(TuanVietNam) – Dịp 70 năm ngày mở đầu Thế chiến II, Chính phủ Anh đã đứng ra xin lỗi ông Alan Turing – một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX do Time bầu chọn.

Alan Turing (1912 – 1954) là người từng có cống hiến lớn về toán học và góp phần to lớn trong cuộc kháng chiến chống phát-xít nhưng lại bị đối xử tàn nhẫn.

Giảm bớt hy sinh, mất mát nhờ Alan Turing

Alan Turing

Thể theo nguyện vọng của công chúng, Thủ tướng Anh Gordon Brown tối ngày 10 tháng 9 vừa qua đã thay mặt Chính phủ nói lời xin lỗi Alan Turing. Bản tuyên bố này phát trên website number10.gov.uk của Phủ Thủ tướng Anh.

Mở đầu bản tuyên bố, Thủ tướng Brown viết : Năm 2009 là một năm của sự tái suy nghĩ sâu sắc, là dịp tốt để nước Anh với tư cách một quốc gia tưởng nhớ từ đáy lòng những gì chúng ta mắc nợ các bậc tiền bối.

Một chuỗi nhiều ngày kỷ niệm và sự kiện khiến lòng chúng ta trào lên cảm giác tự hào và cảm kích về quá khứ của nước Anh : Kỷ niệm 70 năm ngày mở đầu Thế chiến II, ngày Anh quốc tuyên chiến với Đức phát-xít, 65 năm ngày đổ bộ Normandy…

“Cho nên, tôi vừa vui lòng vừa tự hào khi thấy rằng, nhờ sự đoàn kết của các nhà khoa học máy tính, sử gia và các nhân sĩ đấu tranh vì quyền lợi của người luyến ái đồng giới, năm nay, chúng ta có dịp kỷ niệm một đóng góp nữa vào cuộc chiến đấu của nước Anh chống phát-xít Đức – đó là đóng góp của ông Alan Turing, chuyên gia phá khóa mật mã”.

Ông Brown viết : Turing – cùng nhiều nghìn người nam luyến ái đồng giới khác từng bị kết án như ông bởi các luật pháp của sự căm ghét và sợ hãi luyến ái đồng giới (homophobic laws) – đã bị đối xử một cách đáng sợ.

“Tuy rằng Turing bị xử theo luật pháp thời ấy và chúng ta không thể quay ngược kim đồng hồ, song dĩ nhiên, sự đối xử với ông là cực kỳ bất công và tôi rất vui lòng có dịp để nói, tôi và chúng ta vô cùng lấy làm tiếc trước những gì đã xảy ra với ông”.

Trước đó, hai bản thỉnh nguyện do nhà khoa học máy tính John Graham-Cumming và sinh viên Cameron Buckner phát trên mạng hồi cuối tháng 8 năm nay đã thu được chữ ký của hàng chục nghìn người, trong đó có nhà văn Ian McEwan, nhà khoa học Richard Dawkins, nhân sĩ đấu tranh bảo vệ quyền luyến ái đồng giới Peter Tatchell.

Chính đóng góp có tính quyết định của tiến sĩ toán học Alan Turing vào việc phá khóa mật mã phát-xít Đức đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Đức của nhân dân Anh, tới mức các sử gia cho rằng, nhờ đó, chiến tranh kết thúc sớm được 2 năm – có nghĩa là nước Anh và loài người bớt được biết bao hy sinh về người và của.

Ngoài ra, ông cũng có đóng góp lớn về khoa học, được coi là cha đẻ của tin học và trí tuệ nhân tạo.

Thế nhưng, từ tháng 9/2009 này trở về trước, “Turing chưa bao giờ được công nhận một cách thỏa đáng. Trong khi đó, rõ ràng, việc làm của ông đã cứu được nhiều sinh mệnh và ông là người đặt nền móng cho khoa học máy tính” – Buckner viết.

Quả vậy, tuy công trạng hiển hách như thế, nhưng sau khi bị phát hiện là người luyến ái đồng giới, Turing đã bị luật pháp thời ấy đối xử tàn nhẫn, dẫn đến việc ông tự kết liễu đời mình cách đây 55 năm.

Tài năng sớm nở rộ

Alan Turing thể hiện tính ham hiểu biết và thiên tư độc đáo của mình ngay từ năm lên 6 tuổi, khi bắt đầu đi học. 14 tuổi, vào học trường nội trú nổi tiếng có tên Sherborne, ông tỏ ra say mê và có năng khiếu về toán và khoa học, tới mức chỉ học hai môn này mà bỏ các môn khác.

16 tuổi, Turing đã đọc được các tác phẩm của Albert Einstein. Không những nắm được nội dung, ông còn suy luận về những thắc mắc của Einstein đối với các định luật về chuyển động Newton.

Trong các năm từ 1931 – 1934, Turing học tại King’s Colledge của Đại học Cambridge. Sau khi tốt nghiệp đại học với bằng danh dự, ông được ở lại trường, làm nghiên cứu sinh toán học.

Thời gian này, ông đã viết những bài báo khoa học có giá trị, khám phá một lĩnh vực hoàn toàn mới hồi ấy chưa từng có, như vấn đề những con số có thể tính được, vấn đề thuật toán lô-gic và cho rằng có thể dùng máy để tính toán thay người.

Ông đã chứng minh cái máy như vậy (ngày nay, ta gọi là máy tính, hồi ấy chưa xuất hiện) có khả năng tính toán bất cứ vấn đề toán học nào nếu vấn đề ấy có thể biểu thị được bằng một thuật toán.

Ngoài ra, ông còn đề ra ý tưởng làm một cái "máy Turing vạn năng" có thể làm bất cứ việc gì. Mới 25 tuổi, Turing đã được bầu làm thành viên Viện Khoa học của King’s Colledge.

Thời gian 1936 – 1938, Turing tiếp tục nghiên cứu đại số, lô-gic học và lý thuyết số tại Đại học Princeton (Mỹ) dưới sự chỉ đạo của nhà toán học và lô-gic học nổi tiếng Alonzo Church (1903 – 1995) và đạt được học vị Tiến sĩ Toán.

Ông cùng thầy mình đưa ra Luận đề Church-Turing. Luận án tiến sĩ của ông giới thiệu quan niệm tính toán tương đối. Theo đó, ông ghép nhiều máy Turing lại với nhau, trở thành một máy tiên tri (oracle machine), cho phép nghiên cứu những phương trình không thể giải được nếu chỉ sử dụng một máy Turing.

Sau đó, Turing về nước, trở lại Đại học Cambridge. Tại đây, ông tham dự diễn đàn về nền tảng của toán học do triết gia Ludwig Wittgenstein chủ trì. Hai người tranh cãi với nhau rất găng.

Turing về Cambridge chưa được bao lâu thì chiến tranh thế giới nổ ra. Ngày 3/9/1939, Anh tuyên chiến với Đức sau khi Đức tấn công Ba Lan. Turing bước vào cuộc chiến đấu mới, dùng trí tuệ mình góp phần vào cuộc kháng chiến của nhân dân Anh chống phát-xít Đức xâm lược.

Nguyên Hải – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *