Nếu để âm thanh ồn ã của "bão" công nghệ thông tin làm mất dấu bài hát tâm hồn của mình và quên cách hát nó thì cuộc sống của bạn sẽ đầy rẫy tức giận và thất vọng chán chường.
Bủa vây bởi công nghệ thông tin
Vừa lái xe vừa "tám chuyện" không ngớt hay xem đĩa DVD trên màn hình laptop trước mặt… Đó là những "chuyện thường ngày ở huyện" mà ai cũng dễ dàng bắt gặp khi rong ruổi trên đường.
"Chuyện nhỏ thôi mà!", hẳn bạn sẽ nhận được cái nhún vai thờ ơ nếu "trót" định có ý kiến.
Tuy nhiên, ngoại trừ các vấn đề không-nói-ra-thì-ai-cũng-biết liên quan tới an toàn giao thông, tôi cứ băn khoăn, tại sao người ta lại cứ thích vừa lái xe vừa nghe điện thoại hay xem phim? Các tuyệt tác công nghệ thông tin đang khiến chúng ta bị choáng ngợp. Chúng ta không kiểm soát chúng, mà ngược lại, chính chúng lại đang kiểm soát chúng ta.
Xung quanh chúng ta giờ đây nào là BlackBerry, Kindle, nào là iPad, còn chúng ta thì dường như chẳng bao giờ ngơi tay gửi e-mail, hý hoáy nhắn tin, chat và tweet (gửi tin nhắn qua mạng xã hội) – tôi vẫn cứ hay gọi là twitter, nhưng các cô cậu teen "dạy" tôi là phải đọc là tweet thì mới đúng.
Theo tôi, hiện tượng này là một phần của một trong những khía cạnh "kỳ dị" trong nền văn hóa của chúng ta : đó là cái xu hướng điên cuồng, bắt chúng ta phải làm hai hay ba việc cùng một lúc. Tại sao người ta lại cho rằng, khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ một lúc là tài năng đáng ngưỡng mộ nhỉ? Lẽ ra phải coi đó là một khiếm khuyết bộ não, khiến con người không thể tập trung vào một việc gì ra hồn trong thời gian lâu dài thì mới đúng.
Tại sao chúng ta cứ phải kiểm tra hộp thư điện tử cả chục lần mỗi ngày, hay lúc nào cũng kè kè chiếc di động bên tai? Khi xem tin tức trên truyền hình cáp, luôn có dòng chữ chạy các tin tức bổ sung bên dưới, còn phía bên trái màn hình thì liên tục nhấp nháy các thông tin về thị trường chứng khoán, bên phải quảng cáo các sự kiện sắp phát sóng. Thường những phần thêm thắt này sẽ khiến khán giả khó mà tập trung theo dõi nội dung chính mà nhà đài muốn truyền tải.
Tìm lại "bài hát tâm hồn"
Có lẽ đã đến lúc nên chấm dứt những thói quen "hiếu động thái quá" cùng chế độ "công nghệ chuyên chế" và cơn cuồng không giới hạn này. Chúng ta cần phải sống chậm lại và hít một hơi thở thật sâu.
Tôi không định thành "kỳ đà cản mũi" các tiến bộ công nghệ đáng ngưỡng mộ xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Tôi hoàn toàn không muốn chúng ta quay trở lại kỳ cạch gõ chiếc máy chữ thủ công với những tờ giấy than xấu xí hay những chiếc kẹp tài liệu hoen ố trong nhà lưu trữ tài liệu. Tôi chỉ nghĩ rằng, chúng ta nên coi công nghệ cũng giống như bất kỳ một thứ công cụ nào khác. Chúng ta nên kiểm soát chúng, và "nhào nặn" chúng theo các mục đích của con người.
![]() |
Sống chậm lại để giữ gìn bài hát tâm hồn |
Hãy gỡ bỏ một vài thứ đồ công nghệ đó khỏi người và dành một chút ít thời gian để được là chính mình. Một trong những vấn đề gốc rễ trong xã hội ta là chúng ta có xu hướng bỏ qua những gì thật sự mang chất "người" trong chính bản thân mình, trong đó bao gồm cả những nhu cầu cá nhân – những nhu cầu rất đặc biệt, và phần lớn là phi vật chất – nhưng lại có vai trò rất lớn trong việc hoàn thiện con người chúng ta, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta, khiến chúng ta trở nên lớn lao hơn và cho phép chúng ta tiếp nhận mọi thứ xung quanh một cách dễ dàng hơn.
Một nhân vật trong vở kịch "Joe Turner’ s come and go" (tạm dịch : Chuyện đi – ở của Joe Turner) của August Wilson từng nói, mỗi người đều mang trong mình một bài hát, nhưng đôi khi, chúng ta lại làm mất dấu bài hát đó và lạc lối. Nếu bạn để âm thanh ồn ã của thế giới công nghệ thông tin làm mất dấu bài hát của mình và quên cách hát nó thì chắc chắn, cuộc sống của bạn sẽ đầy rẫy những nỗi tức giận và thất vọng chán chường.
Cũng nhân vật này, khi nhớ lại lúc để lạc bài hát của mình, nói : "Có điều gì đó xảy ra, khiến trái tim tôi không còn đều nhịp và êm ái nữa."
Tôi thì không cho rằng chúng ta có thể duy trì sợi dây liên lạc với "bài hát tâm hồn" đó của mình bằng cách liên tục twitter hay tweet, hay gõ tin nhắn trên chiếc BlackBerry, hay gom cả một kho bạn ảo trên Facebook.
Chúng ta cần phải "giảm tốc" cuộc sống của mình và cứu lấy cuộc hành trình của kiếp người. Thỉnh thoảng, hãy để điện thoại di động ở nhà. Hãy cố gắng gặp gỡ và trao yêu thương cho bạn bè, người thân nhiều hơn nữa, và giảm thời gian viết tin nhắn đi. Và hãy biết kiệm lời, đừng nói quá nhiều nữa.
Hãy lắng nghe!
Người khác cũng có nhu cầu được chia sẻ mà. Và khi họ không nói, thì cái sự im lặng tuyệt vời mà bạn "nghe thấy" đó sẽ hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn cả tưởng tượng của bạn đấy. Đó là khi bạn nghe thấy bài hát của mình lên tiếng. Đó là khi những suy nghĩ tốt đẹp nhất trong bạn xuất hiện, và bạn trở về đúng với con người của mình.
BOB HERBERT
Thủy Nguyệt dịch từ New York Times – Theo TVN