đồng loại với nhau. Tôi hay đi công tác, lười mang quần áo, thiếu thì lại mua những cái quần áo phố huyện mặc tạm. Tiền nào của nấy, nhưng bà con vùng cao, vùng trung du đang phải mặc thứ đồ nhái, đồ dởm đến tang thương, thưa quý vị. Quần và áo, đặc ni-lông, mà điều kỳ quái là cái bọn “gia công” nó dã man đến mức, túi quần túi áo, lúc mua đã bị thủng, hoặc mặc hai lần là thủng hết. Chỉ thủng túi. Không phải cá biệt, tôi tìm hiểu thì thấy quần áo dởm đi đôi với túi dởm, ni-lông nóng như đang mặc cái áo mưa. Nhiều người mất tiền, mất giấy tờ quan trọng, chìa khóa các loại chỉ vì những cái túi dởm đó. Chỉ là một mụn vải và mấy đường khâu cho tử tế, họ không thể làm được vì bà con mình sao? Ở vùng cao, con buôn nó rủ rỉ đem lên rồi bán 500 đồng (tiền mua một nhánh hành) một que kem thơm nức, 1.000 đồng/chai nước cam thơm lựng, chai thủy tinh hẳn hoi – tôi xem bà con uống rồi nếm. Trời ơi, toàn là đường hóa học với những cái chất ma toi gì, kinh khủng. Vì thế, nó rẻ kinh khủng trong thời giá cả leo thang này!

Trong khi quá nhiều thứ hàng bị làm giả, làm nhái, làm kém chất lượng, thì có một thứ hàng luôn trưng biển hàng "giả" mà không hề sợ bị khách hàng "từ mặt". Đó là các cửa hiệu làm răng giả, hàm giả

Tôi bị ám ảnh bởi những thứ hàng rởm, hàng sản xuất theo công nghệ cho sự… khốn khổ và khinh rẻ đồng loại đó. Nhân thế, tôi mới cay đắng nhận ra : không chỉ cho người khác nhập viện vì thực phẩm độc hại, không chỉ là người ta tàn tật vì tai bay vạ gió do các thứ hàng dởm gia công, làm nhái, làm điêu; hàng “đểu” còn gieo cho người ta sự hoang mang, sự mất niềm tin vào sự tử tế của con người với nhau. Tôi ghét những kẻ thay vì đi bắt kẻ cắp, lai quay ra kêu gọi lương tâm của bọn kẻ cắp; nhưng trong trường hợp này thì ta cần xét đến yếu tố lương tâm của bọn làm ăn điêu trá. Có rất nhiều thứ hàng dởm, nó chỉ có thể ra đời từ bàn tay, ý tưởng, sự nhẫn tâm của những kẻ “lạc loài”. Những nhân cách quái thai. Chúng ta có một phần trách nhiệm trong sự sinh ra, đào tạo, “nuôi dưỡng” những nhân cách vì chút lợi nhuận sẵn sàng biến mình thành Quỷ Sứ, thành Lạc Loài kia không? Tôi nghĩ là có.

Khi mà, phía sau một thứ đồ ăn, một chai nước uống “dởm” là cảm nhận về sự điêu trá đáng ngạc nhiên của đồng loại với nhau, về những nhân cách lạc loài quái thai của chính đồng bào mình – thì hàng giả, hàng dởm lại đã trở thành câu chuyện của tâm trạng xã hội. Mối nguy của nó, vượt lên cả những hậu họa sức khỏe, tai ương vật chất sinh học mà hàng dởm mang lại.

Chỉ cần xử theo đúng quy định nghiêm minh của pháp luật sẽ ngăn chặn được hàng giả, rượu giả!

Trước tình hình nóng lên của ‘rượu dởm” đón Tết 2008, vào tháng 10/2008 vừa qua, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an… cùng các doanh nghiệp liên quan phối hợp tổ chức buổi Toạ đàm về "Giải pháp ngăn chặn rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng và những vấn đề đặt ra cho ngành rượu Viêt Nam thời kỳ hội nhập" nhằm tìm ra các giải pháp ngăn chặn rượu “đểu”. Một lần nữa, đề tài rượu Tây pha bằng nước lã, cồn, nước đường, phẩm màu độc hại lại nóng ran trong sự bất bình của những người có lương tâm. Ông Nguyễn Mạnh Hoà, Phó giám đốc Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) dâng kiến nghị : riêng với đơn vị của ông, gần đây, lực lượng hữu trách đã phát hiện tới trên 50 cơ sở làm giả các sản phẩm bán chạy, được người tiêu dùng ưa chuộng như Vodka Hà Nội, Nếp mới…

Mới đây, ngày 18/8/2008, cơ quan chức năng đã phát hiện ra vụ làm giả 153 kg nhãn hiệu Vodka, 5.000 nút chai đã in hiệu Vodka và 35.000 nút chai chưa in nhãn hiệu kể trên (được chuẩn bị để in nhãn hiệu Vodka) tại đường Dương Văn Dương, quận Tân Phú (TPHCM). Tại Hà Nội, vụ làm giả trắng trợn rượu Vodka trong số nhà 20 Vĩnh Tuy, cũng mới bị phát hiện, gây công phẫn trong dư luận.

Thượng tá Bùi Văn Can, Phó Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Quản lý Kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) đến với buổi tọa đàm với nhận định đanh thép, thuyết phục : việc đấu tranh với các đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhất là khi phát hiện ra số lượng lớn rượu có dấu hiệu vi phạm nhưng không thể đưa ra xử lý hình sự vì Viện Kiểm sát yêu cầu phải đưa đi giám định từng chai, mất quá nhiều kinh phí và thời gian. Còn nếu chỉ phạt hành chính như hiện nay thì không có tác dụng răn đe, các đối tượng sẽ vẫn không ngần ngại ngựa quen đường cũ!

Việc xử lý đối tượng sản xuất rượu ngoại giả các loại được áp dụng theo Điều 157 Bộ Luật Hình sự (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh).

Nội dung của Điều 157 quy định : Người sản xuất, buôn bán hàng giả thì bị phạt tù từ 2 – 7 năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 5 – 12 năm : có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng…

Nhưng trên thực tế, các vụ sản xuất, buôn bán rượu giả khi bị phát hiện đều bị khởi tố, nhưng đến khi ra tòa, mức án xử phạt lại quá nhẹ. Vì vậy, đã có nhiều trường hợp sau khi thi hành án lại tiếp tục tái phạm. Các đối tượng chấp nhận bị khởi tố, chấp nhận bị xử lý hành chính, để tiếp tục sản xuất hàng siêu lợi nhuận là rượu giả. Nói rộng ra, nhiều thứ xử lý của chúng ta với hàng giả, hàng kém chất lượng đang bị “nhờn thuốc”. Nhiều ký kiến cho rằng : chỉ cần xử lý nghiêm các đối tượng, theo đúng các quy định nghiêm khắc của luật, thì tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ giảm. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực hiệu, quả của lực lượng chống hàng giả, hàng kém chất lượng để tiến tới loại bỏ tối đa lối làm ăn điêu trá kể trên ra khỏi xã hội chúng ta./.

(PV – Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, báo chí)

 Bài và ảnh : Đỗ Lãng Quân – Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *